26 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Cãi nhau không phải để tìm ra chân lý

*Featured Image: Denis2

 

Tự nhận mình là một trong những huấn luyện viên tranh biện ít ỏi tại Việt Nam, tôi luôn phải đối mặt với những khó khăn trong việc có một cách hiểu tốt hơn về bộ môn này. Định nghĩa, dù tốt đến mấy cũng chỉ là một cách diễn đạt được đưa ra bởi con người, vốn chẳng bao giờ là luôn đúng. Sau thời gian dài suy ngẫm, tôi muốn chia sẻ một chút với các bạn một vài suy nghĩ và kiến giải của tôi về tranh biện.

Tranh biện là gì?

Tranh biện vốn không phải là một hoạt động xa lạ đối với mỗi người chúng ta. Khi ai đó nói rằng cô Hoàng Thùy Linh chỉ là một cô gái đáng thương, không may mắn còn những người khác không cho là như vậy, đó là tranh biện. Khi ai đó nói K-pop chẳng có gì hay ngoài mấy tên ẻo lả và một lũ fan cuồng để rồi đối mặt với hàng loạt phản kích, đó là tranh biện. Hiểu theo một nghĩa đơn giản nhất, tranh biện diễn ra khi có một điều gì đó nhận được sự ủng hộ của một bộ phận, còn bộ phận kia thì không. Họ nói ra quan điểm của mình, phản bác quan điểm của đối phương, ấy là tranh biện.

Những niềm tin thường gặp về mục đích của tranh biện

Trong một cuộc tranh biện giữa hai phe, chẳng bao giờ có kẻ thắng hay người thua nếu không có sự xuất hiện của một thế lực thứ 3: Trọng tài. Bạn không thể dùng tranh biện để chứng minh một điều là đúng, điều đó giống như chứng minh vật nặng rơi nhanh còn vật nhẹ rơi chậm vậy, nếu không làm thì nghiệm, mọi lý thuyết đều chỉ là lý thuyết. Theo tôi thì đây là một sự hiểu nhầm nghiêm trọng của mọi người về tranh biện. Không một tòa án nào có thể đưa ra phán quyết mà chỉ dựa trên các lập luận, suy đoán và giả thiết. Không có nhân chứng và bằng chứng, sẽ chẳng thể kết luận được điều gì. Và kể cả khi có bằng chứng hay nhân chứng, phán quyết được đưa ra không phải bởi công tố viên hay luật sư bào chữa, phán quyết ấy phụ thuộc vào ý thức công lý (sense of justice) của quan tòa – một con người.

Thuyết phục đối phương không phải là mục đích chính của một cuộc tranh biện, dù rằng đôi khi mục đích này cũng được thực hiện. Nếu bạn có thể dùng một cuốn băng ghi hình để chứng minh cô Hoàng Thùy Linh là một cô gái xấu xa, bạn đã chẳng cần dùng đến các lập luận, khi đó không còn gọi là tranh biện nữa. Khó có thể dùng tranh biện để cô Huyền Chip đồng ý rằng cô ấy là một kẻ dối trá, hay Ngọc Trinh thừa nhận rằng cô ấy chỉ là một người hám tiền và ích kỷ.

Bất cứ ai cũng có niềm tin của mình, và đúng hay sai phụ thuộc vào niềm tin ấy. Người ta không cần dùng tới tranh biện trong những điều mà ai cũng tin là nó đúng ví như trái đất tròn và quay quanh mặt trời. Người ta dùng tranh biện trong những trường hợp mà ủng hộ hay phản đối rốt cục cũng chỉ là vấn đề niềm tin hay quan điểm. Thế nên, trong mọi cuộc thi đấu tranh biện chính thức, người thắng hay kẻ thua phụ thuộc vào sự phán quyết của trọng tài – một người trung lập, chứ không phải khi có một bên dừng lại và nhận thua.

Vậy mục đích của tranh biện là gì?

Karl Popper coi tranh biện là một công cụ để ta hướng tới chân lý. Kết quả của bất cứ cuộc tranh biện nào đều không phải chân lý, nhưng quá trình phủ nhận lẫn nhau của các quan điểm đối lập cho phép chúng ta tiến gần hơn tới chân lý, bằng việc phủ nhận dần những thứ không chính xác, ta tiến gần hơn tới thứ mà chúng ta mong muốn.

Tôi là người theo thuyết bất khả tri, tin vào khả năng hữu hạn của con người. Cho dù chúng ta có là con của Chúa, chúng ta cũng vẫn không phải là Chúa. Thế nên, tôi không theo đuổi chân lý tối thượng – điều luôn đúng. Đối với tôi thì tranh biện là một công cụ hỗ trợ ra quyết định.

  • Có nên thay đổi chim Vàng Anh thành Hoàng Anh trong truyện Tấm Cám?
  • Có nên đập cầu Long Biên đi và xây một cây cầu mới?
  • Có nên tăng giá điện?

Đó là những lựa chọn mà tranh biện có thể giúp chúng ta đưa ra được một quyết định. Những quyết định vốn không có đúng sai, hoặc cho dù có thì cũng khó mà có ai chắc chắn được tính đúng sai của mỗi quyết định đó. Dù thế nào đi nữa, việc đưa ra một quyết định là tất yếu, và cho dù dự báo thời tiết có thể chẳng chính xác, mang theo áo mưa như dự báo cũng vẫn tốt hơn là ra đường với sự cầu nguyện trời sẽ nắng.

Khẩu phục, tâm không phục

Con người không phải lúc nào cũng hành động một cách có lý trí, và suy nghĩ bằng lý tính. Bất cứ người mẹ chồng cay nghiệt nào cũng từng là một cô con dâu, bất cứ một ông bố bạo hành với con cái cũng đã từng là một đứa con, sự thật đó lại chẳng hề khiến vòng lặp của những hành vi đó chấm dứt. Thế nên, trong các cuộc thi đấu tranh biện, thắng thua lúc nào cũng là do trọng tài. Trong các giải đấu tranh biện, chẳng hiếm trường hợp các đội thua đều không phục với kết quả của trọng tài, trong thực tế, lại càng không thể trông đợi một người cam tâm chấp nhận khuất phục trước các lập luận của bạn. Cũng như chính tôi biết một cô gái xăm toàn thân hay hút thuốc lá thường xuyên không thể nói lên nhân cách của cô ấy là tồi tệ thì vẫn chẳng lập luận nào có thể thuyết phục tôi lấy một cô gái như vậy.

Đối với tôi, tranh biện thường không có giá trị cao khi chỉ có hai bên đối lập. Giống như hai kẻ tử thù gặp nhau, hoặc phân thắng thua, hoặc cá chết lưới rách chứ chẳng bao giờ có chuyện một bên cúi đầu nhận sai. Thậm chí, người ta càng dễ bị đẩy về phía cực đoan của vấn đề khi tham gia vào một phe trong cuộc tranh biện, kết quả là thay vì hiểu nhau hơn, người ta lại ngày càng xa nhau.

Kinh nghiệm của tôi là nên tránh sử dụng tranh biện trong các vấn đề có hàm chứa nhiều cảm xúc cá nhân, đồng thời cũng không nên tranh biện với những người không có tinh thần tranh biện. Người tranh biện, trọng lập luận, trọng bằng chứng, còn người không có tinh thần tranh biện, chỉ coi trọng thắng thua, bắt bẻ câu chữ mà thôi.

Tranh biện, cần đẩy mạnh trong giáo dục

Trong bối cảnh Việt Nam, tôi nghĩ cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng tranh biện. Tăng cường tư duy phản biện của học sinh cũng chính là cách đẩy lùi những định kiến, những lối mòn trong suy nghĩ của các thế hệ tương lai. Ngụy biện, vốn được hiểu là những cách lập luận nghe thì có vẻ logic và hợp lý, nhưng thực chất thì lại vô lý, ví như công kích cá nhân, viện dẫn số đông, dựa vào lòng trắc ẩn… Nhưng dễ có thể nhận thấy là những ngụy biện kiểu này lại dường như đang được coi là hiển nhiên, là hợp lý trong cộng đồng. Chúng ta bảo vệ, giải thích cho một hành vi chỉ đơn giản vì “là con trong gia đình thì phải thế” cho tới “xã hội này nó phải thế” vì “là người Việt Nam thì phải thế” “văn hóa Việt Nam là thế” “có ai mà không thế”.

Tranh biện không phải là một công cụ toàn năng, cũng giống như mọi công cụ khác, hiệu quả của nó phụ thuộc vào cách của người sử dụng. Nhưng nếu được dùng đúng cách, tranh biện là một công cụ cực kỳ hiệu quả trong việc giảm thiểu thực trạng “thầy đọc trò chép”; là gia vị tuyệt hảo cho những bộ môn vốn bị coi là nhàm chán, thiếu hiệu quả như lịch sử hay văn học; là kẻ thù của định kiến “thầy nói gì cũng đúng, sách viết chẳng bao giờ sai”. Trong tranh biện, người ta nói lên quan điểm của mình, bảo vệ quan điểm của mình, thách thức chính những định kiến của bản thân chứ không phải lặp lại những gì người khác bảo.

Mong sao, sẽ có càng nhiều người tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực đầy thú vị này.

 

Hoàng Đức Minh

8/4/2014

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

20 BÌNH LUẬN

  1. Nếu theo cách tôi hiểu, “tranh biện” là việc tranh luận giữa các nguồn tư tưởng đối lập nhau về 1 đề tài nào đó bằng cách áp dụng phương pháp biện chứng, và nó được phổ biến trong thời đại Hy Lạp cổ, tiêu biểu là các cuộc đối thoại mà người thầy thông thái của Plato ưa sử dụng. Và, cho phép tôi giả sử, Socrates, người thầy của Plato, với câu nói nổi tiếng “I know one thing: that I know nothing” về cơ bản có điểm tương đồng với tuyên bố tác giả là tín đồ thuyết khả tri.

    Mặc dù kiến thức của tôi về triết học cũng như về bản thân Socrates hạn hẹp, tôi cũng xin mạn phép có đôi lời về một số ý trong bài viết của tác giả:

    – Khi lần đầu đọc qua bài viết, tôi chú ý tác giả giới thiệu bản thân mình là tín đồ của Thuyết bất khả tri và kết luận “không theo đuổi chân lý tối thượng – điều luôn đúng”. Thuyết bất khả tri (Agnosticism), theo tôi hiểu về mặt nguyên bản, nó mang một sắc thái tôn giáo cụ thể. Đó là sự luôn nghi ngờ sự tồn tại của những thứ vô hình thể hay tâm linh, ví dụ như sự tồn tại của Thượng đế, của thần thánh… và cũng không ngạc nhiên khi mà Socrates, theo cách ông đưa ra các quan điểm và suy nghĩ về triết học, cũng tương tự. Nhưng Socrates luôn nghi ngờ mọi thứ, và vẫn có thể rút ra kết luận hoàn toàn trái ngược với điều ông từng tranh biện cùng Protagoras. Nói cách khác, vị trí của hai nhà triết học đã hoàn toàn tráo đổi sau buổi tranh biện này.

    – Tác giả kết luận trong Ý chính đầu tiên về Tranh biện: Trong một cuộc tranh biện giữa hai phe, trọng tài sẽ quyết định sự tồn tại của “kẻ thắng” và “người thua”. Như vậy tôi có phải ngầm hiểu ý tác giả muốn nói, rằng người “trọng tài” này đưa ra sự lựa chọn giữa 1 trong 2 phe, phe đối lập là phe còn lại; rằng phải có 1 điểm chung nào đó trong suy nghĩ / tư tuởng giữa trọng tài và phe được chọn đã làm ảnh hưởng đến sự lựa chọn này? Ban đầu, tác giả đã giới thiệu vị trí của “thế lực thứ 3” đó là vị trí trung gian giữa 2 phe, nhưng khi đại diện của thế lực này ‘chọn’ ra 1 phe, nghiễm nhiên vị trí ban đầu đã trở nên vô nghĩa. Như vậy định nghĩa ban đầu của tác giả đưa ra, rằng “Nói ra quan điểm của mình, phản bác quan điểm của đối phương, ấy là tranh biện.” là kết quả rút ra từ ví dụ trên, theo cách tôi suy luận. Nhưng ý tôi hiểu và ý tác giả muốn truyền đạt có khác nhau không ?

    – Một việc tôi cảm thấy nên nêu ra, đó là tác giả công nhận “điều ai cũng tin là đúng”, hay nói cách khác là “đã qua thí nghiệm”, về khái niệm “Trái Đất tròn”. Nguồn gốc của khái niệm này cũng bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ, và ban đầu nó cũng chỉ là giả thuyết của các nhà triết học đưa ra, trong đó có Plato, dù không hề dựa trên một công cụ nào để làm thí nghiệm kiểm chứng. Như vậy một quan điểm cá nhân đưa ra có thể được minh chứng và tồn tại lâu dài sẽ thuyết phục bất kỳ ai và, nếu tôi hiểu đúng, bao gồm cả tác giả – người không theo đuổi “điều luôn đúng”. Nếu tính chất “đúng” của 2 điều trên là khác nhau, tôi xin hỏi chúng khác nhau ở điểm nào ?

    – Tác giả kết thúc bài viết bằng cách đưa ra suy nghĩ là cần đưa tranh biện vào phương pháp dạy học sinh, nhưng lại mở đầu bài viết giới thiệu phương pháp này là bảo vệ quan điểm của riêng mình và phản bác ý kiến của đối phương, trên cơ sở 2 bên đều đưa ra bằng chứng và nhân chứng củng cố quan điểm của mình, đó có phải là hàm ý rằng nên ủng hộ cách suy nghĩ “Ý kiến của tôi mới là đúng”, và, nếu cân nhắc việc bản thân tác giả không quan tâm đến tính đúng sai, học sinh nên rút ra kết luận: cần có thái độ nghi ngờ mọi thứ trong cuộc sống ?

    Có những ý trong bài viết bản thân tôi thừa nhận là hợp lý như “Thuyết phục đối phương không phải là mục đích chính của một cuộc tranh biện” hay “Karl Popper coi tranh biện là một công cụ để ta hướng gần hơn tới chân lý”, mặt khác cách hiểu của tôi và của tác giả về Tranh biện là khác nhau. Ngoài việc thể hiện lập luận của bản thân dựa trên những kinh nghiệm có được từ thực hành, từ suy luận logic và tiếp thu kiến thức, bất kỳ việc thể hiện một phương thức nào khác vào cuộc tranh biện đã thay đổi khái niệm ban đầu của nó. Nếu không có cảm tính, thì tính “đúng/sai”, việc “thắng/thua” không tồn tại trong tranh biện, và giá trị tốt nhất có được từ cuộc tranh biện giữa 2 bên đối lập nhau về 1 tư tưởng nào đó chính là đạt được một khái niệm mới về Kiến thức (Knowledge). Tôi rút ra kết luận, rằng Tranh biện, dù là 1 phương pháp cao cấp hơn để tiếp nhận kiến thức, nó không thể phổ biến trong toàn bộ hệ thống giáo dục ở Việt Nam. Nhưng đó cũng là sự đồng tình của tôi về ý kiến khác của Tác giả, rằng “Tranh biện không phải là một công cụ toàn năng,…, hiệu quả của nó phụ thuộc vào cách của người sử dụng.”

  2. Tranh biện chỉ tốt trên lãnh vực khoa học, toán học( vì nó mang tính nhị nguyên). Còn suy tưởng , ta không thể tranh biện được( vì nó mang tính vô thường)

  3. Phật dạy, trong cuộc sống, không tranh chấp là từ bi, không tranh luận là trí tuệ, không nghe thấy là sự thanh tịnh, không quan sát là sự tự tại, không tham lam là bố thí, bỏ ác là cái thiện, sửa đổi bản thân là sám hội, nhún nhường chính là lễ phật, tha thứ là giải thoát, biết đủ chính là biết buông bỏ, lợi của mọi người chính là cái lợi của bản thân

    • Bài viết rất hay , bản thân tôi cũng thường xuyên tranh biện , chỉ mong sau cuộc tranh biện có thể thay đổi một chút lối tư duy của đối phương , đáng tiết là không ít lần nhận lại sự dè biểu , khinh khi coi thường vì một lẻ tôi đi trái lại suy nghĩ của cộng đồng “việt nam” , là thành phần phản động , nên tránh xa để tránh liên lụy , trong khi dù tôi có đưa ra lập luận chặc chẻ , bằng chứng thuyết phục thì họ cũng không quan tâm đến việc lên google tra thử xem có thật hay không , trong gia đình thì thành bất hiếu nghịch tử , trong xả hội thì bị xem như tôi phạm . Nhiều bạn bè tôi vì không chiệu được sự áp đặt đó đã bỏ xứ ra nước ngoài , tôi rất thích câu “không nên tranh biện với những người không có tinh thần tranh biện” vì một lẻ số đông cộng đồng họ bị ép trong một khuôn mẫu về nhận thức chung , họ sợ thay đổi và càng không muốn thay đổi . Một xã hội biết ” nghe lời” như vậy liệu có phát triển được chăng

  4. Rất vui khi được biết cũng có người thích tranh luận. Mình muốn hỏi bạn là người giảng dạy về tranh biện, mình muốn hỏi ở VN có tài liệu nào có đề cập đến các vấn đề sau:Định nghĩa của một lập luận chặt chẽ là gì ( a valid argument)? Những hình thức logic để giúp lập luận được chặt chẽ là gì? Những khuyết điểm nên tránh khi lập luận là gì? Giới han của lập luận nằm ở chỗ nào? Làm thế nào để phê bình, phản bác lập luận của người khác?

    Mình cũng rất thích tranh luận. Các câu hỏi trên mình không có ý thách đố. Mình có thể trả lời từ kiến thức mình học ơ nước ngoài. Mình muốn biết trong nước có sách thảo luận về các vấn đề trên không.

  5. “Kinh nghiệm của tôi là nên tránh sử dụng tranh biện trong các vấn đề có hàm chứa nhiều cảm xúc cá nhân, đồng thời cũng không nên tranh biện với những người không có tinh thần tranh biện. Người tranh biện, trọng lập luận, trọng bằng chứng, còn người không có tinh thần tranh biện, chỉ coi trọng thắng thua, bắt bẻ câu chữ mà thôi.”

    câu này rất đúng ý mình 🙂

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI