28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Chủ Nghĩa Dada (Dadaism) — Câu hỏi về Nghệ thuật hay một sự ngẫu nhiên ngu xuẩn?

Featured image: Marcel Duchamp, LHOOQ, 1919

 

 

Vào ngày 28/11/2010, Yoko Ono, nghệ sĩ đa phương tiện, ca sĩ, đã trình diễn bản Voice Piece for Soprano tại Triển lãm nghệ thuật đương đại tại New York. Video này của bà đã trở nên vô cùng nổi tiếng khi bị số đông giễu nhại rằng âm thanh bà tạo ra là “vô nghĩa,” “như mèo gào đực,” “ai cũng làm được”…và cho rằng những âm thanh này phát ra hoàn toàn vô thức, ngu xuẩn. Vậy tại sao khán giả tại triên lãm vỗ tay hưởng ứng? Tại sao Bảo tàng nghệ thuật New York phê duyệt tiết mục này? Đâu là ranh giới giữa nghệ thuật và một sự ngẫu nhiên vô nghĩa? Muốn trả lời những câu hỏi trên, ta cần tìm hiểu Dadaism (Chủ nghĩa Dada).

1. Nguồn gốc

Dada, cái tên như mô phỏng tiếng kêu vô nghĩa của đứa bé. Đồn rằng cái tên đã tạo thành khi những người tiên phong của chủ nghĩa cắm một con dao vào giữa quyển từ điển, một hành động phỉ báng những giá trị truyển thống. Con dao đã cắm vào đúng trang có từ Dada (tiếng Pháp: ngựa gỗ đồ chơi). Vây là một cái tên vô nghĩa để thể hiện bản chất của chủ nghĩa đã được hình thành. Vậy Dadaism sinh ra từ tư tưởng nào?

Năm 1914, Thế chiến I nổ ra khiến Châu Âu lâm vào cảnh cực kỳ rối ren. Các nghệ sĩ (phần lớn người Đức, người Pháp) đã trở về tị nạn ở Thụy Sĩ. Vốn vô cùng nhạy cảm, họ trở nên căm phẫn với xã hội Châu Âu, tin rằng chính những niểm tin truyền thống (chủ nghĩa vật chất, lý trí, thói trưởng giả) là nguyên nhân của chiến tranh và sự tàn bạo.

Từ năm 1916, nhóm nghệ sĩ gắng sức tạo ra những thứ vô lý, phi lý, đi ngược với tất cả những quan niệm thông thường trong xã hội để chế giễu chính chế độ bấy giờ với các nguyên tắc của nó. Nghệ thuật (nhất là hội họa và nghệ thuật thị giác) là lĩnh vực họ tấn công dễ dàng nhất. Nói cách khác, một cách rất mỉa mai, những người tiên phong đã dùng nghệ thuật để báng bổ nghệ thuật và các giá trị đi kèm nghệ thuật trong xã hội. Thứ nghệ thuật họ dùng làm công cụ chế giễu này được tạo ra với mục đích càng châm biếm, vô nghĩa, mang tính đả phá, báng bổ thì càng được đề cao. Phần lớn, họ tạo ra những tác phẩm Dadaism từ những kiệt tác được xã hội tôn vinh hoặc từ những vật dụng rất tầm thường có sẵn (readymade)

Dòng chảy (1917) bởi Marcel Duchamp. Ký tên Richard Mutt và gửi một cái bồn tiểu tới triển lãm của Hội đồng Họa sỹ tự do, Duchamp đã tạo ra tác phẩm mang tính cột mốc và ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20 (bình chọn bởi 500 chuyên gia nghệ thuật vào năm 2014). Theo triết gia Stephen Hicks, tác phẩm này mang thông điệp đả kích quan niệm nghệ thuật vốn có một cách rõ ràng: Nghệ sĩ là chỉ là người góp nhặt, mua hàng; nghệ thuật là thứ được sản xuất hàng loạt; là thứ gây cảm giác kinh tởm; và là cái mà người ta tè vào.

LHOOQ (1919) sáng tác bởi Marcel Duchamp. LHOOQ nghĩa là “Cô ấy đang có ngọn lửa tình nơi hạ bộ” (Tiếng Pháp). Với việc vẽ thêm râu cho bức Mona Lisa nổi tiếng của danh họa Leonardo Da Vinci, đặt lại tên và đặt nó vào triển lãm, Duchamp đã có một tác phẩm đầy báng bổ, đậm tính Dada.

Những năm từ 1917 đến 1924, Dadaism, sinh ra từ tư tưởng phản chiến đã lan ra toàn thế giới, nổi trội ở những nơi như Berlin, New York, Paris, Italy, Tokyo, Zurich, Yuhoslavia,…và phát triển mạnh ở Hoa Kỳ. Những cái tên tiêu biểu nhất là Marcel Duchamp, Tristan Tzara, Picabia,…

2. Vai trò và tầm ảnh hưởng của Dadaism

Dadaism đã làm thế giới nhận thức lại về các giá trị vốn có và nghi ngờ các quan niệm vẫn được tôn vinh trong xã hội. Sự mất niềm tin sau chiến tranh đã khiến thế giới định nghĩa lại văn hóa và văn minh, mà tiên phong là những người nghệ sĩ. Chủ nghĩa Dada chính là một lời chỉ trích lớn để phỉ báng thời đại bấy giờ và mở ra cơ hội để còn người nhìn thấy chân lý.

Với tính nổi loạn và xúc phạm đến tiêu cực, Dadaism đã vẽ đường cho lối tư tưởng mới liên tục nghi ngờ cái cũ và vì thế, thúc đẩy sự sáng tạo. Dadaism là tiền để cho những trường phái nghệ thuật sau đó: Vị lai (Futurism), Lập thể (Cubism), Biểu hiện (Expressionism), Siêu thực (Surrealsim), trừu tượng (Abstract) và Hiện thực mới (New Realism). Tất cả những trường phái này đã làm nên nền Hội họa hiện đại với một quan niệm nghệ thuật cực kỳ mới.

Như vậy, Dadaism là một thứ nghệ thuật mới, đả phá truyền thống và thường dùng những hình thức thể hiện dường như “vô nghĩa”.

3. Câu hỏi về Nghệ thuật hay một sự ngẫu nhiên ngu xuẩn

Quay trở lại với Yoko Yono. Tôi cho rằng bà cũng là một người tiên phong đang thử nghiệm một trào lưu mới. Trong cảm nhận cá nhân của tôi, những tiếng hú, hét mà Yoko tạo ra thể hiện những cung bậc cảm xúc trong tự nhiên: có thỏa mãn, có kinh sợ, có hoảng hốt có dằn vặt. Tiếng thét có nhịp điệu, nhấn nhá như đay nghiến. Từng âm thanh phát ra được ngân dài và dai, lặp lại nhiều gây cảm giác hoảng loạn. Có đoạn nghe như tiếng thở đầy khoái cảm khi làm tình, có khi nghe xót xa như con thú mắc bẫy. Sự mô phỏng của Yoko cũng như Kitaro, một nhạc sĩ người Nhật, mô phỏng âm thanh nước chảy, lá kêu vậy. Chỉ có điều những âm thanh của Kitaro mang những nhiệp điệu êm dịu hợp với những hợp âm xã hội cho là hài hòa:

Hoặc nghĩ khác đi, có thể Yoko đang muốn châm biếm thứ nhạc hiện thời chứa quá nhiều quy chuẩn và luật lệ gò bó? Tác phẩm của Yoko mang đầy bản năng, sự “vô nghĩa”, những thứ là bản chất của Dadaism. Ta buộc phải chấp nhận sự tồn tại đầy mục đích của thứ nghệ thuật vô nghĩa này. Nếu thứ nghệ thuật này là dễ dàng và vô thức, tại sao chúng ta không làm mà chỉ có Yoko làm? Điểm khác biệt là Yoko đã để ý và dám khai thác những âm thanh tưởng chừng vô thức và ngẫu nhiên rồi biến chúng thành tác phẩm, những người còn lại thì không. Để ý nét thú vị của hiện thực đời thường rồi đem chúng vào trong nhận thức của cộng đồng chẳng phải luôn là cách khai thác nghệ thuật sao?

Cuộc tranh cãi liệu một tác phẩm có xứng đáng là nghệ thuật hay chỉ là một sự tình cờ theo tôi là cuộc tranh cãi cực kỳ vô nghĩa. “Nghệ thuật nằm trong mắt của người cảm nhận.” Những đánh giá về cảm quan nghệ thuật mang đầy tính chủ quan và không bao giờ có thể chứng minh. Những tác phẩm không thể mang ra đóng dấu theo kiểu kiểm duyệt theo kiểu “Có nghĩa”, “Vô nghĩa”.

Với tôi, chừng nào tác phẩm có mang một tầng ý nghĩa và hướng đến một mục đích nhất định, dù là châm biếm công kích hay mục đích gây khoái cảm đơn thuần,…thì nó có đủ phẩm chất trờ thành nghệ thuật.

 

Khánh Khánh

 

Tham khảo

  • Ảnh 1: Marcel Duchamp, Fountain, 1917
  • Ảnh 2: Marcel Duchamp, LHOOQ, 1919
  • http://en.wikipedia.org/wiki/Anti-art
  • http://www.thietketaodang.com/index.php?option=com_content&view=article&id=123:trng-phai-hi-ha-ea-ea-dadaism&catid=46:design-style&Itemid=71
  • http://arthistory.about.com/cs/arthistory10one/a/dada.htm
spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI