Featured image: Julie Andrews as ‘Cindarella’, 1957
Có lẽ truyện cổ tích Cô bé Lọ Lem là câu chuyện cổ tích hay nhất thế giới và đây cũng là câu chuyện có nhiều văn bản tương đồng nhất trên khắp thế giới. Ước tính, tổng cộng có khoảng 1500 câu chuyện tương tự nhau xoay quay motif của Cindella. Trong truyện Trung Hoa, nàng Cinderella có tên là Yeh Shen. Người Việt Nam gọi tên nàng là Tấm. Người Đức gọi là Ashenputtel. Thổ dân Algoquian (tại vùng Bắc Mĩ, Canada) gọi nàng là Cô Bé Nám Mặt (Little Burnt Face).
MOTIF. Một hiện tượng quá phổ biến, trong mọi lĩnh vực.
Âm nhạc. Chúng ta đều biết tất cả các tác phẩm của một nhạc sỹ luôn có 1 âm hưởng tương đồng. Dường như, ban đầu nhạc sỹ ấy sáng tác ra một âm hưởng gốc và từ đó chỉ việc sao chép và thay đổi chút xíu để có thêm những tác phẩm mới. ABBA, MODERN TALKING, BEE GEES,… – những sáng tác của họ luôn na ná nhau.
Điện ảnh. Hôm qua vừa xem xong phim Rush Hour 3, nên bây giờ lạm bàn về phim của Thành Long một chút. Hầu như tất cả các tác phẩm gần đây của Thành Long (trừ phim Endless Love) đều theo 1 motif: 2 nhân vật – 1 Á, 1 Âu (Âu thì nói nhiều), điểm mấu chốt của phim luôn xuất phát từ nhân vật Á Đông (dĩ nhiên rồi, phim của ảnh mà), trong phim luôn có sự bất đồng và hiểu lầm giữa 2 nhân vật Á và Âu và cuối phim luôn có cảnh nhảy từ trên cao xuống và không chịu chết. Này nhé: Rush Hour 1-2-3, Hiệp sỹ Thượng Hải 1-2, 80 ngày vòng quanh thế giới. Vẫn 1 motif cũ rích ấy và vẫn hốt bạc.
Nói về phim tình cảm Hollywood, motif kinh điển được xài đến mòn vẹt là sự biến đổi và điểm bộc phát. Gần như tất cả các phim ăn khách đều theo motif này: có thể kể ra vô số, như là Pretty woman, How to loose a guy in 10 days, Noting Hill,… Sự biến đổi là việc nhân vật chính thay đổi tính cách, tình cảm hay quan điểm về 1 vấn đề gì đó,…. Chẳng hạn như, nhân vật nam chính trong Pretty Woman chuyển từ thái độ xem cô cave đứng đường là … 1 cô cave thành thái độ xem cô ấy là người yêu. Hay như phim Big Daddy, chàng nhân vật từ một kẻ bê tha, vô trách nhiệm trở thành 1 người cha tuyệt vời. Hay như phim Wedding Crasher, chàng nhân vật chính từ một tay chơi chuyên dụ dỗ các em gái trong các đám cưới đã trở thành người yêu lý tưởng. Kể nhiều mệt quá. Và sự thay đổi đó luôn là chóng vánh. Ngay cả anh Trương Nghệ Mưu cũng xài đến motif này khi làm bộ phim Thập Diện Mai Phục.
Điểm bộc phát (gần như điểm sôi 100 độ C) là sự kiện mà dưới tác động của 1 lời nói nào đấy, nhân vật thay đổi hoàn toàn và quyết định thực hiện 1 điều gì đó đúng đắn, đại loại là chạy theo tiếng gọi con tim (như Pretty Woman, How to loose a guy in 10 days, Notting Hill,…), làm 1 điều chính nghĩa (như phim Big Daddy, Summersby,…). Riêng trường hợp chạy theo tiếng gọi con tim, đây là một chi tiết kinh điển sáo mòn của các phim tình cảm. Chúng ta đã quá chán ngấy với cảnh vào cuối phim chàng trai/cô gái chạy đi tìm tình yêu của mình trong tuyệt vọng hoặc hạnh phúc. Như đoạn chàng trai chạy đến và biến câu chuyện cổ tích của cô cave ấy thành sự thật trong bộ phim Pretty Woman. Hay như, … nhiều quá kể không nổi.
Đó là những motif bạc triệu. Và đó là vẫn chưa kể đến motif của phim 007.
Motif. Quả thật, sáng tạo chẳng phải là 1 công việc dễ dàng gì.
Có lẽ thật thách thức cho những nghệ sỹ. Phải luôn sáng tạo, nếu không cuộc sống không còn ý nghĩa với họ. Những kẻ làm kinh doanh chỉ quan tâm đến cái gì hiệu quả nhất (mới hay cũ thì mặc kệ) và họ là những kẻ may mắn. Và cuộc đời quả bất công đối với người nghệ sỹ. Như Chế Lan Viên, xuất bản tập thơ Điêu Tàn năm 17 tuổi làm bàng hoàng cả giới văn chương và sau đó… đúng là “điêu tàn”. Chỉ toàn là những dị bản của nàng Cinderella. Hay tệ hơn là Nguyễn Huy Thiệp với Tiểu Long Nữ. Các nhà văn cây đa cây đề hay nói đến sáng tạo, hay chê bai lớp trẻ nhưng bản thân họ thì lại quá yêu nàng Tấm nên không nỡ đi đâu nữa.
sáng tạo thật là mệt mỏi, không chỉ sáng tạo cái của riêng mình, mà còn phải là cái chưa có ai từng làm nữa…