29 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Giản dị là ta có một nửa ly nước

(1174 chữ, 5 phút đọc)

Bạn đã nghe câu chuyện về nửa ly nước. Chuyện kể rằng, nếu một người nhìn vào nửa ly nước và thốt lên: “Ôi, đã vơi mất một nửa rồi” – người đó sẽ đau khổ. Còn người khác, cũng tình huống tương tự, tươi cười bảo: “Chà, ly nước vẫn còn đầy một nửa” – thì sẽ được hạnh phúc. Kết luận: Một cái nhìn tràn đầy hy vọng sẽ tốt hơn một cái nhìn tràn ngập thất vọng. Và có thể điều đó đôi khi cũng đúng, trong một số tình huống giới hạn.

Nhưng, có một câu chuyện khác như sau:

Có một ngôi làng nhỏ ở Ấn Độ giữa mùa nắng hạn nghiêm trọng. Đất đai khô cằn và nguồn nước dần cạn kiệt. Một bác nông dân ngồi bên cái giếng đầu làng. Nước trong giếng đang vơi dần vì nắng nóng, bác nghĩ, nhưng không sao, ít ra vẫn còn hai phần ba lượng nước so với ngày thường. Biết đâu mai đây trời sẽ đổ mưa, và giếng lại đầy, bác tự nhủ.

Hôm sau ra lấy nước, bác thấy nước còn một nửa. Thất vọng đôi chút, nhưng bác nhanh chóng vực dậy tinh thần: “Hây da, vẫn còn nửa giếng nước đầy, buồn làm chi cơ chứ. Nghe nói cái giếng ở làng bên cạnh đã cạn sạch trơn rồi. Ta vẫn may mắn chán!” Và lập tức lấy lại sự phấn chấn, bác quay sang động viên những người hàng xóm chán nản đang than vãn một cách đầy uể oải bên cạnh.

Ngày hôm sau nữa, nước cạn chỉ còn một phần tư. Bác nông dân thất vọng cùng cực. Nhưng rồi bác nghĩ, như mọi lần: “Chà, vẫn còn một phần tư kia mà, ta may mắn chán!”

“Điệp khúc” thất vọng và hy vọng, hy vọng rồi thất vọng ấy cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày cho đến khi chiếc giếng chẳng còn chút nước nào. Hầu hết cư dân trong làng phải bỏ đi tìm nguồn nước ở nơi khác để sống sót. Về phần mình, bác nông dân không đi tìm kiếm nữa. Chán nản với những niềm hy vọng, bác ngẩng đầu trách Thượng Đế, rồi chết khô héo trong ngôi làng vắng tanh.

Thất vọng và hy vọng luôn đi song song cùng nhau. Một khi chúng ta hy vọng, chúng ta ngay lập tức tạo ra sự thất vọng trong lòng mình. Và nếu bạn để ý kỹ, hầu hết mọi niềm hy vọng đều tiềm ẩn một nỗi sợ âm thầm: Sợ điều ta cầu ước sẽ không thành. Bạn nhìn xem, trong khó khăn, đôi mắt của những người sống bằng hy vọng thường ánh lên một điều gì đó mong manh, dễ vỡ.

Vòng tròn lặp lại của “hy vọng – thất vọng” mà bác nông dân tự cài mình vào, chẳng phải là “luân hồi – sinh tử” ư? Nỗi sợ tiềm ẩn phía sau lời hứa hẹn ngọt ngào của những hy vọng, chẳng phải đang tạo ra đau khổ ư?

Hy vọng không đẹp như vẻ ngoài của nó. OSHO cho rằng: “Mọi hy vọng đều sai lầm!”

Chúng ta thường ảo tưởng rằng nếu mình hy vọng đủ mạnh, thì điều ta ao ước sẽ trở thành sự thật. Nhưng, sự thật vốn khác.

Sự thật là, tương lai vận hành theo cách riêng của nó, ngoài ý muốn của ta. Đôi khi nó xảy ra tương đồng với những gì ta mong muốn, và ta tưởng rằng đó là sức mạnh của hy vọng. Không phải, đó là sức mạnh của sự trùng hợp, vậy thôi. Dự đoán tương lai không khác gì chơi một vòng quay may mắn.

Chúng ta thấy rõ điều này khi nhìn lại cuộc đời mình rằng có những điều xảy đến như ý muốn của ta, và có những điều không như ý. Nếu hy vọng có một sức mạnh kỳ diệu như người ta tưởng, thì cuộc sống đã luôn luôn như ý chúng ta rồi.

Cuộc sống sẽ đôi khi đem lại phúc lành, đôi khi đem lại thử thách, vượt ngoài ước vọng con người. Ta chỉ cần làm một việc là vui lòng đón nhận chúng. Phúc lành đến: tận hưởng. Thử thách đến: nhẫn nại và học hỏi. Nhưng đừng hy vọng, vì hy vọng là vô ích. Hy vọng đem đến sự ngộ nhận rằng cuộc đời sẽ xảy ra theo ý ta (tuy nhiên, đó chỉ cái bẫy được tạo ra để dọn đường cho sự thất vọng xuất hiện).

Thất vọng và hy vọng là hai thứ đối lập nhau song thực tế là hai mặt của cùng một đồng xu. Đồng xu của quỷ dữ. Lý do bạn thất vọng với cuộc đời là vì bạn đã hy vọng về nó. Nếu bạn không hy vọng, sẽ chẳng có gì để thất vọng. Đời sẽ là một cuộc dạo chơi đầy những bất ngờ: có rượu ngon để say, vẻ đẹp để thưởng thức và đau buồn để học hỏi – chẳng có gì là vô nghĩa. Chính những hy vọng của chúng ta đã chẻ đôi cuộc đời thành tốt và xấu.

Hy vọng là sự tham lam ngốc nghếch được ngụy trang dưới lớp áo choàng đẹp đẽ. Và thất vọng chính là chân tướng thực – cái thân xác gầy nhom ốm yếu, kiệt quệ bên trong chiếc áo choàng.

Ta hãy làm tất cả mọi thứ trong khả năng có thể, vươn lên đến tận cùng nguồn sống của mình, mà đừng chờ đợi điều gì. Đừng trông mong vào kết quả. Kết quả sẽ đến theo cách riêng của nó. “Cái đích” là thứ mà chúng ta không bao giờ thực sự tới được.

Vậy điều kỳ diệu nằm ở đâu, nếu Đích Đến chẳng hề quan trọng? Điều kỳ diệu nằm ở mỗi bước chân ta đi. Điều kỳ diệu nằm khắp trên con đường tới “cái đích” đó.

Bạn nghĩ xem cái gì có trước, cái đích hay con đường? Thông thường, chúng ta sẽ đặt ra một mục tiêu cụ thể nào đó, sau đấy mới xác định con đường mà ta sẽ đi (trừ những người vô tình phải sống trên một con đường vạch sẵn do người khác quyết định – nhưng điều này cũng chỉ đúng một cách tương đối, bởi sâu bên trong con người vẫn luôn tự do bất chấp hoàn cảnh). Và như thế, cái đích có trước, con đường có sau. Cái đích được sinh ra để ta có một con đường. Cái đích chỉ là phương tiện, chính con đường mới là mục đích.

Ta có thể bước đi tự do trên con đường kỳ diệu đó mà không bị trói buộc bởi “sợi dây mang tên Hy vọng.”

Quay trở lại ví dụ ban đầu. Khi nhìn vào nửa ly nước, ta chỉ đơn giản nói đúng sự thực: “Có một nửa ly nước. Một nửa ly nước tuyệt vời!” Giản dị thế.

Tác giả: Thiếu Lê Tú Anh

*Featured Image: roegger

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI