(830 chữ, 3.5 phút đọc)
Gần đây mỗi khi làm một điều gì đó, chẳng hạn khi viết, mình chỉ sửa ít lần, sau đó ngưng. Nếu đọc lại vẫn thấy có gì đó không hoàn hảo: vài ý văn còn rối rắm hay sót một lỗi chính tả… thì mình cũng để đó. Chính các chi tiết bất toàn ấy lộ ra vẻ buồn cười và làm mình thấy vui vui: thế mới đúng là sản phẩm của con người!
Trước đây thì khác. Mình sửa đi sửa lại vô số lần. Có những lúc mất vài tiếng đồng hồ chỉ để chỉn chu lại một trang viết mà sau đó, mình vẫn thấy vung vãi đầy sạn sỏi (rõ ràng mình chẳng phải một người sinh ra để viết.) Một sự căng thẳng nhè nhẹ nhưng triền miên cứ giăng mắc trong đầu mình, suốt trong và sau quá trình đó. Hồi ấy mình đâu nhận thức được rằng sự hoàn hảo không hề tồn tại.
Mình cũng từng có thái độ như vậy đối với sức khỏe. Cả tuổi trẻ chưa hề mắc một căn bệnh nghiêm trọng nào, nên mình bị vướng phải ảo giác sẽ mãi mãi khỏe mạnh và sẽ sống đến già. Mình gạt bỏ mọi ý nghĩ cho rằng chính mình có thể lâm trọng bệnh và có thể chết bất cứ lúc nào, chẳng cần bệnh tật, nhưng chỉ cần không may rơi vào một tai nạn giao thông.
Ảo giác đó bị đánh sập hoàn toàn sau khi mình mắc hết bệnh này đến bệnh khác, cả trong thể chất lẫn tinh thần. Nhưng cũng bởi quá tham lam – tham lam đến ám ảnh – một sinh lực sống bền vững, nên mình đâm ra suy sụp nhanh hơn những người khác. Không phải bệnh tật, mà chính nỗi ám ảnh đó đã khiến mình đau buồn và sụt mất 10kg chỉ trong 2 tháng. Có lẽ nên gọi đó là một sự vỡ mộng.
Mọi chuyện thay đổi khi mình chấp nhận một thực tế đơn giản rằng bất kỳ thứ gì cũng có khiếm khuyết và cuộc đời có thể chấm dứt bất cứ lúc nào, không chỉ riêng mình mà cả những người thân thiết, gần gũi, những bạn bè chí cốt. Nhận thức đó cởi trói cho mình khỏi những áp lực của ảo tưởng, khiến cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn, và giúp mình hiểu rằng các vấn đề sức khỏe mà mình gặp phải cũng chẳng ghê gớm gì nhiều. Bệnh tật vẫn thế, nhưng mình lấy lại sinh khí, dần tăng cân, cơ mặt giãn ra, và chứng trầm cảm “mãn tính” biến mất. Mình cười nói nhiều hơn với mọi người, và mọi người cũng cười nói nhiều hơn với mình.
Đúng là chúng ta cần phải “vỡ mộng” nhiều lần trong đời. “Vỡ mộng” rất tốt. Mộng là giả. Vỡ mộng đưa ta trở về với thực tế. Khi thật sự trở về với thực tế rồi, người ta biết sống vui hơn.
Chỉ có điều, con người mơ quá nhiều giấc mộng. Những giấc mộng của chúng ta có cấu trúc giống như con búp bê Nga: trong con búp bê lớn có một con búp bê nhỏ, trong con nhỏ lại có một búp bê còn nhỏ hơn nữa. Cũng vậy, bọc bên ngoài giấc mộng nhỏ là nhiều lớp giấc mộng lớn. Vỡ lớp này vẫn còn lớp khác. Bởi thế nên nhiều khi, dù vỡ mộng, người ta vẫn đau khổ chứ không hạnh phúc như đúng ra phải là.
Mình thấy cuộc sống chẳng bao giờ hoàn hảo. Nó chỗ đẹp – chỗ xấu, chỗ thanh tao – chỗ què cụt, chỗ sáng tỏ – chỗ mù điếc. Bài học mà mình nhận được là: chẳng nên quá tham lam, hãy biết dừng đúng lúc. Khi nào bừng tỉnh hoàn toàn khỏi mọi khía cạnh của lòng tham – cơn đại mộng vĩ đại bao trùm tất cả – khi đó xem như chúng ta mới thật sự hết chìm đắm trong những cơn mê. Nhưng là người tầm thường, chúng ta chỉ cần hé dần từng mảnh rèm nhỏ của giấc mơ lớn ấy, để ánh sáng thực tại chiếu vào, vậy là đủ. Ta nào phải thiên tài.
Mình bắt đầu học cách thích sự không hoàn hảo từ những điều nhỏ bé xung quanh mình. Cái quần jeans có một nếp gấp nhỏ, cọ vào chân nhồn nhột. Những trang viết thỉnh thoảng sót lỗi chính tả. Một bữa trưa với món ăn không thật sự hợp khẩu vị. Và sức khỏe thỉnh thoảng khi xuống khi lên. Trước đây, nếu không chỉnh được chúng, mình sẽ cáu lan sang cả những người xung quanh trong nửa ngày. Giờ đây, tất cả, mình chỉ điều chỉnh một chút thôi, chứ không còn cố quá như xưa. Vì cố quá sẽ thành quá cố. Không biết ai chơi chữ mà hóa ra đúng như vậy!
Tác giả: Thiếu Lê Tú Anh
Ảnh minh họa: Lukas_Rychvalsky
📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2