27 C
Nha Trang
Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Những “Khoảng Trống” Trong Giao Thông

Tôi không biết ở những nơi khác thì như thế nào nhưng nếu bạn sống ở Sài Gòn, bạn sẽ ít nhất một lần gặp phải tình trạng kẹt xe. Tôi đoán rằng những nơi khác cũng như thế thôi, có chăng là ít gặp hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kẹt xe, có thể do va quẹt, tai nạn giao thông, cũng có thể là do lưu lượng xe cộ lưu thông quá lớn,…Hầu hết mọi người gặp phải kẹt xe đều muốn thoát khỏi tình trạng đó càng sớm càng tốt, nhưng hành động mà nhiều người dùng để thoát khỏi vụ kẹt xe không phải lúc nào cũng tốt và mang lại hiệu quả.

Có một kiểu tắc đường gây ra rất nhiều khó chịu cho những người tham gia lưu thông, đó là khi chiều mình đi đang lưu thông một cách rất khó khăn, nhưng ở chiều ngược lại thì trống trơn và rất ít xe lưu thông. Điều cám dỗ hầu hết mọi người là tại sao mình lại không lấn sang làn đường bên kia một chút nhỉ, chỉ một chút thôi, chắc không ảnh hưởng gì đâu. Chuyện sẽ không có gì để nói nếu như chỉ có một vài người có suy nghĩ ấy, nhưng tiếc thay không phải một vài người mà rất nhiều người đã lấn sang làn đường bên kia để đi cho nhanh. Hệ quả của nó là khi những người ở hướng ngược lại đang tưởng rằng mình đã thoát ra khỏi đám xe cộ đông nghẹt nhưng thực tế không phải như vậy. Có một lượng lớn phương đang đứng trước mặt và đối đầu với họ, đến mức nếu bạn ở trong tình huống đó, có thể bạn sẽ phải tự hỏi rằng liệu có phải mình đang đi nhầm vào đường một chiều?

Trong tình cảnh ấy, bạn tiến không được mà lùi cũng chẳng xong, đành ngậm ngùi chờ đợi có một phép màu nào đó xảy ra để có thể thoát khỏi mớ hỗn độn này. Thông thường thì những vụ kẹt xe nói trên sẽ không quá lâu, có khi nó sẽ không xảy ra, nếu như những người tham gia giao thông biết tôn trọng phần đường của những người đi chiều ngược lại.

Những “khoảng trống” trong giao thông

Tôi gọi những chỗ trên đường không có xe cộ đang lưu thông hoặc dừng, đậu là những “khoảng trống”. Và không phải lúc nào những khoảng trống đó cũng dành cho tất cả mọi người, nó chỉ nên được dành cho một số đối tượng nhất định, hoặc không ai cả.

Chắc hẳn rằng trong những lần bạn tham gia lưu thông trên đường, khi đến một ngã ba, ngã tư nào đó bạn định rẽ phải thì ở phía lề phải đã có những chiếc xe khác đang dừng đèn đỏ ở đó và bạn không thể làm điều mình muốn được. Trong hoàn cảnh ấy, có người bóp còi inh ỏi, quát nạt để xin đường, cũng có những người lịch sự hơn thì nhẹ nhàng nói người phía trên né ra một chút để họ rẽ phải. Cũng có những người đành cam chịu chờ hết đèn đỏ rồi rẽ phải.

Đó là một trong những khoảng trống mà tôi đang muốn đề cập. Trong nhà trường, bạn có thể được dạy về luật Giao thông trong môn Giáo dục công dân, nhưng hiếm có khi nào họ dạy bạn rằng cần phải nhường chỗ cho những người rẽ phải khi dừng đèn đỏ. Điều đó cũng không có gì là quá nghiêm trọng, nhà trường không dạy nhưng với tư cách là một người tham gia lưu thông trên đường, lẽ dĩ nhiên hầu hết mọi người chúng ta đều phải từ 18 tuổi trở lên, chúng ta hoàn toàn đủ nhận thức để có thể nhận ra điều đó.

Điều đáng tiếc là mặc dù hầu hết mọi người đều biết rằng khoảng trống đó không phải dành cho mình, nhưng không phải ai cũng biết để dành nó cho những người đến sau muốn rẽ phải. Nó cũng phần nào giống với câu chuyện kẹt xe phía trên. Bạn dừng đèn đỏ sau nhiều người và phía trước bên phải lại có một khoảng trống không chỉ vừa mà còn rộng hơn cho xe của bạn. Đó thực sự là một sự cám dỗ mà không phải ai cũng có thể cưỡng lại được nếu họ chỉ nghĩ cho mình mà không nghĩ cho người khác.

Hầu hết những người dừng đèn đỏ ở vị trí mà đáng lẽ được dành cho những người rẽ phải đều muốn mình được xuất phát trước khi hết đèn đỏ, mặc dù họ đến sau (ở đây tôi không đề cập đến những người vô tình dừng xe ở vị trí này). Tôi tin rằng đó là một sự không công bằng và nó ảnh hưởng không nhỏ đến ý thức và thói quen tham gia giao thông của không ít người.

Dừng đèn đỏ

Có những khoảng trống xuất hiện rất nhanh và biến mất cũng nhanh không kém, đó là khi bạn dừng đèn đỏ. Tôi gọi đó là khoảng cách giữa các phương tiện. Thông thường khi dừng đèn đỏ, nếu có một khoảng trống nào được tạo ra thì gần như ngay lập tức sẽ có người lao lên chiếm lấy khoảng trống nhỏ nhoi đó. Cứ như thế các khoảng trống được tạo ra và nhanh chóng được lấp đầy cho đến khi không còn khoảng trống nào nữa. Dòng người chen chúc nhau và giữa các phương tiện gần như “không còn khoảng cách”.

Hệ quả của nó là khi hết đèn đỏ, khi những người ở phía trước di chuyển được một vài giây thì những người phía sau mới có thể di chuyển được. Mới nghe qua thì có vẻ không đáng kể, tuy nhiên hãy thử nhẩm tính xem số lượng phương tiện giao thông hiện tại đang lưu thông để thấy chúng ta đang mất một lượng thời gian lớn như thế nào. Thực sự thì đôi lúc dừng đèn đỏ tôi chỉ muốn có một khoảng trống nho nhỏ phía trước, chỉ để thở thôi. Tại sao chúng ta lại phải chen chúc một chỗ chật kín trong khi xe vẫn nổ máy?

Để những “khoảng trống” mãi là “khoảng trống”

Khi tham gia giao thông, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều khoảng trống. Tuy nhiên, không phải lúc nào khoảng trống đó cũng dành cho bạn. Bởi vì nó vốn dĩ sẽ tốt hơn cho bạn và cho tất cả mọi người nếu như những khoảng trống đó được dành cho những người thực sự cần đến nó.

Cũng có những khoảng trống dành cho tất cả mọi người, như những lúc dừng đèn đỏ. Nhưng hãy cứ để nó mãi là khoảng trống đi, bởi khoảng trống tồn tại vốn dĩ là để chúng ta lướt qua nó, chứ không phải để dừng lại.

Snowball

*Feature Image: Tripwow

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI