(1054 chữ, 4 phút đọc)
Võ sĩ đạo – linh hồn của Nhật Bản của tác giác Nitobe Inazo, một tác giả đã chết từ cách đây hơn 80 năm trước. Trước đấy tôi được nghe kể về Nhật Bản rất nhiều, đã từng được nghe về mổ bụng, đã từng được nghe về kimono, geisha,… Nhưng đến khi được giới thiệu về cuốn này tôi lại thấy Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng nhất là ở chương XI (Khắc kỉ – tự kiềm chế) và Chương XII (Chế độ tự sát và chế độ phục thù). Ở đây tác giả có nói rằng tại chương XI:
“Rèn luyện nhẫn nại nhồi nhét vào đầu ta tinh thần chịu đựng không than vãn, mặt khác, giáo dục lễ nghĩa dạy ta không được lộ vẻ buồn rầu và đau khổ, khiến người khác mất vui, mất yên ổn. Tổng hợp của hai việc này tạo ra tâm tính khắc kỉ, cuối cùng hình thành một đặc tính của dân tộc, chủ nghĩa khắc kỉ ngoài mặt. Tôi gọi đó là chủ nghĩa khắc kỉ ngoài mặt vì tôi tin rằng chủ nghĩa khắc kỉ không thể trở thành dân tộc tính được và vì một vài thói quen hoặc cử chỉ của người Nhật có thể bị xem là tàn khốc dưới mắt của người nước ngoài. Nhưng thật ra, chúng tôi cũng rất đa cảm, giống như tất cả mọi dân tộc trên thế giới này.”
Các bạn có thấy câu này quen không? “Rèn luyện nhẫn nại… chịu đựng không than vãn… không được lộ vẻ buồn rầu và đau khổ…” Nghe có giống với những lời nói ngày xưa cha mẹ chúng ta dạy cho những đứa con trai không? Vâng là thế đấy, đàn ông lớn lên phải biết kiềm chế những cảm xúc bộc lộ ra bên ngoài, biểu lộ cái khuôn mặt buồn rầu đau khổ ra bên ngoài chỉ khiến cho những người xung quanh càng cảm thấy thêm lo lắng hay tệ hại hơn là kéo cảm xúc của người ta xuống giống như mình. Điều này bỗng nhiên hình thành một tư tưởng “để lộ tình cảm lên mặt thì không phải là nam nhi” xuất hiện trên đa số những nền văn hóa châu Á, trong đó có người Nhật. Họ mang định kiến đấy trở thành một chủ nghĩa dân tộc không chỉ cho nam giới mà còn cả nữ giới. Ví dụ như tôi biết chuyện người cha đã đứng suốt đêm sau cửa kéo nghe tiếng thở của con mình đang nằm trên giường hay chuyện một người mẹ đến lúc lâm chung cũng nhất định không gọi đứa con đang đi học ở xa về vì sợ rằng sẽ khuấy nhiễu việc học hành của con. Và:
Một samurai trẻ đã viết trong nhật kí: “Mày không cảm thấy những ý nghĩ thầm kín chuyển mình nhè nhẹ trong mảnh đất linh hồn của mày sao? Đây là lúc hạt giống bắt đầu đâm chồi. Không được nói gì cả, nói ra chỉ quấy rầy thôi. Hãy để nó nảy mầm thầm lặng.”
Vâng tôi cũng lại thấy quen quen, các bạn có thấy hình ảnh mấy ông ngồi trà đá chém gió bô bô rằng ta đây biết nhiều chưa? Đối với người Nhật thì khác, có thể thấy rằng việc dùng miệng lưỡi để bày tỏ rằng tôi đây đã giác ngộ tri thức hay đặc biệt là về tư tưởng tôn giáo là một dấu hiệu chứng tỏ sự thiếu suy nghĩ sâu xa hoặc là sự thiếu thành thật. Tục ngữ của người Nhật có câu “hắn chỉ như trái lựu” dùng để miêu tả những người nói nhiều và mồm mép hay cũng tương tự tục ngữ người Việt ta có câu: “Chim khôn chưa bắt đã bay, người khôn ít nói ít hay trả lời.”
Tuy nhiên những thứ trên không hẳn là do lòng dạ người Á Đông bướng bỉnh ngược ngạo mà cố tỏ ra câm lặng để che giấu xúc động. Người Việt người Nhật nói riêng và cả văn hóa Á Đông chúng ta nói chung đều thực hiện kĩ thuật như người Pháp đã nói là “kĩ thuật giữ kín tư tưởng.” Ví dụ như nếu bạn đến thăm một người bạn Nhật khi người đó có việc đau buồn nhất đời, chắc chắn người bạn đó sẽ đến đón bạn với một nụ cười trên môi mà không đi cùng với một đôi mắt đỏ hoe hay với một dòng lệ lướt trên khóe mi. Có thể bạn nghĩ rằng người Nhật bị điên thật rồi nhưng tôi nghĩ là không đâu, nếu bạn ép người đó giải thích lí do thì tựu chung bạn sẽ nghe được vài câu chẳng liên quan tương tự như thế này “Cuộc đời thật lắm bi ai” “Gặp nhau rồi mai đây cũng phải chia xa” “Sinh sống trên cõi đời này đã là khổ.” Tôi đồ rằng người Nhật khi rơi vào trạng thái hỗn loạn buồn phiền, họ sẽ chẳng muốn cho người khác biết được hoặc nhìn thấy mình đang cố giữ bình tĩnh trong lòng. Và cuối cùng một điều không sai lệch đi được “Cười là cách lấy lại thăng bằng đối với việc đau khổ hay giận dữ.”
Cuốn sách thật sự bao gồm rất nhiều triết lý sống sâu xa, và hơn thế nữa tôi nghĩ rằng khi tác giả viết nó bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Nhật hay dịch giả dịch sang tiếng Việt và người thẩm định đều có một mục đích riêng. Mục đích của họ là mong muốn thế giới và đất nước của họ trở nên tốt đẹp hơn bằng các hệ tư tưởng xuất thân từ Võ sĩ đạo. Bên cạnh đó không chỉ chủ nghĩa khắc kỉ được nhắc đến trong cuốn sách mà còn rất nhiều tri thức về lịch sử cho những ai có niềm đam mê về sử học. Và với bản thân tôi, tôi cảm thấy may mắn khi đọc được cuốn sách này và đúc kết ra được rất nhiều bài học. Chắc chắn rằng cuốn sách này sẽ nằm trong những cuốn sách tôi yêu mến.
Tác giả: Elyus
📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️http://bit.ly/2KTJCN2