*Photo: Cuba Gallery
Hôm nọ nhân một ngày nghỉ về quê thăm gia đình, tiện thể mình ghé qua thăm ông, bà ngoại. Cũng lâu không về nên hai ông cháu hàn huyên đủ chuyện trên trời, dưới biển. Mình kể về những chuyến hành trình của mình, những con đường đã đi qua, những con người mình đã gặp. Hai ông cháu đang nói chuyện rôm rả, đột nhiên thấy ông trầm ngâm suy nghĩ gì đó rồi bất chợt hỏi mình: “Theo cháu, con người đáng giá bao nhiêu?”
Bị ông hỏi bất ngờ nên mình khá lúng túng, ngồi suy nghĩ một lát rồi tự nhủ. Ngày xưa, mình học môn cơ sở kỹ thuật đo lường ở trường thầy giáo chỉ dạy mấy nguyên tắc để đong, đếm mấy thứ như nhiệt độ, độ ẩm, cân nặng, chiều cao, khoảng cách, độ dài…chứ không thấy thầy nhắc đến đơn vị nào đo giá trị của một con người.
Đành nói thật với ông: “Ông ạ, cháu không rõ lắm. Ở trường, thầy giáo chỉ dạy bọn cháu mấy nguyên tắc cơ bản. Từ ấy bọn cháu có kiến thức nền tảng để chế tạo và lập trình ra mấy cái thiết bị đo nhiệt độ, cân nặng, chiều cao, điện tim, điện não, điện cơ…Chứ cháu không thấy thầy giáo cháu nói gì về thước đo giá trị con người ông ạ.” Ông mỉm cười hiền hậu: “Vậy là cháu đang bị trống một khoảng trống khá lớn rồi đó, cháu có thể rất giỏi kỹ thuật. Nhưng có cái cơ bản và quan trọng nhất là giá trị của bản thân cháu mà cháu không tự mình đánh giá được thì đó là khiếm khuyết và là lỗi rất rất lớn của cháu rồi đấy.”
Mình quay sang hỏi ông: “Thế ông ơi, con người đáng giá bao nhiêu? Và người ta lấy cái gì ra làm thước đo giá trị ạ. Có phải tiền không ông? Tại cháu đọc báo thấy có ông A nào đó được báo chí và các phương tiện truyền thông người ta suốt ngày ca ngợi vì ông ấy rất rất giàu là tỷ phú ông nhé, nhà to như một cung điện này, ăn mặc toàn hàng hiệu, đi lại toàn bằng siêu xe khủng như Lamborghini mấy chục tỷ cơ ông ạ. Đi ăn toàn sơn hào hải vị, nem công chả phượng, cao lương mĩ vị luôn. Cháu thấy họ kinh khủng thật đấy, nó làm cháu liên tưởng đến những ông vua ngày xưa. Nhưng cháu nghĩ vua, chúa ngày xưa chắc không sướng bằng họ đâu ông ạ!”
Ông bật cười: “Trẻ con thì vẫn cứ là trẻ con, cháu làm ông lại liên tưởng đến hồi mà ông còn trẻ. Hồi ấy, ông cũng ngây ngô và ngờ nghệch y như cháu bây giờ vậy. Ngày ấy ông cũng nghĩ chắc khi đo giá trị của một con người, người ta sẽ lấy tiền làm thước đo. Vì tiền giúp chúng ta định lượng dễ nhất mọi thứ. Người ta thường nói vui với nhau:
Có tiền phú quý giàu sang,
Không tiền lắm kẻ cơ hàn điêu linh.
Có tiền lắm kẻ chung tình,
Không tiền nó đá cho mình quay lơ.
Có tiền kẻ đợi người chờ,
Không tiền bạn hữu thờ ơ chẳng nhìn.
Có tiền thăm được họ hàng,
Không tiền cô bác bàng hoàng chơi vơi.
Có tiền thỏa thích ăn chơi,
Không tiền làm toát mồ hôi cả ngày.
Có tiền sáng xỉn chiều say,
Không tiền bụng đói suốt ngày nằm phơi.
Có tiền dạo phố xe hơi,
Không tiền nằm ngủ chao ôi đói lòng.
Có tiền cưới vợ gả chồng,
Không tiền thì cả tơ hồng không se.
Có tiền anh nói em nghe,
Không tiền anh nói em chê anh nghèo.
Không tiền cuộc sống gieo neo,
Không tiền cam phận tèo teo một mình.
Rồi thì:
Tiền là tiên là phật,
Là sức bật của lò so,
Là sức đo của loài người,
Là tiếng cười của tuổi trẻ,
Là sức khỏe của người già,
Là cái đà danh vọng,
Là cái lọng để che thân,
Là cái cân của công lý.
