27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Nếu tôi là cô giáo dạy văn

*Photo: Minato

¨Mọi lý thuyết chỉ là mầu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi.¨ Tôi mơ ước về một cái cây văn học trong nhà trường được tưới bởi những rung cảm bằng trái tim và trải nghiệm sống thật gần gũi, để cây xum xuê bóng mát cho tâm hồn em thơ.

Từ những ký ức học văn …

Quả thực tôi không nhớ lắm 20 năm trước mình đã được học văn ở nhà trường như thế nào. Cảm giác chung là hầu như chẳng mấy ấn tượng. Nhưng có 3 câu chuyện mà tôi còn nhớ mãi.

Câu chuyện thứ nhất: đề bài cô giáo yêu cầu viết tiếp câu chuyện tưởng tượng cho phần kết của chuyện cổ tích. Ví dụ sau khi hoàng tử đưa công chúa về cung trong Bầy chim thiên nga thì chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tuy học lớp 6 nhưng tôi đã bắt đầu làm thơ nên tôi làm nguyên một câu chuyện rất dài bằng thơ phải đến 10 khổ. Hôm trả bài cô giáo bảo không biết chấm bài của tôi như nào vì cô không yêu cầu tôi làm thơ. Sau đó cô cho tôi điểm 5.

Lần thứ hai cả lớp viết bài khen cô Tấm riêng tôi có những quan điểm của mình và tôi cảm thấy cô độc khi một lần nữa cô giáo phê bình tôi vì chê cô Tấm độc ác. Tôi bỏ ra khỏi lớp đi lang thang ngoài sân trường. Sau đó tôi thi sang lớp hóa và không học văn nữa.

Lần thứ ba tôi nhớ nhất khi học văn của Nguyễn Tuân, cô giáo (tất nhiên là cô giáo khác) phân tích rất kỹ một đoạn văn miêu tả của Nguyễn Tuân để chỉ cho chúng tôi xem những tính chất điện ảnh trong đoạn văn đó, cách miêu tả hệt như Nguyễn Tuân lia chiếc máy quay phim thu lại những thước phim đáng giá cho người xem. Cô nói Nguyễn Tuân có một sự hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực khi viết. Từ đó tôi luôn có mơ ước mình sẽ viết được một tác phẩm văn học mà ở đó cách thể hiện cũng phải giống như những thước phim và phải có sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mình đang viết.

Bao nhiêu năm học văn, ký ức của tôi chỉ nhớ bấy nhiêu thôi.

Nhưng có một điều đáng nói, hành trang đi kèm chúng tôi thời bấy giờ chỉ là những cuốn sách giáo khoa kèm theo những cuốn sách hướng dẫn phân tích. Tôi đồ rầng tất cả các nhà giáo dạy văn ngày xưa cũng như bây giờ ở nhà chưa từng có một giá sách khủng. Thời bấy giờ học trường chuyên, chúng tôi học suốt ngày đêm, cho đến khi một tình nguyện viên quốc tế Singapore ở lại trường trong một thời gian ngắn dạy tiếng Anh đến, cô rất ngạc nhiên vì học sinh chả đứa nào đọc sách ngoài sách giáo khoa cả. Chính cô giáo tự mở một tủ sách truyện tiếng Anh nhỏ ở phòng của cô trong ký túc xá để khuyến khích học trò chăm chỉ đọc các tác phẩm văn học. Nhà trường không có thư viện để tác phẩm văn học bằng tiếng Việt đến với học sinh chuyên văn đọc. Tôi cũng dám chắc nhiều trường học hiện nay không hề có thư viện sách cho học sinh. Nếu chỉ tiếp xúc với sách giáo khoa thôi, làm sao đủ?

Rất may bây giờ các bạn trẻ có điều kiện để mua sách hoặc tiểu thuyết đọc nhiều hơn chúng tôi ngày xưa. Tôi cũng có may mắn hơn chúng bạn là được thừa hưởng nhiều nguòn sách từ gia đình nhưng lịch học nhà trường vô cùng dầy đặc, học gạo nhiều hơn học thật.

…Đến mơ ước dành cho các em học sinh

Bây giờ đã hơn 30 tuổi, tự dưng tôi lại mơ ước giá như mình được đứng trên bục giảng, say sưa truyền cảm hứng về văn học cho các em. Tại sao nhiều năm trước, tôi không nhận được cảm hứng này từ thầy cô? Con đường sống và trải nghiệm của tôi đã khiến tôi đúc kết và liên tưởng được nhiều điều có liên quan giữa văn học và cuộc sống. Và giá như ngày trước các thầy cô nói chuyện với chúng tôi được về cuộc sống và văn học cũng như văn học với cuộc sống thì tuyệt vời biết bao. Tôi chưa hề đứng trên bục giảng, nhưng tôi có cơ hội được đứng trước nhiều bạn sinh viên để nói chuyện về sách và cuộc sống. Tôi có khoảng thời gian là 3 năm mở một quán cafe sách ở Hà Nội trước khi sang định cư tại Pháp, để trả cho ước mơ thời còn học sinh của tôi, là không được đọc sách, là không được trò chuyện về sách và cuộc sống. Tại đó, tôi gặp nhiều các em học sinh sinh viên, với những ánh mắt đầy khao khát được khám phá về thế giới nội tâm cũng như cuộc sống rộng lớn mà các em sắp bước vào.

Có một kỷ niệm nhớ nhất là một em nhân viên của tôi, khi đó đang làm phụ bàn tại quán, nói với tôi rằng, chị là người đầu tiên chọn cho em một cuốn sách đầu tiên trong cuộc đời em. Trước đó em chưa bao giờ đọc sách. Cuốn sách đó đã thay đổi em rất nhiều. Sau này khi tôi ngừng kinh doanh cafe sách, các em nhân viên cũng mỗi người một nơi, chính em đã viết thư kể cho tôi câu chuyện rằng trước đó em rất hoang mang trong cuộc sống, làm nhiều việc vô bổ kể cả tham gia hút heroin, nhưng sau khi được nhận vào làm việc tại môi trường cafe sách và được truyền đạt những điều ý nghĩa trong cuộc sống và văn học, em đã thay đổi và hiện nay có một việc làm tốt để giúp bố mẹ.

Tôi có một mơ ước văn học trong nhà trường làm được những việc như thế, đó là không chỉ truyền cho các em một tình yêu với sách, văn học, mà còn cả những trải nghiệm sống mang tính nhân văn. Không phải là những bài kiểm tra miệng thuộc lòng, không phải là những câu phân tích xáo rỗng mà tư tưởng là của thầy cô hoặc trong sách hướng dẫn phân tích, không phải là những kỳ thi quay cóp, không phải là cách chấm điểm rập khuôn. Văn học và cuộc sống có liên quan đến nhau chặt chẽ, một mặt nó khơi gợi tính nhân văn, mặt kia nó phản ánh hiện thực xã hội qua nhiều cách thể hiện của tác giả. Văn học chắt chiu những suy nghĩ tinh túy nhất của các nhà văn qua mọi thời đại, có nhiều cảm xúc và trải nghiệm cuộc sống, để lại món quà cho người đọc để người ta tự soi vào nội tâm của mình, đôi khi, cảm thấy được đồng cảm như một người bạn.

Nếu tôi là cô giáo dạy văn

Nếu tôi là cô giáo dạy văn, việc đầu tiên, tôi sẽ trò chuyện với các em về tình yêu sách, về tầm quan trọng của sách nói chung và sách văn học nói riêng với cá nhân tôi. Tôi sẽ hỏi các em vì sao các em yêu thích hoặc không yêu thích văn học, các em thường cảm thấy thế nào khi được đọc những cuốn sách hay, những tác phẩm mà các em yêu thích là gì. Tôi sẽ làm một tủ sách để mọi người trong lớp cùng đọc, cùng chia sẻ trên một group nào đó trên facebook chẳng hạn. Tất nhiên là sẽ có những cuộc thi sáng tác cho các em. Tôi cũng sẽ chọn một đoạn văn thật ý nghĩa để mọi người cùng phân tích và đưa ra ý kiến về đoạn văn đó. Tiêu chí đánh giá một bài viết hay thì ý tưởng và cách thể hiện độc đáo, cá tính, sáng tạo, giẩu cảm xúc được đề cao hơn cả.
Quan trọng hơn, tôi muốn đưa văn học gần hơn với cuộc sống của các em. Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi mới lớn, chất chứa nhiều tâm tư nguyện vọng và khao khát ước mơ, cũng như nhiều lúng túng mơ hồ trong cuộc sống. Văn học cũng có thể là một phương tiện để các em giãi bày tâm sự hoặc phản ánh góc nhìn về thế giới xung quanh. Quan trọng nhất là khuyến khích các em thể hiện thế giới quan của mình, giúp các em tìm thấy niềm vui khi được thể hiện quan điểm hay tìm thấy những khoảng lặng trong cuộc sống. Giúp các em có những góc nhìn sâu sắc và rộng mở hơn với cuộc đời, biết liên tưởng những tư tưởng hay triết lý trong các tác phẩm với cuộc sống, cũng như biết tổng hợp cuộc sống thành những tư tưởng đưa vào chính trang viết của mình. Dạy các em những cái chiều sâu, những chau chuốt khi viết. Dạy các em những bài học nhân văn về cuộc sống thông qua văn học. Tôi cũng muốn khuyến khích các em viết về cuộc sống hiện tại thông qua góc nhìn của riêng mình giúp các em bắt đầu có những tư duy về thời đại mình đang sống và thể hiện những chính kiến của mình thông qua văn học.

¨Mọi lý thuyết chỉ là mầu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi.¨ Tôi mơ ước về một cái cây văn học trong nhà trường được tưới bởi những rung cảm bằng trái tim và trải nghiệm sống thật gần gũi, để cây xum xuê bóng mát cho tâm hồn em thơ.

 

Đoàn Minh Hằng

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Em đang là học sinh cấp 3, tất cả các cô thầy mà em đã từng học (Có lẽ trừ thầy Lã Nhâm Thìn ra thôi), luôn luôn dạy theo kiểu các cô đọc, các em chép, em nghĩ những thầy cô của em đã làm cái việc đọc ấy quá lâu và quá nhiều rồi, đến nỗi họ thuộc lòng từng câu từng chữ, từng dấu chấm dấu phẩy. Và hệ quả, bây giờ hầu hết các bạn ở lớp em đều ghét môn văn , các bạn em coi môn văn là của nợ vì văn không đóng góp được giá trị thực tế gì cho cuộc sống, vì văn không đem lại được cho các bạn ấy bất cứ một cái gì khác ngoài những con điểm thấp tè, những 45 phút cuộc đời trôi qua trong vô vị và chẳng có gì ngoài bàn tay mỏi nhừ vì chép văn. Bản thân em không ghét văn học, thích là đằng khác, vì văn học có khi là tấm gương phản chiếu thực tại, có khi lại là nơi ẩn chứa ước mơ của con người. Nhưng với cách dạy văn như bây giờ, em sợ rồi ngày nào đó em sẽ mất đi niềm hứng thú với nó mất.
    Vâng, và nếu cô là cô giáo dạy văn, em rất muốn được làm học sinh của cô.

  2. giá mà chị trở thành cô giáo dạy văn thật… thì xá rằng sẽ có nhiều học sinh được hạnh phúc hơn. Bây giờ nhiều thầy cô dạy văn k khác gì tống giáo lý vòa đầu học sinh… Nếu còn người có suy nghĩ mới mẻ như chị thì đến trường thật tốt ! =)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI