Nội dung
Thang đo tâm thức trong sách Power vs. Force (Sức mạnh vs. Sức lực)
Ấn phẩm nổi tiếng nhất của Tiến sĩ David Hawkins là quyển Power vs Force – The Hidden Determinants of Human Behavior (2002) (TD: Sức mạnh vs. Sức lực – Các yếu tố bí mật quyết định hành vi loài người). Trong cuốn sách Power vs Force, David Hawkins đưa ra một mô hình cấp bậc về sự phát triển nhân cách. David Hawkins lập luận rằng nhân cách có thể được mô tả trong một hệ thống tính điểm dao động từ 0 đến 1000 (0 là điểm thấp nhất, điểm 1000 là giác ngộ viên mãn hoặc nhận thức thuần khiết) (David Hawkins 2002, 75-85).
Điều đáng quan tâm là David Hawkins cho rằng sự thật khách quan không chỉ tồn tại, mà còn có thể đạt được và thấu hiểu bởi bất kỳ cá nhân nào sử dụng một kỹ thuật được gọi là kinesiology (khoa học về sự vận động của cơ thể). Bằng cách truy cập vào “Dữ liệu của tâm thức,” một cá nhân có thể trả lời các câu hỏi chính xác 100%. Nghiên cứu của ông cho thấy rằng các kết quả có thể được lặp lại và chính xác (Hawkins 2002, 29-30), bất kể người nào thực hiện xét nghiệm kinesiologic.
Mỗi mức năng lượng đều được ông diễn giải ra trong Power vs Force. Những cấp độ tâm thức này thẩm thấu vào toàn bộ thế giới quan của một cá nhân và định hình cho cách họ liên kết với các trải nghiệm cuộc sống. Đối với David Hawkins, tiến lên các trạng thái tâm thức cao hơn là cách duy nhất để tạo ra tiến triển có ý nghĩa trong cuộc đời một người. Đáng buồn thay, trung bình một cá nhân chỉ tăng 5 điểm trong cả cuộc đời của họ.
Tuy nhiên, một nỗ lực được tập trung để di chuyển đến trạng thái cao hơn có thể dẫn đến những bước nhảy vọt đáng kinh ngạc của ý thức trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Các cá nhân sẽ dao động giữa các điểm khác nhau trên thang đo, nhưng một con số trung bình tổng thể có thể được tính toán bằng sử dụng xét nghiệm kinesiologic. Vắn tắt, đây là các cấp độ năng lượng được phác nét bởi David Hawkins:
• 20: Xấu hổ
• 30: Tội lỗi
• 50: Vô cảm
• 75: Đau buồn
• 100: Sợ hãi
• 125: Ham muốn
• 150: Tức giận
• 175: Kiêu ngạo
• 200: Can đảm
• 250: Trung tính
• 310: Sẵn sàng
• 350: Chấp nhận
• 400: Lý trí
• 500: Tình yêu
• 540: Hân hoan
• 600: Bình an
• 700-1000: Giác ngộ
2 bước ngoặt quan trọng nhất của Power vs Force
Mặc dù David Hawkins đi sâu vào chi tiết về các cấp độ tâm thức khác nhau, ông chỉ ra hai bước ngoặt quan trọng nhất.
“Trên thang đo tâm thức của chúng tôi, có 2 điểm quan trọng cho phép sự thăng tiến lớn. Đầu tiên là ở mức 200, mức khởi đầu của sức mạnh: Ở đây, một người sẵn sàng ngừng đổ lỗi và chịu trách nhiệm cho chính hành động, cảm xúc và niềm tin của chính mình. Chừng nào mà nguyên nhân và trách nhiệm được phóng chiếu ra bên ngoài một người, chừng đó họ sẽ vẫn còn ở trong chế độ [xem mình là] nạn nhân.
[Nguyên nhân và trách nhiệm là những thứ nằm trong. Carl Jung có câu: “Ai nhìn ra ngoài thì mơ. Ai nhìn vào trong, thức tỉnh.”] Thứ hai là ở cấp độ 500, đạt được bằng cách chấp nhận tình yêu và sự tha thứ không phán xét như một lối sống, thực hành lòng tốt vô điều kiện với mọi người, mọi thứ và mọi sự kiện không có ngoại lệ.” (David Hawkins 2002, 238)
Hai ngưỡng này là hai thách thức chính đối với nhiều người ngày nay. Di chuyển vượt lên chúng bạn sẽ bắt gặp một rào cản lớn, thứ chỉ có thể được vượt qua bằng một sự chuyển hóa đáng kể trong tính cách. Sau khi đã vượt lên khỏi những cảnh giới này, tiến triển lên những trạng thái cao hơn là điều rất tự nhiên và ít thử thách hơn.
32 thông điệp tâm linh từ sách Power vs Force
1. “Lý trí con người tự làm nó kiệt sức khi liên tục lý giải cái không thể lý giải. Bản thân sự lý giải là một thứ hài kịch cao cấp, nó phi lý và ngớ ngẩn hệt như việc một ai đó cố nhìn vào gáy họ, nhưng cái hư ảo của bản ngã là vô biên, và chính trong nỗ lực cắt nghĩa những cái vô nghĩa này mà nó thậm chí còn bị thổi phồng hơn nữa.”
2. “Trí thông thái cho chúng ta biết rằng một người khi thờ phụng thiên đường (hoặc địa ngục) thì rốt cục sẽ trở thành bầy tôi trung thành cho một trong hai chốn đó. Địa ngục không phải là tình trạng do một Thượng Đế có quyền xét xử nào đó áp đặt, mà đúng hơn nó là hệ quả tất yếu từ những quyết định của bản thân mỗi người. Địa ngục là kết quả cuối cùng của việc liên tục lựa chọn cái tiêu cực và do đó liên tục tự cách ly bản thân ra khỏi yêu thương và chân lý.”
3. “Cuối cùng, trí tuệ có thể được giản lược về một quá trình đơn giản là tránh xa những thứ làm bạn suy yếu, ngoài ra nó thực sự không đòi hỏi thêm bất kỳ yếu tố nào khác.”
4. “Trở nên ý thức hơn – đó là món quà lớn nhất mà bất kỳ ai có thể trao tặng cho thế giới; hơn nữa, theo hiệu ứng gợn sóng, món quà ấy sẽ quay trở lại nguồn khởi của nó.”
5. “Lòng trắc ẩn là cánh cổng dẫn ta tới ân điển của Chúa, tới sự nhận biết cuối cùng về việc ta là ai, vì sao ta lại hiện diện ở đây, và về khởi nguồn tối thượng của mọi sự tồn tại.”
6. “Cách duy nhất để củng cố sức mạnh của một người trên thế giới là tăng cường nơi họ tính chính trực, sự hiểu biết và năng lực trắc ẩn.”
7. “Muốn phát huy tác dụng, chân lý không chỉ đơn giản cần phải “đúng” mà còn phải có khả năng được nhận biết; tuy nhiên mỗi cấp độ chân lý lại là bất khả nhận biết đối với những cấp độ ý thức bên dưới nó và vô hiệu lực đối với những cấp ở trên nó.”
8. “Tính hữu lý, kẻ khai phóng vĩ đại đã giải thoát chúng ta khỏi những đòi hỏi xuất phát từ bản chất thấp kém của ta, đồng thời cũng là một giám sát viên nghiêm khắc và lạnh lùng; nó sẽ không cho phép ta vượt thoát để tiến đến những cõi giới ở trên và vượt xa trí óc.”
9. “Tất cả các phép tu tập tâm linh đều khẳng định rằng bước đầu tiên trên con đường đi lên của nhận thức là ‘tinh thần sẵn sàng’.”
10. “Sự giác ngộ được cho là tương đối hiếm, không hẳn vì các bước cần thiết kia khó tuân thủ, mà vì nó là một trạng thái được rất ít người quan tâm, đặc biệt là trong xã hội hiện đại. Nếu ta chặn một nghìn người trên phố rồi hỏi họ, ”Tham vọng lớn nhất trong đời anh/chị là gì?”, thì liệu có bao nhiêu người sẽ trả lời, “Tôi muốn được giác ngộ?””
11. “Các nghiên cứu của chúng tôi về nhóm người được gọi là “người nghèo” đã chứng minh rằng “nghèo” không chỉ là một tình trạng tài chính, mà những người “nghèo” thực sự thì nghèo nàn trong mọi khía cạnh của cuộc sống: họ nghèo bạn bè, nghèo lời ăn tiếng nói, nghèo giáo dục, nghèo thú vui xã hội, nghèo nguồn lực, nghèo sức khỏe, và nghèo trong cấp độ hạnh phúc tổng thể. Như vậy, cái nghèo có thể được nhìn nhận như một đặc trưng rõ nét của một ý thức tự thân bị giới hạn, từ đó dẫn đến sự thiếu thốn về nguồn lực.”
12. “Không có ý thức, sẽ chẳng có thứ gì để trải nghiệm hình thái. Hoặc có thể mói, với tư cách là một sản phẩm của nhận thức, bản thân hình thái không mang bất kỳ sự tồn tại độc lập nào, do đó là nhất thời và hạn chế, trong khi ý thức thì vô biên và bao gồm tất cả. Làm thế nào mà thứ nhất thời với điểm khởi đầu và kết thúc rõ ràng, lại có thể tạo nên thứ vô hình thái, bao gồm tất cả và hiện diện khắp chốn?”
13. “Một tâm trí bị quan sát sẽ trở nên khiêm nhường hơn và bắt đầu dừng tự cho nó là toàn tri, từ đó mới có thể xuất hiện sự trưởng thành trong nhận thức. Đến cùng khiêm nhường sẽ là năng lực tự trào và khả năng dần vượt thoát khỏi tâm thế nạn nhân của tâm trí để từng bước trở thành chủ nhân của nó.”
14. “Ngay cả những ý nghĩ thông minh nhất và những cảm xúc sâu sắc nhất cũng chỉ là những trải nghiệm; về cơ bản, chúng ta chỉ có duy nhất một chức năng, đó là trải nghiệm việc trải nghiệm.”
15. “Ánh sáng không thể lọt vào một cái hộp kín; mặt tốt của thảm kịch là nó có thể giúp người ta mở lòng đón nhận một cấp độ nhận thức cao hơn. Nếu ta xem cuộc sống như một người thầy, thì quả nhiên nó sẽ dạy ta nhiều điều. Còn nếu ta không thể nhờ lòng khiêm tốn mà biến những bài học đau đớn trong cuộc sống thành cánh cổng đưa ta đến sự tăng trưởng và phát triển, thì tức là ta đã phung phí những bài học ấy.”
16. “Muốn vượt ra ngoài những giới hạn của tâm trí, cần phải thoát ra khỏi sự cai trị của nó, phải phế truất nó khỏi ngôi vị kẻ phán xét thực tại độc nhất.”
17. “Xét một cách khách quan, có thể nhận thấy rằng các ý nghĩ thực sự thuộc về ý thức của thế giới; tâm trí cá nhân chỉ đơn thuần xử lý chúng trong những cách kết hợp và hoán vị mới.”
18. “Cơ chế của nhận thức giống như cách vận hành của rạp chiếu phim, trong đó máy chiếu ở đây là bản thân ý thức. Các hình dạng xuất hiện trên nhũ tương của phim là các mô thức năng lượng điểm hút, còn những tấm ảnh động trên màn hình là “thực tại”.”
19. “Quá trình đạt tới hiểu biết chắc chắn sẽ chậm chạp và đau đớn, và chỉ một số ít sẵn sàng từ bỏ quan điểm tuy quen thuộc nhưng thiếu chính xác; còn lại, phần lớn đều kháng cự trước sự thay đổi hoặc phát triển. Đa phần mọi người có vẻ đều sẵn sàng thà chết còn hơn là thay đổi những hệ thống niềm tin đang giam cầm họ trong những cấp độ ý thức thấp.”
20. “Chúng ta khỏe mạnh hay giàu có là nhờ trí tuệ.”
