“Cháu không nghĩ rằng cháu cần học vấn, cần một công việc hay một thứ gì cho cuộc sống sao?”
“Cháu nghĩ rằng nghề nghiệp là một phát minh của thế kỷ 20 và cháu không muốn nó.” (Into The Wild)
Tại sao những người trẻ hiện đại chúng ta lại không thử như Christopher McCandless (Into The Wild)? Ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp, đi về nhà đốt luôn chiếc bằng đó cùng những thứ như giấy tờ tùy thân, thẻ tín dụng, các loại bằng cấp… bỏ lại đằng sau tất cả những ảo mộng phù du của xã hội hiện đại. Hoặc như Ryan Bingham (Up In The Air) nói:
“Cuộc sống của chúng ta cân nặng bao nhiêu? Tưởng tượng bạn có một cái ba lô, bạn cho tất cả những thứ bạn có vào đó, đầu tiên là những thứ như đồ trang sức, quần áo, TV… rồi đến những thứ to hơn như chiếc ô tô, ngôi nhà của bạn… Bạn đã cảm thấy độ nặng chưa?”
Tôi nghĩ nếu bạn có một chiếc ba lô như thế thật, vậy bạn thử nghĩ xem với chiếc ba lô như vậy thì bạn đi được những đâu, bạn sẽ đi được bao xa? Ryan Bingham cũng nói:
“Bạn càng đi chậm thì bạn càng chết nhanh.”
Ồ, tại sao lại như vậy, nghe có vẻ thật xa lạ với những gì chúng ta được dạy từ bé đến giờ, những gì trường lớp dạy chúng ta đâu phải như thế? Xã hội dạy chúng ta làm sao càng có nhiều tiền càng tốt, con người chúng ta được đo đạc bằng những gì chúng ta có: Nhà cao cửa rộng, ô tô sang, quần áo xịn… Trường học thì dạy chúng ta: Tôi chơi với anh thì tôi được lợi cái gì, có tiền không mà đòi chơi với tôi, tôi được bao nhiêu anh được bao nhiêu… Đó chính là sự thực dụng mà chúng ta được dạy. Chúng ta có thể bất chấp tất cả để đạt được của cải vật chất, thậm chí phải hy sinh ước mơ, đam mê của chính bản thân mình với một niềm tin rằng với của cải trong tay chúng ta có thể thỏa mãn sự đánh đổi đó.
Con người ta quá bận rộn để chạy theo những thứ như vậy, họ phải kiếm tiền, họ phải tham gia những cuộc họp, họ phải đi thiết lập mối quan hệ… đủ thứ mà tôi cũng chả hiểu là việc gì. Như vậy Tyler Durden (Fight Club) chả nói đúng quá sao:
“Những gì chúng ta sở hữu cuối cùng lại sở hữu chính chúng ta.”
Chúng làm cho chúng ta không dám “xách ba lô lên và đi”, ôi thật buồn cười thay!
Tại sao những người trẻ hiện đại chúng ta lại không chọn một cuộc sống như Tiêu Phong và A Châu (Thiên Long Bát Bộ)? Bỏ hết tất cả lại đằng sau để đi đến vùng biên cương, hoặc một vùng làng quê nào đó, hoặc một vùng thảo nguyên nào đó, có một ngôi nhà be bé để sống, có một mảnh vườn nho nhỏ để trồng rau ăn qua ngày, rồi trồng vài ba cây ăn quả, cứ đến mùa lại ra vườn hái những trái táo chín đỏ mọng ăn có phải sung sướng không. Hàng ngày ra vườn trồng cây cuốc đất; rảnh rỗi thì ngồi uống trà, đánh cờ, ngâm thơ cùng những người bạn tâm giao; một mình thì chơi đàn, vẽ tranh, đọc sách của các bậc thánh hiền… có phải là tuyệt vời hơn so với cuộc sống bon chen ngoài kia suốt ngày chỉ biết đến mớ giấy tờ xếp từng đống từng đống không. Sáng thì làm việc, tối về nhâm nhi chén trà ăn bánh thưởng nguyệt, biết đâu tức cảnh sinh tình lại ra mấy vần thơ, ôi cuộc đời có phải phiêu diêu tự tại làm sao.
Một năm dành ra đến 2, 3 tháng để đi đây đi đó, leo đỉnh Phanxipan, đạp xe xuyên Việt hoặc đi bộ dọc con đường Trường Sơn, hoặc nếu hơn nữa thì có thể nhảy lên những con tàu vô định không biết đang đi về đâu như Paul Theroux (Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ), đến những nơi mình chưa từng đến, làm quen với những người mình chưa từng biết. Để cho tàu trôi tự do, đến đâu thì đến, đến nơi đâu mình sẽ hòa nhập vào tâm hồn con người nơi đó, sống với họ, ăn với họ, sinh hoạt với họ, cảm nhận những nét văn hóa rất đặc sắc mà không đâu giống đâu; mình sẽ chìm xuống để lắng nghe những âm thanh của thiên nhiên hoang dã, lắng nghe tiếng gió thổi qua từng chiếc lá cây, tiếng chim kêu từ cành này sang cành kia, tiếng nước suối róc rách chảy, liệu như thế có tuyệt vời hơn những tour du lịch đã vạch sẵn nơi đến và bị giới hạn thời gian không?
Dẫu biết cuộc đời còn nhiều khó khăn nhưng bạn cứ tin tôi đi, một khi bạn nhận ra được và phá vỡ bức tường vô hình đó, bạn sẽ thấy nó thật thật tuyệt vời!!!
Tôi nói thật đấy!
Bonus bài nhạc nghe khi đọc note:
Mùa an cư 2014.
vì thực tình làm những thứ đó cũng cần tiền :3
Em cũng là 1 người thích đi đây đi đó, khám phá cái này cái kia. Nhưng nếu như tác giả nói bất chấp tất cả hay đại loại là bỏ hết phía sau thì với thời đại bây giờ không được phù hợp. Nếu như thế nó giống như là sống cho bản thân nhiều hơn, thỏa mãn được cái mong ước của mình hơn.
Đi cứ đi nhưng đi khi nào, vào thời điểm nào và đi như thế nào thì là cả một quá trình, không phải cứ muốn là được. /
Cá nhân chỉ nêu lên quan điểm của bản thân thôi, không có ý gì.
Đến đúng thời điểm rồi họ sẽ thay đổi thôi. Không đúng thời điểm thì cũng chỉ nhận được vài ba câu kiểu như: Đi 2,3 tháng về cty nó đuổi mẹ rồi, hay kiểu như, có bọn khùng mới đi một mình…
Tuy nhiên, việc đi, ngày càng bị lạm dụng như một liều thuốc “giảm đau”, khi không biết mình là ai, khi hoang mang, lạc lối, thì việc đi càng bị lạm dụng nhiều hơn, mình vẫn nghĩ, việc đi sẽ rất tuyệt vời hơn, nếu như lúc đó, mình đã xác định được chính mình.
Thích được đi du lịch như là 1 nhu cầu thiết yếu của cuộc sống để suy ngẫm thêm cuộc sống xung quanh nhưng ở VN mấy nơi mà được tạo điều kiện khi nhân viên gửi cái đơn xin phép nghỉ việc với lý do “đi du lịch????”
Tôi thích bản nhạc
Đọc mà thấy tác giả như còn nhỏ tuổi ấy . Nếu tác giả đã viết được thế này thì sao không thực hiện triết lí của mình, mà còn có bài post ở đây .
Đối với mình, cuộc sống chúng ta càng phong phú,đa dạng hơn với những người khác, những người không giống mình . Chúng ta nên kết nối với nhau, truyền động lực cho nhau, làm cuộc sống nhau trở nên thịnh vượng hơn chứ không nên ai nấy đều lên “núi” cả .
Đang làm mà bỏ ra 2,3 tháng đi như Tiêu Phong rùi về thì công ty nó sa thải từ lâu rồi, tác giả hơi mơ mộng. Đồng ý tuổi trẻ nên dành thời gian cho những chuyến đi để sống khác và trải nghiệm nhưng ko phải như bọn kiếm hiệp vớ vẩn của TQ, ko làm ra tiền mà suốt ngày ăn nhậu với bố thí cho ăn mày.
Cuộc sống hiện đại làm cho người ta muốn nhiều thứ mà quên đi cái họ thực sự cần..
Ngây thơ, khờ dại là những gì mình cảm nhận được, nhưng…dẫu sao cũng là một cách để sống! 🙂
Mình cũng từng muốn được ngây thơ được khờ dại như vậy, nhưng thực tế cuộc sống cuốn mình đi với những cơm áo gạo tiền, và cuối cùng nó vẫn chỉ ước mơ xa vời của một đứa hâm dở thôi :p
Tác giả hỏi tại sao thì mình xin trả lời: Vì nếu như vậy mình chỉ thoải mái cái thân của mình thôi còn chả giúp đỡ cho ai, đóng góp được gì cho xã hội cả. Và 1 vài người ăn bám thì còn được chứ cả xã hội ăn bám thì e là không ổn.
Chỉ là muốn chúng ta hãy thử bỏ lại tất cả phía sau, xách ba lô lên và đi để thấy rằng ở đâu đó cuộc sông tươi đẹp hơn rất nhiều……….và biết đâu sau chuyến đi đó bạn sẽ khám phá được nhiều điều mới lạ thì sao 🙂
tác giả đã “bất chấp tất cả” để sống như Tiêu Phong và A Châu (Thiên Long Bát Bộ) chưa ạ ?
Không biết tác giả bài viết này đã bất chấp tất cả hay chưa, nhưng mình thì biết được một số người bạn như vậy ở ngoài đời.