27 C
Nha Trang
Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Nếu dự luật an ninh mạng được thông qua? Có gì phải xoắn?

Nếu dự luật an ninh mạng được thông qua? Thì đã sao? Chúng ta đang sợ hãi điều gì? Bất kể điều kinh khủng nào xuất hiện trong suy nghĩ của bạn cũng chỉ để chứng tỏ một điều “bạn chỉ đang quá phụ thuộc vào Internet” mà thôi.

Nếu bạn sợ mình sẽ bị khởi tố bằng luật hình sự khi vi phạm các điều luật trong đó. Cây ngay không sợ chết đứng. Chắc bạn cũng đang nung nấu một cuộc nổi loạn nên mới phải xoắn tít mình lên sợ hãi.

Bạn cho rằng một câu nói bâng quơ của mình sẽ bị kết tội kích động bạo loạn hoặc tuyên truyền chống nhà nước. Đã đến lúc bạn từ bỏ thói quen chém gió lang thang trên các trang cộng đồng mạng, chuyên lo tập trung vun đắp xây dựng chuyện nhà mình. Bạn có ban phát thêm một trăm câu nói bâng quơ vào các diễn đàn thì cũng chỉ là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Nếu bạn yêu nước, muốn cống hiến cộng đồng, sao bạn không ứng cử vào bộ máy nhà nước? Lúc đó tiếng nói bạn chắc sẽ khả thi hơn. Hay bạn không tự tin vào trình độ của mình?

Bán hàng online giờ đây trở thành tội phạm nếu bạn không đăng ký giấy phép kinh doanh? Trong khi những người khác phải chi trả các khoản cho việc đóng thuế, thuê mặt bằng thì bạn ngang nhiên rao bán phá giá, bạn tự hào gào thét sản phẩm của bạn vừa đẹp về mẫu mã, chất lượng tốt mà giá thì rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường. Tôi đã thấy bao nhiêu tổ chức cá nhân kinh doanh đang phải phá sản chỉ vì sự ích kỷ đó.

Các công ty dịch vụ mạng nước ngoài phải bán đứng bạn cho nhà cầm quyền. Họ phải cung cấp toàn bộ thông tin riêng tư và mật khẩu của bạn cho công an, kiểm duyệt nội dung hoặc tống cổ bạn khỏi dịch vụ của họ theo ý công an, nếu họ muốn ở Việt Nam. Sau ngày luật ban hành, bạn không đủ tin tưởng với những người còn ở lại? Chỉ có những người sống gian dối hổ thẹn với bản thân mới lo sợ điều này. Bạn có thể không đủ cao thượng để tin tưởng nhân loại. Nhưng phải chăng bạn cũng đang nghi ngờ sự trong sạch về nhân cách của chính mình?

Bạn nghĩ mình là một người dùng Internet bình thường và không bao giờ bén mảng liên quan gì đến chính trị. Không sử dụng internet để kinh doanh. Nhưng cơ sở hạ tầng IT của Việt Nam không có gì để thay thế cho Facebook hay Google, Youtube… Và sẽ chẳng có công ty dịch vụ mạng nào ở mấy nước phương Tây đồng ý với những điều luật phản tiến bộ và thần kinh này, nên luật này ra chính là để dọn đường cho WeChat, Weibo hay Baidu của China vào thế chân? Vâng, bạn sẽ chết đi nếu cuộc sống của mình không được nuôi dưỡng bằng Internet sao?

Dự luật an ninh mạng chẳng có gì to tát. Vấn đề lớn nhất ở đây  là mọi người xem Internet như nhu cầu hiển nhiên, nhưng không hiểu rõ mức độ ảnh hưởng của nó tới cuộc sống thường ngày. Phần lớn tiện ích trên Internet được thiết kế hỗ trợ con người giao tiếp. Chúng ta dùng nó để kết nối với bất kỳ ai, bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Nếu không còn khả năng thực hiện chức năng đó, mọi người sẽ cảm thấy lo sợ. Đó chính là sự hai mặt của tất cả tiện ích. Điều gì càng tiện ích thì chỉ càng khiến chúng ta trở nên phụ thuộc vào nó. Thử nghĩ xem đã bao lâu rồi bạn không còn bước ra chợ, ra cửa hàng để mua một thứ bạn yêu thích? Đã bao lâu rồi bạn không cần phải có một cuộc hẹn hò ngoài quán cà phê chỉ bởi bạn đã có các phần mềm trò chuyện tiện ích?

Nếu dự luật này được thông qua và bạn cảm thấy lo sợ. Hãy tưởng tượng đến điều tệ hại nhất? Cùng lắm thì chấp nhận sống mà không cần đến Internet. Cuộc sống không có Internet thì đã sao? Có đáng sợ như bạn vẫn nghĩ?

Muốn tán ngẫu đừng lên mạng, hãy ra ngoài nói chuyện. Muốn lướt Facebook đọc tin, chi bằng hãy tới bảng tin chung của khu phố. Muốn mua sắm, hãy tới các cửa hàng tạp hóa, các cửa tiệm, đừng ngồi ở nhà gác chân lên ghế rồi lướt tay chọn mẫu nữa. Điều đó sẽ giúp bạn đánh giá chất lượng sản phẩm tốt hơn đấy. Chăm chỉ viết thư tay hơn là mãi cào phím qua mạng. Ở đây không có Google để hỏi thì đã sao, hãy giao lưu với những người xung quanh để học hỏi từ thực tế. Thay vì lên Wikipedia, hãy tới hỏi những người lớn tuổi. Có thể Wikipedia lớn tuổi hơn những ông cụ bà cụ trong xóm thật đấy, nhưng nó chẳng hài hước và kể chuyện sinh động hơn đâu. Đó cũng là cách để bạn tập thói quen thường xuyên vào các thư viện tra cứu sách. Những người tri thức ham tìm tòi kiến thức nhân loại chắc hẳn không phản đối với tôi rằng đọc sách luôn thú vị hơn rất nhiều so với những kiến thức trên mạng. Thay vì lướt báo mạng, báo giấy là lựa chọn khả thi nhất ở đây. Thử tưởng tượng một khung cảnh sáng sớm chạy ra đầu hẽm mua lấy một tờ báo về nhà gác chân ngồi mơn trớn từng câu từng chữ trong những trang giấy còn thơm mùi mới ra lò. Không thể  nói chuyện giao tiếp trực tuyến thì đã sao? Quên hẹn hò ảo đi, ra ngoài gặp gỡ là thực tế nhất.

Hãy thử tránh xa điện thoại, tránh xa Internet một vài ngày mà xem. Bạn chắc chắn sẽ tập trung làm việc hiệu quả hơn rất nhiều. Thế giới sẽ chẳng bị hủy diệt nếu mất Internet. Chính vì thế mà Việt Nam cũng chẳng có ai phải chết đi nếu dự luật an ninh mạng được thông qua. Và nhiều khi con người còn trở nên thân thiện hơn.

Có thể Việt Nam sẽ quay lại thời kì đồ đá thật đấy, nhưng sống ở thời kỳ văn minh nhân loại này bạn có thực sự đang cảm thấy hạnh phúc?

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: TheDigitalWay
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. Cũng là 1 góc nhìn, nhưng nhìn rộng và xa ra. Nó ảnh hưởng đến cả nhiều thế hệ, đến nhận thức , văn hoá của người dân. Họ dc nghe những gì nhà nước muốn họ nghe. Họ gần như robot bị lập trình. Internet ko chỉ có vậy, nó còn là vùng kiến thức của toàn nhân loại. Nhiều người nghiên cứu học hỏi dựa vào internet.Nếu vào thư viện tìm sách, tìm đúng dòng, đúng dữ liệu so sánh thông tin thủ công thì thật ác mộng. Mà ở trong nước sách hạn chế. Lịch sử sẽ bị bẻ cong khi các thế hệ sau ko dc tiếp cận tìm kiếm thông tin. Nếu bạn nghĩ là ko sao, hãy xem cách cư xử của nhiều người dân Trung Quốc khi họ đi khắp thế giới. Còn nhiều những điều sâu xa khác. Nó kìm hãm sự phát triển nhận thức, sẽ đánh mất đi cái đẹp của tâm hồn con người.

  2. Bài viết của bạn bị lạc đề, bởi hiểu biết của bạn về chính trị và tình hình đất nước là cực kém, và nói hay viết về những điều mình thật sự không hiểu thì rất tai hại, đây là lời nói rất chân thành chứ không phải lời từ cái tôi của mình.
    Trong một bài trước của bạn, bạn có ghi là giặc Mỹ khi nói về cuộc nội chiến nam bắc ở VN, điều căn bản nhất để đánh giá một người hiểu về chính trị chính là quan điểm về cuộc chiến này. Nó khg phải là một cuộc chiến xâm lăng, nó là cuộc chiến về ý thức hệ, tức một bên là CNXH và bên kia là CNTB, miền bắc chọn CNXH do TQ cùng Liên Xô hỗ trợ, còn miền nam chọn CNTB do Mỹ cùng phương tây hỗ trợ. Cứ nhìn cuộc chiến Triều Tiên sẽ hiểu, lịch sử họ y như VN, rồi nhìn Triều Tiên và Hàn Quốc trong hiện tại sẽ biết con đường nào là đúng, và đó phải là cuộc chiến xâm lược hay không? Cũng có rất nhiều nước gặp hoàn cảnh như thế nhưng họ thông minh hơn, họ tránh việc biến đất nước họ thành bãi chiến trường cho 2 cái chủ nghĩa đó đánh nhau. Và hiện nay, VN lại sắp trở thành miếng bánh cho thế giới xâu xé lần nữa, mà một bên là TQ, còn bên kia là các nước còn lại.
    Bài viết này lạc đề ở chỗ luật ANM là một luật vi phạm quyền tự do ngôn luận của con người, và người ta lên tiếng vì thế, nó chẳng liên quan những quan niệm bạn viết ở trên, mà nếu có thì nó chỉ chiếm 5-10% lý do mà mọi người phản đối, luật ANM sinh ra để bịt miệng dân chúng để bảo vệ chế độ, hậu quả của nó có thể dẫn đến mất nước và làm nô lệ cho TQ. Để giúp bạn hiểu thực tế nó như thế nào thì tôi sẽ tả sơ qua cho bạn hiểu một tí. Luật ANM biến mạng internet của VN thành một ốc đảo thông tin, hoàn toàn cô lập với thế giới, vì bất cứ dịch vụ nào muốn hoạt động ở VN đều phải chấp nhận để chính phủ VN kiểm soát, do đó những dịch vụ tôn trọng tính bảo mật thông tin của người dùng sẽ không đến VN, mọi thông tin mà bạn nhận được từ internet chỉ là thông tin 1 chiều, bạn chỉ biết được những tin tức mà chính phủ muốn bạn biết. Những trang như THDP này hoặc những trang nói về chính trị sẽ bị xóa sổ hoàn toàn, và kể cả bài viết này của bạn nếu bạn có viết thì cũng không trang nào dám đăng, kể cả những bài phê phán thói hư tật xấu của XH của bạn cũng bị xóa sổ, nếu bạn vẫn ngoan cố, thì trang mà bạn đang dùng sẽ khóa tài khoản của bạn vĩnh viễn, nghĩa là bạn cũng không thể mở một tài khoản mới vì để mở tài khoản thì cần thông tin xác thực, vậy là bạn bị loại trừ khỏi internet, khg chỉ bạn mà là tất cả những ai muốn bàn luận về chính trị và xã hội, internet chỉ còn là nơi để vui chơi giải trí.
    Bạn sẽ bảo bạn không cần dùng internet, bạn sẽ tìn hiểu thông tin bằng báo giấy, vậy thì mừng cho bạn, báo giấy 100% là của chính phủ, là thông tin 1 chiều, bạn sẽ không biết được bất cứ gì ngoài những tin họ muốn bạn biết. Bạn nói vậy thì bạn không đọc báo, bạn vẫn sống tốt, ok thôi. Giờ giả sử ngôi nhà bạn nằm trong diện giải tỏa, vì tham nhũng nên nó được đền bù bằng 1/2 giá trị thực, vậy bạn và gia đình bạn làm sao đây? đi đến tòa án để kiện nhà nước? bạn hô lên mạng? bài bạn vừa đăng sẽ bị xóa ngay, chẳng ai biết và chẳng ai quan tâm. thế là gia đình bạn dọn ra ngoài ở, gia đình bạn tiếp tục kiện, thế là kẻ tham nhũng đe dọa công ty bạn hoặc người thân bạn đang làm việc, hoặc mọi người ngừng kiện hoặc tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ hơn, giờ đây ai sẽ giúp bạn và gia đình bạn, bạn sẽ kêu cứu ai và kêu cứu ở đâu? Trong khi đó nếu có tự do internet, bạn có thể viết một bài với những thông tin và bằng chứng xác thực rồi tung lên mạng, sau đó sẽ có một làn sóng người vây quanh bạn để bảo vệ quyền lợi bạn cũng như gia đình. Ví như chuyện cô bé bị anh rể đánh, ví như chuyện tên già đảng viên ấu dâm, ví như chất thải formosa, ví như chuyện Đặc Khu Kinh Tế có thể khiến TQ tràng vào và tạo nên biểu tình vừa qua, hay việc giá xăng tăng giảm, mức thuế bạn phải trả trong mỗi bữa ăn và trong mỗi thứ bạn mua, chính tự do internet đã vạch trần những chuyện đó, nếu không có tự do internet, bạn thành kẻ mù trong chính đất nước của bạn, khg chỉ bạn mà là mọi người dân ở VN đều thành mù lòa cả, và TQ có biến VN thành nô lệ thì cũng chẳng ai biết luôn. Và khi ấy bạn nghĩ bạn còn tự do tự tại để viết những gì bạn muốn hay sao? và bạn có thể sống tự do theo ý bạn? muốn tự do mà không hiểu tự do là gì, không quý trọng và bảo vệ tự do thì làm gì có tự do để mà sống?
    Và tất nhiên, nếu có luật ANM thì mình cũng không thể nói với bạn những điều này để bạn hiểu, vì mình vừa đăng thì cả tài khoản của bị bốc hơi hoàn toàn, và cũng không còn trang cộng đồng nào để cho cái còm men này được đăng lên, họ sẽ khóa ngay tài khoản của mình khi họ đang kiểm duyệt. Đó là những viễn cảnh sẽ đến trong tương lai, ban đầu luật ANM không khắt khe như vậy, nhưng nó sẽ thắt lại từ từ, sẽ có các luật mới bổ sung và nó sẽ như vậy.
    Trước khi luật ANM được thực thi, nếu bạn không chữa bệnh mù về chính trị thì sau đó bạn sẽ không bao giờ có cơ hội nữa, vì mọi thông tin để bạn tìm hiểu đã hoàn toàn bị xóa sổ. Đừng tưởng mình nói quá, ví như sự kiện Thiên An Môn cả thế giới đều biết, nhưng hầu hết dân TQ không hề biết từng có sự kiện đó diễn ra, chỉ có một số vô cùng ít ỏi người biết, đó là những người có cơ hội ra nước ngoài, dùng phần mềm vượt tường lửa, hoặc gia đình của người bị hại trong sự kiện đó. Kể cả trí tuệ và hiểu biết của bạn cũng sẽ dừng lại và bị điều khiển mà chính bạn cũng không biết, vì mọi thông tin mà bạn nhận được khi bạn ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước này đều là thông tin 1 chiều.
    Đừng trách tôi nói nhiều, vì cũng không còn mấy cơ hội để tôi có thể nói cho bạn hiểu cái sự thật nó như thế nào 🙂

  3. Mình xin có một vài ý kiến sau khi đọc bài viết.

    Có vẻ câu kết bài như đã nói khái quát suy nghĩ của bạn khi viết bài này. Cứ cho sống ở thời kì văn minh này, đa số chúng ta vẫn không thực sự hạnh phúc. Vậy có nghĩa là ta chẳng cần bận tâm gì chuyện bị kéo tụt về thời đồ đá? Bạn nêu rất nhiều hình ảnh hãy tắt điện thoại, máy tính để bước ra ngoài thế giới thực, sinh hoạt, học hỏi nhiều hơn cùng nó; mà quên rằng nếu sử dụng đúng cách Internet luôn mang lại lợi ích khổng lồ, nhất là khoảng thời gian nó tiết kiệm được cho con người. Mọi thứ đâu phải lúc nào cũng hoặc là trắng hoặc là đen, nếu tôi đọc sách giấy rồi lên mạng gg thêm những thứ liên quan, nếu tôi học tiếng anh trên mạng rồi thực hành ngoài công viên, nếu tôi liên lạc với người thân ở xa qua mạng xã hội và gặp gỡ trực tiếp bạn bè quán cafe … Con đường sống chậm lại để hạnh phúc hơn rõ là chông gai, còn trước mắt, anh kiểm soát những gì tôi đọc hay tìm hiểu trên mạng, anh đang bóp nghẹt lựa chọn hay cơ hội học hỏi của tôi.

    Đặt ra điều luật mơ hồ có thể bỏ tù bất cứ ai nói trái ý, nếu không nung nấu 1 ý đồ xấu, sao tôi phải sợ? Giả sử có bao nhiêu thứ có vô lý đến đâu cũng mặc vì cây đã ngay thì không sợ chết đứng? Có ngây thơ quá không ạ?

    Quyền bất khả xâm phạm thân thể, bất khả xâm phạm đời sống cá nhân, quyền tự do ngôn luận đều là những quyền cơ bản của con người. Từ bao giờ 1 nhà nước có quyền lực ghê đến vậy, sấn qua luôn những quyền cơ bản (dù có vì lý do gì chăng nữa). Còn vấn đề 1 người thấy hổ thẹn với bản thân hay không, mình thấy không liên quan lắm.

    Chẳng ai chết cả khi Internet biến mất, nhưng 1 lần nữa nếu đã có thì sao không tận dụng lợi ích của nó. Tùy theo người dùng, Facebook, Google, Wikipedia hay mấy trang gì khác nữa, chúng ta có quyền chọn lựa dịch vụ nào mình nghĩ là tốt nhất chứ nhỉ. Vì suy cho cùng, nó có phải là một ân huệ miễn phí đâu.

    Riêng việc yêu nước, muốn cống hiến, sao không ứng cứ vào cơ quan nhà nước, mình xin không bình luận gì thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI