25 C
Nha Trang
Thứ năm, 31 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 101

Thư gửi em, nhà văn trẻ

1

(829 chữ, 3 phút đọc)

Ôi, em tìm được niềm khao khát của mình, em chạy thật nhanh sau đó em lạc. Em lạc vào những con mồi béo bở, lạc vào những giá trị hữu hình. Em kiếm tiền nhưng lại trở thành một kẻ rẻ tiền.

Ôi, em ơi… chị sẽ níu giữ em lại. Em là ai? Em có phải là một kẻ đã viết ra những điều đó? Hay em là một kẻ trong bao nhiêu kẻ tầm thường ngoài kia? Không, em là ai? Chị chưa thể nhìn thấy.

Em là một nhà văn, em nhất quyết mình là một nhà văn. Em không phải một kẻ tầm thường. Em yêu những con chữ, chị có thể nhìn vào đôi mắt em và có thể thấy em ngồi bên cửa sổ rệu rã, chẳng ai biết đến mình. Nhưng em được thoả sức ôm ấp những con chữ, em được là chính em, em không dùng tình yêu để đổi lấy thứ không có giá trị với bản thân.

Thay vì em bòn rút những ý tưởng đã cạn khô, em hãy ngồi xuống, có thể khóc, có thể tuyệt vọng nhưng em phải luôn là em. Em còn trẻ, còn cả một đời để tự biết mình là ai. Hãy trau dồi, tiếp tục trau dồi.

Em đừng nghe những lời phê bình, nhận xét, chính những lời ấy đã làm em tự ảo tưởng, làm em chùn bước, làm em phấn khích, mang đến cho em đủ loại tâm trạng. Chúng là những con sâu bọ chỉ muốn đục khoét tâm hồn em. Điều em có thể làm là em hãy nhìn tận sâu vào tâm hồn mình, em có thấy điều gì? Em có thấy mục đích ban đầu hối thúc em viết là gì? Em sẽ làm gì nếu người ta bắt em không được viết nữa? Em có điên cuồng như một con thú dại? Em hãy nhìn xem, họ không bắt em dừng viết, họ lèo lái để em không còn nhìn thấy em nữa. Em phải cứng rắn để chứng minh rằng em là ai. Em không phải một kẻ như bất kỳ kẻ nào khác trên đời này.

Mọi bài viết của em hãy luôn và chỉ luôn xuất phát từ tình yêu, cảm xúc của chính em, với tất cả những gì em có và em viết như thác lũ tuôn trào. Xin em đừng bao giờ tự ngượng ép mình phải viết nữa. Nếu cạn kiệt con chữ em hãy nghỉ ngơi, hãy hoà mình vào thiên nhiên, vào chiếc lá, bông hoa, vào cái radio cũ mèm, vào tất cả những thứ bình thường và gần gũi với em nhất.

Làm nghệ thuật em đừng mong chờ được đáp trả gì cả, em cứ làm những gì em muốn. Nghệ thuật không được tính toán bởi những con số. Một năm, mười năm, hai mươi năm hay ngay cả lúc em đã chết đi cũng đừng bao giờ ao ước rằng em sẽ nổi tiếng, sẽ được mọi người đón nhận. Một người, mười người, trăm ngàn người hay không có ai cả cũng đừng quan tâm. Những con số không có ý nghĩa gì với nghệ thuật. Em viết cho riêng em, em viết để thoả nỗi day dứt trong lòng em, cho con ngõ nhỏ nơi em sống, cánh đồng em đi qua. Nhưng tuyệt đối không viết vì ai, viết cho ai, hoặc bất kỳ mục đích gì mà nó không xuất phát từ trái tim em, từ tình yêu của em.

Em không phán xét, em chỉ quan sát mọi sự vật, sự việc, chỉ đơn giản là quan sát và em kính cẩn, nâng niu, lãnh nhận những ý tưởng như rằng em là một kẻ đầy tớ. Như rằng em phải chịu ơn những ý tưởng nảy ra khi em quan sát. Nhờ đó mà em trân trọng những câu chữ em viết ra.

Em cũng không quá ảo tưởng rằng mình sẽ là ai đó. Nhà văn chỉ là tên gọi dành cho những người yêu việc viết lách. Nó không phải một danh từ cao ngạo, không phải đích đến, chỉ là một cách để phân biệt, là phần thưởng cho tình yêu của em.

Em không có năng khiếu, không có cái nghề nào trong tay. Vậy thì em cứ cố gắng giữ chặt và phát huy việc em làm tốt nhất. Sống xanh tươi như một bông hoa, êm dịu như cơn gió nhẹ và thưởng ngoạn cuộc sống này. Đừng so sánh mình với ai cả, đừng sợ em không bằng người ta. Ông trời sinh ra mỗi người sẽ có những điểm mạnh yếu riêng biệt, không để ai thiệt thòi, quan trọng em có đủ sức và kiên trì để phát huy điểm mạnh của em không? Cô gái, chị tin em sẽ là một nhà văn.

Tác giả: Bà Năm

*Featured Image: Bru-nO

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Cởi bỏ mặt nạ đi, đừng tỏ vẻ là kẻ yêu đời!

0

(940 chữ, 4 phút đọc)

Bạn tôi: Tớ không hiểu tại sao lời lẽ thốt ra từ miệng cậu bao giờ cũng sặc mùi cực đoan. Cậu thực sự không nhìn ra được một màu sắc nào tươi tắn từ đời sống này?

Tôi: Việc tớ nhìn ra nó màu gì không phải là điều quan trọng. Bởi màu xanh, màu đỏ , màu vàng hay màu đen, màu xám, cũng chỉ là thế giới quan riêng tớ. Dù tớ có nhìn nhận nó ra sao thì bản chất của cuộc sống này vẫn luôn là thế.

Bạn tôi: Và cậu đã nghĩ rằng bản chất của nó muôn đời là sự tuyệt vọng của một kiếp người?

Tôi: Tớ không chắc về điều đó. Tất thảy mọi sự tớ đã nhìn thấy và cảm nhận rõ rệt chỉ đang dừng lại trong những câu nghi vấn. Nhưng bạn của tớ ơi, chẳng lẽ cậu chưa bao giờ trông thấy những hạnh phúc ngắn ngủi so với những đau khổ, ánh hào quang chớp nhoáng vừa bừng sáng đã lụi tắt giữa vô thường, rồi con người trở về trong những khốn khổ và nỗi bất lực. Hạnh phúc là gì mà không phải là một nhà tù giam hãm linh hồn của những con người tội nghiệp đáng thương. Hạnh phúc trói buộc họ vào nó, biến con người trở thành tù nhân nô lệ. Thậm chí con người từ muôn kiếp nào cũng đã tự nguyện đeo gông trói buộc mình với hạnh phúc, bởi họ rất sợ hãi đau khổ. Đằng nào hạnh phúc hay đau khổ thì con người cũng sẽ lụi bại dưới bàn tay của cuộc sống.

Bạn tôi: Nhưng vẫn có người tìm ra được cho mình sự an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống. Họ nhìn đời bằng một đôi mắt tinh khôi sáng sủa.

Tôi: Đối với tớ, những người tự huyễn cuộc sống này tươi đẹp là những người chưa bao giờ biết đến mùi vị của đau khổ. Hoặc giả họ đã từng đau khổ đến mức phải yêu đời, thì những người đó cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi đó là những kẻ đã giác ngộ. Những kẻ còn lại là những kẻ luôn ra vẻ bộ tịch am hiểu về cuộc đời. Họ nói rất hay ho nhưng bên trong thì đang đổ nát lụi tàn, đó chỉ là những kẻ đang không ngừng chiến đấu một mất một còn để dành lại về mình sự hồn nhiên chất phác đã bị mang đi đánh cắp. Những kẻ đó càng đáng khinh vì bọn họ luôn đầy mùi giả tạo.

Bạn tôi: Đôi khi tớ thấy kinh hãi trước sự trống rỗng của đời sống này. Tớ không biết phải nhìn nhận đó bằng ánh mắt nào. Con mắt nào cũng bị che khuất bởi những cái không toàn thiện. Mọi thứ trong tớ vẫn chỉ đang là những cuộc thử nghiệm.

Tôi: Nếu cậu vẫn còn đang băn khoăn và phân vân về nó, lời khuyên duy nhất tớ dành cho cậu là hãy cứ tiếp tục trải nghiệm. Tớ không nghĩ những điều tớ đang nhìn nhận xung quanh đời sống này là điều đúng đắn. Nhưng tớ chắc chắn tớ đã kinh qua hết bao nhiêu sự thể mới có thể nhìn ra. Và một khi đã nhìn nhận rõ chân tướng sự việc, tớ không muốn dành cả cuộc đời mình để rao giảng những điều đi ngược lại. Tớ không muốn bày tỏ niềm tin cùng sự lạc quan, lừa bịp người khác và ngay cả chính bản thân tớ. Làm sao tớ có thể gạt bỏ hết tất cả tiếng kêu thống khổ, trấn áp những nỗi tuyệt vọng trong tớ, tớ không muốn mang lên mình một cái mặt nạ chỉ để tinh thần hóa những nỗ lực của con người trong khi nó chỉ là một sự cách điệu dối trá.

Bạn tôi: Cả thế giới luôn nói về sự lạc quan và niềm tin. Đó phải là một bài ca tuyệt diệu tán tụng cuộc đời. Cậu không thể nào nói khác được.

Tôi: Tớ biết. Tớ biết. Tớ phải luôn tỏ vẻ làm bộ làm tịch. Tớ nên tỏ ra vui thú và lạc quan trước tất cả mọi sự, tớ cần ngợi ca sự sống và phải luôn sợ chết.

Bạn tôi: Cậu có nghĩ rằng chúng ta còn trẻ, bản tính mình vẫn còn rất trẻ con, chúng ta cần phung phí thêm vài ba cái thanh xuân nữa thì mới hiểu thêm cuộc đời này.

Tôi: Cũng có thể cậu đúng. Tớ nghĩ mình sẽ rất hổ thẹn nếu đến một ngày tớ nhận ra đời sống này không còn bất toàn như tớ ảo tưởng. Cho đến lúc đó, tớ không muốn mang cái mặt nạ giả dối đó lên mình. Nhưng có lẽ tớ nghĩ cậu và mọi người xung quanh tớ, tất cả chỉ đang hiểu lầm ý tớ. Thỉnh thoảng tớ nhìn vào đời sống này, tớ nói những lời tiêu cực không ai chịu nổi. Không phải vì tớ quá chán ghét đời sống, mà bởi tớ không thể chịu đựng nổi khi ai đó dùng những lời giả tạo để trầm trồ ngợi khen. Đối với tớ những lời ca tụng đó là một sự xúc phạm đối với đời sống chân chính. Đời sống này chỉ đáng giá bằng những câu dối trá làm họ mãn nguyện vậy thôi sao! Mặc dù tớ hiểu hình ảnh cuộc sống trong lòng tớ cũng rõ là vớ vẩn và ngu xuẩn.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: harutmovsisyan

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

[THĐP Review] Con hủi, Helena Mniszek – Tiếng răn ám ảnh dành cho những kẻ lên đường truy cầu hạnh phúc

0

thđp review

(1615 chữ, 7 phút đọc)

“Những nẻo đường nào sẽ dệt thành mạng đường đời cho mình lần bước, những dây đàn nào sẽ rung ngân thanh âm về sự tồn tại của chính mình; điều gì sẽ dành cho mình đây – những ban mai trong lành e ấp hạnh phúc và hương thơm tháng năm hay những hoàng hôn u ám với vầng trăng ủ ê nhợt nhạt? Những ngày hạ nóng nung tranh đấu hay những cơn bão tuyết băng giá nghiệt ngã của số phận?”

Có lẽ những dòng văn chất chứa đầy nỗi suy tư kia cũng đủ để diễn đạt tinh thần lớn nhất của tác phẩm kinh điển Con hủi của nữ văn sĩ Ba Lan Helena Mniszek, đó là sự hoang mang của kiếp con người khi không thể biết trước được tương lai và cuộc chiến khốc liệt của họ trong việc giành lấy hạnh phúc của cuộc đời mình giữa muôn vàn những trái ngang khổ cực.

Tàn nhẫn – đó là tất cả những gì cuộc đời đã dành cho cặp trai tài gái sắc là đại công tử Waldermart Michorowski thuộc dòng dõi quyền quý nhất cả nước và con gái một điền chủ quý tộc nhỏ – nàng Stefcia Rudecka. Tàn nhẫn cũng chính là những gì tác giả dành cho người đọc trong việc dẫn họ vào những cơn bão lòng rung cảm dữ dội cùng với hai số phận trớ trêu trong sự chênh lệch đẳng cấp xã hội.

Nghe tên Con hủi ta có thể hình dung ra một kẻ nào đó xấu xí, bệnh hoạn với hình thù gớm ghiếc sẽ xuất hiện trong cuốn sách. Nhưng không, biệt hiệu này lại dành cho cô gái tài sắc vẹn toàn Stefcia Rudecka ấy. Chính sự khác biệt đẳng cấp của nàng đã khiến nàng trở thành một sinh vật bị ruồng rẫy, đay nghiến, dày xéo và khinh miệt đến tận cùng. Sự dung hòa, chấp nhận là thứ không thể xảy ra khi những độc tố kia đã ken dày thành trùng trùng lớp lớp bởi biết bao nhiêu thế hệ con người. Chỉ những cá nhân thực sự dũng cảm và can trường mới có thể vượt lên được những rào cản đau đớn ấy.

Những khó khăn trong tình yêu bởi sự thiếu môn đăng hộ đối trong truyện Con hủi được khắc họa một cách rất khắc nghiệt và dữ dội, đến mức dường như không thể tưởng tượng nổi rằng trên đời này lại tồn tại những sự hà khắc đến bạo tàn như vậy. Có thể, đây là một cách thể hiện nội dung của tác giả, tương tự như một vở bi kịch mang màu sắc thậm xưng và cường điệu.

“Nhưng cô ta là một phần tử không thích hợp trong giới chúng ta, cô ấy không phải dành cho chúng ta! Không nên gần gũi và thân mật với cô ta. Cô Rudecka, đối với chúng ta – là một con hủi!” – Barxki

Tiểu thuyết này đã làm dậy lên khát khao chinh phục những điều chân thiện mĩ bằng cách phá tung mọi xích xiềng định kiến, các quan niệm và phong tục cổ hủ của xã hội cũ. Sự đau đớn được thể hiện đậm đặc trong cuốn sách làm dấy lên trong tâm linh người đọc một thông điệp rằng nếu ta không dũng cảm vượt qua những điều trái ngang khắc nghiệt, ta cũng sẽ vĩnh viễn nằm lại trong nấm mồ bi thảm và hối tiếc cho tới hết cuộc đời. Con hủi đã đánh động sự thức tỉnh của người đọc bằng nỗi đau và cái chết. Tôi cho rằng đây là sự khôn ngoan và tinh tế của tác giả. Vì theo bản năng sinh tồn, con người luôn sợ hãi bản án tử thần và luôn tìm cách tránh xa những tác nhân dày xéo sự hiện diện của họ.

Tác giả kể câu chuyện về nghịch cảnh trong tình yêu lứa đôi nhưng khi nhìn rộng hơn ta có thể nhận ra nàng Stefcia Rudecka hoàn mĩ kia như một biểu tượng cho sự thật, chàng Waldermart oai hùng là hình ảnh cho khát khao của con người trong việc nhận ra và nắm giữ những sự thật ấy, còn toàn bộ giới quý tộc chống lại hạnh phúc của đôi thanh niên đại diện cho những sự yếu đuối, giả dối và u mê của con người trong cuộc hành trình hướng tới mặt trời chân lý. Câu chuyện này cũng tương tự như chuyện chàng hiệp sĩ mang thanh gươm trắng cưỡi ngựa lên đường băng qua những gai rào đen tối của mụ phù thủy để giải cứu nàng công chúa xinh đẹp đang ngủ mê trong tòa tháp lạnh lùng.

Nội dung cuốn sách được thể hiện giống một vở kịch hơn là một câu chuyện thực tế thường ngày bởi sự dày đặc những chi tiết miêu tả hoa mĩ đậm chất văn chương vừa mơ màng vừa rực lửa, không chỉ cảnh vật mà cả tâm lý con người – lúc hoang mang nghi ngờ, lúc đắm say hoan lạc, lúc đớn đau vật vã và lúc tuyệt vọng thê lương. Có thể nói, Con hủi là một sản phẩm nghệ thuật kiều diễm, được thể hiện rõ ràng trong việc miêu tả ngoại hình, tâm tư, xúc cảm con người và những đường nét của tự nhiên hết sức công phu và tỉ mỉ. Sự tận tâm ấy của tác giả khiến người đọc có được sự đồng cảm lớn lao với nhân vật và có khả năng hình dung bối cảnh câu chuyện đến từng đường nét như thể họ đang được sống ở trong chính thế giới ấy.

Tác phẩm này mang tới một sự kích động vì tò mò khi rất nhiều những dự cảm về nội dung được hé lộ tinh tế trong việc miêu tả thế giới xung quanh, giống như câu thơ của cụ Nguyễn Du: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” Càng đọc kỹ cuốn sách, ta càng thấy được tài nghệ và sự uyên thâm của tác giả trong việc cân đối giữa thế giới bên ngoài và bên trong của con người. Điều này làm sống dậy khả năng linh cảm tương lai của bạn đọc, như thể có một tiếng nói khẽ khàng len lỏi vào trong tâm khảm nhắc ta rằng điều gì đó sẽ xảy ra ở những trang tiếp theo. Và thế là, ta liên tục ở trong trạng thái nôn nao bồn chồn vì không biết rằng những gì ta đang lắng nghe có thật sự đúng đắn. Phải chăng tác phẩm Con hủi là một sự trêu ngươi dành cho con mắt hữu hạn của loài người.

“Con người muốn sống cuộc đời vĩnh hằng trường sinh bất tử, nhưng thế giới lại dựa trên sự sinh và diệt. Đóa hoa nào cũng phải héo tàn biết phải làm sao! Miễn là khi sống hoa khiến cho một giây phút của cuộc đời ta được thêm phần tươi đẹp – song con người bây giờ lại không chịu thỏa mãn với điều đó, họ muốn phân tích, muốn lý giải ngay chính niềm hạnh phúc kia. Nhưng cũng như đóa hoa kia, nếu bị phân nhỏ ra thành muôn mảnh, sẽ chỉ là một búi rác mà thôi. Khi hiểu ra điều đó, thất vọng, họ muốn ghép lại hoa như cũ như cũ, nhưng kết quả thảm thương thay, và thường họ đành  vứt hoa đi… Với mọi chuyện trên đời cũng thế.” – Cụ Maciej

Cảm giác của tôi khi đọc cuốn sách biến đổi từ sự lơ đễnh, mơ màng chuyển sang sự bồn chồn, náo nức, tiếp đến là sự căng thẳng, kích động đến nghẹt thở, để rồi cuối cùng, tất cả vỡ òa trong nước mắt thổn thức. Chưa từng có tác phẩm văn học nào khiến tôi khóc nhiều như vậy cho tới thời điểm hiện tại. Cho đến tận cùng, tôi mới hiểu ra, tất cả những gì tác giả đặt bút trước đó là để chuẩn bị cho khoảnh khắc bùng nổ sau cùng chấn động hơn tất thảy.

