*Featured Image: Donass
Thời gian gần đây, một bức tậm thư bàn về văn hóa Việt Nam của một du học sinh người Nhật nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Nội dung bức tâm thư nói về những điểm mà người bạn này nhìn thấy những điểm chưa đẹp trong cuộc sống của người Việt. Xa hơn nữa, trước đó cụm từ “người Việt xấu xí” đã xuất hiện rất nhiều qua những thông tin như: Những quán ăn ở các nước bạn xuất hiện những tấm bảng cảnh báo thói quen ăn uống chưa lịch sự của người Việt, một số cá nhân đăng những comment không phù hợp lên facebook người nổi tiếng hay những hành động hôi của người bị nạn, tranh giành hoa, quà tặng tại các sự kiện…
Cảm xúc đầu tiên của tôi khi đọc những tiêu đề bài báo này là sự xấu hổ: “Tại sao người Việt chúng ta bị bạn bè thế giới dành cho những thông điệp chưa đẹp như vậy?” Tiếp theo sự xấu hổ là sự tò mò muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Vì vậy, tôi cố đọc hết những bài báo đó để hiểu chuyện gì đang xảy ra với những người Việt tôi yêu. Tuy nhiên, sự xấu hổ, tò mò muốn thay đổi chỉ xuất hiện trong thời gian rất ngắn.
Suy nghĩ trong một thời gian dài sau đó là: “Oh, điều này xảy ra thường xuyên như vậy cũng bình thường. Vì ai cũng vậy mà.” Giật mình suy nghĩ, điều này quả thật rất nguy hiểm khi tôi nghĩ rằng mục đích ban đầu của những lời cảnh báo trên là để xã hội có ý thức hơn trong các hành động của mình. Trong khi đó, bây giờ tôi lại thấy rằng những điều này đã trở nên rất đỗi bình thường.
Đã bao giờ bạn trải qua những cảm xúc tương tự?
Tôi vẫn còn nhớ đến giai đoạn năm 2009, khi cúm gà H5N1 bắt đầu bùng phát một cách mạnh mẽ. Trong giai đoạn đầu, mọi người đều rất kiêng dè trước thông tin diễn biến của dịch bệnh khi những người bệnh đầu tiên đều được cập nhật liên tục trên báo. Người người trong tòa nhà tôi làm việc đều đeo khẩu trang khi làm việc với nguy cơ cả tòa nhà có thể bị cách ly. Khi thông tin người thứ hai mắc bệnh, sự sợ hãi được gia tăng theo cấp số nhân.
Tương tự với người thứ ba, thứ tư. Tuy nhiên, khi được biết đến có vài chục người cũng mắc H5N1 thì dường như sự sợ hãi đã bắt đầu đi xuống. Khi cơn dịch bùng phát đến hơn 100 người thì cả công ty tôi đều không đeo khẩu trang nữa. Sự nghịch lý xảy ra ở đó. Với những thông tin xấu mang tính cảnh báo khi tần suất xuất hiện quá nhiều, mọi người sẽ có cảm giác quen thuộc và không còn quan tâm nữa.. Điều này cũng tương tự trong trường hợp cảnh báo “người Việt xấu xí” trên. Về lâu dài, điều này không những đánh thức sự tốt đẹp của người Việt mà còn khiến chúng ta trở nên dửng dưng với cái xấu.
Như vậy, mục đích cơ bản nhất của các thông điệp khơi gợi điều tốt đã không được truyền tải một cách hiệu quả. Vì thế, để phục vụ đúng mục đích phát triển các giá trị cho xã hội, chúng ta cần một cách làm khác. Trong tuần vừa qua, có ba câu chuyện xảy ra đã giúp tôi hiểu rõ hơn về hiện tượng này.
Chuyện thứ nhất: Trong tuần trước, trong một buổi họp với khách hàng ở Đồng Nai, tôi có cơ hội được đi xe qua rất nhiều cây cầu trên đường đi. Nếu như bạn đã từng đi qua nhiều cây cầu, bạn sẽ phát hiện thấy có một điều chưa hợp lí là dưới chân cầu lại xuất hiện các ngã tư. Điều này rất nguy hiểm khi các dòng xe phải dừng lại và tạo nên một áp lực rất lớn lên cây cầu. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tải trọng này quá lớn so với sức chịu đựng của cây cầu? Hay những nguy cơ tai nạn khi các chiếc xe phải dừng thắng trên địa hình dốc?
Ngay lập tức, tôi liền nghĩ ngay đến việc quy hoạch đường xá của Việt Nam thật sự không hiệu quả. Tại sao lại cho phép giao lộ xuất hiện ngay dưới chân cầu như vậy chứ? Tuy nhiên, một người thầy, một người anh đi cùng trên chuyến xe đó đã kể một câu chuyện khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và từ đó, bài viết này được hình thành.
– “Em biết ngày xưa khi đi khai hoang các khu vực mới, những người dân đầu tiên đến đây như thế nào?”
– “Với mật độ sông ngòi như thế này, em nghĩ rằng họ sẽ đi thuyền tới đây.”
– “Chính xác. Với việc làng xã được xây dựng gần các con sông để tận dụng nguồn nước tại đây thì em nghĩ rằng những con đường đầu tiên sẽ hình thành như thế nào?”
– “Em không rõ lắm, nhưng chắc là nó sẽ chạy dọc theo con sông…”
– “Đúng vậy. Những con đường chạy theo sông chính là những con đường xuất hiện đầu tiên. Sau đó, khi nhu cầu đi lại phát triển người ta mới quyết định xây các cây cầu. Chính vì vậy, việc xuất hiện các giao lộ ngay dưới chân cầu là điều bình thường nếu như chúng ta xét đến lịch sử hình thành của nó.”
Tôi hoàn toàn shock trước thông tin này. Trước đây, tôi cứ nghĩ rằng các giao lộ dưới chân cầu do sự quy hoạch chưa phù hợp. Đến hôm nay, tôi mới biết nguyên do thật sự của nó. Một khi biết được điều này, tôi cảm thấy xấu hổ vì sự hiểu biết quá hạn hẹp của mình khi phê phán một vấn đề. Anh nói thêm:
– “Bất kỳ điều gì cũng có nguyên nhân của nó. Trước khi phán xét một vấn đề, em cần biết được tại sao sự kiện đó lại xảy ra như vậy. Một khi biết được rồi, em sẽ không phê phán nữa và hiểu biết hơn.”
Tôi đã không biết điều này.
Chuyện thứ hai: Đám tang của bác tôi diễn ra vào cuối tuần. Trước đây, khi nhìn thấy các xe đưa tang trên đường. tôi cảm thấy không thoải mái lắm khi trên đường xuất hiện rất nhiều giấy tiền vàng bạc. Ban đầu do không hiểu nên tôi thắc mắc tại sao mọi người lại duy trì hủ tục này khi lại gây mất vệ sinh cho môi trường. Tuy nhiên, lần này với vai trò là thành viên của gia đình có tang, tôi được hiểu rõ hơn về ý nghĩa của hành động này. Đó là thông điệp dẫu chúng ta có nhiều tài sản như thế nào thì khi mất đi, chúng ta cũng không thể mang theo mình được. Hành động này mang ý nghĩa đẹp vô cùng khi là lời nhắc nhở đến những người còn sống về giá trị thật sự của cuộc đời. Giá trị đó không nằm ở tài sản.
Tôi đã không biết điều này.
Chuyện thứ ba: Trong buổi học với các ứng viên chuyên gia huấn luyện của Dale Carnegie Việt Nam. Trước đây, khi tham dự những chương trình đào tạo của Dale Carnegie tôi chỉ đơn thuần đứng với vai trò là người học viên và thích thú với những chia sẻ của chuyên gia huấn luyện. Quan sát những hoạt động, những lời nói, những thông điệp các anh chị chia sẻ, tôi nghĩ rằng đây là điều bình thường vì đây là những chuyên gia huấn luyện. Tuy nhiên, khi tham dự buổi đào tạo cho các ứng viên, điều bình thường này đã không còn bình thường nữa.
Đã bao giờ bạn xem hậu trường của một bộ phim? Nếu như trong khi xem phim bạn chỉ thoải mái với những gì bộ phim diễn ra thì khi xem hậu trường, bạn sẽ cảm nhận được tất cả những yếu tố hoàn thành nên bộ phim đó. Từ cảnh quay, trang phục, ánh sáng, đạo cụ, người hỗ trợ… đến sự công phu của một cảnh quay khi phải được thực hiện đi thực hiện lại nhiều lần. Để một cảnh quay xuất hiện trên màn ảnh, nó phải được chuẩn bị đến từng chi tiết nhỏ.
Điều tương tự với một buổi đào tạo của các anh chị. Khi đứng trước học viên với vai trò chuyên gia đào tạo, đó là sự chuẩn bị đầy công phu cũng như rất áp lực khác nhau. Nhìn thấy được những cảnh đằng sau hậu trường, bạn sẽ biết được việc quay một bộ phim khó đến mức nào. Cũng như nhìn thấy được quá trình học, bạn sẽ thấy được sự phi thường như thế nào của người Chuyên Gia Huấn Luyện. Ấy vậy mà, trước đây tôi chỉ nghĩ rằng đó là điều bình thường của các anh chị.
Tôi đã không biết điều này.
Khi đọc những nhận xét của người bạn du học sinh Nhật viết về những văn hóa chưa đẹp của người Việt Nam, tôi phải cảm ơn bạn vì sự yêu mến, quan tâm của bạn dành cho đất nước Việt Nam, cũng như sự quan sát sâu sắc với những sự kiện bạn đã chứng kiến. Tôi không viết bài này để biện minh cho những điều chưa hay đó. Thật sự, trong thâm tâm, tôi vẫn tin rằng người Việt Nam có nhiều nét đẹp hơn thế. Chỉ đơn giản rằng, tôi hiểu, phê phán không phải là cách hữu hiệu nhất để một con người trở nên tốt đẹp hơn.
Nếu như bạn biết được rằng, từ ngày xưa, người dân Việt có một nét văn hóa sinh hoạt rất đẹp, rất gắn bó nghĩa tình làng xóm kết nối mọi người đó chính là tụ tập xung quanh mái đình làng. Ở nơi đó, biết bao sự kiện văn hóa, thông tin, những điếu văn yêu nước, những lời rao tuyển binh sĩ chống giặc ngoại xâm, những buổi ca hát dưới đêm trăng rằm hay ngày được mùa, bạn sẽ hiểu được tại sao người Việt lại hay tụ tập chung quanh một điểm mà chưa có thói quen xếp hàng.
Nếu như bạn biết được rằng đặc thù sinh hoạt của người Việt với tính làng xã tự trị rất cao, khi mà chất keo gắn bó này giúp người dân chống lại được thiên tai, bão lũ, giặc đói, giặc rét, giặc ngoại xâm, chắc bạn sẽ hiểu tại sao tính cộng đồng của người Việt lại được đề cao hơn cá nhân. Nếu như bạn hiểu hơn về sự hình thành của văn hóa Việt và cũng yêu người Việt như chính tôi yêu người dân nước mình, bạn sẽ hiểu rằng những hành động bạn phê phán có nguyên do của nó. Tôi không nói rằng, đây là những hành động tốt và không cần thay đổi. Tôi chỉ muốn nói rằng, việc gì cũng có nguyên nhân của nó. Và một khi bạn đã yêu người Việt như tôi rồi, bạn sẽ thấy điều này thật thi vị.
Tôi tin rằng, với tình yêu con người Việt Nam, bạn và tôi sẽ có cách của riêng mình, phù hợp với bối cảnh để xã hội chúng ta ngày một văn minh hơn, giàu tình người hơn trong một thế giới đầy phát triển. Vì tôi tin rằng, không một dân tộc nào là hoàn hảo cả. Tình yêu của tôi dành trọn người dân nước tôi, cả những điều bạn thấy chưa hay, chưa phù hợp.
Người Việt tôi yêu, và khi đã yêu rồi, tôi yêu cả những điều chưa hoàn hảo.
Đặng Quốc Bảo
Một góc nhìn tốt. Bài viết khá. Mang lại cho mình hi vọng vào những nỗ lực. Cảm ơn bạn ^^