*Photo: Marc Falardeau
Thứ bảy là ngày nghỉ duy nhất ở đất nước Israel, và chắc cũng chỉ độc nhất nơi đây, chủ nhật lại là ngày đầu tuần. Vào thứ bảy hầu hết các nông trại đều nghỉ, tuy nhiên cũng có vài ông chủ vẫn cho công nhân và sinh viên làm vào ngày này. Thế là một người bạn nhờ tôi gọi cho ông chủ quen để xin đi làm thêm vào thứ bảy. Thực tế tôi cũng có hơi chút e ngại vì đã hơn 4 giờ chiều thứ sáu, thông thường thì vào giờ này danh sách đi làm đã chốt, tuy khả năng không cao nhưng cũng chẳng mất mát gì, tôi cứ gọi thôi.
– Shalom (“Xin chào” trong tiếng Do Thái)
– Shalom, tao là Quý nè, mày khỏe không? À số này là của bạn tao, điện thoại tao hết sạch tiền rồi, nên tao mượn điện thoại đứa bạn.
(Chắc ổng vẫn chưa kịp định hình đứa nào đang gọi cho mình, nhưng mặc kệ, tôi cứ nói tiếp)
– À, chuyện là vậy (hơi ngập ngừng một chút), tao gọi để hỏi, mai tụi tao có thể làm cho mày được không?
(Im lặng trong một vài giây)– Không được, ngày mai tao đủ người rồi.
Không bất ngờ với câu trả lời, thông thường trong trường hợp này, một câu cám ơn lịch sự và cúp máy sẽ kết thúc câu chuyện. Vừa chuẩn bị nói lời cám ơn, thì trong tích tắc, lại vụt miệng một câu khác.
– Vậy hả, nhưng mà mày có thể cho hai người đi làm được không? (Thực sự, câu hỏi này không khác câu hỏi ban đầu bao nhiêu, chỉ đơn giản thêm con số “hai”)
(Một thoáng ngập ngừng)– Mày muốn làm à?
(Có vẻ như đã có chút chiến thắng khi đổi câu hỏi)– À không, hai đứa bạn tao. (Mai tao bận ngủ rồi)
Lại sự im lặng, và nó không tốt cho việc thương lượng chút nào, tôi liền tiếp.
– Hai đứa con gái nhé, rất xinh xắn và dễ thương, mày cũng biết con gái Việt Nam mà. (Không liên quan lắm nhưng đưa thêm thông tin cho khách hàng dễ ra quyết định và nghe nói Israel rất coi trọng con gái, biết đâu được lại gặp may)
– Thế tụi nó đã làm cho tao bữa nào chưa?
Theo lý thuyết thương lượng đọc được đâu đó thì để đối phương nói “đồng ý” thì phải hướng cả câu chuyện theo chiều hướng tích cực thay vì những câu trả lời tiêu cực như “không”, thế nên:
– Rồi, tất nhiên là rồi (tuy tao vẫn chưa nhớ ra là bữa nào)… Hình như tháng trước tụi nó có làm cho mày đó, tao thề.
– Vậy à, thế tụi nó ở farm nào?
(Và khi khách hàng càng đặt nhiều câu hỏi, bạn biết rằng bạn đã bán được món hàng)– À, farm 69, không có vấn đề gì đâu, mày cứ yên tâm. Boss bên đó dễ tính lắm.
– Được rồi, vậy mai 6 giờ 30…
Và xong, chốt địa điểm, thời gian giao dịch; cảm thấy thú vị vì một chút cố gắng đã thay đổi kết quả cuộc thương lượng, ngay cả khi bắt đầu với suy nghĩ mình sẽ thất bại. Và ngay cả khi đối phương nói “không” nhưng dường như lại không có ý là như thế.
Đã từng đọc đâu đó một câu với đại ý, “không” không bao giờ có nghĩa là “không”. Nó có thể là bạn chưa cố gắng hết sức, hoặc có thể là bạn chưa xứng đáng với điều đó. Thay vì quay lưng đi, bỏ cuộc, hãy thay đổi một chút, tìm lấy một điểm tựa làm đòn bẩy và làm chủ lại cuộc chơi của chính mình.
Tôi không tin vào câu trả lời “không”, nếu bạn muốn làm một điều gì đó và nhận được từ “không” thay vì một lý do rõ ràng nào đó, tôi tin rằng cơ hội của bạn vẫn còn đó, nguyên vẹn, chỉ là bạn có đủ nhạy cảm để nhận ra câu chuyện đằng sau một từ gọn lỏn đó không, và bạn có thực sự cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề đó chưa? Nếu bạn là một người bán hàng, chắc hẳn sẽ hiểu rất rõ điều này, khi khách hàng nói “không” lúc ban đầu nhưng đến cuối cùng lại móc túi trả cho món hàng đó, tôi cho rằng đó là chuyện rất đỗi bình thường.
Tôi tin rằng mọi vấn đề trong cuộc sống từ công việc, bạn bè, gia đình và tình yêu đều có chung một quy luật đơn giản như thế, “không” không bao giờ có nghĩa là “không”.
Và cuối cùng, tôi muốn chốt lại…mọi thứ phía trên đều là vớ vẩn, nhảm nhí, vì trên đời này có cả tỉ tỉ chuyện “không” trăm phần trăm là “không”, đừng mơ tới chuyện thay đổi nó dù một chút xíu. Và tôi cũng có một câu chuyện như thế rất gần thôi.
Hơn 6 tháng trước, tôi đang ở Việt Nam và chuẩn bị đăng ký cho chuyến đi Israel, tôi phát hiện ra mình có thể lựa chọn giữa miền Bắc hay Nam Israel. Tôi tìm hiểu kỹ về cả hai nơi và lập tức chọn ngay miền Bắc vì nó nằm ở trung tâm, sẽ dễ dàng cho tôi tìm hiểu đất nước thú vị này.
Khi lên nộp hồ sơ, tôi nói nguyện vọng của mình và lập tức bị từ chối với lý do “chỉ sinh viên trường Nông Lâm mới được đăng ký đi miền Bắc”, một từ “không” to tưởng đập vào mặt, một thoáng buồn. Nhưng tôi không phải loại người dễ dàng bỏ cuộc khi vấp phải cục đá đầu tiên, tôi suy nghĩ và bắt đầu lên kế hoạch thuyết phục bên trung tâm.
Đầu tiên, một email khá dài với những ước muốn nhỏ nhoi về việc tôi khao khát đi miền Bắc như thế nào, và tất nhiên tôi bị từ chối, lại “không”. Email thứ hai tình cảm và sướt mướt hơn nhằm đánh vào sự thương cảm của người đọc (vì người nhận hồ sơ là con gái, tôi cho rằng một chút tình cảm biết đâu mang lại hiệu quả), và một lần nữa tôi bị từ chối thẳng thừng. Cánh cửa trung tâm gần như đã đóng hẳn với tôi, lần này cục đá thực sự bự hơn rất nhiều, và khá đau với lần vấp này.
Thực tế, lúc bấy giờ tôi bực nhiều hơn buồn, phải nói là hơi điên vì tôi tin chắc rằng bên đối tác Israel hoàn toàn không đưa ra quy định như thế, mà chỉ là một trò mèo để kiếm thêm chút đỉnh của những gã bụng bia, mà tôi lại rất ghét việc phải nuôi những cái bụng bia đấy. Khi đó, tôi đã biết rằng mình chỉ có thể đi miền Nam, nhưng tội gì không làm cú chót nhỉ, cùng lắm thì khỏi đi.
Tôi tìm ra thông tin của đối tác bên Israel, và gửi một email ngắn giải thích tình hình của bản thân, không quên kèm theo những khao khát đến miền Bắc Israel. Tuy nó tốn của tôi cả buổi chiều để viết cho xong email nhưng tôi không nghĩ mình sẽ nhận được hồi âm, vì chẳng ai rảnh để giải quyết chuyện cỏn con của một đứa sinh viên Việt Nam. Một tuần, hai tuần rồi ba tuần, chẳng có gì, tôi bỏ luôn ý định kiểm tra email mỗi ngày để chờ hồi âm, và rồi bất ngờ tuần thứ tư, tôi nhận được mail lạ với tên người gửi “Đại sứ quán Israel” kèm tiêu đề tôi dùng gửi cho đối tác bên Israel một tháng trước.
Lúc đấy, tim tôi cảm giác như ngưng đập, đầu tôi lộn xộn với hàng tá câu hỏi “Tại sao Đại sứ quán lại gửi mail cho mình?” “Chuyện gì đây nhỉ…” “Mình có viết gì quá trong email lần trước không nhỉ?” Và thế, phải mất vài phút bình tâm tôi mới dám đọc, và hóa ra đối tác Israel không trả lời trực tiếp mà chuyển cho bên Đại sứ quán đại diện trả lời. Mọi việc không như truyện cổ tích chẳng có phép màu xảy ra, mọi quyền quyết định thuộc về trung tâm ở Việt Nam, Đại sứ quán không thể can thiệp bất cứ vấn đề gì, chúc bạn may mắn và gặt hái nhiều thành công ở miền Nam Israel.
Và đấy, “không” trăm phần trăm là “không”, chẳng thể thay đổi chút xíu nào kết quả, nhưng lại thay đổi rất nhiều trong tôi khi nghĩ về câu chuyện đó, ít nhất tôi đã làm tất cả mọi thứ để đập tan từ “không” và thực sự thú vị khi lần đầu nhận được email từ Đại sứ quán mà lại khiến tôi sợ đến phát khiếp.
“Không” không bao giờ có nghĩa là “không” nếu bạn chưa thử hết tất cả mọi cách!
Nhộn
tôi thích bài viết này!!!
bài viết rất đáng để suy nghĩ , thanks bạn rất nhiều
Cảm ơn bạn ! câu trả lời vẫn là ” không” nếu những cố gắng là chưa đủ. Nếu nỗ lực đủ lớn sẽ có thể biến ” không” thành ” có”. Rất ý nghĩa!
bài viết này đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi 🙂