Có tiền cháu muốn mua tiên cũng được cháu ạ, tiền có ma lực kinh khủng đến nỗi mà ai chỉ cần sở hữu nó cũng tự cho mình cái quyền năng thay đổi và quyết định tất cả mọi thứ tồn tại trên thế giới này. Cháu muốn giết ai, đơn giản thuê giang hồ giết người cháu ghét là xong. Cháu yêu ai, đơn giản chỉ cần cho người ta một cuộc sống sung túc, xa hoa như một ông vua, bà hoàng là xong. Cháu muốn leo lên đỉnh Everest, đơn giản mua một cái máy bay và thuê phi công nó sẽ chở cháu bay thẳng lên nóc nhà của thế giới. Cháu muốn xuống đáy biển, đơn giản chỉ cần mua một cái tàu ngầm. Xuống thăm xem cá múi ở đó nó sống thế nào, chán thì bán sắt vụn cũng được.
Cháu không may phạm tội phải đi tù có khi đến mức án tử hình, không sao cả chỉ cần có tiền trong tay cháu sẽ thành David Copperfield thời hiện đại có thể hô biến trắng thành đen, biến đen thành trắng dễ như trở bàn tay. Mình là người có tiền mà cháu, muốn làm gì chả được. Mình nói đúng thì thằng khác không dám bảo mình sai, mình bảo nó sai không bao giờ nó được nói lại là đúng. Mình là chân lý sáng lòa để mọi người noi theo và học hỏi, mình là thần tượng để mọi người nhìn vào mà ngưỡng mộ, rồi trầm trồ thán phục.”
Mình đáp lại ông: “Eo ơi nghe ông kể mà cháu rạo rực hết cả người ông ạ, thế này sống chết cháu cũng phải lao vào kiếm cho thật nhiều tiền ông nhỉ. Cháu thấy mấy ông làm nhà nước mình, rồi mấy ông tổng giám đốc ấy eo ôi sướng kinh lên được ông ạ. Đi đâu cũng có kẻ hầu người hạ, người đón kẻ đưa sướng hơn cả tiên ông nhỉ. Chỉ cần ho lên một tiếng thôi là đã khiến cho không biết bao nhiêu người tim đập chân run rồi. Cháu thích làm thế lắm, cháu muốn có quyền lực quyết định vận mệnh và sự sống chết của người khác, cháu muốn sau này cũng giống như họ. Muốn gì là có đấy, như thế thì như tiên rồi còn gì ông nhỉ?”
Ông lại bật cười: “Bao giờ cháu được như họ, cháu sẽ thấy nó không có nhiều màu hồng như cháu ngồi tưởng tưởng ra thế đâu, cháu ngốc nghếch ạ. Ông đi hơn nửa cuộc đời rồi, bao chuyện đắng cay ngang trái trong đời ông đã gặp đủ cả. Giờ chỉ còn chờ Diêm Vương đến bắt đi lúc nào là ông ra đi thôi. Cuộc sống mà nó chỉ đơn giản có đúng và sai, trắng và đen, tốt và xấu…như thế thì đó nó không bao giờ được gọi là cuộc sống cháu ạ. Có những cái mình tưởng là đúng hóa ra lại không, có những cái tưởng là sai hóa ra cũng không phải nốt. Những ranh giới đó nó mong manh lắm cháu ạ, chả ai có thể khẳng định chắc chắn và quả quyết rằng nó đúng hay nó sai hoàn toàn cả.
Cháu biết không, nó giống với đạo đức ấy là một thứ rộng rãi đến nỗi mà nó bao trùm lên toàn bộ hệ thống luật pháp. Không luật pháp nào có thể đủ hoàn hảo để thể hiện được tất cả các khía cạnh của đạo đức. Và một thằng ngu cũng có thể luyên thuyên giảng đạo đức hàng giờ liền cho cháu nghe vì nó nói gì mà chả được. Giống như con người ấy, không ai là hoàn hảo cả. Ai cũng có cái tốt, cái xấu, cái hay, cái dở, cái được và cái chưa được. Từ đó mà cháu suy rộng ra gia đình và xã hội. Thực ra, những mặt đối lập đó nó giống hai con chó mà cháu nuôi vậy cháu ạ. Có một con luôn muốn giúp đỡ cháu và cầu mong cho cháu gặp được những điều tốt lành và bình an trong cuộc sống, còn một con khác thì luôn muốn kìm hãm cháu, không bao giờ muốn cháu đạt được những điều cháu muốn, nó chỉ mong cháu cứ mãi là cháu của ngày hôm nay không đổi thay gì cả. Hai con luôn tồn tại bên cạnh cháu trong tất cả mọi việc, nó ganh đua nhau và tranh giành nhau ghê gớm lắm đấy.”
Mình hỏi ngay ông: “Thế ông ơi trong hai con chó đó, con nào sẽ giành được phẩn thắng hả ông?”
Ông mỉm cười: “Con nào cháu cho ăn nhiều hơn cháu ạ, con nào cháu chăm bẵm nó tốt hơn nó sẽ khỏe mạnh hơn con còn lại. Dần dần con kia sẽ yếu đi và nằm thoi thóp.”
Mình lại hỏi: “Thế nó có chết không ông, không cho nó ăn thì nó chết xừ rồi còn đâu. Con Rex nhà cháu, cháu chăm nó suốt mà nó còn ốm, đau, bệnh tật nữa là con chó mà không cho nó ăn gì.”
Ông bật cười: “Cháu đúng là cháu, hỏi những câu đúng kiểu trẻ con. Đương nhiên là nó không bao giờ chết cháu ạ, nó có thể yếu nhưng nó vẫn sống bên cạnh cháu đến lúc cháu biến mất khỏi thế giời này. Đến lúc nào đó, khi có chuyện gì đó xảy ra với cháu. Cháu chán nản, tuyệt vọng lúc ấy chả quan tâm chó má gì nữa. Vô tình cháu cho con chó xấu đó ăn thật nhiều mà quên mất không cho con chó tốt nó ăn. Đó là lúc mà con chó xấu sống lại và nó sẽ kiểm soát cuộc sống của cháu. Nó sẽ dẫn cháu đến những nơi tà ác nhất, không bao giờ nó dẫn cháu đến nơi có tiếng cười, an lạc, hạnh phúc và bình an cả cháu ạ. Và con chó tốt lại rơi vào hoàn cảnh y hệt như con chó xấu ngày trước, lại nằm thoi thóp nhưng cũng không bao giờ chết cả.”
Mình vỗ tay và nói lớn: “Hay quá ông nhỉ, thế mà cháu không nghĩ ra. Đúng là cuộc sống đơn giản mà phức tạp, phức tạp mà lại giản đơn. À, ông vẫn chưa trả lời câu hỏi của cháu. Con người đáng giá bao nhiêu hả ông?”
Ông lại nở một nụ cười hiền hậu: “Khi cháu ra đi, những thứ gì cháu để lại và trường tồn cùng với thời gian. Đó sẽ là những thứ nói cho cháu biết cháu đáng giá bao nhiêu. Cháu có thấy Bác Hồ giàu không mặc dù trên người Bác chẳng có lấy một xu dính túi. Cả cuộc đời Bác bôn ba vì nuôi dướng một lý tưởng, hy sinh cả cuộc đời cho tự do của cháu hôm nay, cho cháu miếng cơm cháu ăn, bầu không khí cháu hít thở, bộ quần áo cháu mặc. Như vậy là Bác đã hoàn thành lời hứa của mình với mọi người, với nhân dân và với đất nước rồi đó cháu ạ. Chắc cháu đã hiểu con người đáng giá bao nhiêu rồi chứ.”
Mình gãi gãi đầu: “Dạ, chắc là thế. Cháu cũng chưa rõ lắm, có lẽ bao giờ cháu phải già như ông may ra cháu mới hiểu hết những điều ông nói hôm nay với cháu. Thôi ông ơi, cháu phải về nấu cơm cho bố, mẹ cháu đây. Cháu chào ông nhé, cảm ơn ông vì những gì ông nói hôm nay. Có lẽ nó sẽ là những hành trang quý giá theo cháu đi suốt cuộc đời đấy.”
Ông cười: “Ừ, sau này cháu lớn hơn đi nhiều nơi và va vấp cuộc sống cháu sẽ hiểu những điều ông nói. À, tặng cháu một mấy câu của Steve Jobs mà ông rất thích:
“Nếu bạn sống mỗi ngày đều như ngày cuối cùng của cuộc đời mình, một ngày nào đó bạn sẽ hoàn toàn tin tưởng rằng bạn đã đúng. Câu châm ngôn đó đã để lại ấn tượng rất sâu sắc trong tôi và kể từ đó, trong suốt 33 năm qua, tôi luôn nhìn vào gương mỗi sáng và tự hỏi mình: Nếu ngày hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời tôi, tôi sẽ muốn làm gì và chuẩn bị gì cho ngày hôm nay? Và nếu câu trả lời trong nhiều ngày vẫn là “không” thì tôi biết, tôi cần phải thay đổi điều gì đó.”
https://www.youtube.com/watch?v=lY0-dgbVZfM
Kungfu Panda92
sống trên đời, làm đc càng nhiều việc ý nghĩa, càng sống vì người khác, càng làm cho nhiều người yêu quý mình, tiếc thương mình khi mình ra đi, thì con người đó càng có giá trị. Đó là ý kiến thiển cận của mình
mình thích clip 🙂