28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[Review] Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh – Mình sẽ sống và yêu như sách

Featured image: Quốc Trương

 

Tôi nghĩ rằng rất khó để có thể viết giản dị, giản dị mà hóm hĩnh và xúc động lại càng khó. Và như chúng ta thường thấy, giản dị là biểu hiện cao nhất của cái đẹp, của cái gì đó sâu sắc, đặc biệt là trong văn chương. Điều này thật đúng với tập truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh (NXB Trẻ, 2011). Nhà văn đã không câu nệ sự bay bổng khi đặt những tựa truyện thoạt nghe có vẻ rất bình thường: Tháng Bảy, Chuyện hồng, Hoa muộn, Mưa rơi, Người có học, Si tình, Có con, Có vợ, Nhật ký

Đọc thử vài dòng đầu mỗi truyện, ta dễ nghĩ những truyện ngắn này tẻ nhạt. Nhưng chớ coi thường! Những truyện ngắn cô đọng đó bày ra đầy đủ những tâm trạng của tuổi trẻ, độ tuổi mà tâm hồn nhiều giông bão, độ tuổi mà “người ta điên đến mức nào, ngông cuồng đến mức nào và cần có bạn bè để an ủi biết bao nhiêu, và người ta lại thích trả thù nữa chứ!” Đọc xong sách, tôi thầm nhủ, mình không hề lạc lõng, và mình sẽ sống và yêu… như sách.

Lần đầu tiên đọc Phan Thị Vàng Anh, thuở còn mượn sách ở thư viện tỉnh về đọc, trong tôi dậy lên những cảm giác lãng mạn: mơ về một không gian sống trong lành và xanh mát, với nếp sống bình dị, với vườn tược quanh nhà, với một khoảng sân trồng một loại cây ăn trái, một loại dây leo, những luống hoa; và ở đó, ta an nhiên đi lại, hít thở, hưởng thụ những giận hờn yêu ghét, ở đó ta “chơi rất nhiều mà học cũng rất nhiều” (Khi người ta trẻ).

Nếu chọn vài truyện hay nhất có lẽ sẽ phải kể nhiều. Những truyện tác động đến tôi nhất, là những truyện viết về chuyện yêu đương hẹn hò. Có lẽ chỉ từ chính kinh nghiệm của mình, nhà văn mới có thể miêu tả tâm lý và tính cách nhân vật, đặc biệt nhân vật nữ, tự nhiên, chân thực và đáng yêu đến mức khiến ta phải bật cười nhiều lần. Nhân vật tôi trong Sau những hẹn hò quen với một anh chàng đã có vợ, cô nàng không muốn ngồi sau xe anh nhưng cũng đành chấp nhận vì “tôi chợt thấy oán những thằng bạn trai hàng ngày của tôi, những người đã để tôi phải đấu trí trong những tối thứ bảy, chủ nhật, và đổ tội cho lòng căm tức, tôi đứng lên, bảo: “Đợi hai phút, em thay đồ!” Hai mẹ con trong Tháng bảy nói chuyện hóm hỉnh và thân thiết nhau như hai người bạn. Tính cách mâu thuẫn của người cô trong Khi người ta trẻ: “ngông nghênh mà lại rất sợ dư luận, kiêu căng mà lại rất tự ti.”

Nhiều lần đọc lại tập truyện, dễ hiểu vì sao tôi yêu thích tập truyện này và ngưỡng mộ tác giả. Tôi luôn bắt gặp tâm trạng mình trong rất nhiều trang viết. Tôi thích thú trước những câu nói, suy nghĩ thật thà và hóm hỉnh của nhân vật. Chúng đại diện cho nhiều tuổi trẻ, trong đó có tôi. Tâm trạng của ta khi yêu đây, kiểu lý luận của ta lúc trẻ đây, cái bồng bột bướng bỉnh lúc mới yêu đây!… Như nhân vật tôi trong Một ngày, vì một phút ngẫu hứng chạy xuống Long Xuyên, quê hương của người yêu nhưng chẳng dám tìm đến nhà, rồi lúc về lại tự trách: “… không thể ngờ có một người xuống đây chỉ để nhìn nơi anh sống, giống như một cuộc sưu tầm tư liệu để cho sự nhớ nhung được phong phú hơn.” (Một ngày); tâm trạng cô gái giận dỗi muốn chia tay khi người yêu trễ hẹn: “Em nằm xuống, vạch ra ngay trong đầu một kế hoạch sống mà không có anh, một đời sống gần như là tu hành, có điều, không có vị thần nào để em thờ phụng cả…” (Si tình); khi người yêu sắp ra trường: “… Chiều chiều, đạp xe ngang ký túc xá, tôi nhìn nó như nhà của mình dù chưa chắc anh coi nó như nhà của anh…” (Nghỉ hè)

Nhân vật trong truyện của nhà văn thường là nữ, trẻ tuổi, còn là sinh viên hoặc mới ra trường, có bề ngoài vừa bình tĩnh hồn nhiên vừa mạnh mẽ tinh nghịch, có cả sự bốc đồng của tuổi trẻ. Họ yêu đương, hẹn hò trong những khung cảnh của mình, sân trường, lớp học, quán cà phê, và ngay ở nhà – những ngôi nhà vườn yên bình. Họ khổ sở khi thói mộng mơ và sự thông minh hiểu đời của mình (hay chính tác giả mới thông minh) đi song song nhau. Chính 2 điều này làm họ nghiêng ngả giữa tình cảm và lý trí, lúc thì chạy một mạch theo con tim, lúc thì khựng lại cân nhắc, để rồi mâu thuẫn và hơi “điên điên”.

Đọc Phan Thị Vàng Anh, tôi thấy nể phục một điều. Những con chữ bình thường được xếp cạnh nhau tạo thành những câu văn đẹp, ngắn gọn, đúng tâm lý, không hề ra vẻ kiều diễm, điệu đàng của văn chương thường thấy. Và nhiều câu như thế tạo thành từng câu chuyện gần gũi, thực tế, có khi chỉ để giải bày tâm trạng, một tình huống khó xử, có khi lại chuyển tải thông điệp:

“… Những người yêu nhau thật không phải đi chơi nhiều như tụi mình. Họ ngồi ở nhà luẩn quẩn bên nhau, người hài lòng với ngay cả điều đơn giản nhất là người đang hạnh phúc nhất…” – Mỗi năm chỉ có một ngày

 

Quốc Trương

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI