27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

10 điều bạn cần biết khi học tiếng Anh hay ngoại ngữ

(2302 chữ, 9 phút đọc)

Nếu bạn là một trong những người học tiếng Anh học đã lâu mà vẫn thất bại, có thể bạn đã mắc phải một số sai lầm trong cách học. Bài viết này tôi muốn tổng kết lại mười điều có thể giúp bạn học tiếng Anh (hoặc một ngôn ngữ nào đó) một cách có hiệu quả hơn. Hy vọng sẽ giúp ích được các bạn.

1. Hãy giỏi tiếng Việt trước đã

Nếu bạn muốn giỏi một ngôn ngữ thứ hai, bạn phải giỏi tiếng mẹ đẻ của mình trước. Đây là điều khoa học đã chứng minh vì các ngôn ngữ có những nguyên tắc chung của nó. Tiếng Việt đối với một đứa trẻ tập nói vẫn là một thứ ngoại ngữ. Và hãy nhớ rằng chúng ta học tiếng Việt từ khi học nói cho tới khi học đại học và vẫn sử dụng nó hàng ngày. Chính vì vậy nếu bạn sử dụng tiếng Việt chưa tốt, viết còn sai chính tả, sử dụng từ sai nghĩa, câu cú lủng củng thì việc bạn học tốt một ngôn ngữ thứ hai là khá khó có thể thành công. Đồng thời khi các bạn yêu tiếng mẹ đẻ của mình thì bạn mới trân trọng một ngôn ngữ khác và có động lực để học tốt nó chứ không đơn thuần xem nó như một món nợ phải trả cho xong.

2. Không bao giờ có chuyện học cấp tốc mà giỏi

Tôi luôn từ chối dạy cho những người có suy nghĩ học cấp tốc trong vòng vài ba tháng hoặc đợi đến lúc không còn cách nào khác mới học nhưng lại muốn điểm cao. Tại sao ư? Bởi vì chính bản thân tôi đã trải qua muôn vàn khó khăn và vấp phải rất nhiều thất bại trong việc học ngoại ngữ và từ khi tôi bắt đầu học cho tới nay, chưa bao giờ tôi ngưng học. Phải nhớ một điều bạn bỏ ra bao nhiêu công sức thì bạn gặt hái được bấy nhiêu thành quả. Nếu bạn chỉ thích bỏ ra một đồng nhưng thu về một núi tiền thì tốt nhất bạn nên mua vé số và hy vọng. Phải quyết tâm bỏ tư tưởng ăn xổi ở thì ra khỏi suy nghĩ thì bạn mới tiến bộ được.

3. Hãy tìm hiểu sự tương quan giữa các ngôn ngữ

Những người không hiểu được hoặc không quan tâm đến sự tương quan và khác biệt giữa tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ thường sẽ mắc những lỗi sau đây khiền họ cho dù học rất nhiều nhưng kết quả đạt được thường chẳng bao nhiêu: Dịch sát nghĩa của từng từ thay vì hiểu ý của một cụm từ, học mẹo một cách mù quáng chứ không dựa trên logic của ngôn ngữ, không tự sửa được các lỗi phát âm hoặc ngữ pháp cơ bản, không biết cách diễn đạt sao cho hợp lý bằng ngoại ngữ… Nhờ thông thạo tiếng Hoa nên tôi hiểu sâu hơn về những từ ngữ Hán Việt dùng để giải thích các thuật ngữ trong tiếng Anh như thế nào là “tân ngữ” (chữ “tân” ở đây là “khách” đối lập với chữ “chủ” trong “chủ ngữ” chứ không phải “tân” là mới), thế nào là “giới từ”… cũng như phát hiện nhiều mối liên hệ thú vị giữa ba ngôn ngữ Anh-Hoa-Việt.

4. Không ngừng luyện tập

Ai cũng biết muốn thành thạo một kĩ năng thì phải luyện tập thường xuyên vì những gì bạn học trên lớp là lý thuyết. Để biến thành kĩ năng sử dụng được, những kiến thức đó phải được sử dụng đi sử dụng lại rất nhiều lần cho tới khi thành thạo như một bản năng. Nhưng đáng tiếc là việc luyện tập là việc đáng chán nhất trên đời vì nó tốn nhiều thời gian và cứ lặp đi lặp lại. Người luyện tập hay có tâm lý sau một vài lần thành công sẽ nghĩ rằng mình đã thành thạo rồi nên không tập nữa và không chịu kết hợp những cái đã học với những cái mới học với nhau nên sau một thời gian rất ngắn, họ sẽ rơi vào tình trạng cái gì cũng biết nhưng chỉ biết sơ sài và không sử dụng được.

5. Luyện tập không chỉ là thời gian mà còn là phương pháp

Có nhiều người bỏ rất nhiều thời gian ra để luyện tập nhưng không có tiến bộ thậm chí càng tập càng dở. Điều này không có gì là khó hiểu vì nếu bạn đã không chuẩn ngay từ đầu thì việc tập luyện nhiều khiến lỗi sai biến thành quán tính càng lúc càng khó sửa. Tôi luôn nhắc nhở các bạn học viên của mình một nguyên lý rất cơ bản nhưng rất ít người chịu làm theo. Khi bạn ngồi trên lớp cho dù bạn hiểu bài 100% đi nữa thì đến khi ra khỏi lớp và đi về nhà, kiến thức của bạn sẽ rơi vãi khoảng 30-40% vì những chuyện khác chi phối. Sau một đêm ngủ dậy, bạn sẽ quên tiếp khoảng 20% những gì đã học và những hoạt động trong ngày khác sẽ khiến bạn bị phân tâm và kiến thức bạn học được hôm trước trở thành khiếm khuyết và tam sao thất bản. Nếu bạn sử dụng kiến thức đó để làm bài tập qua loa để đối phó mà không thèm xem lại lý thuyết để điểm lại những điều quan trọng thì việc làm bài tập của bạn không có lợi ích gì mà trái lại còn có hại. Nhớ là trước khi luyện tập, hãy đảm bảo những gì mình luyện tập là đúng và chính xác.

6. Dấn thân và chịu cực

Học một ngàn quyển sách nhưng chưa bao giờ áp dụng những gì mình học vào đời thực dù chỉ một lần thì cũng không bao giờ thành công được. Sách giáo khoa chỉ dạy được một lượng kiến thức rất nhỏ so với những gì cần thiết để sử dụng tốt một ngôn ngữ và mục đích của các chương trình giáo khoa là giúp bạn thi lấy điểm cao những bài thi không có tính thực tiễn. Các khóa học Anh văn cũng vậy. Cách học tốt nhất là chịu dấn thân cọ sát thực tế chịu bầm dập và chịu thất bại hết lần này tới lần khác. Cũng giống như một người lính phải xông pha hàng trăm trận lớn nhỏ, bị hàng chục vết thương thì mới có cơ hội trở thành một tướng tài. Quan trọng là mỗi lần thất bại bạn có rút ra kinh nghiệm xương máu và không bỏ cuộc hay không.

Việc than thở rằng không có điều kiện thực hành tiếng Anh không khiến cho bạn vì thế mà được thông cảm và cũng chẳng cải thiện được thực tế là bạn vẫn tệ tiếng Anh. Vả lại ở thời đại công nghệ này mà còn nói câu đó thì đó là một lời ngụy biện không hơn không kém. Học tiếng Anh mà một quyển sách tiếng Anh cũng không đọc, một bài hát tiếng Anh đơn giản cũng không hát được, có dịp để nói cũng không chịu nói, có dịp để viết cũng không chịu viết mà chỉ thích làm những dạng bài tập vừa dễ vừa quá quen thuộc để khỏi phải động não thì suốt đời vẫn không sử dụng được tiếng Anh.

7. Hãy để ý đến những chi tiết nhỏ nhất

Điều khiến tôi nản nhất trong việc dạy tiếng Anh của mình là có rất nhiều bạn có thái độ xuề xòa qua loa. Có những điểm quan trọng tôi nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần nhưng các bạn vẫn cứ sai do làm theo quán tính mà không chịu động não suy nghĩ. Có những lỗi cực kỳ dễ sửa nhưng các bạn không chịu khắc phục nên hết khóa học vẫn sai bao nhiêu đó sai hoài. Tôi thường học từ vựng và cách diễn đạt bằng tiếng Anh bằng cách chú ý đến những từ tiếng Anh mà tôi gặp bất cứ nơi đâu: Trên những slogan quảng cáo, trên bao bì của một sản phẩm (tôi thường đọc hết tất cả những gì ghi trên bao bì sản phẩm không bỏ sót chữ nào), các poster phim ảnh hay du lịch… và chú ý những điều thú vị (cách dùng mới của một từ quen thuộc, tiếng lóng, thậm chí là lỗi sai của người khác). Những điều nhỏ nhặt đó không có sách vở hay thầy cô nào có thể dạy bạn mà chỉ có thực tế cuộc sống mới dạy được cho bạn.

8. Hãy rèn luyện sức chịu đựng của mình bằng những thử thách khác

Nếu bạn còn trẻ, có điều kiện gia đình lo cho học hành mà luôn miệng than thở là tiếng Anh khó quá thì rất có khả năng bạn chưa hề chịu cực dù chỉ là một ngày. Hãy thử tự đi làm cả ngày rồi đi học sau một ngày vừa mệt vừa đói. Hãy thức dậy thật sớm để ra phòng gym tập cho đến khi các cơ bắp bạn mỏi nhừ và đau nhức trong từng cử động những ngày tiếp theo để khi bạn giảm hoặc tăng được một kg thì bạn mừng rơi nước mắt thế nào. Hãy thử tập một loại nhạc cụ phổ thông nào đó như guitar chẳng hạn để biết rằng vừa canh cho đúng nhịp phách vừa xác định đúng nốt trên cần đàn vừa chịu cảm giác dây đàn cắt vào những đầu ngón tay đau đớn thế nào để đến khi đánh ra hồn một bản nhạc thì mấy đầu ngón tay bạn cũng gần như nát bét. Lúc đó bạn sẽ hiểu học tiếng Anh không hề khó như bạn nghĩ. Vấn đề là bạn muốn hay không mà thôi.

9. Hãy trân trọng những người thầy có tâm

Nhiều bạn luôn miệng than thở là nhiều giáo viên dạy dở dạy chán nhưng hãy bình tâm suy nghĩ lại trước khi buông lời oán thán. “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân.” Hãy tự hỏi bản thân mình rằng bạn có ham học cấp tốc muốn học ít mà được nhiều, muốn không cần chịu cực mà vẫn giỏi hay không? Có phải bạn ưu tiên chọn những nơi hứa hươu hứa vượn đảm bảo này nọ mà né tránh những lời khuyên hữu ích nhưng bắt buộc bạn phải nỗ lực và chẳng cam kết gì? Có phải bạn chọn cách học mẹo học tủ để thi lấy bằng và từ chối những nơi dạy dỗ đàng hoàng? Hãy nhớ rằng lựa chọn ban đầu là do bạn, bạn chọn gì thì bạn sẽ nhận được điều mà bạn muốn tương xứng. Nhiều bạn đến học với tôi nhưng vẫn giữ thái độ học đối phó học mẹo, bỏ qua những lời khuyên bằng kinh nghiệm xương máu của tôi muốn đốt cháy giai đoạn để đạt kết quả cao thì tôi cũng thực sự bó tay. Một hình ảnh ám ảnh tôi và khiến tôi cảm thấy chua xót là có lần tôi đọc được status gần như năn nỉ các bạn trẻ ở Hà Nội đi học tiếng Anh miễn phí của thầy Thái Bá Tân, một người thầy vừa có tâm vừa có tầm vừa là một nhân cách lớn, kèm theo hình ảnh thầy ngồi buồn trong lớp học vắng hoe vắng ngắt. Các bạn thà bỏ tiền triệu ra đi học những thứ mẹo vặt rác rưởi nhưng lại phụ tấm lòng của những người thầy như thế thì các bạn xứng đáng với những gì các bạn gặt hái được. Nên nhớ rằng để có những bài giảng hay và hiệu quả, những thầy cô đó phải bỏ biết bao nhiêu công sức để chắt lọc nghiền ngẫm nghiên cứu và thậm chí hy sinh thu nhập của mình để đúc kết cho các bạn. Nếu các bạn không trân trọng những điều đó bằng thái độ học tương xứng thì các bạn đừng than vãn gì cả.

10. Nỗ lực bản thân vẫn là quan trọng nhất

Không ai có thể theo bạn cả đời để dạy cho bạn hoặc sửa lỗi sai cho bạn mà chính bạn phải ý thức được điều đó và tìm cách tự học tốt nhất cho mình. Đừng ý lại quá vào một giáo viên nào cả vì họ có những học trò khác không chỉ có riêng bạn. Ngoài ra họ còn có gia đình và cuộc sống riêng chứ không chỉ có việc đi dạy. Đừng nghĩ rằng mình nói chuyện với người nước ngoài thì sẽ tự động giỏi. Người bản ngữ thường sẽ rất ngại sửa lỗi cho bạn và họ cũng cảm thấy phiền vì mỗi lần bạn nói là phải sửa. Bạn bè bạn có giỏi tiếng Anh cách mấy cũng chỉ giúp bạn một thời gian đầu mà thôi. Sau một thời gian đã hết lòng với bạn mà bạn vẫn không chịu để ý tự khắc phục họ sẽ nản và bỏ cuộc vì chính bản thân họ cũng muốn tìm người giỏi hơn để học hỏi. Nhờ vả người khác nhưng chính bản thân mình không chịu cố gắng sẽ khiến người kia cảm thấy bị làm phiền hoặc bị lợi dụng. Chẳng ai đủ rảnh và đủ tốt để giúp ai suốt đời được. Bạn đừng trách người khác vì sự yếu kém của bản thân vì họ không có nghĩa vụ làm cho bạn tốt hơn. Đó là bổn phận của bạn đối với chính mình.

Tác giả: Vien Huynh

*Featured Image: stevepb 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI