*Featured Image: Adih Respati
Tan buổi hội thảo vào lúc hơn 12 giờ trưa, chúng tôi ra cổng và gặp một ông già đứng ngả mũ xin tiền lẻ. Một vài người rút ví ra. Tôi vòng xe qua, nhưng rồi đứng lại. Người đàn ông ấy có bộ dạng và cách nói năng lịch sự, chòm râu trắng và khuôn mặt chưa nhiều nếp nhăn. Tôi hỏi sao ông lại phải đi xin tiền lẻ, và cho ông ta số tiền cỡ bằng một lần mừng đám cưới. Hỏi ông đi đâu bây giờ, ông nói ra bến xe để về nhà ở huyện BQ, và tôi cho ông đi nhờ, nhưng nửa đường ông xin xuống trước cổng một quán ăn. Sáng hôm sau, tôi lại nhìn thấy ông ngồi ở đầu cầu và đang hút thuốc lá, đếm một xấp tiền lẻ trên tay, chiếc cặp da cũ để bên cạnh. Có lẽ lúc đó ông chẳng vội vàng gì, và có lẽ ông không phải là nhân vật trong câu chuyện đã kể với tôi lúc trưa hôm trước.
Nếu kể lại với vợ tôi, cha mẹ tôi hay những người bạn khác, họ sẽ cười: Đầu hai thứ tóc rồi mà còn ngây thơ, tin và giúp một người xin ăn chuyên nghiệp. Tôi không nghĩ phải kể lại để làm gì, và nếu điều đó xảy ra, bị cười chê, trách móc, có thể tôi cũng chẳng lấy làm buồn. Vì có điều này họ không biết: Ngay khi đưa tiền cho ông ấy, tôi thực sự muốn quan sát bản thân mình, có thấy tiếc tiền không, có muốn tìm kiếm cái suy nghĩ rằng ta là kẻ hào phóng, là người đức độ hay không… tôi tự hỏi mình điều đó.
Nghe câu chuyện làm mồi xin tiền kia, tôi có tin ngay không, có chút gì nghi ngờ không? Không. Không tiếc tiền, không thấy vui vẻ hào phóng, không thấy mình vừa cao giá đạo đức thêm, không tin cũng không nghi ngờ. Đơn giản thôi: Ông ta muốn xin tiền, và tôi cho tiền, câu chuyện khốn khổ kia là lý do phù hợp để xin. Vậy thì cứ thử cho đi, giúp đi, đừng cầu mong đấy là vị tiên phật biến hóa thử thách lòng người, đừng biến mình thành công an tòa án để phán xét nghi hoặc, đừng sung sướng vì câu người ta nói “ơn anh/chị suốt đời”, đừng cầu đền đáp, đừng nghĩ bỏ tiền ra mua phước thiện để dành,…
Có người sẽ trách tôi: Hâm quá, vui vẻ gì khi giúp đỡ một kẻ lừa đảo. Vậy tôi có tức giận không, có thấy bẽ mặt vì bị lừa không? Những người khác gặp ông một lần, cho ông chút tiền lẻ, họ sẽ giữ được trong lòng niềm vui với ý nghĩ rằng mình là người tốt, mình đã làm việc tốt, giúp đỡ một kẻ khó khăn, mình đã tích thiện, cũng như mỗi lần đi chùa mình đều đóng góp công đức,… Thế còn tôi, tôi còn lại gì? Cho dù ông ta là một kẻ đi xin bằng những câu chuyện không có thật nhằm vào lòng trắc ẩn của con người, thì cuộc đời ông vẫn là một bí ẩn, và tôi chẳng có quyền gì mà phán xét ông. Nếu hôm nay ông lại xin tôi với cùng một cách cũ thì chắc là khó đấy, nhưng thứ mà hôm trước tôi đã cho đi, thì nó là của ông rồi.
Nếu cứ mãi băn khoăn rằng những người ngửa tay, ngả mũ xin ăn kia có thực sự khốn khó và thiếu thốn hay không, rồi sẽ đến lúc ta thành kẻ dửng dưng với họ, lòng ta thành chai sạn, vô cảm. Và khi đưa cho đứa bé nhem nhuốc đứng cắp nón bên cổng chợ một chiếc bánh mì, đừng nghĩ thoắt chốc ta đã theo bước đường của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn. Khi tận mắt chứng kiến cuộc sống của những mảnh đời bơ vơ, khó nhọc, thì có lẽ dăm đồng bạc lẻ ta đã bố thí không còn mua được chút thanh thản nào đâu, mà nỗi day dứt sẽ còn ám ảnh rất lâu.
Lòng tốt, lòng vị tha trắc ẩn của bạn, của tôi, đừng chối bỏ nó chỉ vì không phải là thứ có thể đem đánh đổi, đừng cất giữ quá kỹ càng, dù nó có thể bị lợi dụng nhưng sẽ không ai đánh cắp nó. Đấy sẽ là cái còn lại.
Guilavethu
Có lần tôi đang ngồi nói chuyện với một sư bà trong chùa thì có người vào cắt ngang, xin nhà chùa quyên góp cho trẻ em nghèo! Dĩ nhiên chẳng biết đó là xin quyên góp cho trẻ em thật hay chỉ mượn danh để đi lừa đảo! Trong thời buổi mà sự lừa đảo lên ngôi, bao trùm lấn át hết mọi thứ thì lòng tốt của con người cũng bị mài mòn thui chột dần đi! Không biết đồng tiền quyên góp ấy có đến tay người thật sự cần nó hay chỉ làm béo bọn lừa đảo bất lương ấy!
Gần đây thấy cứ có những cái sạp dựng lề đường treo băng rôn xin quyên góp cho nạn nhân chất độc màu da cam. Một hai lần đầu thì mình cũng dừng lại để quyên góp nhưng đến lần thứ ba cũng phải đặt câu hỏi nghi vấn, nhất là khi ruồi nhặng Lý Thông bu quanh khắp nơi như bây giờ! Lòng tốt trở thành thứ bị nhạo báng chà đạp. Còn sự đểu cáng lừa lọc lại chễm chệ trên ngôi cao để mà phán xét, mà dạy con người ta phải sống như thế nào!!!
Nhưng hôm đó sư bà vẫn quyên tiền, dĩ nhiên chẳng vui vẻ gì vì sensed thấy trong đó có 80% mùi lừa đảo ăn cướp!!! Khi chị ta về rồi sư bà bảo: Thôi thì mình cứ quyên, còn nếu họ làm điều tội lỗi thất đức thì họ sẽ phải chịu quả báo!!! Cái tâm mình muốn giúp đời thì nó vẫn mang quả phúc lại cho mình! Và sư bà rất sáng suốt là thường đích thân đem tiền quà đến cho người thực sự khó khăn ở vùng sâu vùng xa, chuyện quyên góp hôm đó chỉ là ngoại lệ bất đắc dĩ mà thôi!!!
Theo như tôi biết thì ý nghĩ của con người cũng có năng lực vật chất. Trong môi trường ô nhiễm khủng khiếp bởi những ý nghĩ xấu ác hiện giờ, mình hãy năng rèn luyện những ý nghĩ tốt để đến một lúc nào đó năng lượng của những ý nghĩ tốt sẽ đẩy bạt ảnh hưởng bao trùm của những ý nghĩ xấu ác đó đi!
Có lẽ tôi hiểu ý nghĩa bạn muốn đề cập. Nhưng dù sao tôi cũng muốn lòng tốt của mình được cho đúng người và nó trở thành việc có ích 🙂