28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Ký sự Hà Giang – Hành trình của sự sẻ chia

Featured image: Quân Alek

 

Lời hứa về một sự trải nghiệm, lời hứa về những khoảnh khắc, tôi trở lại Hà Giang vào một ngày đầu tháng 11, trong ba lô không gì hơn ngoài một vài bộ quần áo, một cuốn sách và một chiếc máy ảnh. Tôi có thói quen đánh giá những gì mình thu lại được từ mỗi chuyến đi qua những trang sách và những khung hình. Khi bạn còn trẻ bạn lên đường với trái tim hừng hực, khát khao sự trải nghiệm, khát khao chinh phục những cột mốc, những cung đường nhưng cái hừng hực của tuổi trẻ đôi khi đánh lừa bạn bởi có những thứ quý giá, dung dị cũng cần thiết cho tuổi trẻ nhưng lại cần một trái tim điềm tĩnh và sâu lắng.

Càng đi nhiều tôi càng thấy mình cần phải chậm lại, một cuốn sách và những bức ảnh luôn là cách để tôi làm chậm mình lại, là cách để tôi cảm nhận một cách sâu nhất về những nơi tôi đi qua và đặt chân đến.

Trước chuyến đi nhiều người nói với tôi rằng: Đi như vậy thì nên đi độc hành nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn cho mình một chuyến đi cùng rất nhiều bạn đồng hành mới. Tôi biết mình có những cách nhìn và quan niệm khác mọi người nhưng đôi khi chỉ nhìn cuộc sống qua đôi mắt của bản thân là chưa đủ, tôi muốn mình có một cái nhìn đa chiều mà điều đó chỉ có được qua con mắt, trái tim của nhiều người, nhất là những bạn trẻ như tôi. Đi để có những trải nghiệm, để có những giây phút lắng mình suy ngẫm cũng tốt, nhưng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều nếu mỗi chúng ta không chỉ suy ngẫm riêng tự tại mà còn biết bày tỏ quan điểm, truyền cảm hứng cho những người xung quanh hay chí ít là biết cách chia sẻ, thế nên suy cho cùng quan trọng vẫn là cách nhìn, nên hay không nên nhiều khi cũng chẳng có ranh giới.

Chiều Hà Giang lạnh buốt bởi những cơn gió đầu mùa rít gào từng đợt qua thung lũng và những con đèo mù sương, vài bản làng heo hút nép mình bên sườn núi, cái ôm chặt của người bạn đồng hành không giúp tôi tránh khỏi cái rùng mình. Đường đi Đồng Văn, chúng tôi dừng chân ven một ngôi nhà có ruộng tam giác mạch trước hiên. một vài bà cụ cầm gậy với lũ trẻ ăn mặc sơ sài đứng trước cửa ngăn chúng tôi lại để thu tiền. Trời đã xẩm tối, tôi đứng ven đường set máy bấm vội vài tấm ảnh.

Hà Giang thay đổi nhanh quá, không còn là cô gái nhu mì nép sau khung cửa nữa… nhưng vẫn rất đẹp, cái đẹp lúc dung dị, lúc kiêu sa. Ngôi nhà thật ấm cúng, cả đống rơm và ruộng hoa tam giác mạch, bà cụ cười hiền nhìn tôi rồi bảo: “Chụp nhanh lên không bà thu tiền đấy, đêm nay ngủ đâu?” Tôi vội vã thu đồ, không quên hứa với bà cụ lần sau trở lại sẽ xin một đêm ngủ lại nhà bà. Biết vậy, nhưng vẫn không khỏi chạnh lòng, du lịch Hà Giang vì ai nên nỗi? Nhiều người bạn của tôi quay lại Hà Giang cũng không tránh khỏi cái sự chạnh lòng ấy. thế nhưng tôi vẫn nghĩ câu chuyện chỉ là cái nhìn, bạn nhìn theo góc này góc khác mọi thứ đã trở lên khác biệt, đừng bi quan và thất vọng quá sớm. Trở lại lần này, Hà Giang rõ ràng đã đem đến cho tôi những khung hình khác và một cái nhìn rất khác…

1
Tam giác mạch, loài hoa đặc trưng của núi rừng Hà Giang

 

Đêm Đồng Văn se lạnh, sau khi làm vài chén rượu ngô cho ấm người, tôi lại lang thang vác máy ngắm nhìn và cố tìm cho mình một khung hình đẹp nhưng cuối cùng lại về không. Đồng Văn giờ không còn gì nữa, tôi buồn bã chấp nhận cái sự thật ấy dù vẫn hơi bàng hoàng vì mọi thứ thay đổi quá nhanh.

Tất cả những gì tôi nhìn thấy chỉ là sự rối rắm đến nhức mắt, cái sự mất bản sắc đến ghê gớm, có lẽ cụm từ đầy xao xuyến: “Thương nhớ Đồng Văn” giờ nghe lại càng xót xa hơn. Cafe phố cổ giờ quá đông đúc và ngột ngạt, người ta đặt một cái sân khấu ở giữa, một vài tiết mục thổi khèn xen lẫn một vài bài hát theo yêu cầu. Vội rời đi trong giai điệu của Niệm khúc cuối, một vài người bạn của tôi tìm đến những quán karaoke giờ đầy rẫy ở Đồng Văn. Trở về nhà nghỉ, tôi lôi cuốn sách ra đọc nhưng cái mệt nhoài sau những khúc ôm cua ban ngày khiến tôi vội vã gấp sách chìm vào giấc ngủ.

Ở vùng đất mà cột mốc biên giới cắm dày đặc, nhiều hơn cả cột điện dưới xuôi, tôi gặp những đứa trẻ vùng biên, ngoài cái nét hồn nhiên thơ ngây vốn dĩ của tuổi thơ chúng luôn gợi cho tôi về một sức sống mãnh liệt, như bông hoa cúc dại nhỏ đâm lên từ những kẽ đá tai mèo lởm chởm. Những đứa trẻ áo quần mong manh, phơi mình ra với gió và sương lạnh nhưng không bao giờ thiếu nụ cười, thiếu những trò chơi ngộ nghĩnh. Nếu ở dưới xuôi nhìn hình ảnh này tôi có thể tiên đoán về tương lai của cậu bé nhưng ở cái vùng đất chỉ toàn đá và đá liệu lấy gì và lấy ai quan tâm để vun đắp cho những ước mơ của em. Tôi ngờ rằng những mơ ước của em rồi sẽ nhỏ dần, nhỏ dần, đến một ngày có khi nó chỉ gói gọn trong hai từ cỏn con: “No ấm.”

Tương lai của em rồi cũng liêu xiêu như chính căn nhà mà em đang dựng và liệu lớn lên em có như bố em say sưa trong những phiên chợ mà quên mất đường về, lúc đấy có khi nào em nghĩ về những mong ước thủa bé. Rời Lũng Cú, mốc 422, tôi không khỏi suy nghĩ ngổn ngang, ông trời đã đưa đẩy mỗi người chúng ta vào những hoàn cảnh khác nhau mà đôi khi quẩn quanh chẳng thể thoát ra được, thế thì việc của chúng ta là hãy vui sống và làm tròn bổn phận của mình. Tôi có bổn phận đi xây dựng đất nước, còn em, cái sự tồn tại của em trên mảnh đất khắc nghiệt địa đầu tổ quốc đã là một điều thật thiêng liêng và đáng quý…

2
Những đứa trẻ ở cột mốc 422 – Lũng Cú – Đồng Văn

 

Chúng tôi gặp lại những đứa trẻ trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, những đứa trẻ phong phanh, chúng chạy ùa theo chúng tôi, chìa tay đón những chiếc kẹo hay những bộ quần áo chúng tôi cho chúng. Ở nơi lưng chừng trời đất và cái lạnh phả từng đợt theo gió, nhưng sự hiện diện của những đứa trẻ mang đến cho chúng tôi một cảm giác ấm áp khác lạ, tôi không thể lý giải.

Những đứa trẻ trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng
Những đứa trẻ trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng

Trở về sau chuyến Phượt, hình ảnh những đứa trẻ trên đỉnh Mã Pí Lèng cứ ảm ảnh tôi. Một người bạn rỉ tai tôi rằng, có vào những xã vùng sâu hơn của Hà Giang mới thấy hết được những khó khăn của đồng bào dân tộc, những đứa trẻ ở đấy ăn còn không đủ no nói gì đến chuyện đến trường. Vậy là có thứ gì đó cứ thôi thúc tôi, một tuần sau đó tôi lại sắp xếp ba lô để lên đường quay lại Hà Giang. Lần này, tôi đi cùng một người em, chúng tôi nhen nhóm cùng nhau ý tưởng về một chương trình từ thiện dành cho những đứa trẻ vùng cao. Tôi hi vọng sức trẻ của em cùng những trải nghiệm của tôi có thể làm được một điều gì đó ý nghĩa.

4 giờ sáng, Hà Giang lại chào đón các vị khách bằng cơn mưa tầm tã, tưởng như không bao giờ dứt. Chuyến xe sớm nhất đi Mèo Vạc ngổn ngang hàng hóa chất đầy dưới gầm xe cả trên nóc xe. Rồi những con đường đèo mù sương quanh co, dốc ngược, những khúc ôm cua táo tợn của tài xế khiến hơn 5 tiếng đồng hồ tiếp theo của chúng tôi trôi qua trong những cảm xúc lẫn lộn.

Ăn tạm bát cơm cùng một vài người bạn dẫn đường đã hẹn trước, hai đứa chúng tôi lại vội vã lấy chiếc xe máy đã đặt thuê trước đó để lên đường vào xã Thượng Phùng, một trong những xã vùng biên khó khăn của Hà Giang. Cơn mưa nặng hạt ban sáng đã làm con đường vào xã trở nên đặc biệt gian nan với chúng tôi, sau này nói chuyện với các thầy cô trong trường, tôi mới biết được rằng những con đường này nhà nước chỉ đầu tư kinh phí cho việc nổ mìn phá đá còn lại toàn bộ được huy động bằng sức dân, vì thế những con đường ở đây vốn đã lởm chởm đá lại càng trở lên lầy lội vào những ngày mưa.

Đường đi hơn 3 chục cây số nhưng phải 5 giờ chiều hôm đó chúng tôi mới vào được xã, điểm đến của chúng tôi là trường tiểu học bán trú và mầm non Thượng Phùng. Chào đón chúng tôi là những âm thanh rộn ràng, những nụ cười dường như không bao giờ ngớt trên môi các em nhỏ nơi đây. Chiều mờ sương, những cơn gió lạnh không ngừng thổi, trong những nụ cười đã thoáng thấy cái run run, một thầy giáo nói nhỏ với tôi rằng: “Em đã nghe câu: Bọ chó Đồng Văn, gió Thượng Phùng chưa? Gió ở đây chưa bao giờ ngừng thổi và sương mù thì cũng quanh năm may ra chỉ trừ có tháng 7 đến tháng 8.”

Mùa đông năm nay, nụ cười ấm áp đã trở lại trên môi các em học sinh tiểu học Thượng Phùng
Mùa đông năm nay, nụ cười ấm áp đã trở lại trên môi các em học sinh tiểu học Thượng Phùng

Chúng tôi cứ hồn nhiên chơi đùa với lũ trẻ mà quên mất thời gian, đêm ở Thượng Phùng phải nói lạnh đến tê người mặc dù mới chớm vào đông, các thầy cô giáo nơi đây tiếp đón chúng tôi thân tình bằng bữa cơm khá đầy đủ và những chén rượu ngô không thể thiếu. Thầy Nam, phó hiệu trưởng nói với tôi: “Thượng Phùng là xã giáp biên nên may mắn được được nhiều tổ chức và cá nhân quan tâm, mùa đông năm nay ở điểm trường trung tâm các em đã có áo ấm để mặc nhưng về bữa ăn hàng ngày thì vẫn hết sức khó khăn, nhiều lúc bữa cơm chả có gì ngoài cơm và nước mắm, nhìn các em ăn ngon lành mà thấy thương.”

Trong câu chuyện, tôi cứ tự hỏi điều gì đã níu chân những người thầy cô giáo vốn vượt bao dặm đường từ dưới xuôi lên đây? Chắc không phải những lí tưởng cao xa đâu, bởi kể cả lí tưởng có đẹp đẽ đến đâu thì rồi cũng bị cái hiện thực trần trụi đè nặng. Vậy thì đơn giản thôi chỉ là những nụ cười hồn nhiên trong từng giây từng phút kia hay như chén rượu ngô ấm áp sự sẻ chia và cảm thông.

Rượu ấm người, tôi ngồi trò chuyện với anh Tịch người quê gốc Hưng Yên, giáo viên một trong những điểm trường xa nhất giáp ranh với Trung Quốc. Anh Tịch khoe với tôi vài bức ảnh anh chụp cảnh tuyết rơi trắng xóa mùa đông năm ngoái ở điểm trường. Sau phút hào hứng ban đầu anh trầm ngâm nói: “Khó khăn lắm em à, mình không chỉ làm nhiệm vụ là một người giáo viên mà còn làm cả nhiệm vụ chính trị, ở những xã giáp biên như thế này việc gần gũi với dân, động viên và tuyên truyền đôi khi cũng quan trọng không kém cái việc đem con chữ tới cho lũ trẻ. Do trình độ dân trí của đồng bào còn thấp nên hầu như những vai trò chủ chốt trên này như giáo viên, công an… đều do người dưới xuôi lên đảm nhận.”

Thượng Phùng có một trường tiểu học và mầm non trung tâm với điều kiện vật chất tương đối tốt còn lại rải rác hơn 7 điểm trường cực kỳ khó khăn với nhà gianh vách đất, có những điểm trường phải học nhờ nhà dân và tất cả đều chưa có điện nước. Tôi ngồi với anh Tịch cho tới tận nửa đêm, những câu chuyện về tình hình biên giới hay cuộc sống của đồng bào nơi đây cứ cuốn hút tôi. Càng về đêm trời càng lạnh buốt, nhưng cái không khí chân tình ấy làm tôi cảm thấy ấm áp, đêm hôm đó tôi đã có một giấc ngủ rất sâu.

Trong chuyến đi này, anh Trọng một công an viên của huyện Mèo Vạc có nói với tôi rằng: “Hầu như các tất cả các xã của huyện Mèo Vạc như Sơn Vĩ, Xín Cái, Pả Vi… đều có những điểm trường khó khăn chứ không chỉ riêng Thượng Phùng.” Và thế là sáng hôm sau chúng tôi rời đi Pả Vi theo lời mách của anh Trọng, Pả Vi là một xã giáp với thị trấn Mèo Vạc nên dường như ít được sự quan tâm mặc dù cũng đặc biệt khó khăn.

Gặp chị Hằng một cán bộ xã, chúng tôi bày tỏ ý định được đến thăm các điểm trường của xã nhưng chị Hằng cho biết: “Là ngày nghỉ nên các học sinh và thầy cô không có mặt ở điểm trường, hơn nữa đường vào các điểm trường rất khó khăn, hầu như phải đi bộ và leo núi.” Vì thời gian không cho phép nên chúng tôi phải khép lại cuộc hành trình của mình ở đây. Trước khi chia tay chị Hằng trỏ tay chỉ cho chúng tôi những ngọn núi chót vót rồi nói: “Các điểm trường đều không có điện nước và heo hút nên các thầy cô giáo ở đây ngày nào cũng phải đi bộ 7-8 km đường núi để đến điểm trường dạy học. Đến ngay cả các em học sinh bán trú ở tại đây khẩu phần ăn cũng còn thiếu thốn chứ nói gì đến con em đồng bào ở các điểm trường.” Rời Pả Vi dường như chúng tôi mới chứng kiến một phần rất nhỏ những khó khăn của bà con cũng như lũ trẻ nơi đây…

Điểm trường kho tấu – Xã Pả Vi (Ảnh do các thầy cô của trường cung cấp)
Điểm trường kho tấu – Xã Pả Vi (Ảnh do các thầy cô của trường cung cấp)

Chợ Mèo Vạc, điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi trước khi lên đường trở về Hà Nội. Nếu bạn cần tìm một nơi đầy màu sắc với đầy đủ những bản sắc độc đáo thì chỉ có ở phiên chợ vùng cao. Ở chợ Mèo Vạc người ta bầy những chiếc bàn thấp, trên mỗi bàn đặt vài chai rượu ngô với vài cái chén, khách đi chợ có thể dừng chân uống mà hoàn toàn miễn phí. Ở đây tôi gặp từng tốp những người đàn ông và cả những người phụ nữ váy áo đặc trưng từng dân tộc ngồi uống rượu không khác gì người thành phố tụ tập uống trà đá vỉa hè.

Sau vài cái nâng chén chuếnh choáng với một nhóm phụ nữ dân tộc, tôi lặng lẽ rời đi rồi bắt gặp đôi vợ chồng này. Nét suy tư của người vợ trong lúc ngồi đợi anh chồng say sưa sau phiên chợ buổi sáng, một hình ảnh đặc trưng của những phiên chợ vùng cao, khoảnh khắc đó đã trao cho tôi một khung hình đẹp, nó làm tôi thêm suy ngẫm, thêm yêu và nghĩ mình phải làm một cái gì đó cho mảnh đất này. Ra khỏi chợ Mèo Vạc, trong lúc đợi xe, chị bán hàng ở cổng chợ bảo chúng tôi chụp một vài bức ảnh kỉ niệm và không quên dặn dò: “Về nhớ gửi ảnh cho chị qua facebook nhé,” chị hồ hởi nói: “Mấy đứa Hà Nội xuống cứ ngạc nhiên bảo bọn chị biết dùng cả facebook cơ à, chị mới bảo với chúng nó là chúng mày tưởng ở đây quê lắm à, ở đây bây giờ còn ăn chơi hơn ở Hà Nội ý chứ.” Tôi cười trừ và chẳng biết là nên vui hay buồn với câu nói ấy.

Đôi vợ chồng ở phiên chợ Mèo Vạc
Đôi vợ chồng ở phiên chợ Mèo Vạc

Trời chiều bảng lảng, trên chuyến xe từ Mèo Vạc về thành phố Hà Giang, tôi ngắm nhìn những ruộng tam giác mạch còn sót lại ven đường. Loài hoa thời vụ mong manh ấy khiến tôi liên tưởng đến những con người nơi đây, giàu sức sống là vậy nhưng có điều gì đó cứ bấp bênh. Chuyến xe lại phì phò trên những con dốc mệt nhoài, một vài lời tán tỉnh của những đôi trai gái học sinh dân tộc bán trú, tôi thở dài và mê man trong những giấc ngủ, đến khi giật mình tỉnh giấc thì đã thấy những ánh đèn lấp lánh như những ánh sao từ trên trời rơi xuống của thành phố Hà Giang hiện ra dưới thung lũng.

Có những sự kiện lịch sử mà vô tình đã bị lãng quên, Hà Giang là chiến trường của những cuộc chiến tranh giành cao điểm. Năm 1984 đã có hàng ngàn chiến sĩ của chúng ta đã ngã xuống để chiến đấu bảo vệ và giành lại những cao điểm trên mảnh đất này. Ngày nay thời bình, tưởng như mọi thứ yên bình trước mắt nhưng vẫn có một cuộc chiến cũng đầy gian nan và khó khăn, cuộc chiến cho sự tồn tại, cho những nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ Quốc.

Tôi còn nhớ cái đêm tôi ngồi với các thầy ở Thượng Phùng, thầy Nam có nói với tôi rằng: “Anh biết bọn em sẽ làm được, nhưng anh muốn nói rằng chỉ riêng việc bọn em lặn lội vào tận đây để thăm các em cũng đã là một điều hết sức đáng quý, đối với bọn anh đó là sự chia sẻ và động viên.” Đúng vậy, chia sẻ luôn là điều rất quan trọng, chia sẻ sẽ tạo nên sức mạnh và sự lan tỏa.

Xã hội này, đất nước này sẽ chẳng đi đến đâu nếu có những bộ não biết suy nghĩ đứng đắn nhưng lại chỉ giữ suy nghĩ ấy cho riêng mình. Cái mà những đứa trẻ và người dân nơi đây cần không chỉ là cái ăn, cái mặc, cái chữ mà cần lắm cả sự sẻ chia. Vậy nên tôi muốn chia sẻ câu chuyện về chuyến đi này đến nhiều người, câu chuyện về một vùng đất đẹp, đa văn hóa nhưng cũng ẩn chứa những nỗi buồn riêng. Biết đâu trong số nhiều người đọc sẽ có những người cùng cách nghĩ như tôi và sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi trong những dự định sắp tới.

Thay cho lời kết, tôi xin trích một câu nói mà tôi rất thích của người Nga: “Nếu có hai cái bánh mỳ, tôi sẽ bán đi một cái để mua hoa hồng.” Sau này, tôi mới hiểu rộng ra rằng hoa hồng là cái đẹp, hay tượng trưng cho những điều tốt đẹp. Cuộc sống của chúng ta ngoài những nhu cầu về vật chất còn cả những nhu cầu về tình thần, thỏa mãn nhu cầu về tinh thần có thể là khi ta ngắm một loài hoa, hay cả khi ta rong chơi trên những cung đường, nhưng nó cũng có thể là khi ta làm một việc thiện, một việc tốt lành. Vâng, tôi xin bớt một chút lãng mạn, chút phiêu lưu tuổi trẻ của mình để dành chỗ cho những điều tốt đẹp nho nhỏ, những điều tôi đã và đang chia sẻ với các bạn.

Những ai có tấm lòng hoặc chỉ đơn giản là quan tâm, chia sẻ đến chương trình từ thiện “Sưởi ấm nụ cười Pả Vi” có thế liên hệ với chúng tôi qua group facebook hoặc trang facebook cá nhân của tôi.

 

Trịnh Thanh Tùng

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI