28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Có nên để “người rừng” hoà nhập với cộng đồng?

Câu chuyện về cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh thật ly kỳ, một chuyện lạ giữa đời thường mà tôi cứ ngỡ là trang tiểu thuyết nào của Daniel Defoe. Vào một năm khói lửa chiến tranh đầu thập niên 70, ngôi nhà ông Thanh bị bom Mĩ tàn phá, mẹ và 2 đứa con đầu mãi mãi ra đi. Trước mất mát quá lớn đó, người cha ôm đứa con trai mới 1 tuổi bỏ vào rừng sâu trốn biệt, sống tách hẳn với xã hội trong tâm trạng hoảng sợ và buồn thảm. Trong môi trường khắc nghiệt đó, người cha phải tự làm mọi thứ để sinh tồn và nuôi con con nhỏ: tự chế tạo công cụ; làm nhà trên cây; trồng bắp, mè, lúa, thuốc lá…; hái rau dại, săn bắt; chống chọi với cái lạnh, thú dữ, trùng độc; chống chọi với sự cô đơn thiếu thốn… Họ đã sống thành công trong môi trường vô cùng khắc nghiệt, người cha đó hẳn phải là một người nghị lực kiêng cường, khéo tay, chăm chỉ và có tình thương yêu vô bờ bến với con trai nhỏ. Trong vài trường hợp hiếm hoi, người đi rừng bắt gặp 2 cha con họ và muốn giúp đỡ nhưng 2 cha con từ chối và lẩn trốn. Mãi hơn 40 năm trong cuộc sống hoang dã, cha con ông Thanh đã được “giải cứu” để trở về với cộng đồng.

 

Ảnh: Vnexpress
Ảnh: Vnexpress

Chính quyền và người thân đã rất có trách nhiệm khi đưa cha con ông Thanh về với cuộc sống hiện đại, đặc biệt khi mà ông Thanh đang bị ốm và cần sự giúp đỡ y tế. Tuy nhiên, với lòng tốt rằng sẽ giúp cha con họ hoà nhập với cuộc sống mới và sống hạnh phúc thì e rằng lòng tốt đó sẽ khiến họ thất vọng. Cha con ông Thanh sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể hoà nhập với xã hội hiện đại này.

Tôi sẽ phân tích khả năng hoà nhập cộng đồng của 2 cha con họ. Ông Thanh và ông Lang (người con) là 2 trường hợp có tính chất khác nhau, khi vào rừng sâu thì người cha đã là người trưởng thành còn đứa con chỉ mới 1 tuổi. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này tôi sẽ tập trung phân tích trường hợp của người con nhiều hơn.

Con người phải là một phần tử của xã hội. Có được cơ thể người mới chỉ là “cơ sở vật chất”, con người sau khi sinh ra cần phải được sự “huấn luyện” của xã hội thì mới có khả năng nhận thức, trí tuệ của con người. Nếu từ nhỏ một người sống đời hoang dã, bị tách biệt với xã hội thì người đó sẽ không có các đặc trưng trọn vẹn của loài người, mặc dù ở khía cạnh sinh học thì họ cũng như chúng ta.

Hơn nữa, con người (động vật cũng tương tự vậy) ở thời kỳ rất sớm, đó là giai đoạn then chốt cần phải nhận được sự giáo dục để phát triển thể chất lẫn tinh thần, một khi giai đoạn này qua đi thì về sau dù có bù đắp thế nào cũng không bù lại được. Nhận thức, trí lực của người trong thời kỳ sớm nếu không được phát triển tốt hoặc người đó bị thoát ly khỏi môi trường xã hội loài người thì sẽ mất đi khả năng nhận thức, trí lực của con người hoặc trở thành đần độn, thiểu năng trí tuệ.

Trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ sống hoang dã (thường được chó sói, gấu, báo nuôi…) hoặc người trưởng thành đã sống đơn độc tách biệt với xã hội trong thời gian dài. Nghiên cứu những trường hợp này sẽ cho ta nhiều hiểu biết về trường hợp của cha con ông Thanh (sống hoang dã hơn 40 năm, một thời gian rất dài).

Chẳng hạn, một mục sư Mỹ phát hiện 2 bé gái được sói nuôi trong một khu rừng ở đông bắc Ấn Độ. Cả 2 đứa bé đều có một số đặc điểm như không biết nói, không biết lao động, sợ tiếp xúc với con người, thích ăn thịt sống và thịt đã thối rữa, mỗi ngày khoảng 3 giờ sáng thì vươn cổ lên hú như sói… Sau khi về với xã hội loài người, mặc dù nhận được sự giáo dục, tình yêu thương của con người nhưng nhận thức phát triển hết sức chậm chạp. Đứa bé gái nhỏ lúc đó 2 tuổi, đã chết vì không thích ứng được với đời sống xã hội loài người. Đứa bé gái lớn thì sống được đến 16 tuổi, học được tổng cộng 45 từ đơn, cố gắng lắm mới học được vài câu hội thoại đơn giản, trong 3 năm cuối cùng đã biết ngủ vào ban đêm, bắt đầu không sợ bóng tối. Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, tuy đã là cô gái lớn nhưng trí lực của cô ta chỉ tương đương với đứa trẻ 3-4 tuổi bình thường trong xã hội chúng ta.

Cuối thế kỷ 19, một nông dân Pháp phát hiện một thiếu niên khoảng 11-12 tuổi sống trong rừng sâu, không có quần áo, không biết nói, không có khả năng ghi nhớ, phán đoán, tưởng tượng. Hành vi của cậu ta giống như con thú bị nhốt trong lồng vậy, không khác gì kẻ đần độn. Trải qua điều tra, người ta biết được cậu bé đó khi 4, 5 tuổi đã bị bỏ rơi trong rừng, trong hoàn cảnh khốc liệt đó cậu ta buộc phải tìm mọi cách sinh tồn, phải sống độc thân mà chẳng được thú vật hay ai đó dạy. Về sau, cậu ta nhận được sự chăm sóc, dạy dỗ của một bác sĩ, được đặt tên, nói được ít lời, sống tới 40 tuổi tuy nhiên trí lực lúc đó cũng chỉ ngang với đứa trẻ 6 tuổi mà thôi.

Thêm một trường hợp nữa được sử sách ghi lại, ở Trung Quốc vào thời nhà Minh, Chu Đệ cướp ngôi vua của Kiến Văn Đế rồi giam con ông ta là Kiến Văn Khuê cô lập với xã hội bên ngoài, cho ăn uống tử tế, suốt từ 2 tuổi đến khi 57 tuổi. Sau khi được phóng thích, Kiến Văn Khuê mặc dù gần 60 tuổi mà cứ như đứa con nít, đã thành ngu si đần độn.

Như vậy, ta thấy rằng tình cảm, trí tuệ, nhận thức, khả năng ngôn ngữ… không phải tự nhiên mà có, con người cần phải nhận được sự giáo dục rất sớm từ xã hội thì mới có được.

Trở lại trường hợp của cha con ông Thanh, so với mấy trường hợp kể trên có vài điểm khác biệt căn bản như ông Thanh đã là người trưởng thành, người con sống với cha chứ không phải độc thân hoang dã hay với thú vật. Tuy nhiên, vẫn có điểm chung là sống đời hoang dã, tách biệt với xã hội loài người trong thời gian dài.

Ông Thanh vào rừng khi con còn rất nhỏ, đương nhiên đứa con chưa biết nói và ông phải sống trong môi trường không có sự giao tiếp. Sống như vậy trong khoảng thời gian dài cũng đủ để biến ông thành một “dã nhân” rồi, ông sẽ quên đi rất nhiều từ vựng. Khi con trai ông lớn hơn, đến tuổi bập bẹ nói như bao đứa trẻ khác thì suốt khoảng thời gian đó nó cũng chỉ nghe âm thanh của muôn thú, của gió rừng, của tiếng lá xào xạc… chứ không phải tiếng của con người, đương nhiên người cha cũng chẳng thể nào “thao thao bất tuyệt” để nó nghe nên sẽ không biết nói, khả năng về ngôn ngữ cùng với hàng loạt khả năng khác về nhận thức, trí lực không được phát triển. Người con học được từ cha những kỹ năng sinh tồn theo cách bắt chước như trèo cây, bắt thú, trồng cây, chế biến đồ ăn, hút thuốc lá… nó thiên về bản năng, sự bắt chước rập khuôn hơn là tư duy. Vì chỉ sống có 2 người, cha thì không được trò chuyện trong thời gian dài, họ thích nghi với cuộc sống hoang dã nên nhu cầu giao tiếp không nhiều, các sự vật hiện tượng được tiếp xúc chỉ trong phạm vi nhỏ, không có danh từ trừu tượng; kho từ vựng của ông Lang có lẽ vào khoảng vài chục từ và nếu có thể nói được thì dăm ba câu đơn giản, cụt ngủn học từ cha mình. Khi lớn lên, người con tức ông Lang bây giờ sẽ có đặc điểm là không nói được thành lời, không giao tiếp được, căn bản không có quan tâm tới mọi thứ của xã hội loài người; khả năng ghi nhớ, trí phán đoán, tưởng tượng, tư duy đều ở mức rất thấp; hành vi thói quen sinh hoạt hết sức hoang dã.

Tôi chợt nhớ đến một đoạn trong tiểu thuyết võ hiệp “Ỷ thiên đồ long ký” của Kim Dung mà bạn đọc có thể cũng nghĩ đến để phản biện lại phân tích trên. Đó là tình huống vợ chồng Trương Thuý Sơn cùng Tạ Tốn lênh đênh trên biển rồi sống cô lập với thế giới bên ngoài trên Băng Hoả đảo, về sau vợ chồng họ sinh ra một đứa con trai đặc tên là Trương Vô Kỵ. Tuy sống tách biệt với thế giới bên ngoài nhưng ngày ngày cậu bé này được nghe tiếng nói của người thân, khi vừa đủ tuổi thì được học chữ, luyện võ, học các kỹ năng sinh tồn trên đảo, ngày ngày giao tiếp với người thân… do đó trí tuệ của cậu bé được phát triển bình thường. 4 người họ đều là những “trí thức”, tuy sống nơi hoang vắng nhưng cuộc sống có tư duy, lao động có phân công, giao tiếp hằng ngày (đấu võ, nói chuyện, làm thơ, đàm đạo, dạy con học…) và như vậy 4 người họ vẫn duy trì được đặc tính của một “xã hội khép kín”. Sau này, lúc 10 tuổi cậu bé Trương Vô Kỵ một mình vượt biển vào đất liền, cậu chỉ gặp khó khăn khi tiếp xúc với môi trường lạ chứ về mặt trí tuệ thì chẳng thua kém gì ai và sau này còn “vang danh thiên hạ” nữa. Tình tiết này của Kim Dung có lẽ không có thật nhưng cũng thực hợp lý và là một tình huống thú vị để ta phân tích, so sánh để hiểu rõ hơn trường hợp của cha con “người rừng”.

Ông Thanh bây giờ sức yếu, tuổi cao (81 tuổi), một người bình thường vào tuổi của ông thì trí tuệ cũng đã sa sút đi nhiều và đang trên đà “lú lẫn”, khả năng học tập cái mới rất kém. Hơn nữa, cuộc sống của ông đã thích nghi với sự đơn độc trong núi rừng, các thói quen hết sức hoang dã, chẳng hạn khi điều trị ở bệnh viện ông Thanh nửa đêm “bật dậy chui xuống gầm giường lẩn trốn, miệng gầm gừ như tiếng rên của loài thú”. Các thói quen này rất khó thay đổi, việc hoà nhập với cuộc sống mới sẽ gian nan vô cùng và ông chẳng thể làm gì được trong thế giới hiện đại này hết, người thân sẽ phải chăm sóc ông một cách vất vả đến cuối đời còn bản thân ông thì như bị “cầm tù”. Nếu tuổi ông còn trẻ (dưới 40) và thời gian sống hoang dã không dài như vậy (dưới 20 năm) thì còn có chút hy vọng, như trường hợp Bạch Mao Nữ ở Trung Quốc, không chịu nổi sự áp bức của địa chủ, chạy vào ở rừng sâu nhiều năm, sau được giải thoát trở về với quê hương và một thời gian ngắn đã thích nghi được với cuộc sống loài người. Và có lẽ mọi người ai cũng biết câu chuyện về Robinson Cruso (một nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Anh Daniel Defoe), đã sống đời hoang dã trên đảo vắng hơn 28 năm, trong suốt thời gian đó ông luôn nổ lực không ngừng, một cuộc chiến đấu phi thường chống lại số phận nghiệt ngã, khi được đưa về đất liền, sau thời gian ngắn ông đã thích nghi với cuộc sống xã hội loài người, có vợ sinh con. Tác phẩm như một sự ca ngợi ý chí phi thường của con người. Tuy nhiên, đó là tiểu thuyết, sự thật thì tác phẩm được viết theo câu chuyện có thật của một người tên là Alexander Selkirk bị trôi dạt trên biển và sống trên đảo hoang thuộc vùng Chilê, khi đưa trở về với đất liền thì ông ta dường như đã là một dã nhân và không bao lâu sau thì chết.

Hy vọng về người con, tức ông Lang sẽ thích nghi được với xã hội này lại càng mong manh hơn. “Mong sao cha và anh sớm quen với cuộc sống ở buôn làng, đừng chạy trốn vào rừng sâu thì niềm vui những ngày tới của gia đình tôi mới thật sự trọn vẹn”, mong muốn này của ông Tri (con ông Thanh, em trai ông Lang) sẽ sớm khiến ông phải thất vọng, ngay cả việc tưởng chừng đơn giản nhất là nhận ra được người thân. Bởi lẽ, như phân tích ở trên thì thói quen của ông Lang rất hoang dã, ăn sâu vào “máu thịt” rồi, trí lực rất thấp, theo tôi thì chẳng hơn gì một đứa trẻ bình thường khoảng 5, 6 tuổi ở xã hội chúng ta.

Người thân của ông Lang bây giờ có lẽ cho rằng ông còn lạ với cuộc sống mới, chưa biết gì, sau một thời gian nữa sẽ quen thôi, sẽ nói được, nhận ra đâu là người thân, sẽ biết các kỹ năng làm việc, sẽ sớm thay đổi thói quen sinh hoạt… thì họ sẽ chờ đến “mỏi mòn”. Ông Lang bây giờ đã hơn 40 tuổi, người thường vào tuổi này mà học kỹ năng mới còn thấy khó khăn chứ nói gì “người rừng”. Với các phân tích trên, người ta (những người có hiểu biết về tâm lý học) phải vất vả thế nào để giáo dục những đứa trẻ “người rừng” trong suốt thời gian dài mà chúng chỉ có thể học được vài từ vựng, nói được vài câu đơn giản, trí lực phát triển cực kỳ chậm chạp. Còn thói quen hoang dã cũng vậy, có vài cái rất khó thay đổi, như đứa bé người sói nói trên cũng mất gần 10 năm mới biết ngủ vào ban đêm, không sợ bóng tối. Nếu chăm sóc không tốt, họ còn dễ chết sớm nữa.

Việc chăm sóc cha con ông Thanh là gánh nặng rất lớn với người thân, vì cần phải có sự chăm sóc rất đặc biệt, và luôn canh chừng họ bỏ trốn. Và gánh nặng này khó có thể kéo dài, nó đã làm đảo lộn hết cuộc sống của gia đình ông Tri và ông Lâm (con trai và anh ruột người cha), mà kết quả đem lại chắc rằng sẽ chẳng như họ mong đợi. Ông Lang sẽ mãi là đứa trẻ lớn xác, không giao tiếp được, thói quen hoang dã, chẳng thể làm được việc để tự nuôi sống mình trong thế giới hiện đại này… và cần phải được chăm sóc nuôi dưỡng suốt đời. Nhận thức của họ không như chúng ta nghĩ, cái ta mong muốn không phải thứ họ muốn, thứ họ muốn thuộc về thế giới riêng của họ. Cứ tiếp tục giữ họ ở lại đây với hy vọng tốt đẹp rằng họ sẽ nhận ra được người thân, sẽ hoà nhập cuộc sống mới thì chẳng khác nào “cầm tù” họ. Trong mấy ngày sống với người thân họ luôn đòi trở về “nhà”, đòi được ăn thức ăn của “rừng” và mấy đêm liền thức trắng.

Những phân tích của tôi được trình bày ở đây là một giả thuyết có sơ sở. Thông tin về cha con ông Thanh mà tôi có được cũng chỉ qua báo chí, truyền hình, chưa có dịp gặp trực tiếp họ nhưng về cơ bản những phân tích và dự đoán của tôi đều hợp lý, nếu có thiếu sót đôi chút về thông tin thì tôi tin rằng kết quả của lập luận cũng không thay đổi gì nhiều. Để có thể đem lại cuộc sống tốt hơn cho cha con “người rừng”, người thân và chính quyền nên tham khảo thêm ý kiến của vài chuyên gia có hiểu biết về trường hợp này, có như vậy mới có những quyết định đúng đắn, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người thân mình được.

Theo quan điểm của tôi, sau khi người cha hồi phục sức khoẻ nên để cha con họ trở về với cuộc sống vốn có của họ. Nếu có giúp đỡ thì sự giúp đỡ đó cần âm thầm, tế nhị. Họ không thuộc về xã hội hiện đại của chúng ta, hạnh phúc ta muốn không phải là thứ hạnh phúc họ cần, hạnh phúc của họ thuộc về thế giới của họ. Mỗi người đều có cuộc sống riêng, thế giới riêng của mình, nếu áp đặt quan điểm sống của mình vào người khác một cách thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến những đau khổ, và đó cũng thường là những “bị kịch” của cuộc sống.

Nguyễn Hữu Lâm

Quảng Nam, ngày 11/08/2013

 

Tham khảo

[1]http://vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/tro-thanh-nguoi-rung-sau-tran-bom-kinh-hoang-2861830.html

[2]http://vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/cha-con-nguoi-rung-quay-quat-nho-cuoc-song-hoang-da-2863190.html

[3] Vũ Bội Tuyền-Vũ Kim Thanh, “Chìa khoá của thông minh, tài trí”, NXB Phụ Nữ-1999. (các ví dụ minh hoạ về trẻ sống hoang dã được trích từ cuốn này)

*Featured Image: “người rừng” Hồ Văn Lang, nguồn từ vnexpress.net

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Bạn ko quyết định đc họ thuộc vê đâu. Bạn cũng ko fải là Chúa mà fán xét họ nên thuộc về đâu…

    Chính bản thân họ mới có thể quyết định, ko fù hợp họ sẽ tự động trở về nơi fù hợp….!! Xã hội này có ai ép họ fải thích ứng đâu? Tự họ ko thích ứng đc thì sẽ bị đào thải, cuộc đời ko dừng lại để đợi ai cả.

    Tớ tôn trọng quyết định của họ, dù ở đâu…!! Bởi họ thấy đúng họ mới làm

    • tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của bạn, nhưng tôi nghĩ ý của người viết bài này là đừng ép buộc họ phải hòa nhập, tôi có đọc một bài báo về chuyện này. chính quyền phải cử người canh chừng, không cho họ trốn về rừng. như thế có phải là cướp đi quyền tự do chọn lựa của họ không ????

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI