28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[Exclusive] Đấng được xức dầu: Bằng chứng cho thấy Chúa Giê-su đã làm phép lạ bằng dầu cần sa

tumblr_inline_nv60jevO831s09z1b_1280.png

tumblr_inline_nv60jq1gsi1s09z1b_1280.jpg

Ảnh: Chúa Giê-su chữa bệnh cho những người mù, thế kỉ thứ 12 Basilica di Santa Maria Catedrale Nouva di Monreale ở Sicily.

Vào tháng trước, trang Salt Lake City Tribune đã đăng một câu chuyện mang tên Nhiều gia đình đang di cư đến Colorado vì Phép màu Cần sa Y tế. Câu chuyện đó đã thống kê vài trăm trẻ em và phụ huynh hiện đang di chuyển khỏi nơi ở và đổ xô đến Rocky Mountain State để tìm kiếm một liều thuốc cần sa phi-kích thần (non-psychoactive,) cái đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc điều trị các bệnh lý nghiêm trọng ở trẻ em, thậm chí khi tất cả những phương pháp điều trị khác đều không mang lại hiệu quả.

“Bạn đang thiết lập lại toàn bộ cuộc sống của bạn,” người cha của một bệnh nhân động kinh giải thích về quyết định gần đây của gia đình ông khi chuyển nhà từ Tennessee. “Chúng tôi không hề có một hệ thống hỗ trợ. Chúng tôi không có bạn bè. Chúng tôi phải tìm một nhà thờ mới.”

“Chúng tôi không thể rời khỏi bang này với cần sa vì chúng tôi sẽ trở thành những tên tội phạm liên bang.” Vợ ông nói thêm. “Nhưng chúng tôi chỉ cảm thấy nếu chúng tôi biết rằng có thể có thứ gì ở ngoài đó có thể có ích mà chúng tôi không thử thì chúng tôi sẽ phải nói câu “giá như” suốt cuộc đời.”

Những câu chuyện về sự chữa lành “kì diệu” thông qua việc sử dụng dầu cần sa đậm đặc được tuyền tải trong cộng đồng cần sa toàn cầu trong gần mười năm nay, nhưng điều đó chỉ vừa nhiều người chú ý tới hồi tháng Tám này, khi Tiến sĩ Sanjay Gupta, Phóng viên trưởng mảng Y tế của CNN, đã gửi đến hàng triệu khán giả lời xin lỗi vì trước đó đã bác bỏ những bằng chứng có liên quan đến việc ủng hộ cần sa y tế, ông mô tả mình đã“lầm lẫn một cách có hệ thống” về vấn đề này.

Sau đó Tiến sĩ Gupta đã giới thiệu với thế giới một đứa trẻ sáu tuổi có tên Charlotte Figi đến từ Colorado Springs, Colorado, đã từng chịu 300 cơn động kinh co giật mỗi tuần, thậm chí sau khi trải qua tất cả các chu kì thuốc chống co giật trong từ điển dược học và trải qua một loạt các quy trình đầy đau đớn khiến cô bé không thể đi lại, nói chuyện hay ăn uống. Những cơn co giật bắt đầu xuất hiện từ lúc Charlotte mới ba tháng tuổi, và ngay cả trong suốt khoảng thời gian đó, không một chuyên gia y tế nào đề cập đến cần sa. Phụ huynh của cô bé chỉ biết được về loại thảo dược cần sa có thể giúp chữa hội chứng Dravet – một loại động kinh hiếm gặp, khó chữa đang hành hạ đứa con của họ – sau khi xem một đoạn video trên Youtube, và mặc dù vậy họ chỉ quyết định thử dùng đến cách này sau khi mọi cách khác đã thất bại.

Lần đầu tiên họ cho con gái của họ sử dụng một liều dầu cần sa phi-kích thần có nồng độ CBD cao với nguồn gốc hoàn toàn từ thực vật, những cơn co giật của cô bé đã ngừng lại trong bảy ngày liên tục – một phản ứng hoàn toàn đáng kinh ngạc. Những cơn co giật của cô bé giờ đây đã giảm xuống từ 1200 cơn co giật nặng mỗi tháng xuống còn 2, 3 cơn co giật nhẹ. Ở phần cuối của phân khúc CNN, lúc Charlotte đạp xe đạp một cách hạnh phúc, cha cô bé đặt câu hỏi “Vì sao chúng tôi phải là những người phải đi ra ngoài kia để tìm kiếm những phương pháp chữa bệnh mang tính tự nhiên này? Làm thế nào mà những vị bác sĩ lại không biết đến điều này?”

Phân tán hạt giống

Bây giờ hãy thử tưởng tượng Charlotte Figi không được sống ở Colorado hiện đại, mà là ở vùng Trung Đông, gần 2000 năm trước. Cho dù là một đối tượng của sự thương hại, kinh miệt, sợ hãi, hay sự thích thú, đứa trẻ tội nghiệp ấy có thể đã bị người ta nghĩ là bị quỷ ám – cộng đồng tôn giáo sùng tín của em sẽ không thể có những khái niệm về chứng động kinh như chúng ta hôm nay. Ít nhất là cho đến khi một người lạ đến thành phố, tự xưng là Chúa Giê-su thành Nazareth, nhưng được các môn đệ gọi Ki-tô – tiếng Hy Lạp có nghĩa làngười được xức dầu.

Lần theo công thức của dầu thánh được tìm thấy trong Cựu Ước (Xuất hành 30:22-23), vị thầy thuốc nổi tiếng ở địa phương này sẽ pha 9 cân Anh một loài cây được biết đến với tên ở tiếng Aram là kaneh-bosm (mía thơm) vào khoảng 6 lít dầu ô liu, cùng với chiết xuất quan trọng của chất nhựa thơm, cây quế, và trái bã đậu. Sau đó ông ta sẽ dùng liều thuốc cao này ở các chỗ tàn phế, cho phép tại vị trí đó thuốc được hấp thụ qua da.

Theo những quy ước Kinh thánh học thuật, “250 shekel kaneh-bosm” được liệt kê trong các phiên bản tiếng Hebrew cổ của Cựu Ước được cho là có liên quan tới cây mây, nhưng Chris Bennett, tác giả của cuốn sách năm 2001 Tình dục, ma túy, và bạo lực trong Kinh Thánh cho rằng đây là một quan niệm sai lầm, và cũng như một sự đánh lạc hướng, bắt nguồn có lẽ là từ một sai lầm có chủ đích khi lần đầu Cựu Ước được dịch sang tiếng Hy Lạp.

Kaneh-bosm, ông viết, chính là cần sa.

Bằng chứng vững chắc đầu tiên về việc người Bebrew sử dụng cần sa được xây dựng vào năm 1936 bởi Sula Benet, một nhà ngữ nguyên học Ba Lan ít nổi tiếng đến từ Viện Khoa học Nhân chủng học Warsaw. Từ cần sa thường được cho là có nguồn gốc từ Scythia, nhưng Benet đã cho thấy nó có nguồn gốc sớm hơn nhiều trong những ngôn ngữ Semetic như Hebrew, và nó xuất hiện nhiều lần trong Cựu Ước. Benet đã giải thích “trong văn bản gốc tiếng Hebrew của Cựu Ước có những tài liệu tham khảo về cây gai dầu, cả hai được xem như nhang, là một phần không thể thiếu của các lễ mang tính tôn giáo, và như một chất gây say.”

Benet đã chứng minh từ cần sa ở đây là kaneh-bosm, cũng được giải thích trong truyền thống Hebrew là kaneh hoặc kannabus. Gốc kan trong từ này có nghĩa “cây lau” hoặc “cây gai dầu,” còn bosm nghĩa là “mùi hương.” Từ này xuất hiện năm lần trong Cựu Ước; trong sách Xuất Hành, Diễm Ca, Isaiah, Jeremiah và Ezekiel …. và đã bị dịch sai thành cây mây, một loại cây phổ biến ở vùng đầm lầy không có những phẩm chất và giá trị được cho là của kaneh-bosm. Có nhiều lỗi sai trong bản dịch tiếng Hi Lạp cổ nhất của Kinh thánh Hebrew, bản Septuagint thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, và bị lặp đi lặp lại trong những bản dịch sau.

Mặc dù những tranh luận mang tính từ vựng không đóng góp như một bằng chứng về nguyên liệu, “thuyết cây lau có mùi hương” có thể phục vụ như một cơ sở cho tập hợp các giả định. Giả sử loại dầu được mô tả trong sách Xuất Hành trong thực tế chứa hàm lượng cần sa cao, một liều có hiệu quả của hợp chất dược liệu của cây chắc chắn sẽ đủ vững chắc để giải thích cho sự chữa lành bệnh một cách kì diệu của Chúa Giê-su, cần sa đã được chứng minh là một phương pháp điều trị có hiệu quả cho tất cả các bệnh từ bệnh ngoài da, tăng nhãn áp, chứng thoái hóa thần kinh và chứng đa xơ cứng.

Ngoài ra, trong khi rất khó có khả năng vào thời điểm đó có bất kì ai sở hữu loại thảo dược có khả năng cạnh tranh với loại 20-25% THC siêu mãn tính đã giành Cúp Cần sa vào thời điểm hiện tại, cũng không có lí do nào để tin rằng những nhà nghệ thuật thực vật của thế giới cổ đại không thể lai tạo và gây giống những loại cây có hàm lượng THC ở mức 10% – có thể với mức CBD cao hơn cả những giống hiện đại của chúng ta – một giống cannabinoid mà nhiều người ủng hộ khẳng định là đủ vững chắc để gây ra một phản ứng thực sự sâu sắc khi được hấp thụ với một lượng lớn.

Mô-sê – Vị Shaman say thuốc

Kaneh-busm xuất hiện lần đầu tiên một cách lành mạnh trong Kinh thánh với câu chuyện Moses và bụi cây bốc cháy, trong khi những nhà tiên tri Do Thái đáng kính nhận được công thức dầu xức trực tiếp từ Chúa, cùng với những hướng dẫn rõ ràng rằng chỉ được xức dầu cho giới linh mục – sau đó những hạn chế cũng được nới lỏng cho giới vua chúa.

Xuất hành 30:31

Ngươi hãy nói với dân Israel, “Ðây sẽ là dầu thánh của Ta, dùng cho phép xức dầu trải qua các đời. Dầu ấy không được phép dùng để xức trên cơ thể người thường. Các ngươi không được dùng công thức đó để pha chế một thứ dầu khác tương tự như dầu ấy. Dầu ấy là dầu thánh, nó sẽ là dầu thánh đối với các ngươi. Kẻ nào chế biến một thứ dầu nào khác tương tự như dầu ấy, hoặc đem dầu ấy xức trên kẻ không xứng đáng sẽ bị khai trừ khỏi dân.”

Không may cho những linh mục và sự độc quyền về cần sa lỗi thời của họ, tuy nhiên, nhiều tôn giáo mang tính cạnh tranh khác và những con đường tâm linh hoạt động vào thời điểm đó – bao gồm cả những người ngoại đạo và những người thờ Nữ thần Ashera – đã sở hữu rất nhiều nguồn cung cấp kaneh-bosm. Cần sa, dù sao đi nữa, đã được gieo trồng như một loại cây lương thực ít nhất là từ 6000 năm trước Công nguyên và đã trở nên nổi tiếng và được phổ biến rộng rãi trong khoảng thời gian của Moses.

“Có thể có một chút nghi ngờ về vai trò của cần sa trong tôn giáo của những người Do Thái cổ,” theo Carl P. Ruck, một giáo sư thần thoại cổ tại Đại học Boston, người nghiên cứu về những cách chất thức thần đã ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm linh của nhân loại. “Không lý nào mà một loại cây có vị trí quan trọng trong việc cung cấp nguồn sợi cho ngành dệt và dầu dinh dưỡng và lại rất dễ để trồng lại bị lờ đi… đơn thuần chỉ cần thu hoạch nó thôi là đã gây ra một phản ứng kích thích.”

Có nghĩa không chỉ riêng gì cây cây sa mà những linh mục tôn giáo Do Thái cổ muốn giữ riêng cho họ, cũng như dầu xức có tiềm năng chữa bệnh công hiệu cao được truyền lại bởi Moses. Một sự cấm đoán được họ duy trì bằng cách nhắm đến việc thủ tiêu những người dám vi phạm giới răn của Chúa bằng cách truyền bá nước thuốc cho dân chúng, trong trường hợp kaneh-bosm là cần sa.

Giê-su – Kẻ nổi loạn

Ngoài việc chịu bị đóng đinh, sự rửa tội của Chúa Giêsu được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là một sự thật lịch sử duy nhất về cuộc đời của Chúa. Những câu chuyện sống động trong Tân Ước về nghi lễ làm rõ ràng hơn chuyện các tông đồ cho rằng cuộc gặp gỡ giữa vị cứu tinh của họ với Gio-an tẩy giả là một sự kiện mấu chốt và mang tính chuyển hóa, một việc đánh dấu sự khởi đầu việc công khai thánh chức.

Mark-cô 1: 9-13

Trong những ngày ấy Ðức Chúa Jesus từ Nazareth thuộc miền Galilee đến và được Gio-an làm phép rửa dưới Sông Jordan. Vừa khi ra khỏi nước, Ngài thấy các tầng trời mở ra, và Ðức Thánh Linh ngự xuống trên Ngài như một chim bồ câu. Bấy giờ có tiếng từ trời phán rằng, “Con là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn.” Ðức Thánh Linh liền đưa Ngài vào đồng hoang. Ngài ở trong đồng hoang bốn mươi ngày, bị Sa-tan cám dỗ. Ngài ở chung với các thú rừng, và các thiên sứ hầu hạ Ngài.

Nhưng nếu nước là một chất xúc tác cho sự thăng thiên về tâm linh của Chúa Giêsu, tại sao Ngài không bao giờ thực hiện một phép rửa tội? Tại sao lấy danh xưng Ki-tô? Và tại sao xức dầu cho con chiên trước khi gửi họ đi xức dầu cho những người khác, như đã được mô tả trong Mark-Cô 6: 13: Họ xua đuổi nhiều quỷ dữ, xức dầu cho nhiều người bệnh tật và chữa lành cho họ.

Với những người tin rằng Chúa Giêsu đã sử dụng dầu cần sa, câu trả lời nằm trong những văn bản Kitô giáo phi chính thống. Các bản văn kinh điển của Tân Ước, đó là những cuốn sách của Matthew, Mark, Luke, v.v, đã không được chọn cho đến tận khoảng 235 năm sau cái chết của Chúa Giêsu, khi Giáo hội Công giáo La Mã tiêu hủy một số lượng lớn những thứ cạnh tranh với hy vọng thống nhất tất cả các tín đồ Cơ đốc giáo dưới một ngọn cờ–của chính họ. Giáo hội sau đó đã tìm kiếm và tiêu hủy tất cả mọi chương mục khác với phiên bản sự kiện chính thức của họ hiện nay. Cho phép đế chế Giêsu, đã từng một lần bị chống đối dữ dội, đoạt quyền kiểm soát toàn bộ Kitô giáo trong giai đoạn một nghìn năm còn được biết đến với cái tên Thời Đại Đen Tối (Thời Trung Cổ).

Trong khi đó, bất kì tín đồ Kitô giáo nào tiếp tục phát huy quan điểm khác với Giê-su và giáo lý của Ngài đều bị gắn mác là dị giáo và bị đàn áp một cách dã man. Phần lớn thánh thư và những mệnh lệnh của họ bị thất lạc mãi mãi như một hệ quả, cho tới năm 1945, khi một người nông dân Ai Cập đào phân bón trong một hang động khai quật được một tá những quyển sách bìa da trong một chiếc bình kín, một kho báu bị chôn cất có chủ đích bởi những người chép kinh ở một tu viện gần đó vào khoảng năm 367 sau công nguyên, khi lần đầu tiên Giáo hội lên án việc sử dụng những bản kinh không chính thức.

Trong những tập này – nhiều trong số đó có trước trong những quyển sách của Tân Ước – những chuyên gia về Kinh thánh phái hiện ra được một câu chuyện song song nhưng khác biệt hoàn toàn về cuộc đời Chúa Giê-su, câu chuyện này đặt lễ xức dầu của Chúa làm trọng tâm cho Kitô giáo. Đến nỗi những giáo phái này đã được trùm lên một tấm mền bằng tên gọi Gnostic (“kiến thức” trong tiếng Hy Lạp) để làm nổi bật lên trọng tâm trải nghiệm trực dầu thánh trực tiếp, cái định nghĩa một Ki-tô hữu, chứ không phải đức tin gián tiếp vào Kinh thánh hay vào các linh mục.

Thánh thư Gnostic Tin mừng Thánh Phillip, lấy ví dụ, tuyên bố rằng bất kì ai “được xức dầu… không còn là một Ki-tô hữu mà trở thành Ki-tô.” Một sự chuyển đổi sau đó được so sánh với hành động giả được dùng trong lễ rửa tội được thông qua bởi Giáo hội Công giáo La Mã, trong đó các tân tòng sẽ bắt đầu đi “xuống nước và lên trở lại mà không nhận được gì… [Bởi vì] có nước ở trong nước, có lửa ở trong dầu thánh [để xức].”

Về cơ bản, các Gnostics tin rằng phép rửa tội của Chúa đã diễn ra, nhưng chỉ như một hình thức thanh tẩy, để chuẩn bị cho việc tiếp nhận xức dầu thánh – một tiệc thánh thực sự. Như Chris Bennett đã viết: “Những mô tả còn sót lại của Gnostic về tác động của nghi thức xức dầu cho thấy rõ rằng dầu thánh có tính chất thức thần mãnh liệt đã chuẩn bị cho người nhận một lối vào “hạnh phúc vĩnh hằng.”

Những người hoài nghi

Lytton John Musselman, một giáo sư thực vật tại Đại học Old Dominion và tác giả của cuốn Từ điển thực vật Kinh Thánh (Cambridge 2011), cho biết ông có nghe qualý thuyết kaneh-bosm ám chỉ cần sa, nhưng vẫn hoàn toàn hoài nghi, nói rằng các bằng chứng khẳng định cần sa là một phần của dầu xức thánh là “yếu đến nỗi tôi sẽ không theo đuổi nó.” Ông cũng bảo vệ quan điểm cây mây có khả năng sản xuất những loại thuốc có tác dụng ngang với những loại được mô tả trong Kinh thánh.

“Cây mây là một thành phần rất quan trọng của y học Ayurvedic và đã được chứng minh là có hiệu quả,” theo Musselman. “Lấy ví dụ, ở Sri Lanka nó có sẵn trong bất cứ cửa hàng thảo dược nào và cũng được trồng phổ biến trong vườn nhà. Những giống Bắc Mỹ đã và đang rất quan trọng đối với người Mỹ bản địa ở vùng Đông Bắc mà những vùng đất có những quần thể trong tự nhiên được săn lùng.“

Giống như hầu hết các học giả Kinh Thánh, Musselman ít quan tâm tới ý tưởng Chúa Giê-su đã sử dụng cần sa để thực hiện những phép lạ trong chữa bệnh chúng ta thấy ngày hôm nay ở trên CNN và đọc trên trang Salt Lake City Tribune.

Rất dễ hiểu, với những đứa trẻ như Charlotte và gia đình của chúng, tôn giáo, lịch sử, chính trị, y học và pháp luật đều phải lùi một bước trước những hiệu quả tích cực họ đang trải nghiệm khi điều trị bệnh với cần sa. Như Chúa Giê-su nói với các môn đệ sau khi rao giảng tại hồ Galilee:

Mark-Cô 4: 21-23

Ngài nói với họ, “Có ai đem đèn ra rồi để dưới thùng hoặc dưới gầm giường chăng? Chẳng phải người ấy để nó trên giá đèn sao? Vì chẳng có gì giấu kín mà không có lúc bị phơi bày, không có gì bí mật mà không có ngày bị đưa ra ánh sáng. Ai có tai để nghe, để họ nghe.”

Hãy nhớ rằng, vào thời đó người ta dùng dầu để đốt đèn.


Tác giả: David Bienenstock – VICE
Dịch: Hà Huy Dương
Review: Nguyễn Hoàng Huy

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI