(1187 chữ, 4.5 phút đọc)
Sáng, còn mười lăm phút nữa là 6h, giờ tan ca, người của ca sau đã tới ngồi chơi uống cà phê. Tôi ngáp ngủ nhìn quanh trong tiệm xem có còn việc gì để làm không. Tiếng chuông cửa “kính coong” vang lên. Tôi nghĩ bụng không biết là khách vừa làm xong ca đêm hay khách bắt đầu đi làm ca ngày, nhìn qua mấy dãy kệ chất hàng hoá thì thấy một cô gái khá đẹp, mặc áo T-shirt màu hồng và cái quần đùi bằng jean rách sành điệu đang đi vào. Thường giờ này không có con gái vào mua hàng, chỉ có mấy ông già bà già dậy sớm hoặc mấy anh công nhân. Khi cô tới gần quầy để tính tiền, tôi chợt nhìn thấy hai đầu gối của cô chi chít vết thương cũ mới, có chỗ rỉ máu đang dán băng, chỗ đã kéo da non, chỗ đã thành sẹo, chỗ thì bầm xanh… Nhìn sự uể oải trên gương mặt trang điểm rất dày và cách trang sức, tôi thoáng có một ý nghĩ về nghề nghiệp của cô mà không tiện viết lại đây. Cô nói chuyện khá lễ phép bằng cái giọng trong veo như trẻ con, gọi tôi là onisan và nói các động từ theo thể masu lịch sự.
Tan ca, đi ra khỏi tiệm lúc 6h20 sáng, thời tiết đã trở lạnh từ khi nào, nhiệt độ chỉ còn xấp xỉ 18-19 độ, tôi phải vòng tay ôm trước ngực cho đỡ rùng mình. Đi bộ khỏi ga một chút, thấy một đám chim bồ câu đang tụ lại dưới sân một chung cư, có con quạ lớn cũng chen chúc vào trong đó. Trên cửa sổ lầu bốn của chung cư, có một bà cụ đang rải cơm và bánh mì cho chim ăn. Nhác thấy tôi, bà cụ khép vội cửa lại, có lẽ việc “nuôi” chim bị cấm ở khu này, trước đây người ta còn làm cả một phóng sự lên án việc con người cho chim hoang ăn uống làm mất bản năng sinh tồn của chúng. Tôi nhìn quạ và bồ câu, chợt hình ảnh hai cái đầu gối của cô gái lúc nãy hiện ra trong đầu và bắt đầu ám ảnh tôi. Ở Nhật này, hãng xưởng mỗi ngày một tăng mà người thì giảm, rất dễ tìm một công việc tử tế nếu là người bản xứ. Như con bé học sinh cấp 3 làm chung với tôi, nó chỉ làm mỗi tuần có 21 tiếng đồng hồ, nhưng nói đã để dành đủ tiền để cuối năm này vào kỳ nghỉ đông sẽ đi Brasil chơi với bạn, hoặc mua một chiếc xe hơi tốt cho riêng nó khi nó qua ngày sinh nhật và đủ tuổi thi bằng lái. Vì vậy, tôi nghĩ có lẽ cô gái kia tự nguyện chọn công việc của bản thân với thu nhập cao gấp nhiều lần so với lương nhân viên nhà nước cấp bộ. Cô ấy không có gì đáng tội nghiệp.
Nhưng rồi hình ảnh hai cái đầu gối ấy vẫn đeo đuổi tâm trí tôi mãi, tôi chợp mắt tầm hai tiếng rồi thức dậy và không thể nào ngủ lại được. Buổi chiều, tôi cùng bạn Rachel đi công việc gần ga Ikebukuro, nhìn thấy người dân đang múa quanh cái kiệu thần, có mấy em gái cỡ mười mấy tuổi mặc đồ trắng đánh trống rất nghề. Mọi người đủ mọi thành phần, đủ mọi loại trang phục, chẳng phân biệt địa vị hay tuổi tác, nhịp nhàng múa với nhau điệu múa truyền thống, tuy thô sơ mà đẹp mắt, những cái đầu gối nâng lên hạ xuống nhẹ nhàng thanh thoát.
Ám ảnh về hai cái đầu gối của cô gái gặp ban sáng tan đi, xã hội đa nguyên, người ta có quyền chọn cho mình nghề nghiệp và lối sống. Sinh ra làm người ở nước đa nguyên đa đảng như Nhật, dù có dở đến đâu, miễn là chịu lao động, đều có thể có cuộc sống sung túc, có nhà có xe hơi, có tiền để dành phòng lúc tai nạn ốm đau, có thể đi du lịch nước ngoài theo sở thích…
Sự tốt đẹp của xã hội, bắt nguồn từ thể chế. Nếu người lãnh đạo này làm cho đất nước nghèo đi, kinh tế suy sụp, thì bị dân đuổi về để người khác lên thay. Nếu đường lối của đảng này làm cho đời sống dân khó khăn hơn, cơ hội nghề nghiệp ít đi, thì dân chọn đảng khác ra ngồi ghế nóng. Vì người ta lập quốc trên tinh thần đảng nào cũng là bởi con người, mà đã là người thì phải có đúng sai, có ưu khuyết. Và lúc nào cũng bị đặt vào tư thế bị đào thải nếu làm bậy, nên người ta phải cố gắng hết sức để làm đúng, thậm chí không được phép nhầm lẫn. Nếu một mình một chợ, thì bán giá nào, phách lối mất dạy ra sao, người ta cũng nghiễm nhiên coi vai trò của mình là thiết yếu.
Tôi chợt nhớ lại những cái đầu gối lấm lem bùn đất của người nông dân quê mình, của ba, của mẹ; tôi tưởng tượng những cái đầu gối trắng bệch vì ngâm nước lâu của ngư dân từ nam ra bắc, của chú, của anh; tôi càng xót xa hơn khi nghĩ về những cái đầu gối đầy vết thương vết xước, của chị, của em; những cái đầu gối của người công nhân xuất khẩu lao động đi nước này nước nọ, khi ê ẩm vì đứng lâu trong xưởng, khi quỵ xuống vì kiệt sức, khi tái tê trong tuyết lạnh… của tất cả những người anh em cùng trang lứa.
Tôi giật mình, tất cả đều không có sự lựa chọn, sự bế tắc và nỗi khổ của những người con cùng Mẹ Việt Nam dường như bị hiểu lầm là một tiền định hay số kiếp! Bao nhiêu năm, người ta đã mài một thứ chì tư tưởng để đầu độc và thức ăn tinh thần của người Việt, để chúng ta chấp nhận sự đau khổ và nghèo hèn của mình như là số mệnh, chấp nhận quỳ đầu gối của mình và mọp đầu trước gạo tiền cơm áo. Thảm cảnh đó không ai khác gây ra ngoài những kẻ đang quỳ gối trước ngoại bang.
Tôi hít một hơi dài, không khí lành lạnh, không khí tự do tràn vào đầy buồng phổi. Có lẽ bạn Rachel cũng nghĩ điều gì đó xa xôi về tổ quốc:
— Người Nhật giữ truyền thống tốt quá, nhìn mấy đứa nhỏ thấy tương lai của nước Nhật… mong thế hệ sau của tụi mình cũng sẽ được lớn lên như vậy!
Tôi thấy tin điều đó, rồi sẽ có một ngày, đầu gối của người dân nước tôi sẽ chỉ muốn chạm đất để lễ thần linh hoặc lạy ông bà cha mẹ mà thôi!
Tác giả: Hai Le
Ảnh minh họa: Quangpraha
📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2