28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Hạnh phúc là con đẻ của sự một mình

Photo: Jon Bunting

 

Và tôi hỏi anh ta về niềm tin tôn giáo
Anh ta nói thế này: “Tôn giáo của tôi có tất cả các giải pháp cho tất cả mọi người và tất cả mọi chuyện trên thế gian này”
Tôi nói: “Hay vậy sao, thế anh nói cho tôi biết một chút về hạnh phúc được không?”
Anh ta trả lời: “Chuyện này cũng khá phức tạp, khó mà giải thích được.”
Tôi nghĩ thầm rằng anh không giải thích được là vì anh không hiểu cái gì cả. Tuy nhiên tôi vẫn cố gắng gợi ý: “Có thể là về những thứ như sự bình yên trong nội tâm chẳng hạn?”
Anh ta bèn nói: “Cũng có thể, tôi sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề này.”

Sau khi kết thúc cuộc nói chuyện, tôi tự nhủ với chính mình rằng anh ta là tín đồ của một tôn giáo cực kỳ đúng đắn, có hầu hết mọi giải pháp cho mọi vấn đề trên thế giới này nhưng cuối cùng lại không thể hiểu được thế nào là hạnh phúc. Khá là buồn cười, làm sao tôi có thể tin lời anh ta nói?

Tôi thực sự không biết suy nghĩ của chúng ta bắt đầu từ đâu, từ khi nào nhưng tôi biết rằng chúng ta không được định nghĩa bằng suy nghĩ của mình, hay nói đúng hơn là bằng các quan điểm và niềm tin của mình. Chúng ta có thể đi xa hơn thế nhiều, chúng ta có thể vượt ra khỏi thứ gọi là “rẽ phải” hay “rẽ trái”, những thứ buộc ta phải lựa chọn, chấp nhận và đánh đổi. Ta có thể tung hê hết tất cả chữ nghĩa mình có, đừng để chúng cầm tù và lừa bịp, ta không cần phải lựa chọn lối rẽ nào đâu, “đã là đường thì có hàng nghìn”. Hoặc cũng có thể là ta không cần phải đi đâu hết, ta “đi” “tìm kiếm” điều gì đó cũng chỉ là sợ hãi phải đối diện với chính mình.

Bạn thử chỉ đơn giản ngồi một mình xem. Bạn một mình và bạn chỉ đơn giản là ngồi, không làm bất kỳ điều gì, rồi nó sẽ chẳng khác nào tra tấn tinh thần. Khoa học đã chứng minh rằng cách ly một người ở một nơi được cách âm hoàn toàn thì trong một thời gian ngắn, họ sẽ nhìn thấy hoặc nghe thấy ảo giác. Con người sợ hãi chính mình đến mức đó, nếu không chọ họ tiếp xúc với thế giới bên ngoài họ sẽ tự mình ảo tưởng để tạo ra một thế giới khác, miễn là nó làm họ hạnh phúc.

Khi tôi học đại học năm thứ nhất, một sinh viên cùng lớp nói với tôi rằng những người điên là những người hạnh phúc nhất, người khác có thể xa lánh họ nhưng họ hạnh phúc hơn chúng ta rất nhiều. Tôi không đồng ý chút nào. Những người trốn tránh sự thật sớm muộn rồi cũng sẽ hóa điên, mà trốn tránh sự thật thì không thể nào hạnh phúc được. Nó là thứ hạnh phúc rẻ tiền bệnh hoạn. Cũng như trốn tránh chính mình thì không thể nào hạnh phúc vậy.

Tôi đã gặp vài người họ sống theo cách như thế này, có lúc tôi tự hỏi họ có mệt không nhưng lại không dám vì tôi không muốn chọc họ giận, rồi họ bảo tôi không có tinh thần cầu tiến, không có ý chí, không có tham vọng, không có mục tiêu, lý tưởng sống v.v… Tôi cảm thấy rất khó hiểu, tại sao họ lại nghĩ ra nhiều từ ngữ quá vậy để chỉ trích một người đơn giản cảm thấy “chỉ cần ngồi đây là đã đầy đủ lắm rồi”?

Tôi gặp những người mà tâm hồn của họ bị chia đôi, bị cắt làm hai. Một nửa họ quay về quá khứ, một nửa họ chạy đến tương lai. Họ chấp nhận đặt cọc hiện tại, đánh bạc với cuộc đời để đổi lấy một dự định không thể nào biết trước được sẽ ra sao. Sau khi mệt mỏi với những kế hoạch xa xôi họ tự xoa dịu tâm hồn mình bằng cách sống lại dĩ vãng. Hoặc là họ sẽ cố ru mình ngủ để quên đi hiện thực trống rỗng buồn tẻ. Con người rốt cuộc rồi cũng sẽ chán ngấy cái mình đang có, cho dù là có được nó một cách khó khăn hay dễ dàng, vấn đề chỉ là thời gian. Rồi lại loay hoay đi tìm sự thay thế. Họ bị tách đôi, bị kéo về hai hướng ngược nhau và tan rã. Tôi không còn cố gắng để hạnh phúc nữa, tôi chỉ đơn giản là chính mình, tôi cảm thấy nhẹ nhõm.

Tôi cũng bị người chỉ trích rất nhiều, phần lớn họ nói tôi ích kỷ vì tôi làm họ buồn. Sự thật là tôi không có ý làm họ buồn, tôi đơn giản không che đi cái xấu của mình, tôi để họ nhìn thấy rõ ràng tôi là loại người gì, khá là kỳ lạ vì họ không chịu chấp nhận điều đấy. Họ có quyền rời bỏ tôi chứ, cứ để mặc tôi là tôi đi rồi tôi hứa là sẽ để mặc họ là họ, nhưng con người ta hình như không thích như thế. Mỗi khi tôi làm điều gì đó tôi cảm thấy áy náy, tôi bị người này người nọ chỉ trích, tôi cũng cảm thấy hơi hơi có lỗi, thế là tôi tự nói với bản thân rằng “đáng lẽ ra mình không nên làm vậy” và chờ đợi sự biện minh của chính mình.

Đôi khi nó phủ nhận, đôi khi nó cũng im lặng đồng ý. Tôi không nghe ai ngoài con tim của tôi. Đó mới thực sự là khởi đầu của tình yêu, hạnh phúc và tự do. Hạnh phúc đích thực không cần sự ủng hộ của người khác, nó không được bòn rút từ việc mong mỏi sự quan tâm của ai. Đó là thứ niềm vui dịu dàng, hoàn toàn khác với thứ cảm giác vui sướng phát rồ, sẵn sàng làm mọi điều chỉ để được yêu.

Cuối cùng tôi đi đến kết luận rằng hạnh phúc là đứa con đẻ của sự một mình (thật ra tôi cũng không biết nên gọi trạng thái đó là cô đơn hay cô độc nữa). Vì đôi khi phải trả giá, sẽ có rất nhiều người sợ hãi bạn, họ không hiểu nổi bạn đang làm cái trò điên gì. Trong khi bạn đang dần dần là chính mình thì họ lại nghĩ rằng bạn đang đánh mất chính bạn, cứ như là họ đã nắm rõ con người bạn trong lòng bàn tay. Bạn hạnh phúc hay không chỉ mình bạn hiểu, tuy nhiên nó sẽ được nhân lên khi bạn bắt đầu biết thông cảm cho hạnh phúc của người khác.

Bạn biết mình không phải là người điên khi bạn hạnh phúc và tuôn tràn cho người. Người thực sự hạnh phúc sẽ không thể nào làm người tổn thương vì một lẽ đơn giản là họ không ghen tỵ với hạnh phúc của bất kỳ ai, họ cùng nhau hạnh phúc. Cũng những người không hạnh phúc, ngay cả khi họ yêu, họ cũng yêu trong sự không hạnh phúc, họ cùng nhau không hạnh phúc.

 

Quyên Quyên

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

64 BÌNH LUẬN

  1. Biết rằng hạnh phúc là con của sự 1 mình, nhưng bản chất của con người có tính bầy đàn và ko thích sự khác biệt (1 cách nói khác là tính “địa phương” cao, và tính “địa phương” càng rõ ở những môi trường … địa phương(local)) và chính đặc tính đó càng làm khó khăn cho những ng truy cầu “hạnh phúc” đích thực theo nội dụng bạn đề cập.

