*Featured Image: Etienne Despois
Gần đây, tôi lại đọc được ở đâu đó câu này: “Tiếng Việt của chúng ta giàu và đẹp!” Một câu mọi người đều quen. Tiếng Việt là niềm tự hào mặc định người Việt. Thỉnh thoảng, nó vẫn được nhắc lại. Xen lẫn đó, sự kiện bức thư của du học sinh Nhật về Việt Nam làm dấy lên không ít dư luận, và khiến nhiều người nổi giận tìm cách phác họa những nét đẹp Việt Nam để lấy lại tinh thần dân tộc. Hai sự kiện có vẻ không liên quan gì đến nhau, nhưng khiến tôi suy nghĩ đến một vài điểm mà chúng ta thường lấy làm tự hào khi nhắc tới đất nước mình, dân tộc mình.
Ngôn ngữ
Tiếng Việt giàu và đẹp. Chúng ta thường tự hào như thế. Còn tôi không chắc về điều đó. Nếu tiếng Việt giàu và đẹp, tôi tự hỏi, vậy thì so với ngôn ngữ nào? Không có sự so sánh thì chẳng có sự tôn vinh. Khi bạn nói mình xinh gái, đẹp trai, chắc hẳn bạn cũng có vài đối tượng xấu xí trong suy nghĩ.
Các nhà ngôn ngữ có lẽ có đáp án về điều này!? Còn phần lớn chúng ta không biết. Bản thân tôi, tôi trân trọng tiếng Việt vì đó là tiếng mẹ đẻ, là thứ tiếng gắn bó mật thiết với đời sống và tâm hồn tôi. Chứ không phải vì nó giàu và đẹp. Vì tôi không biết tiếng Việt có thực sự giàu và đẹp không.
Buồn cười hơn là, bất cứ dân tộc nào cũng có thể, và có quyền không ai dám phủ nhận khi khẳng định ngôn ngữ của họ tuyệt vời. Nếu ngôn ngữ nào trên thế giới cũng đều tuyệt vời, đâu là ngôn ngữ yếu kém hơn, và sự tuyệt vời cũng còn giá trị gì nữa, khi trở nên đại trà?
Lịch sử và con người
Không giống ngôn ngữ, lịch sử là niềm kiêu hãnh mà ta có thể nắm chắc hơn. Chúng ta bị đô hộ 1.000 năm nhưng vẫn giữ được đất nước. Chúng ta là một trong những dân tộc hiếm hoi đã ngăn cản bước tiến của quân Nguyên – Mông. Chúng ta có Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, v.v… Những dấu mốc ấy khó có thể phủ nhận. Thế nhưng, chúng ta cũng đã bị đô hộ suốt 1000 năm, và thêm gần 1000 năm tiếp theo là bản sao không hoàn chỉnh của văn hóa Trung Quốc, trước khi rơi vào tay người Pháp. Chúng ta điêu linh trong 2 cuộc chiến tranh lớn suốt thời hiện đại…
Các dân tộc trên thế giới này đều có những khoảng thời gian đáng tự hào nào đó trong quá khứ, so le với những khoảng thời gian yếm kém, bị chèn ép, xâm lược. Lịch sử có thể là niềm kiêu hãnh, cũng có thể là sự đáng buồn, và thường là cả hai. Điều quan trọng là chúng ta đã làm gì trong hiện tại. Nếu chúng ta đang không xứng đáng với quá khứ tươi đẹp của mình, chúng ta nên lấy làm xấu hổ?
Và hiện tại – thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử, nơi chúng ta đang THẬT SỰ sống – Việt Nam vẫn chỉ là một đất nước thấp bé nhẹ cân với nhiều sự kiện buồn.
“Tôi tự hào vì cha ông tôi giàu có, học thức, mặc dù bản thân tôi thất nghiệp và thất học?” Chúng ta không thể nói như thế.
Buồn một niềm “tự hào cùn”
Đọc các tin xấu về đất nước, con người Việt Nam, đã có lúc tôi nghĩ: “Mặc các vị nói gì, bôi xấu gì đi nữa, tôi vẫn tự hào vì tôi là người Việt Nam.” Cũng đã có những lần tôi phản pháo theo cách ấy trên mạng xã hội. Dân tộc tôi, tôi phải tự hào chứ? Không lẽ tôi tự đánh giá thấp dân tộc mình? Nhưng rồi tôi nhận ra mình đã lầm. Bởi vì TÔI là người Việt Nam, nên không chịu được những lời nói xấu về người Việt – một tập hợp lớn gồm có tôi bên trong. Nói người Việt xấu xí, chẳng hóa ra tôi cũng xấu xí? Hóa ra, tôi chỉ đang tự ái, cho chính mình!
Nói như thể Việt Nam rất xấu xí, nhưng vẫn đáng tự hào, vì Việt Nam có TÔI vậy. Có lẽ, đó là… một niềm tự hào cùn, khi tôi và các bạn thật sự không tìm thấy những lý do chính đáng để kiêu hãnh, nên đành phản ứng lại bằng sự tự ái, nhân danh dân tộc.
Chúng ta đã từng tự hào có rừng vàng, biển bạc, rồi xấu hổ che lại niềm tự hào này. Chúng ta từng tự hào dân tộc anh hùng, để sau đó hôi bia lên báo thế giới. Tự hào yêu thương đồng bào, và Việt Nam sắp trở thành thiên đường ung thư trong quốc nạn thực phẩm bẩn, nơi người người đầu độc lẫn nhau. Niềm tự hào đã gần như rời bỏ chúng ta. Chúng ta chỉ còn là một dân tộc tự sát. Những niềm tự hào cùn cũng chẳng thể khiến cuộc tự sát đó diễn ra trong danh dự.
Chúng ta phải bắt đầu từ đâu, nếu không phải là những niềm tự hào? Nếu không mang theo những niềm tự hào?…
Den Pho
Nhìn thẳng vào sự thật thì đâu có gì để tự hào cơ chứ! Thà bi quan mà nhìn ra đúng thực tế còn hơn lạc quan một cách đầy ảo tưởng!
Khi mình nói mình tự hào mình là người Việt Nam, điều đó có nghĩa là mình yêu đất nước này thôi, và nếu được đánh đổi thì mình cũng sẽ là người Việt Nam
Tiếng Việt nếu xét ra mình thấy không giàu, có một số từ mượn từ Trung Quốc và Pháp do không có cụm từ để diễn tả trong tiếng việt. Đẹp thì lại cần tiêu chuẩn mà tiêu chuẩn thì chẳng ai đặt ra và không ai công nhận. Và theo mình nghĩ thì không có ngôn ngữ nào xấu xí cả. Nếu dùng một từ để nhận xét về tiếng Việt thì mình sẽ trả lời là hay và “khó” :)) có học tiếng anh rồi mới thấy, tiếng việt có những điều chẳng theo quy tắc nào cả 😛
Mình nghĩ thay vì “tự hào cùn” như bạn nói hay cứ lôi những điểm chỉ trích mà đã lặp lại quá nhiều đến nhàm chán thì mình sẽ thay đổi 🙂 Thay đổi cách nhìn của mình! Chứng tỏ !