Photo: Corbis
Tiêu đề nghe giống như một sự bao biện cho những tên làm biếng, lười học và chuyên cúp lớp, cụ thể là tôi. Nên trước tiên phải điểm sơ qua tiểu sử của tác giả để cảm nhận được góc nhìn của người viết trong bài này. Trong bốn năm tôi đóng tiền học đại học, thời gian đi học giảm dần theo từng năm, cụ thể năm nhất tôi chỉ cúp khoảng 10% số tiết học (thường là những môn quá chán), năm hai con số tăng vọt lên khoảng 40%, năm ba với sự thay đổi lớn khi tôi chỉ có mặt tại những lớp thí nghiệm hoặc điểm danh hay đôi lúc là thuyết trình bài tập nhóm, tất nhiên tới năm bốn tôi chỉ phải đóng tiền và đi thi, gần như chẳng lên lớp buổi nào kể cả có điểm danh đi chăng nữa.
Do vậy, tôi là một người kịch liệt phản đối việc điểm danh trong đại học vì điều đó cũng đồng nghĩa với việc có cố gắng học bài thi thế nào đi chăng nữa, tôi cũng nắm chắc phần rớt vì không đi học buổi nào. Thế nên câu hỏi đặt ra rằng “Tại sao lại phải điểm danh trong Đại học khi mọi sinh viên đều đã trên 18 tuổi và đầy đủ quyền công dân?”
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và chỉ ra được 2 câu trả lời là “ý thức kém” và “không điểm danh thì có ma nó học”.
Với lý do đầu, người dạy giả định người học có ý thức kém, nếu không có biện pháp kỷ luật, răn đe sẽ không chịu đi học và học. Tôi cho rằng điều đó là hoàn toàn đúng và đúng một cách tuyệt đối với các bé mẫu giáo cho tới phổ thông trung học. Nhưng khi với một người đã 18 tuổi thì không nên áp dụng suy nghĩ như thế vì đơn giản người học lúc này đã phát triển đầy đủ nhận thức, họ không cần một hình thức kỷ luật nào vì việc học là cho cá nhân, nếu không học thì họ sẽ tự chịu trách nhiệm với bản thân và gia đình chứ không phải người dạy. Nên tôi cho rằng dùng “ý thức kém” để bao biện cho việc điểm danh không phải là một lý do tốt.
Thay vào đó, lý do thứ hai lại rất thú vị, trước hết là câu chuyện của bản thân, tôi đã từng 3 lần học môn triết học và cả 3 lần đều ngã ngựa (cho tới tận bây giờ tôi vẫn còn nợ môn đó vì rất ít khi đi học dù đã thề thốt bao nhiêu lần trước khi đăng ký môn học). Khi tôi ngồi nói chuyện với một đứa bạn bên trường Kinh Tế, được biết bên đó có một ông thầy trẻ dạy Triết, điều đặc biệt là ít khi nào có sinh viên vắng lớp cho dù không hề điểm danh, thậm chí bất ngờ hơn có nhiều sinh viên vào học chui để xem ông này dạy cái khỉ gì.
Trái ngược với hình ảnh lớp Triết trong trường Bách Khoa của tôi, khi mọi sinh viên đều tranh nhau những bàn cuối, ngủ, chơi game, đọc truyện, nhắn tin…Đâu là sự khác biệt giữa hai lớp triết đó, có chăng do ông thầy bên Kinh Tế vừa trẻ vừa đẹp trai mà lại chưa có vợ hay là một lý do nào khác? Tôi chưa có may mắn tham gia một lớp của thầy đó, chỉ được nghe về cách dạy Triết của ông rất thú vị, khi lồng những định nghĩa khô khan vào những thực tế hằng ngày như tại sao Ngọc Trinh lại được xem là đẹp? hay Làm sao để tán đổ một cô gái?…khiến cho sinh viên không buồn chán mà bỏ về.
Bản thân tôi cũng trải nghiệm điều này rất rõ khi năm nhất cả nhóm bạn tôi đã bỏ tiết học Lý chính thức của mình và chui sang lớp của một cô khác chỉ vì cô dạy dễ hiểu hơn rất nhiều. Và đôi lần tôi từng nhìn thấy một vài lớp học kèm 1-1 giữa một giảng viên và một sinh viên chỉ vì thầy không chịu điểm danh, đúng như ý tôi muốn đề cập “không điểm danh thì có ma nó học”.
Vì vậy, tôi cho rằng người dạy muốn đạt được hiệu quả tối đa trong việc truyền tải kiến thức cho người học thì không nên điểm danh. Vì như vậy không chỉ loại bỏ bớt những thành phần “ý thức kém” không muốn học mà tập trung giúp những ai thực sự muốn tìm tòi kiến thức và thêm nữa có thể đánh giá được khả năng dạy học của mình như thế nào qua số lượng người học tới lớp.
Nhộn
Lúc mình đi học mình nhận ra 2 trường phái trong giảng viên. Mấy thầy mà học thạc sĩ hay tiến sĩ ở VN thì thường điểm danh rất kĩ càng, còn các thầy tu nghiệp ở nước ngoài về thì đúng 1 câu “học cho các anh chứ có học cho tôi đâu, ko thích thì nghỉ ở nhà đọc sách, và never điểm danh ngoại trừ dặn dò buổi nào thuyết trình hay làm bài nhóm thì phải có mặt”. Và phản ứng cũng ngược lại, ông nào càng cố kiểm soát thì học hình thức hay điểm danh hộ, còn ông thả cho nghỉ thì lớp học lúc nào cũng đông kín.
Điểm danh là gì vậy? Mình ra trường với tấm bằng loại khá, đi làm rồi, cũng cứng cả nghiệp vụ lẫn chuyên môn, nhưng dám thề là 80% thời gian trong thời Sinh viên mình không có mặt tại lớp học (của mình) ^^
Thiết nghĩ trong môi trường đại học xét cho cùng mối quan hệ giảng viên – sinh viên thực chất là người bán – người mua ; tất nhiên người mua rất cân nhắc và có trách nhiệm với số tiền mình bỏ ra thế nhưng chất lượng sản phẩm của người bán không tốt thì người mua phải quay lưng. Trước khi xét thái độ của người mua nên nhìn nhận chất lượng sản phẩm của người bán đã đáp ứng được nhu cầu hay chưa?