    Và nhiều khi có cảm giá những người đó kết thúc là ng cô đơn, lủi thủi, ít bạn bè, lời nói của họ bị những ấn tượng vô hình lấn át.
    —– Hình như đến đây mạch suy nghĩ sẽ tiếp nối với bài “con đường lạnh giá” mà bạn đã chia sẻ—-

    Cảm ơn vì đã diễn đạt được ý tứ của rất nhiều người mới chỉ cảm thấy mà chưa nói ra được như mình.
    Hi vọng bạn có thêm những bài viết hữu ích để con đường đó bớt phần “lạnh giá” 🙂

    • rất cám ơn bạn đã theo dõi bài viết của mình kĩ như vậy ^^ thiệt là dzui khi có người hiểu được rằng các bài viết của mình thực ra là một khối thống nhất.

  2. Tôi thích bài viết của bạn. Dù tôi muốn quay lại đọc một lần nữa, nhưng nghĩ chỉ nên đọc một lần, nên thôi, vì ý tưởng nằm trong vô thức, còn câu chữ chỉ là màn ảo thuật.Tôi thích câu này bạn viết :”… ta không cần phải đi đâu hết, ta “đi” “tìm kiếm” điều gì đó cũng chỉ là sợ hãi phải đối diện với chính mình “.
    Đó là tôi trong nhiều năm tuổi trẻ, rong ruổi khắp nơi nhưng vẫn cảm thấy trống rỗng, buồn tẻ. Càng hiểu nhiều về cuộc đời, tôi càng phát hiện ra ơ bất cứ đâu, con người cũng đều khổ sở như nhau. Người ta nghĩ rằng thời đại này thì không có khoảng cách giữa người với người thì nhầm to. Chưa bao giờ loài người nhìn thấy nhau cả. Tôi nói, “nhìn thấy”, không phải hiểu! Đã nhiều năm tôi kiếm tìm một người có thể hiểu mình, đến một ngày, tôi phát hiện, sẽ hạnh phúc hơn và đơn giản hơn khi tìm kiếm người đó trong bản thân của mình. Phải, tôi là một Narcissus, kẻ tự yêu bản thân. Tôi cũng như Narcussis, tôi cũng soi chiếu tấm gương tâm hồn mình mà tự yêu mình. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy mình có nhiều điều phải hiểu bản thân hơn nữa. Tôi không rõ niềm vui một mình có giết chết tôi trong cái sự một mình không ?

    • ” ý tưởng nằm trong vô thức, còn câu chữ chỉ là màn ảo thuật”
      Muốn ôm hun bạn một cái vì đây cũng chính xác là những gì mình thường hay nghĩ về cái gọi là văn chương. Giống như trò tung hứng câu chữ mà thôi, quan trọng là cuối cùng nó nói lên được cái gì.

  3. Bài rất hay. Có những điều mình cũng nghĩ vậy mà không thể nói ra được một cách thoát ý như vậy. Hạnh phúc là những người có thể là chính mình, không bị ảnh hưởng bởi thái độ, quan điểm, sự phán xét của người khác, không phải là nô lệ của cảm xúc của chính mình, tóm lại là một con người “tự do” trong suy nghĩ và hành động mà không sợ bất kỳ điều gì ngăn cản. Thật khó để đạt đến cảnh giới đó!

  4. Con người chỉ tìm thấy hạnh phúc khi họ kết thúc tham vọng, từ hạnh phúc họ lại bắt đầu một tham vọng mới. Như biểu tượng của Phật giáo nhật bản Zen ( hình tròn ) hoặc Ấn độ giáo ” hàm vỹ xà” ( rắn cắn đuôi ) là tĩnh, tĩnh là hạnh phúc. ai biết điểm dừng là hạnh phúc.Thiên Chúa giáo nói hạnh phúc là khi quên đi bản thân mà lo cho đồng loại ( trống rỗng, không còn ý niệm cá nhân ).Hạnh phúc đơn giản là khi mình không còn ước muốn và tham vọng.

    • “Hạnh phúc đơn giản là khi mình không còn ước muốn và tham vọng” – đây mới là sự trống rỗng bạn à :). Thiên Chúa giáo nói “con người được tạo ra theo hình ảnh của Ngài”, mà Ngài là hình ảnh của tình yêu nên trong bản thân con người có thiên tính là tình yêu. lo cho đồng loại là trở về với bản chất thật của mình chứ không phải là sự trống rỗng. Bạn nên tìm hiểu trước khi nói như đúng rồi nhé.

      • Xin cám ơn bạn đã quan tâm đến comment của mình, nhưng mình nghĩ bạn hiểu lầm ý của mình. Trống rỗng là mình nói hình ảnh của Zen và con người bị lấp đầy bởi tham lam và mưu cầu tư lợi.Trống rỗng khi tâm và trí không còn ham muốn, sân si. Có thể khái quát tình yêu trong Thiên Chúa giáo cũng giống như vậy, con người tìm được Thiên Chúa là đầu mọi sự, là alpha và omega. Con người cùng bản thế với Thiên Chúa, ở trong Chúa con người mới hạnh phúc.

  5. Xin chúc mừng cô gái người đã tìm được niềm vui nơi mình bằng việc lắng nghe con tim. Cuộc đời này luôn đổi thay tìm niềm vui bên ngoài chỉ chạy theo cái bóng khi cái bóng dừng lại bạn nhìn vào bên trong mình bạn tìm cái niềm vui từ việc hiểu cái bên trong nhưng không bạn vẫn còn có thể buồn bạn vẫn có thể không hạnh phúc chỉ là cái đối tượng để hạnh phúc bên vững hơn thôi. Là bởi vì bạn còn hạnh phúc, bạn còn vui.
    Tôi vui, tôi buồn; tôi yêu, tôi ghét; tôi thích thú, tôi chán nãn.. Thấy không chỉ có cái tôi mới làm cho ta vui buồn yêu ghét chán nãn thích thú..
    Không còn cái tôi cái ta không còn vui buồn, yêu ghét, thích thú chán nãn.. Người ấy viên mãn. Khi không còn cái tôi thì họ còn lại cái gì? tôi không biết. Nhưng người ấy vẫn ở đấy chỉ là họ không còn là họ, có những người như thế ngoài kia.
    Làm cách nào để như thế? tôi cũng không biết bởi vì tôi cũng đang tìm cách.
    Ai có tai hãy nghe, ai hiểu thì hiểu không cần tranh luận vì có những thứ vượt qua cả tranh luận cái lỗ mà đòi chứa được đại dương hay sao!
    Đường còn dài hãy tiếp tục bước đến và chỉ khi đến cuối con đường người ta mới không phải tìm kiếm vài lời loạn bàn khiến tác giả bận tâm.

  6. Mình thích bài này của bạn, chân thật và gần gũi. Bạn đọc Suối Nguồn chưa? có lẽ bạn sẽ thích khi đọc nó, nếu bạn đọc nó thì tôi mong một ngày nào đó chúng ta sẽ trao đổi với nhau những suy nghĩ về nó.

    • Đoạn mở đầu của phần cuối -Howard Roark- trong Suối Nguồn có nói đến hạnh phúc. Rằng con người ta đừng cố gắng mang lại hạnh phúc cho người khác mà hãy chỉ ra hạnh phúc của chính mình cho họ thấy. Để họ có được sự can đảm và sức mạnh để tìm kiếm hạnh phúc của riêng mình.

      Một điểm tương đồng của mình với đoạn này là về ước mơ. Mình ít khi nói về ước mơ của mình, nhưng đôi khi mình vẫn chia sẻ nó với người khác. Đó không phải vì để người khác cổ vũ mình thực hiện nó. Cái mà mình chờ đợi ở họ là họ sẽ chia sẻ ước mơ của họ, họ đã thực hiện nó như thế nào, họ đã hoàn thành nó như thế nào, niềm vui của họ ra sao. Đó là điều cho mình can đảm để theo đuổi ước mơ của riêng mình.

      Cho nên nhiều khi đọc bài trên này không phải để tìm một hướng đi, một lý tưởng mà là tìm kiếm sức mạnh để tiếp tục đi trên con đường của riêng mình.

      • mình chưa đọc hết cuốn sách. nhưng cũng thấy đôi chút về cái ý của đoạn cuối đó. Thật ra thì mỗi người chúng ta luôn cần một sự chia sẻ bạn à, dù là lý do gì đi nữa. Roark là hình ảnh của cái tuyệt đối, những nhân vật khác cũng vậy, nếu chúng ta làm như Roark chưa chắc chúng ta đã hạnh phúc thật sự. Nhưng anh ta chỉ cho ta thấy đâu mới là giá trị thật sự của chính chúng ta, giúp chúng ta nhìn ra những hạnh phúc giả dối. Truyện giúp chúng ta suy ngẫm để đi tốt hơn trên con đường của mỗi người.

        • Truyện cũng không hẳn đọc để suy ngẫm, trong sách có rất nhiều yếu tố tâm lí đáng đọc để hiểu rõ hơn về bản chất của con người.
          cũng là một dạng tài liệu nghiên cứu cho dân học tâm lí

    • đã đọc được hơn nửa cuốn nhưng mà nhức đầu quá nên nghỉ -]]]
      p/s: một cuốn sách có giá trị nhưng nói thật lòng là mình thấy nó hơi bị nhiều chữ. Albert Einstein nói rằng nếu bạn không thể giải thích được điều gì một cách đơn giản thì bạn chưa hiểu nó thật sâu sắc.

      • Mình muốn hỏi và mong bạn trả lời thật lòng, bạn nghỉ vì thấy nhức đầu và nhiều chữ hay thấy tiếc nuối và đau lòng với sự chọn lựa của nhân vật và mong muốn một điều gì đó tốt đẹp hơn?
        câu nói của Einstein chỉ dùng với người đã hiểu chứ không phải người chưa hiểu. giống như ông ấy hiểu thuyết tương đối của ông ấy nhưng để người khác hiểu thì ông ấy không biết phải phân tích nó ra biết bao nhiêu cuốn sách và dữ liệu đây. Hãy đặt mình ở vị trí người chưa hiểu, tác giả cuốn sách vẫn có thể tóm lược cả cuốn sách vào một một truyện ngắn mang đủ các ý chính, nhưng khi đọc các ý chính đó liệu chúng ta có hiểu những điều tác giả muốn nói. Cố gắng lên đọc hết đi, có gì băn khoăn thì cùng thảo luận với mình, mình đọc được 2/3 rùi 🙂

          • nói thật lòng là thích nội dung và cách khắc họa nhân vật của tác giả lắm luôn. Nhất là nhân vật Peter Keating, sống động đến mức mà mình muốn ghét lây luôn cuốn sách :)))
            Nói thật lòng nữa là sau khi đọc cuốn Nhà giả kim, thì mình nghỉ đọc Suối Nguồn. Chỉ có hơn 200tr thôi ^^
            Tiếp theo là nhân vật Howard Roark, mình thích nhân vật đó dữ lắm và mình luôn cho rằng nhân vật đó đã chọn đúng con đường. Không có gì phải đau xót cho anh chàng đấy, càng gặp khó khăn anh ta càng thể hiện sự dũng cảm của mình ^^, mọi thứ không hay đối với anh ta cũng như đứt nửa sợi tóc mà thôi.

          • nhân vật Peter Keating là hình ảnh của đa số những con người trong xh này, chỉ là tác giả đẩy anh ta đi càng ngày càng xa với con người thật của anh ta. anh ta đáng thương hơn đáng ghét, anh ta có thể là bất kỳ ai bạn gặp trong đời, chạy theo những ảo vọng mà xh mang lại. bạn nên đọc tiếp để thấy anh ta đi đến đâu trên con đường vô nghĩa đó.
            200 trang thui á? ít đấy nhé :). khi nào có thời gian mình sẽ đọc cuốn Nhà giả kim xem sao.
            Ngoài Roark, Keating thì còn 3 loại nhân vật nữa cũng rất quan trọng. Roark chọn đúng đường nhưng nhớ đừng yêu anh ta trong đời thật nhé vì như vậy bạn sẽ đau khổ đấy hi hi. mọi thứ đối với anh ta như đứt sợi tóc như nỗi đau của anh ta lại là vô cùng bạn à. vô cùng khi ngày ngày nhìn thấy mọi người sống trong sự trống rỗng, khi họ nhìn những thứ có giá trị như là rác rưởi. Rất đau đớn đấy

          • Nếu muốn yêu anh ta thì cũng phải bản lĩnh như nàng tiểu thư Francon mới xứng ^^.
            Còn về nỗi đau, theo mình, nỗi đau là cần thiết. Người ta chỉ có thể thức tỉnh để nhìn thấy sự thật sau khi đi qua nỗi đau thôi, còn cách nào khác nữa đâu 🙂 Vả lại, truyện khắc họa nội tâm anh chàng này cực kì mạnh mẽ, chẳng có chuyện gì có thể đốn ngã anh ta cho nên mình mới cảm thấy không cần thiết phải đau xót giùm cho anh.
            Toohey cũng thích nhưng cứ cho mình cảm giác đạo đức giả
            Gail thì quá tàn nhẫn
            cũng như bạn nói “Roark là hình ảnh của cái tuyệt đối, những nhân vật khác cũng vậy, nếu chúng ta làm như Roark chưa chắc chúng ta đã hạnh phúc thật sự” điều này mình hoàn toàn đồng ý.

          • Bản thân Roark không cần sự xót thương của tất cả chúng ta, những sẽ có ngày bạn hay mình hoặc ai đó sẽ cảm nhận được nỗi đau của anh ta khi nhìn vào cuộc sống. Toohey cho đến 2/3 truyện thì chính là kẻ đạo đức giả, ông ta ban phát sự hư vô cho con người, Gail thì là con người nhìn thấy giá trị cuộc sống nhưng chính cái xh giết chết những gí trị đó nên ông ta trả cho họ những gì mà họ yêu thích.
            Nỗi đau là cần thiết nhưng đừng yêu thích trải nghiệm nó để cảm thấy nó. Dominique đã làm chính cái điều mà bạn nói đó theo một cách cực đoan nhất, và mình thì không ủng hộ cách làm đó đâu à.

          • “Roark là hình ảnh của cái tuyệt đối, những nhân vật khác cũng vậy, nếu
            chúng ta làm như Roark chưa chắc chúng ta đã hạnh phúc thật sự” –> thì đây, lời bạn đã nói rõ rồi nè. Francon cũng chỉ là hình ảnh của cái tuyệt đối thôi.
            Nhưng nói thật là không hiểu vì sao mình lại thích cái cách cô nàng chọn đi lòng vòng để đòi đánh bại thế giới rồi mới chịu quay lại với Roark. Mình nghĩ là mình hiểu vì sao cô nàng phải làm như thế nhưng chưa nghĩ ra cách nào để giải thích được.

          • bạn giống mình hi hi, nhưng mình chỉ nói những gì mình hiểu. Cô ấy giống Roark nhưng cô ấy không có một điều như R đó là sự không sợ hãi. Cô ta không thể sống với R nếu không vượt qua sự sợ hãi đó. cô ta hiểu xh sẽ làm gì anh ta nếu anh ta cứ sống như vậy, cô ta lại càng hiểu là anh ta sẽ không bao giờ đầu hàng. Nỗi sợ đó khiến cô ấy làm một việc tàn nhẫn nhất chính là lao vào cái vô nghĩa của xh, sống trong chính nỗi sợ đó để cảm nhận nỗi đau, để vượt qua nó. đó là sự dũng cảm và không bao giờ đầu hàng của cô ta.

          • Có lẽ vì ông ta không tin vào điều gì cả.

            Đại loại là kiểu người không có niềm tin vào cuộc sống, cảm giác như ông ta cũng gần giống như Gail nhưng theo cách đê tiện.
            Gail thì bị mất niềm tin
            Toohey đơn giản là bản chất

          • ông ta như thế là do ông ta căm ghét chính bản thân ông ta. ông ta sinh ra trong bệnh hoạn, chính điều đó khiến ông ta cảm thấy đau đớn về chính mình, để đạt được điều ông ta muốn ông ta sẽ dùng cái cách là khơi lên những điều tốt đẹp nhưng trống rỗng, vì ông ta không sống với được với chính con người mình, phải sống bằng sự vuốt ve kẻ khác nên ông ta dùng mọi cách để con người từ bỏ chính bản thân họ để chạy theo điều vô nghĩa. đó là sự căm thù cái mà mình không có nên muốn tất cả mọi người đều không có giống mình.
            Còn Gail là một con người vô cùng thông minh, ông ta có những đức tính vô cùng tốt đẹp nhưng chính cái xh này dạy ông ta rằng những điều tốt đẹp không thật sự tồn tại trong thế giới này. vì vậy ông ta cho họ thứ mà họ muốn nhìn thấy, đó là những sự vô nghĩa, sự yếu đuối và hời hợt. sự nguy hiểm của Gail nằm ở chỗ ông ta hiểu những giá trị của cuộc sống nhưng ông ta không tin rằng trong con người tồn tại những thứ đó. ông ta cố tìm mọi cách để thử thách những ai khơi lên sự tốt đẹp mà ông ta từng tin vào. nhưng đa số họ đều thất bại và đầu hàng. nó giống như bạn đi tìm một người tình lý tưởng nhưng những người bạn thấy chỉ là thứ gì đâu, nhưng càng thất vọng thì bạn càng khao khát một người như vậy. vì nếu không tìm thấy thì bạn sẽ thấy rằng cuộc đời quá vô nghĩa. đó chính là lý do vì sao có một khẩu súng trong phòng ông ta.

          • àhhh, thì ra là như vậy.

            Cả hai nhân vật đều giống nhau ở chỗ là muốn trả thù cuộc đời hẻn.
            Cháu gái của hắn cũng giống hắn quá chừng, ngay từ lúc đầu đã đoán cô ta không ra gì nên mới có thể yêu Peter tha thiết thế.

          • Này này! bạn bị cái sự yêu ghét ảnh hưởng rồi đấy nhé. cô gái đó chính là nhân vật đáng thương nhất trong truyện sau Peter. có biết tại sao cô ta yêu Peter không? vì cô ấy nhìn thấy con người thật của Peter, “con người thật” đó chính là bản chất thật sự của Peter chứ không phải cái bộ áo hoa mỹ mà xh khoát vào anh ta. trong suốt quyển truyện, Peter luôn có một sự ray rứt, anh ta gần như tìm thấy con người thật của mình nhưng sự việc cứ tới làm anh ta bỏ lỡ hết lần này đến lần khác. Cô gái đó là một cô gái bình thường nhưng rất tốt đẹp, tốt đẹp vì sự ngây thơ và chân thật. Nhưng cô ấy đáng thương vì có một người chú như Toohey, chính ông ta đã giết chết tâm hồn cháu mình. Còn cô ấy lại đi tin tưởng vào một người vô cùng thân thiết. Nếu cho mình cứu 1 nhân vật ra khỏi bất hạnh thì mình sẽ cứu cô ấy chứ không phải ai khác cả. Bạn hãy nhìn vào xh, những kẻ chịu bất hạnh nhiều nhất chính là những người như cô ấy, những cô gái ngây thơ và chất phát.

          • haha -]]]
            biết thế nào cũng bị “chỉnh” mà, như bạn cũng thấy đó, nếu bạn để ý thì sẽ nhận ra phần lớn câu trả lời của mình đều bắt đầu là “cảm giác như”. Mình đọc sách chỉ để đọc chứ không có thói quen phân tích chi tiết, hiểu cũng đọc mà hông hiểu cũng đọc luôn (sau này rồi sẽ hiểu).
            Tóm lại là do cái sự cảm tính mà ra cả.
            Đúng là đọc cảm thấy tức vì cô nàng hơi bị ngốc, tức chịu không được. Có lẽ một phần nào đó trong con người của Peter là đáng yêu (những lúc anh chàng bên cạnh cô ấy, mình quên tên nhân vật này rồi, có lẽ vì mình ghét -]]]. Thêm nữa, anh ta có khả năng nhìn ra tố chất của Roark, lẽ dĩ nhiên là anh ta cũng phải có tố chất tốt đẹp nào đó.

          • chính xác, anh ta nhìn thấy Roark vì anh ta cũng có nó. và khi bên cô ấy thì anh ta mới là chính mình. nhưng thật đau đớn khi nhìn thấy anh ta bỏ lỡ những thứ vô cùng quý giá đó. Tình yêu của cô gái ngốc đó là thứ tình yêu trong trắng nhất, không đòi hỏi bất cứ thứ gì, tất cả chỉ là cho đi. Có lẽ nhiều người sẽ bảo cô ta ngốc nhưng mình nghĩ cô ta đẹp.
            lần sau ai mà cmt thì mình sẽ chú ý xem có cái từ “cảm giác như” trong đó không hen. chứ vừa chỉnh mà bị mang câu đó ra chỉnh lại mình thì chỉ biết đứng cười trừ trui hi hi.
            mình thì thích đọc trong sự phân tích tâm lý và diễn biến nhân vật, mình nghĩ chỉ có cảm nhận họ như chính họ ta mới hiểu được hạnh phúc và nỗi đau của họ. đó là cách mà Dominique đã làm hi hi. Nói thật là khi thấy cô ấy không lấy Roark mình thấy vô cùng tiếc nuối. có lẽ trong mình vẫn còn mang nhiều sự tầm thường về những giá trị của giới tính.

          • Chưa đọc đến hết mà sao biết cô nàng không chọn Roark?
            Mà kết thúc là như vậy luôn hay sao?
            Nếu đúng thì tiếc thật. Lại thêm 1 lí do để khỏi đọc nữa :3 hehehe
            Mình là con gái cho nên dĩ nhiên không muốn hi sinh quá nhiều chỉ để yêu một người như Peter, tâm hồn cô ta đáng yêu như Peter nhưng có lẽ cũng yếu đuối và bệnh hoạn như Toohey. Nhưng thường thì ta có cảm xúc mãnh liệt đối với điều gì ở người khác, ta có điều đó ở bên trong (chắc là mình cũng vậy á -]]] ).

          • vâng! hi hi, mỗi người chúng ta đi tìm cái điều mà mình thấy và cần. mình sẽ đọc hết cuốn truyện và không kể bạn nghe được. muốn biết thì tự đọc đi hen ka ka 😛

          • Phải nói là cám ơn bạn rất nhiều, bạn phân tích rất sâu và sắc sảo, bạn giúp mình nhìn cuốn sách một cách sáng rõ hơn ^^ chứ trước đây thì chỉ thấy nó nhiều chữ thôi.
            Riêng mình và cuốn sách này thì đã xong, thật ra mình nghĩ cái kết của cuốn sách như thế nào không còn quan trọng với mình nữa vì mình tin rằng 2 người đó dành cho nhau. Mặc kệ kết thúc truyện có thể là không phải như vậy. ^^

          • Chưa sâu và sắc sảo đâu, vẫn luôn có nhiều thứ mà mình đã bỏ qua. Những người biết đọc sách thật sự thì họ đọc một tác phẩm đến 2 – 3 lần đấy. còn mình thì cái gì đọc xong thì không có hứng thú đọc lại hi hi.
            Xong cũng không sao, có thể sau này bạn sẽ “cảm giác như” muốn đọc tiếp thì sẽ đọc thôi. mình cũng cảm ơn bạn vì đã chia sẻ với mình, ai cũng cần sự chia sẻ cả.
            chúng ta kết thúc cuốn truyện ở đây hen. khi nào có cuốn mới hay ý gì khác thì sẽ trao đổi tiếp. chúc bạn buổi tối vui 🙂

  7. “Những người trốn tránh sự thật sớm muộn rồi cũng sẽ hóa điên, mà trốn tránh sự thật thì không thể nào hạnh phúc được. Nó là thứ hạnh phúc rẻ tiền bệnh hoạn. Cũng như trốn tránh chính mình thì không thể nào hạnh phúc vậy..” Đang sống như vậy nên cũng cảm thấy lo sợ!

      • Mình ko thể suốt ngày cãi nhau với một người cha, ko thể nói với ông rằng sống như vậy là ko tốt,.. vì có nói thì ông cũng sẽ ko bao giờ suy nghĩ lại cách sống không tốt đó, dần dần mình cũng tìm cách im lặng để bản thân ko có những hành động vô lễ quá đà.

        Trong tình yêu, mình ko thể cứ nghe theo con tim để rồi cứ tìm đến với một tình yêu đơn phương mãi ko có hồi kết, cứ nghe nó rồi lại hành động khiến người khác khó xử hơn khi họ vẫn chỉ xem mình là bạn. Vẫn phải trốn tránh đó thôi ?!

  8. Tội từ tâm sanh cũng tự tâm chịu ( Đạt Ma sư tổ). (Tự con người tạo ra thế giới của chúng ta, từ vật chất( quần áo, cầu, xe các loại, tàu vũ trụ…) và ngay cả sự định giá cho các vật dụng ấy theo giá trị thực dụng đôi khi lại tô vẽ thêm; tiếp là các khái niệm cảm xúc( buồn, vui, hạnh phúc,…), khoa học( vật lí, toán học, sinh học…)… tất cả những thứ trên đều được tạo ra từ bộ não của con người (trừ những gì của tự nhiên có sẵn)
    Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên (Đạt Ma sư tổ). (Không có đúng sai, đúng hoặc sai thì phụ thuộc vào nguyên nhân và điều kiện).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI