Photo: Pink Sherbet Photography
Tuổi “teen” cái gì cũng dở dở ương ương. Nhỏ đã qua, lớn chưa hẳn. Quần áo, giày dép lỡ cỡ, cũng khó tìm kiểu. Kiểu thiếu nhi hắn không ưng, kiểu người lớn chúng không chịu. Ngay cả việc nhắc nhở nếu không thay đổi, cữ giữ nguyên cách như chúng đang là trẻ con cũng làm chúng khó chịu, bực mình mà chẳng lọt tai chúng câu nào.
Thế giới của chúng bây giờ bạn bè cùng trang lứa là quan trọng nhất. Thầy cô bây giờ cũng không còn là “khuôn vàng thước ngọc”, nói gì chúng cũng nghe như ngày xưa còn bé đâu. Có khi, tên gọi và các hoạt động của những thần tượng ở xa nửa vòng trái đất còn được chúng nhắc tới, biết tới nhiều hơn cha mẹ chúng. Thời gian của chúng trừ những lúc đi học ở trường, những lúc cả nhà cùng ăn cơm, những lúc cần “báo cáo” với phụ huynh thì chúng cũng muốn sử dụng riêng hết. Nếu không bị ép, chúng thực lòng không muốn chia sẻ “tài sản riêng” này cho những sinh hoạt gia đình : xem phim, ngồi hàn huyên trò chuyện…, cũng như phụ huynh chúng ngày xưa thôi (?)
Ngôn ngữ, chữ viết chúng giao tiếp với nhau cũng đầy bí hiểm. Nếu không muốn khoảng cách với chúng ngày càng xa thì phải chấp nhận những ký tự lạ, cách phát âm lạ. Nếu muốn tiếp chuyện được với chúng lâu một chút thì buộc phải tìm hiểu chúng thích nói về chuyện gì. Đề tài có khó nghe hay lạc hệ cũng phải tỏ ra “hòa nhập”, tuyệt đối không phê phán ngay lập tức để còn ‘dò la’ suy nghĩ của chúng đang ở đâu, có đúng đường hay đi “trệch cột dọc”, rồi mới tìm thời điểm phù hợp uốn nắn, điều chỉnh.
Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, nếu chúng cảm nhận được cha mẹ nghiêm khắc, hay “tuýt còi” chúng là vì yêu thương chúng, muốn chúng thành người tử tế, đàng hoàng nên mới thế, thì chúng cũng khá “biết điều” đấy. Với tuổi này của các con, tôi không thích cách dùng quyền cha mẹ áp đặt con phải nghe lời, mà muốn lắng nghe chúng phát biểu, để khi mình ra “phán quyết cuối cùng”, chúng hoàn toàn tâm phục, khẩu phục.
Đôi khi, bỏ qua ngôi vị là cha, mẹ, bỏ qua khoảng cách thế hệ mà lắng nghe được những lời phản biện của chúng, cũng không phải không có những điều có lý. Để chúng mạnh dạn “cãi lời” cha mẹ nhưng vẫn trong khuôn khổ phép tắc trên dưới rõ ràng, đôi khi lại tạo được cơ hội cho chúng bảo vệ được chính kiến và cơ hội rèn luyện khả năng thuyết phục.
Nói là “hiểu con, làm bạn với con” thì đơn giản, nhưng thực hiện được cũng không dễ. Nhưng khi trong tâm tưởng ta có điều đó, chí ít cũng làm cho khoảng cách giữa cha mẹ và con cái trong lứa tuổi thành niên gần lại.
Trong khi cứ tạm “hô khẩu hiệu” như vậy, thì đầu tư cho con một không gian riêng, đầu tư vào những môn học năng khiếu, phát huy sở trường, đam mê của tuổi vị thành niên cũng là một “hành động thiết thực” và có ý nghĩa. Bọn trẻ sẽ rất vui sướng nếu chúng được sở hữu một góc riêng, được tha hồ bày bừa và dọn dẹp, đương nhiên rồi, theo ý chúng. Chưa kể, những môn ngoại khoá còn làm dày thành tích của chúng và làm nền tảng vững chắc cho giai đoạn cột mốc ” vào đại học”, nhất là đối với những bạn có nguyện vọng du học, thì ngoài kết quả học tập tốt, thành tích của những môn năng khiếu, thể thao và các hoạt động ngoại khoá gần như là tấm vé thông hành bắt buộc.
Nếu quan tâm tới các con đúng cách, phụ huynh chúng ta nên phải đầu tư sớm ngay từ khi các con còn nhỏ, đợi tới tuổi “teen” cũng là hơi chậm rồi. Những đứa trẻ được cha mẹ hướng đến việc học tâp chính kết hợp với những môn năng khiếu sớm luôn có những thành tích đáng kể và có kết quả học tập tốt, phát triển tư duy toàn diện hơn so với những bạn chỉ được học văn hoá. Trong phạm vi bài viết này không có số liệu thống kê làm dẫn chứng về điều này, nhưng nếu so sánh học sinh ở thành phố lớn (thường được học thêm môn ngoại khoá) so với học sinh vùng cao, vùng sâu (hầu như chỉ đươc học văn hoá), chúng ta có thể hình dung được sự khác biệt này.
Rẩt may là đa số các phụ huynh thời đại này ý thức được việc cho con học ngoại khoá từ sớm (ngoại ngữ, nhạc, hoạ, thể dục, võ…) và xu hướng các trường mầm non, tiểu học ở các thành phố hiện nay mở các lớp ngoại khoá ngoài giờ ngay tại trường rất phổ biến. Thực tế này mang lại lợi ích không chỉ cho các trường học, cho học sinh mà còn rất tiện lợi cho phụ huynh không phải không phải mất công chạy tới chạy lui đưa đón con em mà có thể đón sau giờ làm việc.
Tuy nhiên, đầu tư học ngoại khoá thế nào là đúng cách luôn là vấn đề gây tranh cãi cho các phụ huynh. Người cho rằng không cần thiết nếu con không có năng khiếu, người lại cho là quá quan trọng, cần phải ép vào khuôn khổ trước rồi năng khiếu mới xuất hiện. Khách quan, phụ huynh nào cũng có lý, là bởi chỉ có họ mới hiểu rõ khả năng và nguyện vọng của con em và điều kiện, hoàn cảnh riêng của gia đình. Lựa chọn cách đầu tư cho con cụ thể thế nào, học những môn gì, không học những môn gì hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm cá nhân phụ huynh. Lựa chon thế nào thì tuỳ, nhưng cách đúng đắn nhất phụ huynh áp dụng cho con em mình luôn luôn là kết hợp giữa năng lực, sở thích, diều kiện của gia đình, và quan trọng nhất, vẫn là không tạo áp lực không cần thiết cho các con và cho cả chính bản thân cha mẹ và sự lựa chọn ấy phải mang lại kết quả nhất định cho chính con em mình.
Nếu con em chúng ta dành ra 1 giờ mỗi ngày để học đàn, piano chẳng hạn, sau 5 năm ít nhất con có thể chơi thành thạo ít nhất 20 bản nhạc, có thể tham gia các buổi biểu diễn thiện nguyện hoặc dàn nhạc của nhà thờ… Đây là một kết quả có thật, so với một bạn khác không học gì thì thời gian 1 giờ mỗi ngày đã không tạo ra kết quả gì mà còn có thể lấy đi của bạn này khoảng thời gian lẽ ra làm được những việc có ích thì lại sa đà vào các thú vui giải trí ti vi, điện thoại thông minh, ipad, games, mạng xã hội.. dễ gây nghiện và lãng phí thời gian vô bổ.
Quan tâm tới con, nghĩa là phải dành cả thời gian, đồng hành cùng con, chứ không chỉ là đầu tư itền bạc, vật chất cho con. Tuỳ theo tính cách con mình, cha mẹ có thể để con tự giác học tập, hoặc nghiêm khắc quan tâm, nhắc nhở. Tuy nhiên, trẻ con hay ngay cả các bạn tuổi “teen” đều vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành, nên việc quan sát các bạn sát sao, thường xuyên để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh là một việc rất cần thiết và là một quá trình lâu dài mất nhiều thời gian, công sức và cả sự kiên nhẫn.
Phụ huynh chúng ta nếu thực sự yêu thương con hãy yêu con một cách thông thái, đó là làm những gì tốt nhất cho con phù hợp với khả năng, nguyện vọng của con theo cách con mong muốn, chứ không phải là cái chúng ta mong muốn. Nếu không chúng ta sẽ dễ bị rơi vào cái bẫy ngọt ngào “ để cho con tự do “ của sự lười biếng cha mẹ do quá bận rộn nại ra để bỏ quên, không đi sâu đi sát để con hoặc là từ bỏ đam mê, có năng khiếu mà không phát huy… hoặc là áp đặt quá làm con không còn thấy yêu thích học những môn cha mẹ bắt buộc, học cầm chừng, đối phó.
Trở lại vấn đề tuổi “teen”, khi các bạn ở trong độ tuổi, có một nhận thức nhất định, bắt đầu muốn thể hiện bản thân và chính kiến, các bạn cũng có một thái độ nhất định đối với cách giáo dục của cha mẹ mình. Các bạn sẽ thực sự tự hào, trân trọng và tâm phục khẩu phục cha mẹ mình nếu cha mẹ cũng tôn trọng các bạn, để các bạn được là chính mình hơn là cách cha mẹ hết lòng yêu thương nhưng áp đặt thói quen, sở thích và cả kỳ vọng của bản thân cha mẹ lên đôi vai các bạn.
Đầu tư cho các con chưa bao giờ lỗ vốn, mà còn là khoản đầu tư chính đáng nhất trong đời ta. Nhưng để có một kết quả tốt, có khả năng sinh lời, phụ huynh chúng ta còn cần một chút kiên nhẫn, một chút khoảng không nới lỏng ranh giới cho các bạn “teen” được thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình, và không bao giờ quên cho các bạn biết rằng cha mẹ luôn đồng hành cùng các bạn.
Làm được như vậy, cả nhà đều vui, phải vậy không bạn?
Julia Le