Featured Image: Crisis Relief Singapore
Bà Năm đang quét nhà thì bỗng thằng con trai út, khoảng 8 tuổi từ trong nhà hớt hảy chạy ra, bà Năm chưa kịp hỏi chuyện gì thì nó đã luôn miệng:
-Mẹ, mẹ mua cho con “cái like” đi.
-Hả? Cái gì? Mua cái biên lai làm gì ông nội?
-Dạ không, “cái like” chứ không phải biên lai.
-Là cái gì? Mày khùng hả? À, mua cuốn “như lai thần chưởng” hả? Mày muốn học võ công hả? Kêu ông già mày dạy cho.
-Trời ơi, là “cái like”. Con nói mẹ nghe nè, khi nãy con lên máy tính của anh hai, con thấy người ta ai cũng muốn “cái like” hết
-Là sao? Kể chi tiết coi.
-Dạ, là như này nè…
Bà năm nghe thằng con kể, nó kể tới đâu mồm bà há hốc thành chữ O chữ A tới đó. Bà ngạc nhiên vô kể, bà cứ tưởng mình đang nghe một chuyện hoang đường hay trong một bệnh viện tâm thần nào đó. Theo bà nghe thì “cái like” có thể giúp bà bán rau sống tốt hơn, giúp một em bé ở châu Phi đủ nghị lực sống tiếp dù đang trong cơn hiểm nghèo, thậm chí giúp một người sống lại (bà nghe đâu là đủ mười nghìn like hoặc nhiều hơn), và theo bà biết thì thậm chí có cả một đội “ăn xin like” (thằng nhóc có ví dụ cho bà nghe vài câu ăn xin kinh điển như cho em một like đi, like em chút ngủ ngon, ai ghé qua nhớ cho một like nha.),….
Bà hỏi dồn:
-Thiệt hay xạo đó ông nội? Có những người như vậy thiệt hả? Anh chị mày tối ngày trong phòng có trong đội xin like gì không?
-Dạ thiệt, nhưng mà anh chị sao thì sao con biết, con chỉ vô tình biết vậy thôi.
Bà Năm bỗng chùn mặt xuống, rầu rĩ, vài nếp nhăn hiện rõ trên trán, hẳn là đang suy tính chuyện gì đó rất kỹ. Đang nghĩ ngợi thì thằng út vừa vào nhà vừa với lại một câu khiến trong một phần trăm giây bà có mong ước là chọi cây chổi đang cầm vào nó.
-Mẹ có đi chợ nhớ mua “cái like” cho con đó.
Chín giờ tối. Rất nhẹ nhàng, bà khẽ đi lại phòng con gái mình. Đến cửa bà lại rón rén đẩy nhẹ cánh cửa chỉ hở một chút, rất cẩn thận, bà nhìn vào. Trong phòng đứa con gái duy nhất của bà đang cầm cái điện thoại mà vài tháng trước nó khóc lên khóc xuống đòi ba nó mua cho bằng được. Con gái bà một tay cầm điện thoại để trước mặt, tay kia thì giơ hai ngón tay như kiểu “xin chào mày, điện thoại”, xong phồng mang trợn má nhìn như con dở người. Tiếp theo lại bấm bấm cái gì đó, mười phút sau nó vẫn như thế và tự ngồi cười một mình!? Bà năm hơi hốt hoảng, dường như đã kết luận được gì đó nhưng vẫn gõ cửa phòng cô gái, xong đi vào.
Bà hỏi nó:
-Con tên gì? Sinh tháng mấy? Đứa con gái ngơ ngác không hiểu gì, nhưng vẫn trả lời. -Dạ? Hả? Con là “Pé heo ngốc”, con cung xử nữ.
Bà Năm lập tức quay lưng ra khỏi phòng, khóc huhu.
Với chút hy vọng nhỏ nhoi, bà qua phòng của thằng con trai, tương tự như lúc qua phòng cô con gái, rất rón rén. Thằng này thì nó chụp hình đủ thứ, nó chụp đôi giày, chụp tô mỳ đang ăn, chụp con ruồi mà nó vừa bắt, chụp cục cứt chuột trong hóc… Bà hơi vui, hẳn thằng này có ước mơ làm nhiếp ảnh, nhưng cái cảm xúc ngắn ngủ đó liền tan thành mây khói khi bà nghe nó nói:
-Haizzz, viết gì đây ta? À, đang ăn mỳ, con ruồi phá đám nên mình lấy chiếc giày Ý mua ba triệu hai đập nó xong nhét vô cục cứt chuột. Há há. Hy vọng là được mười like.
Nghĩ về hai đứa con mình nuôi nấng và đặt biết bao hy vọng bỗng bà đau đớn tốt cùng, bà hộc máu y như trong phim kiếm hiệp. Trong những giây phút cuối đời bà chỉ kịp dùng máu trăn trối vài chữ: “Ông ơi, làm ơn đưa hai đứa con vào bệnh viện tâm thần (tới đó thì bà chính thức hy sinh, không viết kịp).”
*Hậu trường: Cô gái và đứa con trai khi thấy mẹ mình như thế thì không kìm được nước mắt, vội chụp hình đăng facebook cho mọi người cùng chhia buồn. Đáng thương ghê!
David Bectam
Hay.