31 C
Nha Trang
Thứ hai, 25 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Uống rượu thế nào là đúng? (Chị em cũng nên đọc qua)

Rượu đã có trong văn hóa của không biết bao nhiêu quốc gia trên thế giới suốt hàng nghìn năm nay. Trong thời hiện đại dù cuộc sống với đủ tiện nghi và những thú vui, cám dỗ nhưng rượu vẫn cứ lôi cuốn người ta với một sức hút chẳng kém những thế kỉ trước. Xem ra, nó quả là quá sức đặc biệt. Ấy thế nhưng ai cũng biết rượu uống đúng lúc, đúng chỗ, đúng chừng mực thì thật tuyệt diệu, còn nếu mà không đúng thì không biết bao nhiêu điều chẳng hay ho gì sẽ đến. Vậy ta hãy thử tổng kết cái được, cái mất của rượu, uống rượu thế nào là đúng và thế nào là chưa hay.

1. Rượu là để thưởng thức cái ngon

Trên đời này cái gì đã cho vào miệng thì đều liên quan đến cái sự thưởng thức của con người ta; ngon thì mới thấy thích còn ngược lại không ngon thì chẳng muốn đưa lên miệng tiếp. Rượu cũng vậy, uống rượu cũng phải cảm nhận được cái ngon thì hãy uống. Có nhiều anh cứ cho rằng phải uống rượu thì mới ra vẻ ta đây bản lĩnh, lâu dần thành bị tự kỉ ám thị, lúc đầu uống thấy không ngon cũng khó chịu lắm, sau uống mãi thành quen… nhưng cuối cùng cũng vấn chẳng thấy ngon. Rượu cũng như món ăn, uống mà không phân biệt được ngon hay dở mà chỉ quan tâm xem “có đau đầu không”, “có nặng không” thì tốt nhất không nên uống cho mệt người, tốn tiền, tốn thời gian, hại sức khỏe…

Người biết uống rượu nhất định phải biết phân biệt được rượu nào là ngon, rượu nào là dở. Tất nhiên có rất nhiều người còn phân biệt được ngay rượu của các vùng, các thành phần ngâm trong đó … nhưng đó cũng chỉ là trải nghiệm nhiều thành quen thôi. Mấu chốt nhất vẫn cứ là biết ngon và biết dở.

Có nhiều anh thì cứ thấy rượu nặng là than là dở, những anh đó kì thực không biết uống rượu, với rượu nhẹ hơn họ cũng có thấy ngon đâu, chỉ là dễ nuốt hơn thôi.

Có nhiều anh nói chuyện với tôi tự nhận “em là em uống kén chọn lắm, chỉ có vodka thôi”. Những anh này cũng không biết uống rượu nốt, rượu vodka của Việt Nam là rượu công nghiệp chẳng có tí mùi thơm nào trừ mùi … cồn, và được lọc chất độc rất kém.

2. Rượu là để thưởng thức cuộc đời

Không thể hoàn toàn phủ nhận cái câu nói vui của nhiều người rằng “uống mà không say thì phí rượu”. Cái say nó rất vô cùng, uống mà quá chén rồi mất kiểm soát, ảnh hưởng sức khỏe thì chẳng quí hóa gì, nhưng mà uống vào thì nhất định phải hơi … phê, chứ nếu không việc uống rượu cũng mất ý nghĩa. Khi rượu tác động lên hệ thống thần kinh ở giai đoạn đầu nó cho người ta nhìn thấy nhiều màu sắc mới của thế giới xug quanh, nhìn mỗi sự việc ở nhiều khía cạnh hơn và kích thích óc sáng tạo. Những sự kích thích này thực ra lại không mấy khi có cơ hội xuất hiện khi ngồi uống theo kiểu “đông vui” mà thường thì phát huy hiệu quả khi chỉ 2, 3 người với nhau, hay thậm chí là độc ẩm. Thế nên nhiều lúc tôi cũng thích ngồi uống một mình mà ngẫm nghĩ về những chặng đường đã qua, ngẫm nghĩ về thế giới.

Chợt nhớ hai câu thơ của Nguyễn Khuyến:

Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua

Hai câu thơ này là từ tâm trạng nhớ thương bạn mà thốt ra, nó thể hiện tình bạn của nhà thơ. Nhưng cái hiểu sai là nhiều người lại mang nó ra để làm dẫn chứng rằng: uống rượu thì phải có bạn (mà có khi càng đông càng tốt). Những người như thế cũng chưa phải đã hiểu về rượu, vì với người uống rượu thì rượu đã là bạn còn đâu.

3. Uống thế nào là đủ?

Vì hai điểm nêu trên, việc uống rượu bao nhiêu cũng cần phải được lưu ý. Uống rượu khi nào còn thấy ngon thì là đủ, khi nào vừa đủ … lâng lâng nhưng vẫn còn kiểm soát được mình thì là đủ. Uống là để thưởng thức, khi nó không còn là thưởng thức nữa thì nó sẽ là thuốc độc, là cái làm người ta khó chịu.

Trong cuộc sống hiện đại, chẳng ai coi người uống rượu nhiều là anh hùng cả. Bản thân tôi uống cũng không tệ, những ngày uống nhiều nhất vài năm trước thì một mình hết 1, 2 lít rượu (loại khoảng 35 – 40 độ) cũng không quá khó, nhưng tôi cũng chỉ mang chuyện đó ra nói với bạn bè cho vui chứ chẳng thấy nó là cái gì tài giỏi hay vẻ vang cả. Có chăng chỉ là minh chứng cho sức khỏe của tôi tốt và hỗ trợ thêm cho tôi một kĩ năng đôi khi cần sử dụng trong giao tiếp.

Dù sao, uống giỏi hay uống kém, thì cũng phải uống có chừng mực với mình. Người uống giỏi có thể uống hết 1, 2 chai mới thấy có cảm giác “phê”, còn người uống kém hay sức khỏe yếu hơn thì có khi chỉ 3, 4 li nhỏ. Mỗi người nên tự điều chỉnh với chính mình, không nên uống cố, uống để khẳng định mình, … vì khi đó sẽ không còn là thưởng thức và nguy hại hơn là những hậu quả nó có thể để lại.

4. Uống thế nào là đúng lúc, đúng chỗ?

Đã là thưởng thức thì phải cho ra thưởng thức, phải chọn rượu, chọn bạn, chọn thời điểm cho đúng.

Uống trước giờ làm việc là rất không đúng lúc, nó sẽ ảnh hưởng tới công việc rất nghiêm trọng, cố sức thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người uống.

Uống khi mà còn có trách nhiệm với người khác: có người cần được bảo vệ, cần được đưa về nhà, vợ con đang chờ, … thì phải hết sức kiềm chế, uống mà để say là vô trách nhiệm.

Uống mà chọn nhầm rượu không ra gì, rượu pha cồn thì chẳng còn là thưởng thức, uống mà phải nhăn mặt, phải lấy trà đá, nược lọc … uống đệm sau mỗi hớp thì không nên uống.

Uống mà chọn nhầm bạn, gặp nhau chỉ để có người ngồi uống cùng thì là vô nghĩa. Người bạn nhậu phải là người có thể trò chuyện và chia sẻ về quan điểm sống, quan điểm làm việc hay chỉ đơn giản là ôn lại những kỉ niệm cũ nếu có. (Thế nên tôi chẳng hứng thú với cái trò làm quen trên bàn rượu)

5. Những kiểu uống rượu… khó chấp nhận

– Uống lấy được, uống để tự cảm thấy là ta ghê lắm hay để thể hiện với những người xung quanh.

– Chưa uống đã nghĩ đến “ca 2, ca 3, …”. Uống rượu là để thưởng thức cái thú vị của nó, để người thân và bạn bè gặp nhau và chia sẻ, không phải để làm chất xúc tác cho thêm … dũng cảm ở những hoạt động sau đó (mà một số trong đó là những hoạt động phi đạo đức đáng khinh bỉ).

– Uống mà chỉ thích “chúc người này, mời người kia” kì thực là một hình thức ép nhau uống. Nếu đã là thưởng thức mà người ta không thích lại ép thì đó là sự thiếu văn hóa. Rượu ai cũng biết là phần nào có hại, người ta không muốn lại cố nài ép thì có thể còn được coi là có ý xấu. (loại này tôi không bao giờ tiếp rượu, và tất nhiên cũng không gặp lại thêm làm gì).

– Thích gọi bạn bè vô tội vạ. Uống với một người là môt cuộc giao tiếp không chỉ vui vẻ mà còn dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Vừa uống vừa gọi người này người nọ, thậm chí những người không hề quen biết người đang uống với mình là hết sức thiếu văn hóa và thể hiện việc không tôn trọng cuộc gặp mặt đó.

6. Vài lời khuyên cho… chị em

Dù rằng rượu thì thường được hiểu là chuyện của … đực rựa nhưng phụ nữ đôi khi tham gia rất nhiều vai trò trong những cuộc rượu đó, tuy nhiên với những quan sát của mình tôi thấy nhiều chị em còn nhầm lẫn nhiều nên mạn phép có vài lời khuyến cáo.

6.1 Nếu bạn là người tham gia bữa rượu

– Phải luôn bảo đảm mình có thể … về được tới nhà: hoặc tự đi hoặc bảo đảm người đưa mình đi rất tỉnh táo.
– Nếu không uống được thì tuyệt đối đừng uống dù chỉ một hớp nhỏ ở những buổi gặp mặt đông đúc, hỗn loạn.
– Nếu định tập uống lần đầu, hãy bảo đảm người đàn ông uống cùng bạn là người bạn tin tưởng tuyệt đối.
– Rất nhiều người khi say quá đà và mất kiểm soát sẽ biến thành người khác và có thể gây nguy hiểm cho xung quanh, vì thế hãy cẩn thận, không phải anh chàng nào “tốt bụng” khi đang tỉnh táo cũng vẫn y như thế khi đã quá chén.

6.2 Nếu bạn là vợ/người yêu đang đợi chồng/người yêu đi uống

Đừng bao giờ gọi điện và đay nghiến, phàn nàn quá lời bởi vì
– Khi người ta đang vui, những lời đó sẽ gây phản cảm, giống như bị dội nước lạnh, và tất nhiên điều đó sẽ chỉ làm mối quan hệ xấu đi
– Thực tế cho thấy người đã có chút hơi men (chứ chưa quá say) mà tâm lý thoải mái thường lái xe rất vững, nhưng nếu có chút ức chế thì lập tức ngược lại, vậy hãy kiềm chế chút để bảo đảm an toàn cho người mà bạn nghĩ là mình yêu.
– Tệ hơn, nhiều anh bị chỉ trích sẽ bực mình uống nhiều hơn, và không biết những gì sẽ xảy ra sau đó.

Rảnh rỗi được ít phút nên có vài lời … 🙂

 

Ngày 30 tháng 10 năm 2013
Đặng Vũ Tuấn Sơn

*Photo: Nguyễn Bảo Trí
spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Uống rượu chút chút cũng là thưởng thức cuộc sống mà. Mình thì chỉ uống rượu thuốc thôi nhưng không quá khắt khe nếu chồng hay người iu uống ở mức vừa phải. Nhà mình thì được cái chả ai mê rượu. Rượu chất đầy nhà mà chả ai uống! 🙂

  2. Thành ngữ Việt Nam có câu: Học ăn uống,Học nói cười,Học để biết lúc nào thì Gói lại, lúc nào thì Mở ra…v…v. việc học ăn,uống,sở dỉ được xếp lên hàng đầu,là do bởi tính quan trọng,sự sống,chết lệ thuộc vào cái hiểu,biết trong việc ăn,uống.. không biết cách ăn,uống,kẻ phàm phu ắt sẽ phải chết,hoặc bị thương tật,tàn phế,.trước khi học được những điều còn lại. Do đó,luận bàn về việc"nâng lên,hạ xuống"dù chỉ là một cái chai, cái chung,chứa chất lõng ma mỵ kia,cũng cần lắm phải học. Bởi giới,ranh giữa Tiên tửu và Phàm tửu chỉ mong manh sợi tóc,. Cầu chúc tất cả đều hưỡng thụ vừa đủ,đủ để cãm nhận được sự bềnh bồng phiêu linh,cãm biết được ai là Dương Lể,ai là Lý Thông..trong các cuộc hội ngộ chốn trần gian.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI