*Photo: Brumley and Wells
Phụ nữ ở các thế hệ trước đã được dạy rằng lớn lên chỉ cần cưới chồng xong là cả cuộc đời của họ sẽ được ấn định: Sáng dậy quét dọn, trưa nấu cơm cho cha mẹ chồng, chiều giặt giũ quần áo rồi đón con cái từ trường về, tối lại nấu cơm và rồi tối lại tất bật là đống quần áo đã phơi từ ngày kia. Một câu lệnh lặp với số lần không xác định vẽ ra một công việc không ngày kết của những người phụ nữ nguyện “nâng khăn sửa túi” cho chồng mình.
Họ đã được giáo dục rằng lớn lên phải cưới một người đàn ông thành đạt mà quên mất rằng chính họ cũng có thể thành công
Thế nhưng, đối với những người con gái đã nhận ra được khả năng của mình có thể vươn tới đâu, thì một áp lực từ xã hội văn hóa người Việt (mà có lẽ tôi không bao giờ hiểu nổi) đè lên lưng họ. Khi một người con gái bước qua cái tuổi 20, ai cũng sẽ hỏi: “Có người yêu chưa?”, “Bao giờ định cưới?”, vân vân và vân vân… Trong khi đáng lẽ ra họ nên hỏi: “Có định học lên tiến sĩ không?”, “Có muốn thăm thú cả thế giới không?”, “Có định hướng gì về sự nghiệp không?”
Điều vừa rồi rất thối và tôi muốn hỉ mũi vào nó!
Một định kiến ăn mòn vào tiềm thức mỗi người trong xã hội khiến họ quên mất rằng phụ nữ ngày nay còn ước mơ, còn hoài bão, và đâu phải đam mê của họ thua kém gì đấng mày râu? Có lẽ còn hơn đấy chứ! Vậy sao họ lại phải là những người bị ràng buộc vào một hiện thực nhàm chán đến mức nhạt nhẽo.
Có người bảo rằng con gái kề 30 rồi mà chưa có chồng là vô phúc, là “ế”. Cái định nghĩa của “có phúc” mới nực cười làm sao? Có những cô gái vì để “có tụ” với thiên hạ, vì con mắt cay nghiệt của xã hội đối với người phụ nữ không gia đình, mà đã vội gật đầu cưới một người chưa kịp yêu, để rồi bó buộc bản thân vào một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Không lẽ cái “hạnh phúc” ông bà vẫn hay nói chỉ hiện hữu trong hôn nhân?
Tôi vẫn nhớ trong bộ phim “Nụ cười của nàng Mona Lisa”, khi Katherine – một giáo viên đi trước thời đại, tá hỏa lúc phát hiện ra những sinh viên nữ ưu tú nhất của trường Wellesley (và ý tôi nói với từ “ưu tú”, là rất rất giỏi. Ý tôi là, hãy xem bộ phim đi, thiên tài về vật lí, thông thạo quyển lịch sử mĩ thuật trong khi còn chưa học trên giảng đường) lần lượt đợi được rước về để trở thành những bà nội trợ, những người vợ đảm đang trên tấm bìa tạp chí “Bà nội trợ kiểu mẫu” hay mấy thứ vớ vẩn kiểu thế. Đến mức mà cô ấy phải thốt lên “Tôi đang nghĩ rằng mình đang đào tạo những nhà lãnh đạo của tương lai, chứ không phải vợ của họ!”
Và rồi khi bà nội tôi và bác tôi thỉnh thoảng vẽ ra cuộc đời tôi ở cái tuổi ra trường chân ướt chân ráo sẽ được ổn định nếu như cưới một ai đó. Mẹ tôi cho rằng nên cưới sớm để có sức khỏe chăm con. Nhưng nếu nhìn xa ra vấn đề sinh lý, đồng tiền, sự ổn định thì thực sự có nên không? Tôi không muốn cưới một người chỉ để khoe với thiên hạ là tôi vừa mới thoát danh hiệu “gái ế”, tôi không muốn vội vã để cuối cùng phải gật đầu với một người tôi chưa kịp yêu thương và trân trọng, để lẩn trốn khỏi con mắt dè bỉu của xã hội.
Hạnh phúc đâu phải cứ đến giờ hẹn là đến. Đâu phải ai cũng như ai, tại cùng một thời điểm. Tôi đòi hỏi say mê, tin cậy và bình yên đúng nghĩa, cho dù có phải trở thành một bà cô có sở thích nuôi 5 con chó và xem “Ai Là Triệu Phú” hằng tuần đi nữa.
Hôn nhân là một bước ngoặt đưa con người sang một trang mới hứa hẹn đầy hạnh phúc nhưng đừng lấy nó ra làm thước đo cho bất kì ai, phụ nữ lẫn đàn ông, vì nó chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh cuộc sống.
Nhưng nếu một ngày hạnh phúc bị lật xe giữa đường và vô tình bị “hôi” hết, duyên không mở cửa đón chào thì cũng đừng quá bi quan bởi hạnh phúc còn nằm ở những điều ta chinh phục, ở thành quả gặt được khi ta theo đuổi hoài bão và ở sự tự do trong cuộc sống.
Thi Thi
Trước tiên, rất thích bài viết của Thi, nó nói lên ý niệm tâm tư của bao bạn gái mà từ “ế” vô tình hay cố tình nhảy tưng tưng trong đầu họ, ít nhiều đó cũng là áp lực.
Thứ hai, những câu hỏi kiểu “người yêu chưa, bao giờ cưới?” cũng không đáng ngại lắm, thông thường là câu hỏi xã giao, bạn bè, ng thân thiết ko hỏi như thế bao giờ, nên những gì thuộc về xã giao thì cũng ko đáng ngại, mình cũng bị hỏi như thế thôi.
Mình thấy bạn đang …….”Cố thoát khỏi cái lồng đang giam giữ ta sẽ rất vô nghĩa, trong khi đáng lẽ ra ta phải đấu tranh với nó.” rất đúng với châm ngôn của Thy, nhưng…sao phải đấu tranh …bằng cái..mũi thế kia? “hửi và hỉ” ?