Quả thực, nếu nhìn cuốn sách này chỉ đơn thuần là tác phẩm tình yêu lãng mạn, thậm chí mang chất ngôn tình phảng phất thì quả là một điều đáng tiếc cho người đọc. Bên cạnh nội dung to lớn nhất về sự phá vỡ xích xiềng định kiến trong tư duy để vươn tới hạnh phúc chân thực, tác phẩm Con hủi còn đề cập đến những đề tài quan trọng khác về sức mạnh ngôn từ, sự bình đẳng giữa người nam và người nữ trong tình yêu, sự tiến hóa của con người qua các vòng lặp định mệnh và xu hướng tìm kiếm tâm linh khi họ ở trong sự bất lực trước cái chết.

Con hủi có thể trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi về hậu quả có thể xảy ra cho một người khi họ rơi vào đoạn đường thử thách tương tự, đặc biệt trong tình yêu. Nó như một tiếng răn, một lời cảnh báo và cũng là lời động viên thuyết phục người đó vượt lên trên những yếu hèn và run rẩy của chính mình để chạm tay tới niềm hạnh phúc vẫn hằng khao khát. 9/10 là điểm tôi dành cho tác phẩm kinh điển này.

“Người ta không xét ngọc qua cái khung mà qua giá trị bản thân của viên ngọc. Trong một cái khung bằng vàng vẫn có thể đặt những viên ngọc giả.” – Waldermar

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Featured Image: Sadie Pices

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Nếu Phật Thích Ca tranh luận với Adi Shankara. Ai sẽ thắng?

0
4
(1675 chữ, 7 phút đọc) (Dịch từ một câu trả lời trên Quora)

“Shankara bước vào một hội trường nơi Đức Phật đang ngồi cùng các đệ tử của Ngài. Ông cúi chào Đức Phật và gửi tới Ngài lời chúc sức khỏe. Sau đó ông giới thiệu bản thân mình là một vị Phật* đến từ một thiên niên kỉ trong tương lai, và xin phép được hỏi một vài câu hỏi.”

• • •

Đó là một câu hỏi giả tưởng thú vị.

Hãy tạo ra một tình huống và suy ngẫm xem chuyện gì sẽ xảy ra. Để không vượt quá phạm vi, không quá phóng đại, tôi đã in nghiêng những câu từ chính miệng Đức Phật nói ra, những câu này được trích từ kinh điển Phật giáo mà tôi đã đánh số thứ tự trong phần tham khảo. Những phần còn lại đều là hư cấu, một sự dàn dựng dẫn đến tình huống giả lập như được yêu cầu.

Như thế, tôi bắt đầu suy ngẫm:

Shankara bước vào một hội trường nơi Đức Phật đang ngồi cùng các đệ tử của Ngài. Ông cúi chào Đức Phật và gửi tới Ngài lời chúc sức khỏe. Sau đó ông giới thiệu bản thân mình là một vị Phật* đến từ một thiên niên kỉ trong tương lai, và xin phép được hỏi một vài câu hỏi.

*Translator: Chữ Buddha (Phật) là một chức vị dành cho những người đã chứng đạt giác ngộ (enlightenment), niết bàn, và đã hoàn toàn thấu triệt Tứ diệu đế.

Đức Phật chào đón Shankara và cho ông ngồi vào một vị trí thượng đẳng. Mọi người trong hội trường đều kinh ngạc khi thấy một người đàn ông đến từ tương lai và hồi hộp chờ đợi cuộc thảo luận sắp diễn ra. Nôn nao không kém là các vị thần (gods/devas) đã hạ thế từ các tầng trời để chứng kiến cuộc thảo luận này.

Shankara bắt đầu và đặt một câu hỏi,

“Xin hỏi, Ngài là ai?”

Đức Phật im lặng. Một sự im lặng sâu thẳm bao trùm hội trường. Không ai thốt ra một lời nào, tất cả đều đang chờ đợi một câu trả lời từ Đức Phật, nhưng nó không xảy ra.

Hiểu được rằng sẽ không có câu trả lời, Shankara bèn đưa ra một câu hỏi khác. Ngài hỏi,

“Thưa Ngài, Ngài không phải là ai?”

Đức Phật một lần nữa giữ im lặng. Ngài nhận ra người đặt câu hỏi cũng là một người có mức độ giác ngộ ngang ngửa. Ngài hiểu rõ cái bẫy của việc trả lời một câu hỏi như thế này sẽ dẫn tới chuyện gì.

Một sự thinh lặng tuyệt đối một lần nữa bao trùm hội trường. Biết là sẽ không có câu trả lời, Shankara bèn đưa ra câu hỏi thứ ba. Ngài hỏi,

“Thưa Ngài, Ngài có phải là một người nào đó, hay chỉ là một sự sắp xếp (permutation) và kết hợp của vật chất và ngẫu nhiên tình cờ có được ý thức (consciousness) và cảm giác? Liệu rằng việc rời bỏ ý thức này sẽ là cái kết của Đức Phật Thích Ca?”

Phật trả lời, “Shankara, Chính vì có nhân, có duyên, các ý tưởng của con người sinh và diệt [1]. (Thích Minh Châu dịch) Điều này cũng đúng với mọi sinh linh, không loại trừ ta.”

Shankara đáp, “Thưa Ngài, nhân duyên cho sự dẫn đến ý thức đó là gì?”

Phật trả lời, “Nó là những sự định hình có điều kiện. Cái chúng ta tư niệm, tư lường, có thầm ý, cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt thời thức có an trú. Do thức ấy an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái hữu sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. [2] (Tư Tâm Sở: Cetanā, Thích Minh Châu dịch)

Phấn khởi khi hiểu được nhân duyên chính của sự tồn tại, Shankara nói, “Thưa Ngài, vậy thì về cơ bản (chúng) ta là người chịu trách nhiệm cho bản thân ta. Tư niệm dẫn đến hành động, và trong quá trình đó ta gieo nhân cho những sự định hình tương lai!”

“Đúng thế Shankara,” Phật đáp. “Ta là cái ta mong cầu; ta trở thành cái ta mong cầu. Cuộc đời ta có định hướng, và định hướng đó được chi phối bởi những mong cầu và ghét bỏ… Cái một người đang mong cầu sẽ trở thành cá tính (atta-bhava) tương ứng, dù thuận lợi hay không thuận lợi. [3]”

Shankara bèn nói, “Vậy để tóm lại, ta có thể nói rằng một sinh linh trở nên có tri giác là bởi những định hình có điều kiện, cái được dựng lên bởi những mong cầu.”

“Ngươi có thể nói thế,” Phật nói.

“Vậy thưa Ngài,” Shankara nói, “điều gì dẫn đến mong cầu?”

“Nó cũng vẫn là những sự định hình có điều kiện,” Phật trả lời. “Ta tự xây nhà cho chính ta. “Lang thang bao kiếp sống. Ta tìm nhưng chẳng gặp. Người xây dựng nhà này. Khổ thay, phải tái sanh. [4]” (Thích Minh Châu dịch)

“Vậy ta là một mạng lưới của những định hình có điều kiện, nơi ý thức an trú?” Shankara nói theo một cách khác.

“Đúng thế.” Phật đáp.

Shankara hỏi tiếp, “Và từ khi nào, thưa Đức Thế Tôn, chu kì vòng lặp vô tận của sự tái sanh này diễn ra?”

“Về điều này một người cần phải đi vào những vùng cõi sâu hơn của ý thức.” Phật đáp. “Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.” [5] (Thích Minh Châu dịch)

“Vậy thưa Ngài,” Shankara đáp, “Những định hình có điều kiện này đã khiến ta tái tạo lại bản thân, lặp đi lặp lại từ vô lượng kiếp dẫn đến ý thức có điều kiện trong mỗi kiếp?”

“Ngươi nói đúng, Shankara.” Phật đáp.

Shankara bèn hỏi, “Vậy thưa Ngài, vòng lặp luân hồi này có bao giờ chấm dứt không?”

“Có.” Phật đáp, và giải thích thêm rằng chìa khóa để chấm dứt vòng lặp này là sự nhận thức các mong cầu tạo nghiệp quả. “Ôi! Người làm nhà kia. Nay ta đã thấy ngươi! Ngươi không làm nhà nữa. Ðòn tay ngươi bị gẫy, Kèo cột ngươi bị tan. Tâm ta đạt tịch diệt, Tham ái thảy tiêu vong. [6]” (Thích Minh Châu dịch)

“Vậy thưa Ngài,” Shankara nói, “điều này có nghĩa là thật ra có hai loại ý thức. Một là loại ý thức có điều kiện an trú vào những định hình có điều kiện và nó thay đổi theo những định hình đó, và loại thứ hai là ‘ý thức không điều kiện’, nó tách biệt với những định hình có điều kiện và giữ nguyên không thay đổi và được khám phá ra một khi mọi định hình có điều kiện tan biến?”

Cả hội trường trở nên cực kì phấn khích. Shankara đã đưa Đức Phật tới đâu! Cuộc thảo luận này đang hướng đến đâu!

Đức Phật lại trở nên im bặt. Cả nhà nóng lòng chờ đợi. Đức Phật đã thuyết giảng chủ trương “vô ngã” (anatta). Họ đã nghĩ rằng Đức Phật phản đối lại khái niệm về một cái Ngã thường hằng bất biến. Và giờ đây, cuộc đàm luận đã hướng đến sự tồn tại của của một trạng thái tương tự như cái ngã đó, “cái Atta”.

Thấy rằng sẽ không có sự đáp trả, Shankara bèn hỏi một câu hỏi khác.

“Thưa Ngài, sự khác biệt giữa ý thức vô điều kiện và linh hồn là gì?”

Đức Phật một lần nữa không lên tiếng. Đức Phật không bao giờ trả lời bất cứ câu hỏi nào liên quan đến cái (chân) Ngã. Phật nói,

“Shankara, Ta thuyết pháp để diệt ngã chấp. Nếu các người thực hành theo pháp này thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, và ngay hiện tại, tự mình giác ngộ, với thắng trí, chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn, quảng đại. [7]” (Thích Minh Châu dịch)

Shankara đã có câu trả lời của người. Cả hội trường mừng rỡ hân hoan. Từ trên cao các vị thần tung hoa ca múa và khi Shankara ra đi, ai nấy cũng đều xấp mình cúi chào Shankara, vị Phật đến từ tương lai.

Tham khảo

[1] Potthapàda sutta – Kinh Potthapàda (Bố-sá-bà-lâu)
[2] Cetena Sutta (Tư Tâm Sở: Cetanā)
[3] Mahatanhasankhya Sutta (Đại Kinh Đoạn Tận Ái)
[4] Dhammapada 153 (Kinh pháp cú)
[5] Samannaphalla Sutta (Kinh Sa-môn Quả)
[6] Dhammapada 154 (Kinh pháp cú)
[7] Potthapada Sutta – Kinh Potthapàda (Bố-sá-bà-lâu)

Tác giả: Amit Jain, A curious seeker of world religions
Dịch và tra cứu: Prana


Về Adi Shankara: Một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Hinduism. Ông là một nhà triết học gia, thần học gia vào đầu thế kỉ thứ 8 tại Ấn Độ, người đã tổng hợp ra triết lý Advaita Vedanta. Ông được xem là người đã có công thống nhất và thiết lập củng cố những tư tưởng chính trong Hinduism.

Cá Hồi Hoang – Những chú cá hồi bơi ngược dòng

0

(1344 chữ, 5 phút đọc)

0020_17A
Ảnh do nhóm Cá Hồi Hoang cung cấp

Mình biết đến ban nhạc này lúc ở căn nhà gỗ nhỏ nằm trên đồi. Mọi người mở bài Tầng thượng 102 rồi cùng nhau lắc lư, nhìn lên trời và ca hát.

“Nhìn mây bay, bay đến khu rừng già
Nhìn ánh sáng, trốn phía sau toà nhà
Ngày trôi qua nhanh hay ngày còn chưa tới
Ngày chờ đợi ai về đến đây đón em về.”

Đó là những ngày vui vẻ, hạnh phúc, an nhiên đầu tiên trong quãng đời mình sống. Ở đó, âm nhạc của Cá Hồi Hoang mang lại cảm xúc bềnh bồng nhất cho mình. Mình không hề tìm hiểu gì nhiều đến các thành viên, mình không phải là một fan ruột luôn theo dõi họ. Mọi thứ đến như cái duyên vậy, mình bắt đầu nghe một số bài nổi tiếng của Cá Hồi một cách thụ động thôi. Ai mở thì nghe, mà cứ mở suốt đến lúc không ai mở nữa thì mình lại tự tìm rồi tự mở nghe.

Khi mình bắt đầu được nghe đến Beertalks thì cũng chỉ tưởng là bài nhạc của chị nào đó hát thôi. Tối ngày ngồi ngân nga:

“Có câu chuyện buồn đời luôn nói về vài người muốn chìm mình vào vài cuộc vui.
Để quên những gì hành hạ ta ban ngày rồi giải quyết mọi chuyện bằng vài chai bia và em sẽ gọi vào số của tôi.
Nếu không ai trả lời hãy đi tìm tôi vào một tối cuối tuần
Dù biết tôi chẳng ra gì chỉ có được vậy thôi vì cuộc sống bất cần.”

Những lời tâm sự giản đơn, những mệt nhọc ban ngày được xả hết vào một tối cuối tuần và sẻ chia với mọi người. Hỏi ra mới biết đó là chất giọng độc đáo của anh Thành Luke – một thành viên của ban nhạc. Để mà tìm người có chất giọng đặc biệt như vậy thật sự rất khó, họ có thể hát hay nhưng họ không thể khác biệt như anh.

Nghe nhạc của Cá Hồi Hoang mình thật sự không chú trọng về lời bài hát bởi phần nhạc đã quá… Mình không diễn tả nổi nữa. Ở đây mình thấy được giới hạn của lời nói, mình không biết phải bình phẩm như thế nào, mình chỉ thấy âm nhạc. Thật tuyệt vời khi tất cả ở ban nhạc này đều hoàn hảo.

Mình thấy có nhiều nhóm nhạc, phần nhạc rất hay nhưng phần lời lại sáo rỗng. Riêng đối với Cá Hồi Hoang mình thấy được chiều sâu trong âm nhạc. Ở bài Nếu có đoạn:

“Ở đâu là thực tại, ở đâu là mơ?
Ở đâu là tương lai, nơi đây là nỗi nhớ
Rồi mơ mộng rồi mong chờ
Khoảnh khắc phai nhạt theo từng giờ
Ngày qua ngày vẫn nơi này vẫn không thấy
Rồi cũng đến thực tại thức ta dậy.”

Tại sao mình nói rằng đây là những chú cá hồi bơi ngược dòng? Vì mình tự ví mình như một dòng sông vậy, mình tiếp nhận tất cả các loại âm nhạc, các ban nhạc trong đó có Cá Hồi Hoang. Từ những ngày đầu cho đến khi Cá Hồi có buổi diễn ở Đà Lạt “Có cần phải có lý không?” Mình đặt vé và đi xem thử. Mình đã không thể nuốt nổi những bài diễn đầu tiên vì mình chỉ nghe những bài nổi bật. Khúc đầu mình rất chán và chỉ đợi đến cuối để nghe những bài mình có thể hát theo. Khúc cuối có bài Tầng thượng 102, Đến bao giờ, Beertalks người mình run bật và mình chảy nước mắt (mình là người thiên về cảm xúc và dễ xúc động) khi mình đã có thể hoà được vào không khí của show. Diễn live đem đến cho mình cảm giác khó mà diễn tả, giống như cả cơ thể mình được hoà vào âm nhạc, được đắm chìm trong thực tại như một giấc mơ, chỉ hơi nóng một chút.

Sau đó về mình mới nghe đến những bài khác: Cánh đồng, Nhà 9A, Hết mực và tất cả những bài khác nữa.

Thường mình sẽ nghe nhiều bài, mình thích và tìm hiểu nhiều mới đi show nhưng với Cá Hồi Hoang mình lại làm ngược lại. Giờ thì mình thấy tiếc, thấy tiếc rằng tại sao mình không nghe những bài kia trước để có thể xem show diễn một cách trọn vẹn. Nhưng không sao, mình mong chờ buổi diễn tiếp theo ở Đà Lạt sẽ là một ngày không xa.

Mình yêu Đà Lạt sẵn và tất nhiên khi được nghe, được xem MV Lola mình cảm thấy hài lòng. Một ban nhạc mình thích có quê hương là Đà Lạt, là nơi mình yêu.

“Nhìn lên em thấy điều gì, thấy điều gì?
Nhìn lên ôi em muốn nói điều gì, nói điều gì?
Em bất chấp quy luật của ánh sáng không biết những đêm với ngày
Em thao thức đến khi mình ngủ quên, cà phê trước khi tắt đèn.”

Trong bài nhạc không hề nhắc đến một chữ yêu nào nhưng mình nhìn thấy trong đó có tình yêu. Một tình yêu nhẹ nhàng, sự quan tâm và cô gái. Một cô gái với đầy những ưu tư, những suy nghĩ. Một cô gái không quan tâm đến thời gian, cô gái tự do và có gam màu tối.

Mình có thể tưởng tượng ra được cô gái ấy, với mái tóc lưng lửng không đánh son, mặc một bộ đồ đơn giản ngồi bên tách cà phê, suy nghĩ và ngủ quên trong căn phòng nhỏ.

Lời nhạc của Cá Hồi Hoang không bắt ép người nghe phải biết họ viết gì. Mình thấy mình được tự do suy diễn những mẩu chuyện của riêng mình. Và mình yêu việc đó, vừa thưởng thức âm nhạc vừa tự quan sát những nhân vật trong lời nhạc do mình tạo ra trong tâm trí.

“Mình làm từ da, cafe, thuốc lá và 250 lít đồ có cồn.”

Một điều trùng hợp những bài nhạc sau này của Cá Hồi Hoang lại có sự góp mặt của Datmaniac. Mình không thể tin được mình lại may mắn đến vậy. Khi mà hai mảng âm nhạc mình thích, những nghệ sĩ mình thích lại kết hợp với nhau thật hoàn hảo. Những kỉ niệm mà mình thấy được sự đồng điệu trong bài Nhà 9A:

“Tôi đã từng nghĩ về hình xăm
Khi tôi mười bốn, mười lăm
Theo mình đến suốt cuộc đời.”

Mình đã từng liều mạng đi xăm lúc 15 tuổi, sau đó là hối hận, là suy nghĩ, là tự khai với mẹ, tự đi tìm nơi để xoá rồi lại không xoá và học được bài học phải tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Những lỗi lầm, những nông nổi tuổi trẻ sẽ dẫn mình đi đến những con đường mới ở tương lai. Mình từng khóc, từng tự cào xé da thịt khi biết rằng mình có thể theo những công việc nhẹ nhàng, lương cao. Nhưng vì có hình xăm mà bao nhiêu cơ hội của mình bị từ chối. Sau đó mình vượt qua những suy nghĩ, những hình xăm đến với mình cũng như cái duyên, tất cả mọi thứ sẽ đến và đi chỉ có hình xăm ở với mình đến suốt cuộc đời. Rồi mình học cách chấp nhận.

0028_29
Ảnh do nhóm Cá Hồi Hoang cung cấp

Mình vô cùng cảm ơn âm nhạc của Cá Hồi Hoang, các anh đã can đảm sống với niềm đam mê, theo đuổi và phát triển nó. Sự thay đổi rõ rệt là show Đà Lạt lần gần đây nhất đã có nhiều khán giả nhất. Chúc các anh luôn thành công và vẫn mãi giữ cho âm nhạc chất lượng như bây giờ, khi nghe câu đầu tiên em sẽ luôn nhận ra đây là Cá Hồi Hoang.

Tác giả: Bà Năm

*Feature Image: Cá Hồi Hoang

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Cỗ máy thời gian, giấc ngủ và những chuyến phiêu lưu kỳ thú

0

(1552 chữ, 6 phút đọc)

1. Cỗ máy thời gian

Đôi khi cồng kềnh như mô tả của nhà văn Huỳnh Dị thông qua tác phẩm Tầm Tần Ký, đôi khi lại nhỏ gọn như những gì được trình bày trong Project Almanac, một bộ phim khoa học viễn tưởng. Hầu hết mọi người nghĩ rằng cỗ máy thời gian là một khối kim loại phức tạp với vô số những sợi dây dẫn điện đủ màu sắc. Đó là cái giá phải trả khi chúng ta sử dụng hai từ “cỗ máy.”

Thật ngớ ngẩn nếu chỉ cố gắng tập trung vào mảng công nghệ để rồi quên lãng những chất liệu “sự sống” hay thậm chí là “vô hình.” Rõ ràng máy móc được tạo ra bởi sự sống và sự sống thì hình thành dựa trên nền tảng của một thế lực vô hình nào đó. Tuy nhiên, khoan hãy nói về một cỗ máy thời gian như vậy. Tôi vẫn thích phiên bản do Fujiko Fujio sáng chế, trong Doraemon, chú mèo máy đến từ tương lai.

Khoa học vốn dĩ chẳng sâu xa. Cỗ máy thời gian là thứ có khả năng đưa chúng ta quay trở về quá khứ hoặc đi tới tương lai. Đây chính là khái niệm đơn giản nhất.

2. Quy luật chung của toàn thể vũ trụ

Từ những hạt nguyên tử không thể nhìn thấy bằng mắt thường cho đến con kiến lửa bé tí ti, từ nhân loại cho đến hệ Mặt Trời rộng lớn, từ dải Ngân Hà mênh mông bát ngát cho đến một vũ trụ kỳ bí chưa tìm ra điểm giới hạn. Cái gì mà chẳng đi tới tương lai?

Tất cả mọi thứ đều đang chuyển động, đó là hiện tại và cũng là tương lai. Sẽ rất buồn cười nếu một nhà khoa học tài ba cố gắng phát minh ra một thiết bị giúp ông ta thi hành một điều không tưởng trong khi ông ta vẫn đang thực hiện nó mỗi ngày. Hôm nay là tương lai của ngày hôm qua và ngày mai chắc chắn là tương lai của ngày hôm nay, không cách nào chối cãi. Cho nên, tôi xin phép được bổ sung vào phần định nghĩa: Cỗ máy thời gian là thứ có khả năng đưa chúng ta quay trở về quá khứ hoặc đi tới tương lai trong một quãng thời gian ngắn hơn quy luật chung của toàn thể vũ trụ. Tức là chỉ cần tiêu tốn từ một sát na (khoảng 1/74.000.000 giây) đến 11 tiếng 59 phút 59 giây 73.999.999 sát na để di chuyển từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối (12 tiếng). Nhanh hơn ít nhất một sát na.

Vấn đề nảy sinh: Bạn có dám chắc chắn rằng mình đã trải qua 12 tiếng đồng hồ để di chuyển từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối?

Câu trả lời là không. Thời gian luôn khác biệt đối với từng cá nhân, nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào cảm xúc, tâm trạng và danh sách những việc cần phải làm. Giờ, phút, giây bất quá cũng chỉ là vài đơn vị đo lường do con người bày ra dựa theo quy tắc chung của toàn thể vũ trụ mà tôi vừa nêu trên. Bởi vậy mới có kẻ sống tới 105 tuổi lẻ rồi bất chợt thở dài ngao ngán: “Cuộc đời này ôi sao thật ngắn ngủi?”

Tôi tin rằng bậc tạo hóa đã cấy ghép một thứ gì đó hoạt động tương tự như cỗ máy thời gian vào sâu bên trong cơ thể loài người. Tuy nhiên, việc trải nghiệm từng khoảnh khắc để đi tới tương lai không phù hợp với khái niệm “du hành thời gian” mà chúng ta mong muốn.

Đừng lo lắng, thay vì thiết kế một cỗ máy thời gian, tôi đã phát hiện ra nó.

3. Giấc ngủ

23 giờ 16 phút, tôi phải đi ngủ vì ngày mai có một cuộc hẹn quan trọng vào buổi sáng và bản thân thì đang cảm thấy rất háo hức. Ôm lấy tấm chăn ấm áp, thả lỏng cơ thể, nhắm nghiền hai mắt, hít thở đều, một, hai, một, hai,…

Tiếng chuông báo thức, ánh nắng dịu dàng, hiện tại là 7 giờ 30 phút của ngày hôm sau. Cái quái gì vậy? Tôi đã đến tương lai, đã di chuyển 8 tiếng 14 phút đồng hồ mà chỉ tiêu tốn khoảng 15 đến 20 phút để cơ thể thật sự chìm sâu vào giấc ngủ. Đây chẳng phải là cơ chế của cỗ máy thời gian hay sao? Không hẳn, vẫn còn tồn tại nhiều nghịch lý…

Tôi nhất định sẽ tìm ra cách lý giải thỏa đáng.

4. Giấc ngủ dài bao lâu?

“8 tiếng chuẩn mực” hay “45 phút ngắn ngủi”? Không có câu trả lời hoàn hảo, xin đừng lấy ba cây kim nhọn hoắt gắn trên chiếc đồng hồ treo tường ra làm thước đo thời gian. Tại sao giấc ngủ dài 8 tiếng tựa hồ như tích tắc? Tại sao 45 phút nghỉ trưa đôi khi dài khôn tả? Vấn đề nằm ngay đây. Giả sử bạn đi đến tương lai sau đó 45 phút bằng giấc ngủ nhưng tận sâu trong tiềm thức lại cảm thấy bản thân vừa mới trải qua một quãng thời gian dài vô tận. Điều này tôi đã từng không ít lần gặp phải, nhất là khi thiếu ngủ trầm trọng.

Lý giải: Độ dài của giấc ngủ cũng giống như quãng thời gian mà cỗ máy tiềm ẩn trong cơ thể vận hành. Nếu tình trạng sức khỏe hoặc tinh thần của chúng ta không được ổn định, chẳng nhiều thì ít, cỗ máy kia nhất định gặp vấn đề. Bạn biết đó, con người và máy móc giống nhau ở điểm này, đã trục trặc thì khó bề làm việc hiệu quả.

Ý kiến cá nhân: Nâng cao sức khỏe và kiểm soát tinh thần sẽ góp phần không nhỏ trong việc giúp đỡ loài người tiếp nhận cỗ máy thời gian một cách tốt hơn, thậm chí còn có thể nâng cấp, phát triển nó.

5. Những chuyến phiêu lưu kỳ thú

Giật tít vậy thôi, tôi đang nói đến những giấc mơ.

Sự hiện diện của những giấc mơ là một phần không thể không bàn tới. Nó đôi khi chen ngang và kéo giãn thời gian vận hành của giấc ngủ. Bản thân tôi từng mơ thấy vài sự kiện dài ngày (có khi lên đến hơn một tuần) chỉ trong một giấc ngủ bình thường, cho nên mới gọi là “những chuyến phiêu lưu kỳ thú.” Phải chăng cỗ máy thời gian tiềm ẩn kia đang trình chiếu một bộ phim để chúng ta có thể “giải trí” xuyên suốt hành trình di chuyển đến tương lai?

Lý giải: Tôi hoàn toàn ủng hộ hai khái niệm, “linh hồn” và “đường hầm thời gian” ngoại trừ phần thể xác bằng da bằng thịt, con người còn có linh hồn. Khi ngủ, linh hồn được vận chuyển vào đường hầm thời gian, chạy dọc theo quy luật chung của toàn thể vũ trụ, nhanh chóng đến tương lai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, linh hồn vẫn có thể đi lệch khỏi quỹ đạo thông thường, ghé thăm một chiều không gian khác, ngược dòng về quá khứ hoặc gia tốc tới tương lai (liên kết với hiện tượng Deja vu.) Như vậy, đường hầm thời gian chắc chắn không phải là một cái ống hai chiều dài vô tận mà là một khoảng không gian đa chiều rộng mênh mang bởi lẽ chúng ta dẫu có mơ bao nhiêu giấc thì cũng phải quay về quỹ đạo ban đầu và tiếp tục hành trình cho đến khi thức dậy. Điều đó cho thấy, mọi ngã rẽ trong đường hầm thời gian đều tồn tại ở những vị trí rất gần nhau.

Ý kiến cá nhân: Hãy dùng lý trí can thiệp vào những giấc mơ, cố gắng ghi nhớ chúng và xử lý thông tin một cách hiệu quả, áp dụng vào đời sống hiện tại lẫn tương lai.

6. Củng cố luận điểm

Đã bao giờ bạn thắc mắc về những bậc thánh hiền thuở xa xưa? Làm cách nào họ có thể biết rõ quá khứ, tiên đoán tương lai và sống một cuộc sống vĩ đại như thế? “Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý?”

Tôi lại nghĩ rằng thông qua việc tôi luyện bản thân, họ đã giác ngộ và nắm được cách vận hành cỗ máy thời gian mang tên “giấc ngủ.”

Trước đây, không ai tin một người sống ở Hà Nội có thể xuất hiện giữa Sài Gòn trong vòng một nốt nhạc. Hiện tại thì sao? Chỉ cần truy cập ứng dụng Messenger, tìm kiếm một người bạn Sài Gòn và gọi video trực tuyến cho người ấy, cách thức đơn giản. Vác xác đi khắp nơi không hẳn là cách di chuyển duy nhất. Đôi khi, thân hình vài mươi cân mà não bộ chúng ta đang điều khiển chẳng thể nào “lách qua khe cửa hẹp.”

Cho nên: Hãy dùng trí tuệ làm những điều không tưởng!

Tác giả: Võ Trọng Gia

*Featured Image: kellepics

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

 

Chuyện ông Dobri Dobrev, thánh Nicolaus và ông già Noel

0

(990 chữ, 4 phút đọc)

(Hôm bữa nghe bạn vợ báo lại rằng con gái hỏi ông già Noel là ai, nhà ở đâu, vì sao ông mặc áo đỏ mà không mặc áo xanh áo vàng… Loay hoay đến qua Giáng Sinh mới có thời gian viết mấy dòng này.)

1. Ông Dobri

Ngày nảy ngày nay, tại làng Bai-lô-vô nước Bung-ga-ri-a, có một cụ già tên là Đốp-ri. Ông Đốp-ri đã già lắm, già hơn tất cả những người già mà con đã gặp. Râu tóc ông trắng xóa như đám mây, gương mặt ông rất đáng mến. Khi còn trẻ như ba bây giờ, ông Đốp-ri là một người lính, chiến đấu cho đất nước của ông. Ông không có vợ con, chỉ sống một mình trong căn nhà nhỏ xinh xinh. Ông sống bằng tiền chính phủ cho mỗi tháng.

Hàng ngày, ông Đốp-ri đi bộ từ làng của mình đến thành phố nhỏ tên là Xô-phi-a, cách làng rất xa để xin tiền mọi người. Ông không xin tiền đó cho bản thân mình, mà tất cả đều dành cho những viện mồ côi mà ông biết. Những viện mồ côi đó sẽ dùng tiền của ông để mua thức ăn và quần áo cho những bạn nhỏ như con, vì những bạn đó không có ba mẹ chăm sóc. Số tiền ông Đốp-ri đã cho các viện mồ côi đó, đủ để ông xây nhiều căn nhà nguy nga tráng lệ cho bản thân mình, đủ để ông sống thật sung sướng. Nhưng ông đã không làm vậy. Ông yêu thương các trẻ em và muốn cho chúng được vui vẻ, nên ông cho chúng tất cả những gì mà ông có.

Mọi người ở làng Bai-lô-vô và ở nước Bung-ra-ri đều quý mến ông. Kể cả chim bồ câu và những con thú vật cũng yêu quý ông. Mỗi lần ông đi tới đâu, chim bồ câu đều bay đến đậu xung quanh ông. Người ta xem ông như một vị thánh và gọi ông là “Ông Nội Đốp-ri thân yêu.”

2. Thánh Nicolaus vùng Myra

Ngày xửa ngày xưa, tại hải cảng My-ra của vùng Tiểu Á, ngày nay là nước Thổ Nhĩ Kỳ, có một chàng thanh niên hiền lành tên là Ni-cô-la-us. Ni-cô-la-us có lòng thương người, thường giúp đỡ những người nghèo khổ hơn mình, nên được dân chúng trong vùng yêu quý.

Ni-cô-la-us hiền lành và yêu thương mọi người theo gương Chúa Giê-su, vì anh ta là một người có niềm tin vào Chúa. Tuy nhiên, thời đó, người nào theo đạo Chúa sẽ bị lính bắt giam vào ngục, bị mắng chửi, bị đánh đòn thật đau để bỏ đạo, nếu không, họ sẽ bị hại.

Con phải biết rằng, cuộc sống này đầy rẫy bất công, những người tốt đôi khi bị những người chưa tốt làm hại, nhưng cuối cùng người tốt luôn chiến thắng, cái ác sẽ bị đẩy lùi vào bóng tối, đó là niềm tin của chúng ta. Ni-cô-la-us không may bị lính bắt được khi đang đi giúp người nghèo. Anh ta bị tống giam vào ngục và bị đánh. Nhưng Ni-cô-la-us rất dũng cảm, anh ta giữ vững niềm tin của mình. Ni-cô-la-us đã bị nhốt rất lâu trong ngục.

Rồi sau đó, những người muốn làm hại anh đều không còn nữa, nhà vua mới là Công-xăn-ti-nus lên ngôi. Vị vua này cũng có niềm tin vào điều thiện như Ni-cô-la-us. Kể từ đó, những người tốt như Ni-cô-la-us được trả tự do.

Ni-cô-la-us đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho Chúa, cả đời không lập gia đình, chỉ đọc các sánh thánh, học hỏi lời Chúa và đi giúp đỡ người nghèo. Những trẻ em ngoan ngoãn được Ni-cô-la-us tặng quà vào đêm Nô-el.

Rồi rất nhiều năm sau nữa, Ni-cô-la-us trở thành một ông cụ già râu tóc bạc phơ như mây, vào đêm No-el ông vác một túi quà to đi cho các trẻ em và người nghèo. Ông thường mặc áo choàng màu đỏ, đeo bao tay, mang ủng và đội một cái mão mi-tra nhọn khi đi phát quà. Người ta rất yêu mến ông và gọi là “Ông già Nô-el.”

3. Ông già Noel ngày nay

Mỗi năm, ông Ni-cô-la-us đều đi phát quà. Nhưng đến một năm nọ, ông đã già lắm và không thể đi được nữa, mà chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến lễ Giáng Sinh. Phải làm sao đây?

Rồi một đêm nọ, tuyết rơi thật dày, trời lạnh buốt, và ông Ni-cô-la-us yêu quý của chúng ta đã ngủ quên mãi mãi…

Tuy vậy, đến đêm Nô-el năm đó, tuy không ai nhìn thấy ông Ni-cô-la-us, nhưng những người nghèo và những trẻ em ngoan hiền đều nhận được quà. Rồi dần dần, không phải những trẻ em ngoan ở My-ra hay Thổ Nhĩ Kỳ thôi, mà trẻ em ngoan trên toàn thế giới đều có một món quà cho mình, trong đó có con đó. Con biết vì sao không? Vì bây giờ, cái thiện đã chiến thắng! Việc làm tốt của Ni-cô-la-us đã được rất nhiều người làm theo. Việc này có nghĩa là, không phải chỉ có một ông già Nô-el trên thế giới này, mà có rất rất nhiều Ông già Nô-el ở khắp nơi.

Ba có thể nói với con một cách chắn chắn rằng, Ông già Nô-el là có thật, và đang ở xung quanh chúng ta. Khi còn nhỏ, ba thích nhận quà từ Ông già Nô-el. Khi lớn lên, ba thích trở thành Ông già Nô-el tặng quà cho người khác. Niềm tin của chúng ta, là trở thành người tốt và làm cho chiến thắng của cái thiện thêm mạnh mẽ. Chừng nào lớn lên, cũng hãy trở thành ông già Nô-el cho người khác, nha con!

Phù Tang, thành Lợp Cỏ Tranh, một tuần sau ngày Đông chí, năm Bình Thành thứ 28.

Tác giả: Hai Le

*Featured Image: PublicDomainPictures

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Phải chăng vĩ nhân là những người đáng thương nhất trong lịch sử

0

(957 chữ, 4 phút đọc)

Đối với tôi, những người trường tồn và bất hoại đều là những con người đáng thương. Tại sao họ đáng thương? Bởi họ đã bị nhân loại này dùng sự dối trá để nhắc đến. Thân xác đã băng rã, linh hồn đã trôi dạt mười phương tám kiếp vẫn còn bị đào mồ bới mả lên để ca tụng, không phải bằng sự chân thành, mà bằng những lời ngợi ca đầy mùi giả tạo.

Chẳng phải những con người bất tử kia đã từng sống cùng lý tưởng này sao: “Vì danh dự của cả thế giới nên tôi cho rằng bản thân tôi cùng những người như tôi là một kẻ bệnh hoạn, chúng tôi là một bất hạnh của thế giới này. Trong khi các nhà lãnh đạo ra sức chuẩn bị cho những công cuộc đổi mới phát triển, một tương lai văn minh được thêu dệt ra quy mô và mang tính chất vĩ đại thì những lũ như chúng tôi chẳng biết làm gì ngoài than vãn, lười biếng và làm những hành động ngu xuẩn mà chúng tôi luôn ngợi ca là giá trị của sự sống đích thực, là nghệ thuật. Quá trình tiến hóa biến thành giống con người hơn chỉ tổ làm rách việc và cản chân thế giới. Chính vì thế mà tôi hy vọng thế giới sẽ không còn sản sinh ra những con người như chúng tôi, sẽ hứa hẹn một thời đại khấm khá với những con người biết sống tốt đẹp, cố gắng sống giàu sang hơn, tận hưởng cuộc sống hơn.”

Nhưng cũng vì tư tưởng ấy mà nhân loại này đã tìm cách giết chết người khác mà không gây ra đổ máu. Hãy nhìn một Mozart, ông ta đã chết và được chôn cất thế nào? Hay cuộc đời của một Van Gogh đến lúc nằm xuống  mồ thì trớ trêu thay lại phải dùng lời tán dương ca tụng như một bản trường ca bi hài. Ôi cả thế giới đã khóc thương thân phận của một con người tội nghiệp mà trước đó họ đã khinh bỉ và hắt hủi.

Lịch sử thế giới bắt đầu gọi tên và biến họ thành những anh hùng, những bậc thiên tài. Ôi thôi đó chỉ là sự dối trá, ngoài cái chết của một con người tội nghiệp ra, họ cần lưu danh mãi đời đời? Họ cần ca tụng sau khi đã sống một cuộc đời trong sự phỉ báng và cười chê, tự gắn cho người ta cái nhãn hiệu vĩnh cửu, trường tồn? Ôi vinh quang đối với người chết là cái gì đó mà tôi không thể nhìn ra.

Những con người tội nghiệp đáng thương, đã phải dùng một đời để giữ gìn những lý tưởng sống của mình. Muốn làm con chim nhỏ vỗ cánh bay xa, nhưng thời đại họ sống, xã hội đã cùng lúc hóa trang thành con dã thú, luôn tìm mọi cách khiến con chim nhỏ phải run rẩy khi chạm vào. Những con chim nhỏ chỉ luôn là những kẻ điên khùng trong mắt xã hội. Rồi khi họ chết đi, cả nhân loại lén lút đứng bên nấm mồ. Hãy nhìn xem, bao nhiêu bài báo, bao nhiêu sách vở rồi tạp chí thì thầm vào tai họ những lời tán dương, tâng bốc vuốt ve trìu mến, dùng sự huênh hoang khoác lác kể về những điều mà con chim nhỏ đã chết, đã mãi mang theo xuống các nấm mồ, tự huyễn mình tường tận và am hiểu, nói về những điều mà chỉ có con chim nhỏ đã chết đi mới là kẻ độc nhất có thể nói về nó.

Nhân loại này họ đang nghĩ gì vậy? Họ nghĩ rằng tinh thần của thi sĩ là tinh thần muốn có khán giả? Họ nghĩ rằng tinh thần của thi sĩ không phải là tinh thần muốn chán ghét ngay cả chính mình? Họ nghĩ rằng các thi sĩ muốn đưa mắt soi cái nhìn ra bên ngoài và khát khao được đám đông ca tụng? Họ có biết rằng vẻ đẹp và sự lộng lẫy của một con công là điều mà một thi sĩ đích thực luôn chán ngấy?

Tôi đã thấy tất cả nhân loại này nói về các vĩ nhân như biển cả bị khô cạn nước. Tư tưởng của họ không thể thâm nhập đủ sâu, chính vì tình cảm của họ chỉ là thứ tình cảm hời hợt a dua theo đám đông. Từ trước đến giờ họ làm gì hiểu được sự nồng nàn trong tâm hồn của một thi sĩ, họ chỉ đang quấy đục đời sống của một cái xác chết đã mục ruỗng trong lòng đất để làm cho mình có vẻ thâm sâu và đỏm dáng tri thức.

Dừng lại đi những kẻ sùng tín luôn làm ra vẻ bộ tịch, tỏ vẻ mình không thể nào sống được nếu không thở bằng thứ không khí của người đã khuất, giả bộ ca ngợi, tỏ vẻ mình am hiểu tường tận, có mò mẫm qua bao nhơ bẩn và bùn lầy cũng chẳng bao giờ tìm được đường đến với con chim nhỏ. Xã hội này chỉ toàn một bè lũ luôn học cách đóng kịch y hệt nhau mỗi ngày. Sự vĩnh cửu mà nhân loại này đang gán vào các bậc vĩ nhân là gì mà chẳng phải sự ngộ nhận, lầm lạc, họ giả bộ đồng điệu được bằng tất cả sự hồn nhiên, nhưng hóa ra chỉ là một sự đùa bỡn.

Ôi thôi tôi đang nói gì thế này. Tôi cũng chỉ là một trong số họ.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: StockSnap 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Xin em hãy lắng nghe

2

(916 chữ, 4 phút đọc)

Em, cô gái bé bỏng của lòng anh! Xin em hãy lắng nghe anh một lần này thôi, con chim sẻ yêu dấu. Đôi mắt em long lanh như nước hồ lấp lánh nắng, đôi môi em hồng hào niềm tươi mát của tuổi thanh xuân, trái tim em đang thổn thức những nhịp đập tràn đầy khát vọng. Xin em hãy nghe anh, bởi tất cả những điều xinh đẹp trên đời cần chúng ta nâng niu và bảo vệ, bằng bất kỳ giá nào. Em là một điều như thế, cô gái ạ.

Em không hợp với gã Âu Lo kia đâu. Hắn ta là một tên đói hèn hạng nhất khoác lên mình vẻ run rẩy đáng thương. Hắn khơi dậy trong em những yếu mềm và sợ hãi. Hắn làm đôi mắt em căng thẳng, làm làn môi em tái nhợt. Còn em vẫn ôm ấp hắn trong vòng tay cùng những nhịp đập hốt hoảng của con tim. Em có biết mình là ánh dương tỏa rạng, là cơn mát trên cánh đồng hoa, là dòng suối êm đềm nơi cửa rừng bất tận. Không, gã Âu Lo kia không xứng đáng với em đâu. Xin hãy nghe anh mà rời xa kẻ đê hèn ấy.

Em cũng không hợp với gã Ưu Tư. Hắn là một tên tri thức rởm đời kéo em vào những trăn trở nghĩ suy vô ích. Đáng lẽ, tâm trí em có thể nghỉ ngơi yên lành khi ở bên người em yêu dấu. Nhưng lúc này thì sao, em như bị cắt mất đôi cánh thiên thần vốn luôn khao khát tung cánh bay giữa bầu trời rộng mở. Đôi tay em đã có thể với tới những nhành hoa yêu kiều nếu hắn ta không giữ ghìm em lại. Đôi chân em đã có thể nhảy những điệu vũ ngọt ngào nếu như kẻ rối bời ấy không khóa chặt còng chân. Ôi, tội nghiệp em mặt trời bé bỏng của anh. Vì em là vì tinh tú trong veo, là cơn gió chiều bay bổng và là chồi biếc thơm lành nên Ưu Tư kia muốn giữ em cho riêng mình. Không, hắn không xứng đáng với em đâu. Xin hãy nghe anh bỏ lại hắn một mình.

Em không hợp với tên hèn Giận Dữ. Hắn là một kẻ thừa mứa những học hằn và xốc nổi. Khi trao mình cho Giận Dữ, cả linh hồn và thể xác em như bị thiêu rụi trong điên cuồng. Gương mặt thiên thần của em bị dúm dó kì dị, đôi mắt thương yêu của em bắn ra những tia lửa hãi hùng. Khi em ở bên hắn, anh không còn nhận ra người con gái vốn từng ngọt lành như sữa mật. Giọng nói dịu mềm của em đã biến thành một ngọn lửa hủy diệt. Anh đã nhớ nhung những lời êm ái biết nhường nào, chúng là làn mây đưa anh vào giấc mộng an yên. Không, Giận Dữ tuyệt đối không xứng đáng với nàng công chúa nhỏ của anh. Xin em yêu dấu nghe anh mà đoạn tuyệt với hắn.

Em không hợp với gã U Sầu. Hắn không xứng đáng là một người để có thể cho em nương tựa. Vì hắn là một tên yếu đuối và èo uột tận cùng, mang đầy bên mình những màu mây đen thê thảm. Khi hắn ôm ấp em, làn mây ấy sẽ che lấp ánh mặt trời trong trái tim em, sẽ đổ lên gò má đang ửng hồng này những dòng lệ nhợt nhạt thê lương. Ánh nắng nơi nụ cười em cứ thế lịm dần vào quên lãng, nét tươi vui nơi hàng mi em bị đánh sập mà rủ xuống u hoài. Ôi, anh thương em quá con chim vàng anh nhỏ. Em là tiếng ca trong trẻo giữa mảnh đồi xa, là giọt mưa rơi tí tách trên hiên nhà, là cánh hoa đồng nội rung rinh trong nắng sớm. Không, U Sầu không xứng đáng với em đâu. Xin nàng tiên nữ hãy nghe anh mà dứt bỏ hắn.

Hãy nhìn vào mắt anh này em thân yêu, ngoài kia sẽ vẫn còn những gã trai hèn hạ tìm đến em như một chỗ để bám víu, để dựa dẫm, thậm chí để bắt nạt cho tỏ vẻ oai hùng. Anh sẽ gọi đích danh từng đứa khi chúng xuất hiện vì không kẻ nào thoát khỏi con mắt này. Những kẻ nghèo đói đó sẽ làm trái tim bé nhỏ của em thương tổn và rỉ máu. Khi thấy em đau đớn và héo tàn, làm sao anh có thể yên lòng được.

Em là nàng công chúa kiều diễm của lòng anh, em xứng đáng được nâng niu hơn tất thảy. Anh ở đây là để giúp em nhớ lại nơi em xứng đáng thuộc về. Trong giấc mộng đời chập chờn ma mị này, có lúc em sẽ rơi vào cơn mê sảng mà xa rời tiếng gọi nơi anh. Nhưng em đừng sợ vì anh luôn ở trong trái tim em và sẽ không đi đâu hết.

Bước trên đường đời xin em hãy thật lắng nghe, để lựa chọn ra người nào thật sự xứng đáng, người khiến em được tươi xinh và hạnh phúc như thuở ban đầu. Vì chỉ có họ là thực lòng thương yêu em, như anh vẫn hằng yêu em vậy.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured Image: djn01002

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Chạy trốn những cái bóng

2

(1526 chữ, 6 phút đọc)

Không rõ tự bao giờ cậu mắc chứng sợ tiếng động mạnh. Hễ nghe thấy một âm thanh dữ dội là tim cậu giật nảy lên, bụng co thắt lại, gáy nóng như lửa đốt và toàn thân rịn mồ hôi. Như thể có một con quái vật – hoặc kẻ sát nhân nào đó – sẽ xuất hiện cùng với âm thanh lớn, lao về phía cậu. Cậu sẽ từ từ quay lại kiểm tra: Chẳng thấy mối đe dọa cụ thể nào cả. Chỉ là cái nồi inox rơi từ trên kệ bếp xuống. Vậy thì, cậu nghĩ, cái quái gì đã xô đổ chiếc nồi? Lần bước thận trọng, run rẩy, cậu quay về phòng ngủ, đắp chăn kín mít nhưng mắt vẫn mở to, môi rì rầm cầu nguyện.

Thời gian trôi đi, cậu không còn dám ra đường. Tiếng động cơ xe cộ dần trở nên đáng sợ, và “lũ vô văn hóa” thường đột ngột bấm còi khiến cậu cảm thấy sắp trụy tim đến nơi! Giam mình trong bốn bức tường nhà, để cho an toàn, cậu cũng loại bỏ tất cả những đồ inox, không dùng kiểu ấm đun nước bằng điện thường réo lên rất ghê gớm mỗi khi nước đạt 100 độ, dẹp bỏ mọi loại bàn ghế (để không thể có thứ gì bị rơi được nữa) và không nghe nhạc.

Nhưng vì quá chú ý vào các âm thanh, nên càng lúc cậu càng trở nên mẫn cảm. Những âm thanh trước kia nghe thật bé nhỏ và yếu ớt, nay chẳng hiểu sao như trở nên ầm ĩ hơn. Cậu bỏ dùng dầu mỡ để tránh tiếng chiên rán “xèo xèo”, và lắp đặt hệ thống cách âm như một phòng Karaoke cho căn nhà nhỏ của mình. Khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn, thậm chí cậu không dám vặn vòi nước quá mạnh vì sợ tiếng nước chảy xuống bồn rửa mặt, không dám sử dụng van xả nước bồn cầu, không dám súc miệng khi đánh răng và thậm chí không dám đi dép trong nhà vì âm thanh loẹt quẹt của nó.

Và thế là cậu chẳng còn chăm sóc nổi bản thân mình. Cha mẹ đón cậu về sống cùng, đưa cậu vào một phòng cách âm – vốn là phòng ngủ trước đây của cậu. Mỗi ngày, hai ông bà sẽ đưa thức ăn qua một cái lỗ hẹp có nắp che dưới khe cửa, sau khi thông báo cho cậu bằng một tin nhắn qua Facebook. Về việc vệ sinh cá nhân, giờ cậu “đi” vào một chiếc bô có lót một lớp bông mỏng – cho đỡ gây “âm vang” – và sau đó nhờ bố mẹ xử lý giúp.

Đây chỉ là một câu chuyện phóng đại về một anh chàng bị mắc chứng ám ảnh sợ hãi. Người mắc phải chứng ám ảnh sợ hãi thường rơi vào một vòng luẩn quẩn như thế: Càng sợ – càng né tránh; càng né tránh, vấn đề càng phình to – và càng sợ hãi hơn!

Theo một cách nhìn nào đó thì tất cả chúng ta đều bị ám ảnh sợ. Mặc dù cách ứng xử của người bệnh có phần quá đà, nhưng về cơ chế thì không khác người “bình thường”. Khi gặp một thách thức nội tâm khó đối mặt nào đó, chúng ta thường tránh việc nhìn thẳng vào vấn đề. Vô tình điều đó lại làm cho vấn đề phình ra tới một kích cỡ mà đôi lúc, đã ngoài khả năng điều chỉnh của ta. Nói một cách đơn giản, chúng ta đã xử lý nỗi đau khổ bằng cách để cho nó âm thầm tự tăng trưởng.

Nỗi sợ hãi nói riêng và những thách thức nội tâm nói chung chính là “chiếc bóng” của ta. Khi ta hiện diện dưới ánh mặt trời của sự sống, “chiếc bóng” ấy sẽ luôn ở cùng ta dù ta có muốn hay không.

Câu chuyện về chiếc bóng như vậy được ghi lại trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử:

“Một người sợ cái bóng của mình bèn chạy trốn; nhưng càng chạy mau thì cái bóng càng theo bén gót; thấy như vậy vẫn còn chậm, nên anh ta lại càng ráng chạy mau hơn nữa, không ngừng, tới nỗi kiệt lực mà chết. Người đó thật dại khờ, không biết rằng chỉ cần dừng lại, đứng vào chỗ bóng mát sẽ không còn thấy bóng mình nữa.”

(Lược trích từ blog của chú Nguyễn Duy Nhiên)

Mẩu truyện trên đưa ra cách xử lý tạm thời với những “cái bóng” của chúng ta: Hãy tìm một nơi tạm nghỉ, dừng chân, một bóng mát nhẹ nhàng. Hãy tạm tránh ánh nắng cuộc đời, và sự bình yên sẽ đến, ít nhất trong giây phút đó. Nhưng với mình đó không phải là giải pháp thấu triệt. Người lữ hành trên sa mạc không thể nào né tránh ánh nắng mãi mãi. Một ốc đảo ngọt ngào với nước uống, bóng râm… chỉ là chặng dừng chân tạm thời để lấy lại sinh lực. Và khi thời điểm đến, người ấy sẽ phải đứng dậy và tiếp tục dẫn bước trên hành trình thênh thang của mình, ít nhất cũng là để tìm thực phẩm, sau đó là để về được đến căn nhà yên vui nơi đang có gia đình ấm áp, vợ, con và ánh đèn… chờ đợi anh ta.

Ngược lại, nếu vì sợ đối mặt với cái bóng mà anh ta cố ở lại ốc đảo nhỏ bé ấy thật lâu, anh ta sẽ sớm kiệt quệ do thiếu thức ăn. Kịch bản không khác gì chuyện xảy đến với anh chàng sợ âm thanh bên trên: Sự né tránh rất dễ khiến chúng ta rơi vào bi kịch.

Bạn có thể trốn khó khăn bằng cách xin một kỳ nghỉ, đi du lịch, đổi chỗ ở hoặc thay đổi công việc. Điều đó đôi khi thật sự cần thiết nếu bạn cần năng lượng cho một khởi đầu mới. Nhưng xin đừng quên rằng, có những vấn đề ở tầng sâu tâm thức mà bạn sẽ đem theo từ nơi này đến nơi khác, cả khi thức lẫn khi ngủ.

Ai đó đã nói: Khi một người không hạnh phúc, thì dù đi đến bất cứ đâu cũng không hạnh phúc. Anh ta thấy mình bất hạnh ở Hà Nội, vì thế anh ta cho rằng nếu đến Paris mình sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng khi đến Paris anh ấy vẫn bất hạnh như thường. Hóa ra anh chỉ kéo cái bất hạnh của anh từ Hà Nội tới Paris, như cách anh kéo lê cái bóng.

Mình tin rằng, tốt hơn, chúng ta nên dừng lại để quan sát và tìm hiểu điều chúng ta sợ. Ta sẽ nhận ra một sự thật trần trụi rằng: “cái bóng” là không thể xóa bỏ, không thể trốn chạy và không thể né tránh. Nếu muốn sống một cuộc đời đúng nghĩa, cái bóng chính là điều mà chúng ta phải vui lòng nhận để được đứng dưới ánh mặt trời rực rỡ của sự sống.

Và một sự thật mạnh mẽ hơn: ‘cái bóng’ và ‘ánh sáng’ – cả hai chỉ là một. Vì có ánh sáng nên có cái bóng. Không có cái bóng thì không có ánh sáng. Cũng như nỗi đau là bạn đồng hành của hạnh phúc – chúng ta biết giá trị của hạnh phúc bởi vì chúng ta biết thế nào là đau khổ. Khi ta nhận ra chân thật sự tồn tại “tuy hai mà một” của chúng, thay vì hoàn toàn thoát ly khỏi cuộc đời để tránh né cả hạnh phúc lẫn nỗi đau (như một vài người đã làm), chúng ta sẽ làm điều ngược lại: Đón nhận cả nỗi đau và hạnh phúc. Yêu cái bóng như yêu chính ánh mặt trời.

Và ta sẽ thấy, mình quả là ngốc nghếch. Ta – tôi và bạn – không khác gì anh chàng sợ âm tiếng động mà tôi đã kể lúc đầu. Chỉ trừ khi bị điếc, anh ta mới thật sự ngừng nghe thấy âm thanh bên ngoài (chưa nói tới âm thanh đến từ bên trong tâm trí, hoặc tiếng thét từ các cơn ác mộng của anh ta – những thứ này chỉ chấm dứt khi anh ta chết hẳn). Anh ta không biết rằng tiếng động đang nhắn nhủ một thông tin giản dị: “Chàng trai à, cậu vẫn còn nghe được.” Tương tự, nỗi đau và những thách thức nội tâm nhắn nhủ với chúng ta rằng: “Này bạn, bạn vẫn đang sống với vô số những điều tuyệt vời!” Phải, ngay cả trong nỗi đau, chúng ta vẫn có thể rút ra những bài học tốt lành cho mình – điều mà đôi khi ta không nhận được từ hạnh phúc.

Chỉ khi đã nằm dưới mồ, chúng ta thoát hẳn được “cái bóng” nơi chính mình. Và lúc đó, làn da lạnh ngắt của ta cũng chẳng bao giờ còn cảm nhận được hơi ấm của ánh dương.

Tác giả: Thiếu Lê Tú Anh

*Featured Image: JordanStimpson

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2