*Photo: ewitsoe
Nhà văn Pháp Saint-Exupery trong cuốn Hoàng Tử Bé viết rằng, “Muốn nhìn đúng phải nhìn bằng trái tim – mắt thường làm sao thấy được những điều vô hình.”
Có một lần tôi được biết đến một trò chơi rất hay. Dùng ngón trỏ của bàn tay này chạm vào ngón cái của bàn tay kia ta sẽ được một khuôn hình và tưởng tượng đó là một cái máy quay. Giơ lên ngang mặt và nheo mắt lại để nhìn những vật chỉ có trong khuôn hình ấy, đôi khi cũng tìm thấy những hình ảnh thật thú vị. Nhất là khi nằm dưới bãi cỏ giơ khuôn hình bằng tay đó ngang mặt để nhìn lên trời và quan sát những đám mây. Sau mỗi một cái lướt tay, những đám mây trong khuôn hình sẽ khác và ta lại tưởng tượng ra một hình ảnh khác.
Mắt của chúng ta cũng giống như một máy quay phim. Và những cảnh quay trong điện ảnh thể hiện góc nhìn của mắt. Tôi còn nhớ trong một bộ phim truyền hình “Hãy về với anh” trên VTV3 có một cảnh quay rất ấn tượng. Đó là cảnh cô gái chơi đàn dương cầm gặp lại người yêu cũ trong một quán nhỏ. Hai người ngồi đối diện nói chuyện với nhau. Thật bất ngờ lần đầu tiên tôi được thấy một cảnh quay lạ và đẹp đến thế.
Cả một khuôn hình chỉ quay một nửa mặt có đôi mắt mở to của cô gái đang lắm nghe người con trai nói. Rồi chuyển sang quay từng phần mặt của người con trai, từ mắt bên này, mắt bên kia, đến cái miệng. Rồi lại quay về đôi mắt của cô gái. Như là muốn nói rất lâu ngày rồi họ không gặp lại nhau, và họ nhìn nhau tới từng chi tiết trên khuôn mặt.
Liệu rằng nhiếp ảnh có liên quan gì đến quay phim không nhỉ. Trong bộ phim kể trên có đoạn một cô gái và một chàng trai đang đi chụp ảnh để lấy ảnh dự thi trong một cuộc triển lãm. Đề tài mà cô gái chọn là “các cặp tình nhân”. Cô gái chỉ cho chàng trai nhìn thấy các cặp tình nhân trên phố và thao thao bất tuyệt kể rằng đôi kia vừa quen nhau, đôi kia đang giận nhau, đôi kia vừa mua tặng nhau cái gì đó. Chàng trai ngạc nhiên hỏi “sao em biết?” Cô gái hồn nhiên trả lời: “Em cảm nhận thế, và em chụp ảnh theo sự cảm nhận của mình.”
Trong cuộc sống, khi nhìn nhận mỗi sự việc mỗi chúng ta đều có cảm nhận riêng và có cách xử lý tình huống theo sự cảm nhận đó. Có người nhìn vật này, cảnh này lại sáng tác được văn, thơ, nhạc, hoạ, có người lại chả thấy cảm xúc gì đặc biệt. Có người nhìn thấy những cảnh đời không may mắn thì dấy lên một lòng thương cảm, có người tỏ ra ghê tởm, có người lại dửng dưng. Thông điệp trong truyện ngắn “Đôi mắt” của nhà văn Nam Cao đến nay vẫn còn nguyên giá trị “Người ta chỉ xấu xa dưới con mắt của phường ích kỷ.”
Những nhà nhiếp ảnh, những nhà quay phim, trước tiên hẳn phải là những người am hiểu về nghệ thuật để đem đến cho mọi người những bức ảnh, những cảnh quay đẹp và chân thực. Vì họ am hiểu về nghệ thuật, về cái đẹp tức là con mắt họ biết hướng về những góc nhìn sao cho nắm bắt được cái thần, cái hồn, và ghi cái khoảnh khắc của sự vật, hiện tượng, hay như trường đoạn của bộ phim. Nhưng cái nghệ thuật mà họ đem lại cho chúng ta chính là từ cái tâm, từ sự cảm nhận sâu sắc của họ về những điều đó.
Tôi vẫn nhớ một bài luận ngắn bằng tiếng Nhật trong sách giáo khoa thời đại học, viết về một bộ sưu tập của một nhà nhiếp ảnh chụp về những số phận con người cận kề cái chết vì những hiểm hoạ của nạn Ma tuý và đại dịch AIDS. Trong 60 cái ảnh được đem ra triển lãm có một cái ảnh không chụp mắt của một cô bé. Bức ảnh chụp một bé nằm trên giường với cái miệng mở ra đau đớn.Cô bé này đã nằm liệt rất lâu và hoàn toàn không thể trò chuyện được. Điều duy nhất mà người ta có thể đọc được tâm hồn cô là đôi mắt, nhưng tác giả lại không chụp.
Ông giải thích rằng đó sẽ là một đôi mắt đầy oán trách cha mẹ cô bé. Thêm một lý do nữa là trước khi chụp ảnh ông thường trò chuyện để xin sự cho phép của những nhân vật trong ảnh.Và những nhân vật này rất sẵn lòng và thanh thản đối mặt với sự ra đi của mình. Nhưng qua ánh mắt của cô bé này sẽ nói gì, điều đó ông không thể biết chính xác được. Miệng cô bé cứ mở ra những tiếng kêu đau đớn ông chỉ chụp cái miệng như là muốn nói lên sự khao khát sống của cô bé.
Nhiếp ảnh, điện ảnh, quả là có nhiều điều lý thú mà chúng ta chưa có cơ hội được khám phá ra. Nhưng con mắt và cái tâm của chúng ta nên nhìn mọi thứ theo một chiều hướng tích cực. Đôi khi chúng ta không nhìn một sự vật hay con người nào đó theo chiều hướng thiện cảm được thì hãy quay máy quay sang hướng khác để tìm những thước phim đẹp cho riêng mình trong bộ phim cuộc đời của chính mình.
Đoàn Minh Hằng