Featured image: Cảnh trong phim
Chủ nhật tuần trước, tôi ngồi xem Begin Again. Nếu bạn hỏi tôi phim có hay không, tôi sẽ trả lời: “Keira xinh ở mọi góc nhìn, Adam bị dìm hàng tơi tả, nhạc phim tuyệt vời” và quan trọng hơn… “bộ phim chính là dành cho bạn, nếu bạn đang thất tình.”
Trước tiên hãy nói về thất tình
Thất tình có hai nghĩa nhé, một là bảy thứ cảm xúc của con người (trong thất tình lục dục), hai là mất đi tình cảm. Mất đi tình cảm thì có thể là: ai đó không còn dành tình cảm cho bạn hoặc bạn không còn tình cảm cho ai đó nữa – đá hoặc bị đá.
Nhưng thất tình cũng chẳng có gì to tát. Thất tình giống như bạn chạm vào cái bếp điện lúc nó đang nóng, sau đó bạn bị bỏng. Bị bỏng không có nghĩa là bạn sẽ vứt cái bếp đi, cũng không phải là bạn sẽ không bao giờ bước vào căn bếp lần nào nữa. Đơn giản, bạn biết cách sử dụng nó hợp lí, tránh cho mình bị bỏng lần nữa. Bạn sẽ thông minh hơn, kinh nghiệm hơn. Chắc chắn!
Tuy nhiên, không có nghĩa là muôn đời bạn sẽ an toàn với cái bếp đâu. Lần sau có thể vẫn gặp tai nạn đấy. Một lần thất tình, rồi hai, ba lần thất tình là chuyện bình thường. Nhưng có một điều chắc chắn, bạn sẽ không cùng lặp lại một sai lầm, có nhiều lí do khác nhau. Điều quan trọng không phải là thất tình hay bị bỏng, hay cái bếp dở hơi cám lợn đó. Mà là cái đam mê làm bếp của bạn ngày một lớn hơn, bạn vẫn vào bếp, được nấu ăn, nấu ra những món ăn ngon chính xác là điều bạn quan tâm.
Tin tôi đi, thất tình chẳng có gì to tát đâu. Nếu bạn cho nó là to tát thì còn lâu bạn mới bắt đầu cái gì mới được. Bạn sẽ mất niềm tin vào mình, vào người, vào tình yêu. Còn nếu coi thất tình như một tai nạn, bạn chẳng mất gì. Người người xung quanh vẫn ổn, bạn vẫn ổn và tình yêu vẫn là thứ làm bạn say mê. Hãy sống như một người bình thường, vì vốn dĩ cuộc sống vẫn tiếp diễn bình thường, bạn vẫn luôn bình thường, lành lặn và khỏe mạnh.
Begin Again: Đến thứ hai, một tuần lại bắt đầu
Thời gian lặp lại, không có ý là cuộc đời chúng ta lặp lại. Chúng ta khóc, rồi chúng ta cười. Người đến rồi người đi. Chúng ta lên rồi xuống (up và down). Chẳng có gì lặp lại ở đó. Chỉ có một quy luật chi phối tất cả: “Chuỗi bắt đầu – kết thúc sẽ lặp đi lặp lại.”
Tôi đã từng xem Once, bộ phim không làm tôi hào hứng lắm. Tôi thấy ngạc nhiên khi mọi người bảo Once là một bộ phim trong veo. Tình cảm không đi đến đâu, người người gặp rồi lại tan mà chẳng có kết luận nào được đưa ra. Nhưng đôi khi, cuộc sống là một cái nhìn mở như thế. Không ai ràng buộc ai, chúng ta có thể kì vọng, nhưng hãy xem người khác có đồng ý với kì vọng đó không, nếu như kì vọng ấy thật là có liên quan tới họ. Viết đến đây, tự dưng, tôi đã hài lòng với Once. Không còn lên tiếng chê bai nữa. Để tôi nói bạn nghe, nữ chính của Once rất xinh, cô có đôi mắt sáng, đôi mắt của người theo đuổi đúng đam mê. Tôi cho rằng, người nghệ sĩ luôn vui, khi diễn tấu niềm vui lẫn diễn tấu nỗi buồn. Niềm vui của họ không hệ tại trong bài hát đó, mà đến từ hạnh phúc được làm điều mình yêu thích: chơi nhạc.
Tôi nhớ lại một vài bức ảnh mình đã chụp được. Và tôi nhớ ra, chẳng có nỗi buồn nào trong đó, chỉ có niềm vui mà thôi. Niềm vui khi tôi và hình ảnh ấy được nối kết. Có thể là nối kết với một hạnh phúc, hoặc nối kết với nỗi buồn trong lúc tôi bấm máy. Đẹp và tươi như bài hát Bắt sóng cảm xúc.
Once là tác phẩm trước của đạo diễn Begin Again. Đến đây, một là bạn xem phim đi, hai là bạn nghe tiếp những điều vụn vặt của tôi, bỏ mặc những ngạc nhiên thú vị mà một bộ phim chưa từng xem có thể mang lại cho bạn.
Begin Again có những tình tiết giống Once, lại chuyện sản xuất một album, lại chuyện những người có một trái tim không khỏe tìm đến nhau và dùng âm nhạc để hàn gắn. Chuyện về những người ở sau ánh đèn sân khấu, hoặc làm nền trên sân khấu. Các nhạc sĩ viết nên những bài hát ở góc phòng, bàn làm việc, quán cà-phê hay trạm xe bus ven đường. Họ không viết nhạc trên sân khấu. Mở ngoặc thêm, Lê Cát Trọng Lý từng kể lại chuyện sáng tác bài Con đường lạ trong một show diễn. Mọi người cười khúc khích vì chia sẻ quá hồn nhiên, quá đáng yêu của chị. Hay bạn có thể xem TED talk của Elizabeth Gilbert: Con người thiên tài trong bạn, bạn sẽ hiểu hơn về sự “vớ vẩn” của dân sáng tạo là làm sao. Những nhạc công, nếu không solo thì họ sẽ cùng nhau làm thành một tập thể, hòa trộn âm thanh của nhau để tạo nên một âm thanh chung tuyệt vời hơn gọi là giai điệu. Bởi vậy, sự đồng điệu giữa họ với nhau rất lớn. Lớn hơn một ca sĩ và một nhạc sĩ, hay một ca sĩ và dàn nhạc. Begin Again, trước nhất đã là một sự bắt đầu lại với câu chuyện từ Once. Khi bạn đọc truyện của cùng một tác giả, bạn hay có cảm giác là nó chán nhàm, vì một mô-típ cũ ấy cứ được lặp đi lặp lại. Theo tôi, đó là một cách để một tác giả tạo dựng phong cách, họ không nhất thiết phải nghĩ ra một cái gì đó hoàn toàn mới, mà: làm mới cái cũ như thế nào, cân nhắc thời gian sáng tác ra sao để họ đủ năng lượng tái tạo – không đi theo lối mòn suy nghĩ. Mặt khác, thời gian cũng quan trọng với người tiếp nhận. Người tiếp nhận, cần thời gian vừa đủ để đọc, để xem và cần một thời gian vừa đủ sau khi xem để thấy một câu chuyện lại được kể, nhưng đây là một hoàn cảnh khác, một con người khác, không có gì thực sự lặp lại.
Once đã tạo ra được những phân cảnh âm nhạc thực sự gợi cảm hứng. Begin Again lại còn làm điều đó tốt hơn. Sự góp mặt của Adam, sự bất ngờ từ Keira, sự góp giọng của Ceelo quái không chịu được, sự hòa trộn âm thanh… tất cả tạo nên một bộ phim âm nhạc thực sự gợi hứng. Keira diễn rất nhập vai, cô thực sự là một nhạc sĩ. Hát bằng cảm xúc trong veo, cảm thụ âm nhạc bằng cái tôi riêng – chính cái tôi đã đâm chồi cho những tác phẩm của cô. Cô nhìn thấu cảm xúc của người khác như người nhạc sĩ nhìn thấu âm nhạc. Tôi lại mạn phép đan xen ý kiến cá nhân vào đây: những người làm nghề sáng tác, thực sự có khả năng thấu cảm và nhìn thấu người khác. Tôi muốn nói đến những: họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhiếp ảnh gia hiện đại, đạo diễn… Họ là những người dùng chất liệu để sáng tạo, không phải sao chép, không phải chụp lại, không phải trình diễn lại những thứ từ người khác, từ xung quanh, như: nghệ sĩ vẽ chân dung, vẽ tranh thực cảnh, như ca sĩ, như nhiếp ảnh gia thông thường, nhạc công chỉ chuyên chơi lại sáng tác của người khác. Tôi không nói họ không sáng tạo, nhưng so với lớp người đầu tiên mà tôi kể, những người lớp sau này sáng tạo ít hơn. Họ có khả năng mô tả, đánh giá nhiều hơn là khả năng sáng tạo. Họ kiểm soát cảm xúc tốt hơn, dung hòa và ý nhị hơn, ít đề cao cái tôi, ít “tưng tưng”, ít “mong manh” như lớp đầu. Thậm chí là họ chuyên nghiệp hơn, sắc sảo và cứng cựa hơn…
Tôi thích cái cách Gretta (Keira) – nhạc sĩ, hát Like a fool, y nguyên cảm xúc của một cô gái thất tình, bộc trực, tự nhiên. Tôi thích cái cách Dave (Adam) hát rồi quên mình trong đám đông, để không phải Dave bộc lộ mà chính Gretta nhận ra, cô ở đâu trong trái tim của anh chàng ấy. Tôi thích sự tưởng tượng và máu phiêu lưu của Dan. Dân sáng tạo thực sự nghĩ bạo, mà không những nghĩ bạo còn làm bạo. Họ ít chính chắn lắm, họ sẵn sàng bước lên một ngọn sóng, để được nâng lên rồi vùi xuống. Lúc vùi xuống âu là hụt hẫng thật, nhưng rồi họ lại leo lên. Mà tôi nghĩ, họ có khi lại sợ sóng, họ chỉ thích nhìn đời như một ngọn sóng thôi, nghệ sĩ sáng tác không thích lắm mấy trò mạo hiểm.
Bộ phim làm tôi thích Keira hơn, cô đóng Gretta rất nhập vai nhưng không mất đi cá tính. Khi tôi xem tiếp một vài talk show của Keira, cô vẫn cười nhiều như thế, nói những điều ngạc nhiên như thế và có một đôi mắt sáng y vẹn. Không biết là nhân vật Gretta làm tôi thích Keira hơn hay ngược lại, nhờ Keira mà Gretta trở thành một trong những nữ nhân vật yêu thích nhất của tôi. Đầy cảm xúc, đầy lí trí. Tinh tế, thấu hiểu, biết sẻ chia, biết cầm lên và bỏ xuống. Biết nên kết thúc lúc nào và bắt đầu lúc nào. Cô không ôm Dan như ôm người đàn ông cô yêu. Hình ảnh đó là tôi nhớ đến những cái chạm tay của nữ bác sĩ tâm lí trong phim 50/50. Tâm lí học gọi đó là tạo sự cảm thông qua tiếp xúc, tạo điền kiện cho người đối diện cởi mở hơn trong tâm sự và điều trị. Gretta đúng là một bác sĩ trị liệu cho gia đình của Dan. Cô giúp đỡ con gái của Dan. Giúp Dan quay về với gia đình. Gretta có sự nhạy bén của một người phụ nữ, không phải cô mà Dan mới chính là người tưởng lầm mình có một cuộc tình mới. Một cô gái hay cười, đúng là thường có những nỗi đau ẩn sâu bên trong không ai biết. Nhưng cô ấy, chắc chắn, rất ít đau khổ, vì tâm sao thì diện vậy, nếu đau khổ nhiều chắc đã chẳng cười được nhiều như vậy. Sự lạc quan mới là nền tảng sống của những người hay cười. Tự dưng, tôi nhớ đến câu hát trong bài kết (ending song) của phim hoạt hình Jack và quả tim đồng hồ:
“Il était une fille tout en talon aiguille
Et le cœur de cactus…”
Tạm dịch:
Từng có một cô gái, hay đi giày cao gót
Và trái tim như giống cây xương rồng.
Gretta có một trái tim như giống cây xương rồng. Sự sống lấp lánh trên khuôn mặt của cô gái đạp xe thong dong trên phố, dẫu trái tim cô tưởng như đã thành biển đất điêu tàn. Những điều buồn rồi cũng qua, để chẳng còn gì đáng buồn nữa… và cô nở nụ cười lấp lánh.
Tôi nghĩ, Dave là hình ảnh được tái tạo, từ con mắt nhìn của người cũ Gretta. Nói hơi chợ búa một tí, nhưng chính là: «Phản bội tôi, rồi anh sẽ thấy mình khốn nạn thế nào!» Sau khi xem xong phim, nếu người muốn tôi review là fan của Adam, tôi khuyên họ ngay: «Đừng xem phim để khỏi mất hình tượng.» Adam trong phim lúc đẹp lúc xấu, là một thằng tồi, chạy theo thị hiếu và chạy theo đám đông, không có nổi một chốn dung mình yên lặng : anh ta sẽ mãi như thế, lao vào những chuyến lưu diễn, lao vào những cuộc tình một đêm chớp nhoáng, anh ta yêu đám đông, thích ngả mình vào vòng tay của đám đông, anh ta muốn làm hài lòng người khác vì một lí do khác tình cảm. Anh ta muốn là một hình tượng, muốn giành được sự chào đón khắp nơi. Dave làm mình hao dần sức sống, bởi bản thân anh chưa tìm ra cách tạo sức sống cho mình. Anh làm ra một thứ nhạc dở hơi ăn cám lợn, quác quác như vịt kêu. Dầu âm nhạc của anh được thu từ những phòng thu chất lượng nhất nước Mỹ. Anh để một bộ râu xồm xoàm như quân Hồi giáo cực đoan, xuất hiện trên màn hình với phông nền đỏ hoẻn như mấy cái parody MV (clip chế). Người ta thấy anh lửng lơ nhưng anh chẳng biết mình đang lơ lửng. Cho đến khi Gretta gọi anh, tát vào mặt anh bằng một câu hát dứt đầy tức tưởi. Nhưng anh chỉ được cái nói hay thôi, một cái van xin, một cái hứa hẹn thoảng như cơn gió. Tôi nghĩ Dave bị thiếu thốn tình cảm của mẹ, anh luôn tìm kiếm sự chở che, sự xoa dịu từ những người phụ nữ anh gặp… Còn Gretta, vẫn như bất kì cô gái nào, mạnh mẽ đến đâu, cũng cần một cánh tay rộng hơn có thể chở che cho mình. Gretta ra đi vì giữa cô và Dave, không phải là một khoảng trống giữa băng ghế trên công viên mà là điều gì trống trải hơn đó rất nhiều.
Thế chứ, rồi tôi lại phải có phản hồi mới : «Chỉ có Adam mới chấp nhận dìm hàng tơi tả vậy thôi. Phải xem Begin Again để yêu quý anh hơn, một người đầy tinh thần hi sinh và cống hiến đấy chứ!»
Ending, no stopping: Kết không có nghĩa là dừng lại
Khi thoát được sự cứng nhắc của đời sống, thoát được áp lực làm xong và hoàn thành, tự dưng ta thấy những cái kết mở không còn chướng mắt nữa. Một cái kết mở hàm ý với một khởi đầu mới – begin again. Người ta nói, để vượt qua sự thất tình, chẳng có gì hơn niềm tin vào bản thân, niềm tin vào tình yêu – bao hàm cả sự yêu đời là thế. Ca khúc Lost Stars làm tôi nhớ đến một bộ phim khác, đó là The fault in our stars. Có điều, tôi hơi thiếu sự tinh ý. Lost là cái gì đó đã mất đi rồi, không cứu vãn được nữa. Fault là một lỗi, lỗi thì vẫn còn sửa được. Ca khúc tôi thích nhất trong phim thì phải là Tell me if you wanna go home. Lúc đầu, tôi tưởng đó là bài hát để gọi người yêu về, để tìm lại cái đã mất. Nhưng không, Gretta chẳng bao giờ hát lại cho Dave nghe ca khúc đó. Cô không chờ đợi sự trở về. Bài hát chỉ vang vang trong phim, như một ý nghĩ thường đến rồi chóng đi trong đầu nữ nhạc sĩ. Cuộc đời vẫn mở ra cho Dave và Gretta, đêm 30 chưa là Tết, bao lâu còn là người yêu thì người ta cũng chẳng trói buộc nhau được điều gì, giữa hai người luôn đầy tự do. Còn Dan và vợ mình thì khác, có lẽ nào đạo diễn muốn nói thêm ý đấy vào phim: Rằng hôn nhân là một quyết định, là một cuốn tiểu thuyết cần viết đến cùng. Hôn nhân là thời điểm người ta khẳng định có cùng nhau đi hết cuộc đời hay không.
Meg Jay nói trong TED talk: Tuổi 30 không phải là một tuổi 20 mới rằng: Thời điểm chọn một nửa phù hợp cho mình là trước hôn nhân. Khi người ta đã sẵn sàng cho hôn nhân, biết mình muốn gì và cần gì, thì người ta sẽ dễ dàng tìm ra nửa trọn vẹn ấy. Bởi vậy sau quá trình bắt đầu yêu rồi kết thúc bằng thất tình, phải chăng cái người ta thu được lớn nhất – là câu trả lời cho câu hỏi: “Bạn đã sẵn sàng tiến tới hôn nhân chưa?”
Tôi định chẳng viết gì cho thất tình. Chuyện gì qua thì cứ để nó qua. Tôi trù liệu mình sẽ không bao giờ hết khúc mắc vì sao: “Break up is so easy?” – tình đến rồi đi dễ dàng như thế? Tôi đã từng cân nhắc quá nhiều trước tình yêu, rồi giờ đây tôi cũng tự bảo mình: “Love is so easy. It’s OK, that’s Love.” (lại tên một bộ phim nữa). Và tôi lại tin hơn vào trực giác của bản thân, tin tưởng vào những linh cảm của lần đầu gặp mặt, tin tưởng vào cảm giác của bản thân suốt dọc hành trình. Phải. Để tìm ra tình yêu cho mình, bạn cần một chút ích kỉ để đôi khi, không làm tổn thương những người xung quanh, bạn cần lắng nghe và hiểu hết cảm giác của chính bản thân. Hơn hết, tình yêu đơn giản hơn ta tưởng. Người ta gọi là một cú sét chứ thực ra tình yêu đến không mang theo chút căng thẳng, chút lo toan sợ hãi nào đâu. Bản thân tình trạng đó đã là dấu hiệu rõ ràng cho tình yêu sớm nở chóng tàn rồi.
Thôi thì trở lại Begin Again để kết thúc, tôi share nốt cho ai trót đọc đến đây, một clip TED talk khác, nguồn cảm hứng cho tôi chảy trôi hết những dòng chữ này.
https://www.youtube.com/watch?v=rbfw3RxuVcI
Broon
Tình cờ là mình cũng mới xem phim này cách đây 1 tuần, là do nghe Lost stars rồi mò ra phim. Cả những clip TEDtalk cũng đều đã xem qua. Giai điệu trong những sáng tác của Greetta khá giống nhau, chậm và có cách nhả lời rất tinh tế. Sau này có chia tay người yêu nghe lại chắc buồn chết mất.
Mình nghĩ là vơi buồn chứ bạn? Vì ít nhất, có 1 Gretta cùng chia sẻ tâm trạng.
Xinh đẹp và tài năng như Gretta còn thất tình, huống hồ… 😉
Bài viết hay quá lại còn nhắc đến những TEDtalk yêu thích của mình nữa chứ! Thích nhất đoạn
“Một cô gái hay cười, đúng là thường có những nỗi đau ẩn sâu bên trong không ai biết. Nhưng cô ấy, chắc chắn, rất ít đau khổ, vì tâm sao thì diện vậy,nếu đau khổ nhiều chắc đã chẳng cười được nhiều như vậy. Sự lạc quan mới là nền tảng sống của những người hay cười.”
Cảm ơn tác giả vì một bài viết hay nhé 🙂
Mình luôn muốn chứng minh cái câu: “Người hay cười là người hay buồn.” là sai hoặc ý tứ chưa trọn vẹn. Và cuối cùng, nhờ bộ phim này mà mình có lời giải 🙂
Mong chờ phim này từ lâu. Đã nghe hết Album Ost. Thích nhất Lost Stars và Tell me if you wanna go home. Thú thật mình đã khóc khi xem MV Lost Stars, từng lời hát từng điệu nhạc như đọc hộ cảm xúc mình vậy. Bài viết thực sự rất hay, khiến mình càng muốn xem càng sớm càng tốt. Tác giả ở bạn xem phim ở trang nào vậy, cho mình link được không?
Mình down torrent. 🙂