Cuộc sống xô bồ và vội vã cuốn tôi vào vòng xoáy của công việc và học tập. Bận rộn với những bài kiểm tra, những deadline dồn dập, những hoạt động ngoại khóa, tôi – với 200% năng lượng – đang cháy hết mình cho những đam mê của tuổi trẻ. Những tưởng đó chính là điều tôi kiếm tìm bấy lâu nhưng thực sự tôi đã nhầm. Mọi thứ dường như bủa vây lấy tôi, khiến tôi không còn đủ thời gian cho chính mình và những người thân. Đã một tháng rồi tôi không gọi điện về hỏi thăm tình hinh bố mẹ ở quê. Đám bạn hỏi thăm chuyện của tôi, tôi trả lời ngắn gọn hết mức có thể. Thậm chí vì lười, tôi còn dùng icon rất nhiều – điều mà trước giờ tôi rất ghét. Bỗng nhìn lại, sao thấy mình vô tâm và ích kỉ đến vậy!
Tết đoàn viên
Hôm nay là rằm tháng Tám, lật giở những trang kí ức ngày xưa, tôi ngỡ ngàng khi chưa một lần tôi ở nhà đón trung thu trọn vẹn với bố mẹ. Ngày bé, đó là những lần đi rước đèn với đám trẻ cùng trang lứa. Lớn hơn một chút thì là những lần tụ tập bạn bè ăn uống, hò hét ầm ĩ, náo loạn cả khu phố. Không riêng gì trung thu mà nhiều dịp lễ trong năm, tôi cũng dành phần lớn thời gian cho bạn bè: bạn cũ, bạn mới, những mối quan hệ xã hội khác. Ngày tháng còn sống trong sự bao bọc của bố mẹ trước đây, tôi cứ mặc nhiên nghĩ rằng đời này bố mẹ sẽ theo mình mãi, sẽ luôn ở bên, che chở và bảo vệ mình. Nhưng từ khi đi học xa nhà, được va chạm nhiều hơn, chín chắn hơn, suy nghĩ non nớt ấy của tôi đã không còn như trước nữa.
Tôi hiểu rằng đời người không ai tránh được sinh lão bệnh tử, giống như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói: “Tôi đã mơ thấy chuyến đi của mình, càng sống nhiều ta càng thấy cái chết dễ dàng đến với bất cứ 1 ai, chết quá dễ mà sống thì quá khó. Hôm qua gặp nhau đấy, ngày mai lại mất nhau. Sống thì có hẹn hò hôm nay hôm mai, chết thì chẳng bao giờ có 1 cuộc hẹn hò nào trước.” (Trịnh Công Sơn rơi lệ ru người – NXB Phụ nữ, 2003)
Đón trung thu tại nơi đất khách quê người, thấy nhà nhà vui vẻ quây quần bên mâm cơm, tôi không khỏi chạnh lòng. Tôi muốn bỏ lại tất cả, bắt thẳng một chuyến xe về quê dù chỉ để được ăn một bữa cơm mẹ nấu. Lúc ấy, tự trách mình sao không biết trân trọng những tháng ngày được bố mẹ chăm sóc từng chút một. Phòng trọ nhỏ xíu, bữa cơm qua loa chẳng thể đem lại sự ấm cúng như ở nhà. Thì ra cái cảm giác đáng sợ nhất không phải là lúc tuyệt vọng vì thất bại mà là lúc cô đơn ta chẳng có nơi nào để hướng về!
Không thể đón trung thu bên cạnh bố mẹ, tôi kiếm tìm cảm giác thân thuộc như ở nhà tại nơi cửa Phật. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Kinh Bắc, tôi tự hào với những đền chùa cổ kính, với bề dày truyền thống văn hóa tự ngàn xưa của quê hương mình. Dù có đi bất cứ đâu, mỗi khi bắt gặp hình ảnh những ngôi chùa, tôi lại thấy thấp thoáng bóng dáng quê hương ở đó. Mùi hương trầm thoang thoảng lan tỏa trong không khí, tiếng các nhà sư tụng kinh, gõ mõ: “Nam mô a di đà phật” như mang theo chút gì đó của quê hương, nhẹ nhàng, sâu lắng, làm vơi đi nỗi nhớ nhà của tôi. Được vãn cảnh chùa, giúp sư cô viết sớ, bỏ mặc sự đời với những bon chen, toan tính ngoài kia, tôi thấy lòng thanh thản lạ kì. Thắp nén nhang, cúi đầu thành kính, tôi cầu mong bình an đến cho gia đình, cho người thân và bạn bè.
“The one who loves you will never leave you, even if there are hundred reasons to give up, they will find one reason to hold on” – Unknown
Dù năm nay lại là một năm nữa đón trung thu xa quê nhưng lòng tôi vẫn luôn hướng về ngôi nhà nhỏ có gia đình thân yêu của mình. Chợt nhận ra công danh, sự nghiệp, tiền bạc, của cải…tất cả đều phù phiếm và dễ dàng tan biến, duy chỉ có gia đình là sẽ mãi ở đó, bên ta mỗi lúc ta đứng trên đỉnh vinh quang hay rơi xuống đáy địa ngục thất bại. Thế rồi tôi dừng hết những việc đang còn dang dở, bắt chuyến xe Hà Nội – Quảng Ninh cuối cùng và gọi 1 cuộc điện thoại về nhà cho mẹ: “Mẹ ơi đợi con về ăn tết đoàn viên muộn nhé!”.