Featured Image: Saurabh Vyas
Tất cả những nội dung dưới đây do tác giả cảm thụ và viết lại dựa trên “Không giận (Okoranai koto)” của Alubomulle Sumanasara. Nó thể hiện tư tưởng Phật giáo nguyên thủy thông qua nhân sinh quan của cá nhân tác giả.
1. Thế nào là “giận”
+ “Giận” là một trong hai cảm xúc cơ bản của con người, xuất hiện một cách nhất thời khi con người nảy sinh phản ứng mang tính cự tuyệt trước một sự vật/sự việc nào đó.
Trước một sự vật hay sự việc, con người ta sẽ nảy sinh ra một trong hai phản ứng: Phản ứng mang tính chấp nhận, hoặc phản ứng mang tính cự tuyệt. Phản ứng chấp nhận dẫn đến cảm xúc “yêu” mang tính tích cực và xây dựng, còn phản ứng cự tuyệt dẫn đền cảm xúc “giận” mang tính tiêu cực và phá hoại. Với nhiều cung bậc và hình thức khác nhau, hai cảm xúc cơ bản này làm nên hầu hết mọi cảm xúc của con người.
Cụ thể hơn, “giận” có thể có rất nhiều dạng: Gớm ghiếc khi gặp thứ mình không thích, tức giận khi cảm thấy bị trêu chọc/bắt nạt, ganh tỵ khi thấy người khác hơn mình, buồn bã khi mất mát cái gì đó, chán nản khi không đạt được mục đích, cay cú khi thua cuộc, v.v. Nói tóm lại “giận” gắn liền với cảm giác “bất hạnh”. Nếu muốn biết hiện tại bản thân có đang giận hay không, chỉ cần tự hỏi xem bản thân có đang cảm thấy vui vẻ hay không, có đang cảm thấy hạnh phúc hay không. Nếu có dù chỉ một chút ngập ngừng, thì rất có thể cảm xúc “giận” đã và đang xuất hiện đâu đó trong tâm hồn.
2. Tại sao lại “giận”
+ “Giận” xuất phát từ cái tôi và những vọng tưởng của cái tôi. Con người ta “giận” vì tự cho rằng mình đúng, mình hoàn hảo, mọi thứ phải theo ý mình.
Tại sao chúng ta lại có phản ứng cự tuyệt trước một sự vật/sự việc nào đó? Nguyên nhân có phải nằm ở bản thân sự vật/sự việc đó hay không? Nếu đúng là như vậy thì tất cả mọi sinh vật có khả năng phản ứng đều sẽ phản ứng giống nhau trước cùng một sự vật/sự việc. Nhưng thực tế rõ ràng không phải như vậy, do đó nguyên nhân chỉ có thể nằm ở bản thân chúng ta mà thôi.
Ta hãy lấy một ví dụ dễ hiểu giữa người và loài vật. Rất nhiều người khi gặp một con gián đều cảm thấy gớm ghiếc và/hoặc sợ hãi. Nhưng đối với một con gà, thì một con gián lại là một bữa ăn ngon. Ngược lại một miếng bít tết đối với nhiều người là một món khoái khẩu, thì đối với một con bò lại không khác gì một miếng giẻ rách. Sở dĩ có sự khác nhau đó là vì mỗi chúng ta đã tự gán cho hai sự vật đó những thuộc tính là “gián = bẩn thỉu ( = cự tuyệt)” và “bít tết = món ngon ( = chấp nhận)”. Những thuộc tính đó không phải là thuộc tính cố hữu của các sự vật kia, mà hoàn toàn là những vọng tưởng do con người nghĩ ra.
Khi những thông tin mà con người tiếp thu từ thế giới bên ngoài mâu thuẫn với những vọng tưởng đang có, thì trong đầu chúng ta sẽ phát sinh phản ứng cự tuyệt. Một con gián bẩn thỉu xuất hiện trước mắt chúng ta đi ngược lại vọng tưởng
1) “Gián bẩn thỉu” và 2) “Mọi thứ xung quanh tôi phải sạch sẽ”. Một người ăn thịt chó đi ngược lại vọng tưởng 1) “ăn thịt chó là xấu xa” và 2) “không ai được phép làm điều (tôi cho là) xấu xa”. Một thất bại của bản thân đi ngược lại vọng tưởng 1) ”thất bại là điều đáng xấu hổ” và 2) “tôi không bao giờ làm điều đáng xấu hổ”. Và cái vọng tưởng lớn nhất mà mọi người thường có chính là “mọi việc trên thế gian sẽ/phải diễn ra theo ý tôi”.
Khi một người có cái tôi càng mạnh mẽ, càng tự cho mình là đúng, thì những vọng tưởng này càng vững chắc, và phản ứng cự tuyệt cũng sẽ mãnh liệt hơn. Ngược lại một người luôn nghĩ rằng mình chưa chắc đã đúng, mình vẫn còn khiếm khuyết, thì người đó hoặc sẽ không có vọng tưởng, hoặc sẽ có khả năng xóa bỏ, điều chỉnh, hoặc dung hòa những vọng tưởng của mình với thực tế xung quanh thay vì cự tuyệt.
3. Tại sao không nên “giận”
+ Không có cái gọi là “giận chính đáng” mà chỉ có “giận vô lý”. Bất cứ mọi hình thức và cấp độ nào của “giận” cũng đều đem đến bất hạnh cho bản thân và mọi người xung quanh.
Chúng ta thường nghe được rất nhiều lý do khác nhau cho việc “giận một cách chính đáng”, và rất nhiều trong số đó nghe rất có lý. Tuy nhiên chắc chắn tuyệt đại đa số các lý do đó đều có dạng: “Vì hắn/nó…” Nói cách khác, mọi người cho rằng mình “giận” vì lý do bên ngoài, vì mình là nạn nhận, vì thằng kia sai mình đúng. Nhưng thực sự tất cả tựu chung lại đều là vì “không theo ý tôi nên tôi giận”. Và đó là một lý do rất vô lý.
Tại sao “giận” lại vô lý? Vì những “hắn/nó” kia đều là các tác nhân bên ngoài mà bản thân mỗi người không có quyền mà cũng chẳng có khả năng quyết định hay ra lệnh. Thế gian xung quanh chẳng cần biết vọng tưởng của bạn là gì hay cái tôi của bạn to đến đâu. Đó là một điều hiển nhiên như trái đất tròn hay chuyện mưa nắng thất thường vậy. Người ta ít khi “giận” vì trời đột nhiên mưa, bởi không mấy ai vọng tưởng có thể điều khiển được ông trời. Không ai “giận” vì một điều mà họ cho là hiển nhiên. Vậy thì tại sao lại vọng tưởng có thể điều khiển được thế gian theo ý mình, để rồi “giận” khi bị thế gian chổng mông vào mặt?
Ngoài ra, từ định nghĩa ta có thể thấy cảm xúc “giận” về căn bản đối lập với “hạnh phúc”. Một người khi đang “giận” sẽ không thể cảm thấy được bất cứ niềm vui nào. Đó là chưa kể cảm xúc và những hành động do “giận” của người đó sẽ lây lan sang và phá hoại hạnh phúc của những người xung quanh. Nói cách khác người “giận” là người “đánh cắp hạnh phúc” của người khác. Mọi hành động mang tính phá hoại đều bắt nguồn từ “giận”, và “giận” chỉ có thể tạo ra được sự phá hoại. Sự phá hoại bắt đầu từ chính sức khỏe và tâm hồn của chúng ta, và cao hơn có thể dẫn đến chiến tranh, xung đột và diệt chủng. Nếu mỗi chúng ta không kiểm soát sự “giận”, thì sự “giận” sẽ phá hủy chúng ta.
4. Làm sao để không “giận”
+ “Giận” không phải là một việc bất khả kháng mà là một lựa chọn có trách nhiệm. Không “giận” không phải là xả “giận” hay kìm nén “giận”, mà là xóa bỏ “giận”. Hãy bắt đầu bằng việc xóa bỏ cái tôi, ý thức cái hại của giận và tự quan sát bản thân.
Nhiều người có thể sẽ cho rằng “giận” là một phản ứng mang tính bản năng của con người và do đó không thể kiểm soát được. Chúng ta không phải thánh nhân, nên có thể trong giây lát cảm xúc “giận” bột phát là điều không thể tránh được. Nhưng việc có kéo dài “giận” hay không, có “giận” trở lại hay không, có hành động trong khi “giận” hay không là điều hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát và là một quyết định của ý thức tự do. Nói cách khác, con người ta “giận” là vì họ muốn được “giận”, họ thích được “giận”. Nếu ai đó nghĩ mình không muốn “giận” nhưng vẫn “bị giận”, thì người đó đơn thuần chỉ đang không muốn nhận trách nhiệm về cảm xúc và hành động của mình mà thôi.
Vì “giận” là quyết định có ý thức của mỗi người, nên cách hiệu quả nhất, triệt để nhất để không “giận” là “đừng có giận” nữa. “Giận” chỉ thực sự biến mất khi bị xóa bỏ từ gốc, khi nó không phát sinh, chứ không phải thông qua việc xả ra hay kìm nén. Việc xả “giận” giống như một người nghiện thuốc lá, thay vì cai thuốc thì mỗi khi thèm lại mua thuốc về hút vậy. Có thể nhất thời cơn thèm sẽ lắng xuống, nhưng nó sẽ lại bộc phát và ngày càng mạnh hơn, thường xuyên hơn. Còn việc kìm nén “giận” thì lại giống như một người cầm cục than nóng đỏ trên tay, nóng quá nên nuốt nó vào bụng vậy. “Giận” sẽ không biến mất, mà chỉ đi từ ngoài vào trong, từ chỗ nông xuống chỗ sâu, từ mãnh liệt thành âm ỉ. Nó vẫn sẽ tạo ra sự phá hoại, nhưng từ từ hơn, với hệ quả lâu dài hơn.
Vậy xóa bỏ “giận” từ gốc như thế nào? Như đã nói “giận” xuất phát từ cái tôi và những vọng tưởng của nó. Do đó ta cần phá bỏ hoặc ít ra là thu hẹp cái tôi và những vọng tưởng của bản thân lại. Hãy biết rằng cái tôi không tồn tại, rằng ý thức của chúng ta chỉ là một chuỗi những thông tin và cảm xúc trôi đi liên tục, rằng thế gian xung quanh là một thực thể khổng lồ mà trước nó chúng ta yếu đuối và vô năng. Hãy biết rằng chúng ta luôn luôn khuyếm khuyết, luôn luôn sai một cách tuyệt đối mà chỉ đúng một cách tương đối. Nói theo cách thông thường, hãy rèn đức tính khiêm tốn, luôn tự nghi ngờ bản thân, và luôn sẵn sàng tiếp nhận những thực tế trái ngược với kỳ vọng và định kiến của bản thân.
Những điều trên cần rất nhiều nỗ lực và thời gian, và đối với tuyệt đại đa số chúng ta nó sẽ là một chặng đường kéo dài cả đời. Tuy vậy vẫn có những việc nhỏ mà chúng ta có thể làm ngay từ bây giờ để kiềm chế “giận”. Trước hết, ta cần tự ý thức rằng “giận = xấu = cần loại bỏ”. Hãy luôn coi “giận” như một thứ độc dược cực mạnh mà mỗi khi nó xuất hiện trong đầu chúng ta cần tìm mọi cách loại bỏ càng sớm càng tốt. Việc trong mỗi lần chúng ta có loại bỏ được “giận” hay không không quan trọng, mà quan trọng là chúng ta dần tự hình thành cho mình một giá trị quan trong đó “giận” là một thứ hoàn toàn không đáng hoan nghênh hay ủng hộ.
Tiếp theo, ta cần luôn tự ý thức và quan sát bản thân. Hãy luôn tự theo dõi bản thân xem hiện tại ta đang “vui” hay đang “giận”. Nếu ta đang không “vui”, tức là ta đang “giận”, thì hãy tự nói với mình trong đầu “ta đang giận” và lặp đi lặp lại cho đến khi hết “giận”. Việc này sẽ giúp thức tính và giải thoát suy nghĩ ra khỏi “giận” và ra khỏi cái tôi để quan sát và đánh giá mọi việc một cách khách quan và rõ ràng. Không nên nghĩ “ta không được phép giận” vì như vậy dễ dẫn đến sự kìm nén, và vì bản thân suy nghĩ đó cũng là một dạng “giận”. Hãy cứ để cho “giận” diễn ra một cách tự nhiên, nhưng hãy theo dõi từng cử chỉ hành động, từng diễn biến dù nhỏ trong cơ thể và cảm xúc của bản thân và của xung quanh trong suốt quá trình. Khi đó chắc chắn rằng mỗi người sẽ thấy bản thân trong khi “giận” thật xấu xí, và “giận” sẽ phá hoại cơ thể và hạnh phúc của bản thân và cả xung quanh như thế nào.
5. Kết luận:
+ “Giận” là một cảm xúc tiêu cực, dựa trên những lý do vô lý, xuất phát từ vọng tưởng cá nhân, mà mỗi chúng ta nên loại bỏ. Có thể cả đời chúng ta cũng sẽ không thể xóa bỏ hoàn toàn nó, nhưng nỗ lực hạn chế nó bằng việc tu dưỡng bản thân sẽ giúp cho chúng ta trở nên những con người tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn.
Hawkie
Cám ơn tác giả đã có một bài viết sâu sắc về cảm xúc “giận” hay là “nộ”
Mình có một cái nhìn hơi khác một chút. Theo Hawkie thì “giận” là hoàn toàn không tốt. Mình thì nghĩ nó cũng có cái tốt. Lý giải của mình không mang tính chứng minh nhưng mang tính phản biện.
Tại sao mình lại nghĩ là “giận” cũng có thể mang lại cái tốt? Vì mình cho rằng các cảm xúc hỷ-nộ-ái-ố đều cần thiết cho con người. Con người ai cũng có cảm xúc, Tại sao con người lại có cảm xúc? Phải chăng nó có một chức năng nào đó chăng? Hoặc chăng nếu con người không còn biết “giận” nữa thì xã hội loài người hôm nay sẽ thay đổi như thế nào?
Theo thiển nghĩ của mình, cảm xúc giúp chúng ta hiểu rõ bản thân mình. Khi “giận” ai hay cái gì bạn sẽ hiểu rằng bạn rất rất ghét cái đó hoặc hành động đó.
Điểm khác biệt giữa những người-giận “tốt” và người-giận “xấu” là họ làm gì sau khi giận.
Giận đơn giản là cảm xúc thể hiện trên nét mặt giúp đối phương hiểu là bạn đang phản đối. Sau khi thể hiện cảm xúc, nói hay làm gì sẽ quyết định kết quả tiếp theo. Ví dụ, giận nhưng bạn vẫn giữ được cách cư xử đúng mực thì không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Ngược lại, giận rồi mất kiểm soát, nói tùm lùm, làm tầm bậy thi oh no chắc chắn là thật đáng tiếc.
Tóm lại, giận không tôt hay không xấu, hành động của mình sẽ quyết định.
Vài dòng chia sẻ cùng Hawkie.
Thân
Chào bạn Nguyên Hoàng. Cảm ơn bạn đã viết bình luận cho bài viết.
Về ý kiến của bạn, tôi muốn được giải thích thêm một số điểm như sau.
1. Tôi muốn nhấn mạnh việc xóa bỏ cảm xúc “giận” trước khi nó nảy sinh, chứ ko hẳn là để “giận” xuất hiện rồi mới chữa cháy. Nói một cách đơn giản nó là việc biến bản thân từ người hay “giận”, dễ “giận” thành người ít “giận”, khó “giận”. Và tôi chắc chắn quá trình cũng như hiệu quả của việc này ko phải ngày một ngày hai.
2. Tôi dùng từ “nghi ngờ” có lẽ ko được hay lắm. Ý tôi là nên luôn xem xét và đặt ra câu hỏi đối với những định kiến và quan điểm của bản thân, đồng thời để ý đến những khả năng và lựa chọn khác có thể có trước khi đi đến kết luận nào đó, chứ ko nên nhìn thế giới chỉ với hai màu trắng đen.
3. Tôi đồng ý với ý kiến của bạn về việc cần “sử dụng và định hướng cảm xúc”. Chính vì thế chúng ta ko nên thả trôi mình theo cảm xúc một cách vô thức, mà nên luôn ý thức được cảm xúc của mình một cách khách quan. từ đó mới có thể điều chỉnh nó theo ý muốn. Để làm được điều đó thì tôi nghĩ là cách “tự nói với bản thân”, “tự quan sát bản thân” mà tôi đưa ra trong bài rất có hiệu quả.
Vì đề tài này khá trừu tượng nên có thể tôi diễn đạt chưa được dễ hiểu cho lắm, rất mong bạn thông cảm.
Cám ơn bạn vì đã làm rõ một số thắc mắc của tôi. Câu trả lời của bạn rất rõ ràng và tôi thấy được một số điều thú vị mà trong bài viết của bạn không có. Tuy nhiên tôi nhận thấy đây là vấn đề bàn đến cảm xúc của con người, nó rất phức tạp, nó khiến tôi nảy sinh ra rất nhiều ngã rẽ cảm thấy có nhiều khoảng trống trong lập luận. Tôi đã ở trong giai đoạn nghi ngờ về sự tồn tại của bản thân mình, và tôi phát hiện ra rằng khi tôi đang ở trạng thái nghi ngờ đó thì hầu hết mọi tình huống nảy sinh cảm xúc đều không có tác dụng với tôi, hoặc là nhỏ. Có thể nghi ngờ bản thân, hoặc nghi ngờ ở một mức độ cao hơn khiến bạn không còn cảm giác giận nữa và một số cảm giác khác. Nhưng hiện tại tôi đang ở giữa vòng quay của cuộc sống và tôi không được phép nghi ngờ bản thân, thật khó có thể đạt được mục tiêu nào đó nếu bạn liên tục nghi ngờ về chính bản thân mình. Tôi thấy bạn nghi ngờ cái tôi ở đoạn “Hãy biết rằng cái tôi không tồn tại, rằng ý thức của chúng ta chỉ là một chuỗi những thông tin và cảm xúc trôi đi liên tục, rằng thế gian xung quanh là một thực thể khổng lồ mà trước nó chúng ta yếu đuối và vô năng.”
Tôi nghĩ rằng bàn về kiểm soát cảm xúc nên có giả định về một cái tôi có tồn tại, như vậy tạm thời ta đã thu hẹp được vấn đề. Giải quyết gọn gàng, ta có thể bàn luận sang phạm vị rộng hơn.
Tôi cảm thấy thật dễ chịu khi có người sẵn sàng bàn luận với tôi một cách nhẹ nhàng. Tuần mới suôn sẻ.
Rất vui vì đã giúp ích được cho bạn.
Nói thật thì khi lần đầu tiên đọc những tư tưởng này, bản thân tôi cũng thấy nhiều chỗ hổng lý lẽ và có phần gượng ép. Và tôi cũng chưa phải đã luôn luôn thực hiện được những điều trên. Tuy nhiên những kết quả bước đầu cho phép tôi tin tưởng rằng đây là chân lý thực sự (còn bản thân có làm được ko lại là một vấn đề khác).
Thực tế theo như sách nói thì ngay đến cả đức Phật sau khi thành chính quả cũng vẫn đôi khi có hỉ nộ ái ố như người thường. Do đó tôi nghĩ những cảm xúc đó là một phần khó có thể tách rời của con người. Vấn đề là làm sao để khi nó phát sinh thì ý thức của ta có thể đứng ở trong một góc nào đó của tâm hồn và tự thở dài rằng “ta lại giận rồi” và tìm cách điều chỉnh, thay vì cùng hùa vào với bản năng để bị cảm xúc điều khiển.
Về vấn đề “nghi ngờ” bản thân, thì thực sự mà nói đã có những lúc việc thiếu tin tưởng vào năng lực và hiểu biết của bản thân đã khiến cho tôi thất bại trong công việc. Nhưng cũng chính việc “nghi ngờ bản thân” giúp tôi có thể cười xòa trước mỗi thất bại, cũng như thảnh thơi gánh vác những trách nhiệm nặng nề, vì tôi tự biết rằng đã là con người thì thất bại là một khả năng hiển nhiên.
Chúng ta sợ thất bại, hay cảm thấy thất vọng khi thất bại, là do chúng ta quá tự tin rằng “mình tuyệt đối sẽ thành công”. Nếu chấp nhận rằng thất bại là một phần tất yếu, thì sẽ ko còn gì để sợ mà cũng ko có gì để thất vọng cả. Đây cũng chính là cái “nghi ngờ” mà tôi muốn nói đến. Có lẽ ta nên nói là “hiểu rõ được giới hạn của một con người” thì chính xác hơn?
Còn về chuyện “cái tôi ko tồn tại”, tôi thấy nó khá chính xác và tin rằng nó là chân lý. Tuy nhiên tôi cũng chưa thực sự tự mình cảm nhận được nó một cách rõ ràng, cũng như chưa thấy được tầm quan trọng của nó đối với việc định hướng tư tưởng của bản thân, nên cũng chưa dám bàn nhiều.
Nếu bạn có hứng thú thì ta có thể đưa ra một số trường hợp cụ thể để luận bàn.
tôi thấy giữa tôi và bạn có khá nhiều quan điểm giống nhau, có lẽ bạn cũng ở độ tuổi như tôi chăng? Hy vọng có dịp nào đó có thể cùng bạn bàn luận về những vấn đề ở trên cũng như các vấn đề có liên quan.
Thân.
Cám ơn bạn vì đã làm rõ một số thắc mắc của tôi. Câu trả lời của bạn rất rõ ràng và tôi thấy được một số điều thú vị mà trong bài viết của bạn không có. Tuy nhiên tôi nhận thấy đây là vấn đề bàn đến cảm xúc của con người, nó rất phức tạp, nó khiến tôi nảy sinh ra rất nhiều ngã rẽ cảm thấy có nhiều khoảng trống trong lập luận. Tôi đã ở trong giai đoạn nghi ngờ về sự tồn tại của bản thân mình, và tôi phát hiện ra rằng khi tôi đang ở trạng thái nghi ngờ đó thì hầu hết mọi tình huống nảy sinh cảm xúc đều không có tác dụng với tôi, hoặc là nhỏ. Có thể nghi ngờ bản thân, hoặc nghi ngờ ở một mức độ cao hơn khiến bạn không còn cảm giác giận nữa và một số cảm giác khác. Nhưng hiện tại tôi đang ở giữa vòng quay của cuộc sống và tôi không được phép nghi ngờ bản thân, thật khó có thể đạt được mục tiêu nào đó nếu bạn liên tục nghi ngờ về chính bản thân mình. Tôi thấy bạn nghi ngờ cái tôi ở đoạn “Hãy biết rằng cái tôi không tồn tại, rằng ý thức của chúng ta chỉ là một chuỗi những thông tin và cảm xúc trôi đi liên tục, rằng thế gian xung quanh là một thực thể khổng lồ mà trước nó chúng ta yếu đuối và vô năng.”
Tôi nghĩ rằng bàn về kiểm soát cảm xúc nên có giả định về một cái tôi có tồn tại, như vậy tạm thời ta đã thu hẹp được vấn đề. Giải quyết gọn gàng, ta có thể bàn luận sang phạm vị rộng hơn.
Tuần mới suôn sẻ.
con người khi bị đặt trong xã hội quả thực khó có thể không giận được. Có muôn vàn nguyên nhân để tạo nên những cơn giận, để giải trừ cơn giận có thể cũng có cách đấy, nhưng theo mình nghĩ thì không phải là cách nghi ngờ bản thân. Tôi giận vì vậy tôi nghi ngờ bản thân để bớt giận, tôi thù hận tôi nghi ngờ bản thân để hết thù hằn, tôi vui, tôi buồn, tôi nghi ngờ bản thân để cho nó hết luôn. Nghi ngờ cuộc sống của mình, nghi ngờ bản thân mình là một cách để xóa bỏ những cảm xúc, nhưng tôi nghĩ rằng đó chỉ là trong ngày một ngày hai thôi. Con người muốn tồn tại, muốn đạt được mục tiêu thì phải biết cách sử dụng và định hướng cảm xúc của mình.