21. “Sức mạnh không cần phô trương bản thân, trong khi lực thì lúc nào cũng phải làm thế vì nó xuất phát từ lòng hoài nghi bản thân.”
22. “Ebby đã nói với Bill rằng mình cai được rượu là nhờ phụng sự cho kẻ khác, dọn nhà dọn cửa để gột rửa tâm hồn, từ tốn, khiêm nhường và quy phục một sức mạnh lớn lao hơn bản thân.”
23. “Người vĩ đại trở thành huyền thoại khi họ làm gương cho chúng ta chứ không phải lớn tiếng rao giảng.”
24. “Các giải pháp thành công dựa trên nguyên tắc vô cùng hiệu quả, đó là việc giải quyết vấn đề không phải bằng cách tấn công vào những thứ tiêu cực mà bằng cách nuôi dưỡng những điều tích cực. Bạn không thể cai nghiện thành công bằng cách chiến đấu với tính độc hại mà là bằng cách lựa chọn sự tỉnh táo.”
25. “Một đặc trưng của lực là sự kiêu ngạo; sức mạnh mang đặc tính khiêm nhường. Lực thì khoa trương; nó có tất cả các câu trả lời. Sức mạnh thì khiêm tốn.”
26. “Sức mạnh phụng sự người khác, trong khi lực chỉ chăm chăm cho lợi ích của chính mình.”
27. “Không có bí mật; không có gì ẩn giấu, hoặc có thể giấu diếm. Linh hồn của chúng ta đứng trần trụi trong thời gian trước con mắt của tất cả. Cuộc sống của mọi con người, cuối cùng, cũng đều để lại dấu ấn cho toàn vũ trụ.”
28. “Mọi người thầy vĩ đại trong toàn bộ lịch sử loài người chúng ta đều chỉ dạy đi dạy lại một điều, dù bằng ngôn ngữ gì, dù ở thời điểm nào. Tất cả đều nói rất đơn giản thế này: hãy từ bỏ những điểm hút yếu để đi đến những điểm hút mạnh.”
29. “Nỗi sợ là công cụ kiểm soát chính thức được các cơ quan và chế độ rất ưa thích, và sự bất an chính là cổ phiếu-đang-giao dịch của những tay thao túng lớn trên thị trường. Truyền thông và các quảng cáo phô bày Nỗi sợ để gia tăng thị phần.”
30. “Không có điều gì trên đời này tự mang trong mình quyền năng tạo ra “căng thẳng”. Nhạc lớn làm tăng huyết áp của một người có thể là nguồn vui với người khác. Một cuộc li hôn có thể là đau khổ nếu người ta không muốn, hoặc có thể là một sự giải thoát nếu người ta khao khát nó.”
31. “Con người có thể tự kéo mình lên bằng dây giày của mình? Tại sao không? Tất cả những gì anh ta cần làm là tăng sức nổi của mình và thế là anh ta dễ dàng được nâng lên đến một vị trí cao hơn. Lực không thể thực hiện điều đó; trong khi sức mạnh không chỉ có khả năng đó mà lúc nào cũng đang làm điều đó.”
32. “Chính ảo tưởng về tính cá thể là nguồn gốc của mọi khổ đau. Khi con người nhận ra họ là vũ trụ, vĩnh viễn hoàn chỉnh và hài hòa với tất cả những thứ đang hiện hữu, thì họ sẽ chẳng bao giờ đau khổ nữa.”
Biên soạn: Vũ Thanh Hòa
Photo: Jared Erondu | Unsplash
(Những câu trích dẫn này được lựa chọn ra từ bản dịch tiếng Việt của cuốn Power vs Force của tác giả David Hawkins. Dịch giả là Quế Chi – Hoàng Lan, NXB Thế giới. Sách tái bản lần thứ 3, năm 2020.)
Xem thêm
💎 [THĐP Review] Power vs Force, David Hawkins – Truyền cảm hứng cho chúng ta trưởng thành
💎 [THĐP Translation™] David Hawkins và các mức độ tâm thức