26 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Chúng ta có đang thật sự tự do không?

Featured image: Murad Hassan

 

Tôi luôn nghĩ cuộc đời của hầu hết mỗi người trong số chúng ta là những tháng ngày trầm lặng. Cũng như bao người khác, tôi luôn cảm thấy may mắn vì được sống “tự do” trong một đất nước không có chiến tranh loạn lạc. Nhưng có khi nào bạn bất chợt dừng lại và có một ý nghĩ thoáng trong đầu rằng: “Liệu chúng ta có đang thật sự tự do?”

Bạn luôn được tuyên truyền rằng bạn là công dân, bạn có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng. Có bao giờ bạn thực sự tin rằng mình có những quyền nói trên?

Có những bài báo vừa mới đăng lên đã ngay lập tức bị gỡ xuống chỉ vì đụng chạm đến một “vị” nào đó ở trên cao và những vụ việc đó có lỡ bị phanh phui cũng nhanh chóng bị cho chìm xuồng. Gần đây tôi nghe nói có chính sách thưởng đâu mấy tỷ đồng cho những người phát hiện tham nhũng, nếu bạn thực sự tin vào những điều đó, tôi khuyên bạn nên thử.

Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao những phiên tòa xử các đối tượng “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” luôn được xét xử kín, cấm công chúng và báo giới cũng như luôn được tuyên án rất nhanh chóng?

Có bao giờ bạn thắc mắc về lí do tại sao những cuộc biểu tình về bất cứ vấn đề gì, dù ở quy mô lớn hay nhỏ luôn bị cấm bởi lực lượng an ninh? Đừng nói là biểu tình chống chính quyền, bây giờ bạn chỉ cần cầm tấm bảng đề chữ “Tôi không thích ông X Chủ tịch UBND phường Y” đứng trước tòa nhà UBND phường thôi thì bạn đã có thể gặp rắc rối. Nếu bạn không tin, tôi khuyên bạn nên thử.

Thời gian gần đây có phong trào “Tôi không thích Đảng Cộng sản Việt Nam”, có nhiều người nghĩ rằng có một tổ chức nào đó đứng đằng sau mua chuộc những người này. Tôi nghĩ rằng việc thích hay không thích cái gì đó là quyền của mỗi người, đâu cần người khác phải cho bạn cái gì đó thì bạn mới quyết định thích hay không thích. Họ đơn giản chỉ là những người dám nói ra những điều mình không thích, chỉ thế thôi.

Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao trong một số những giờ giảng trên lớp thầy cô phải tắt micro và nói nhỏ khi nói những chuyện liên quan đến chính trị hay những vấn đề nhạy cảm? Và thầy cô cũng không quên nhắc các bạn đừng nói chuyện đó với bất cứ ai, vì tất nhiên là bạn và thầy cô của mình có thể sẽ gặp phải rắc rối. Mà dĩ nhiên tất cả chúng ta đều biết những điều đó là sự thật chứ không phải là một điều gì đó mà thầy cô bịa đặt ra để nói.

Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao những người theo đạo Công giáo lại bị hạn chế vào ngành công an theo một đạo luật bất thành văn? Việc bạn tìm thấy được một chiến sĩ công an nào đó có chức vụ cao theo đạo Công giáo khó như việc tự nhiên tìm thấy một nam sinh trong trường học dành riêng cho nữ sinh vậy.

Vậy thì sự thật đang ở đâu?

Có khi nào bạn thắc mắc tại sao những kẻ đánh bom liều chết Taliban lại điên khùng liều mạng chết một cách mù quáng như vậy không? Sự thật thì những kẻ đánh bom liều chết vốn là những đứa trẻ bị bắt cóc từ khi còn rất nhỏ, từ khi chúng chưa nhận thức được thế giới xung quanh. Sau khi bị bắt cóc, chúng sẽ được ở trong một khu vực hoàn toàn cách ly và được dạy về những điều mà chúng cần được dạy theo định hướng của Taliban. Dĩ nhiên là bọn trẻ tin theo vì chúng đâu có một nguồn khác để tham khảo và đối chiếu xem đâu mới là điều đúng đắn. Và cuối cùng, cho tới khi chết, chúng vẫn nghĩ rằng điều mình làm là đúng.

Bạn có thấy có sự liên quan giữa chúng ta và những kẻ đánh bom liều chết Taliban? Từ khi sinh ra, chúng ta được dạy những điều mà “họ” muốn chúng ta được dạy. Những thông tin hay kiến thức mà bạn được dạy hay được biết không phải lúc nào cũng là đúng mà chính xác nó chỉ là những điều mà họ “cho phép” bạn được biết và nó hoàn toàn bị kiểm soát. Bạn không có nguồn thông tin khác để đối chiếu và tin chắc rằng những điều bạn biết là đúng, là sự thật. Và rồi khi có một người nào đó đến và cho bạn biết một điều gì đó ngoài hiểu biết của mình, bạn cho rằng đó là những điều bịa đặt.

Giả sử từ xưa đến nay có một người mà bạn vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng vì những đức tính tốt của người đó. Rồi một ngày bạn nghe một số người nói những điều cực kì tồi tệ về người đó mà bạn không thể nào tin là người đó có thể làm. Vậy việc tiếp theo bạn làm sẽ là tiếp tục sùng bái người đó và chỉ trích những người nói xấu về người đó hay bạn sẽ tìm hiểu xem liệu nó có đúng sự thật?

Có một nhà khoa học từng hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng: “Nếu có một ngày nào đó có những thành tựu khoa học làm bằng chứng và phản bác lại những đức tin vốn có và vững chắc từ trước đến nay của Ngài thì Ngài sẽ làm thế nào?”  Sau một hồi lâu suy nghĩ, Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng:

“Nếu thực sự có một ngày nào đó có những bằng chứng khoa học phản bác lại đức tin của tôi, thì sau khi xem xét tất cả tài liệu một cách kỹ lưỡng, nếu quả thật nó đúng là như vậy, tôi sẽ từ bỏ đức tin của mình.”

Vậy, nếu có một ngày bạn được những người khác đưa ra những thông tin hoàn toàn trái ngược với đức tin vốn có từ trước đến nay của bạn, thì bạn có dám tìm hiểu và xác thực những thông tin đó hay quay lại chỉ trích họ? Và nếu những thông tin đó hoàn toàn là sự thật, liệu bạn có dám từ bỏ đức tin của mình?

Và cuối cùng, liệu chúng ta có đang thật sự tự do?

P/s: Trên đây là những ý kiến cá nhân của tôi, nếu bạn thấy ý kiến của tôi không đúng, hãy đưa ra lập luận của mình để phản bác. Nếu ý kiến của bạn là đúng, tôi sẽ thay đổi ý kiến của mình. Hãy tranh luận có văn hóa và đừng tranh luận với người mà bạn ” không biết họ là ai.”

P/s 2: Nếu có thể, các bạn hãy tìm đọc truyện Animal Farm ( tựa Tiếng Việt là Trại súc vật hay Chuyện ở nông trại) và xem phim Last Days in Vietnam.

Tôi từng viết một bài khác về chính trị cách đây cũng khá lâu, nếu bạn quan tâm có thể đọc: Bạn lựa chọn đứng về phía nào?

 

Snowball

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

5 BÌNH LUẬN

  1. Và tôi nói tôi không thích bài của bạn. Bạn sẽ nói đó là quyền của tôi. Vậy tôi thích xử kín bạn. Đó là quyền tự do của tôi. Cho nên, tự do của mình ảnh hưởng đến tự do của người khác và ngược lại. Nên bạn sẽ không thể khẳng định được cái quyền tự do này của bạn có đúng hay không. Mà khi bạn không chắc cái sự tự do của mình có đúng hay không thì chẳng có tư cách gì phán xét nó.

    Về câu chuyện “cảm động” cũng chỉ là niềm tin của bạn dựa trên hệ tư tưởng, thái độ của bạn cho một đối tượng mà bạn không hề có bằng chứng cụ thể, nên xác suất vẫn chỉ có 50% là bạn đúng mà thôi. Nói cách khác bạn đang đi gieo rắc cái sự nghi ngờ của bạn vào đầu người khác để tạo nên “sự thật” mà không phải là sự thật.

    Nói chung thì chẳng thể có một cái gì đó gọi là tự do trên cõi đời này, cũng chẳng có cái gì đó là tự do ý chí cả. Kể cả xứ Mẽo dân chủ văn minh nhân quyền toàn thế giới. Có thể bạn dựa vào tiêu chuẩn Mỹ để phán xét về chính quyền, ờ thì đó là quyền của bạn. Bạn có thể tỏ thái độ không thích về Đảng, về Chính quyền miễn sao bạn có thể chịu hậu quả về pháp luật, xã hội. Như vậy rõ ràng là bạn có tự do rồi đấy. Nhưng quan trọng cái giá phải đổi lấy sự tự do là gì.

    Nói đi nói lại, bạn không hề muốn tự do mà chỉ muốn cái giá đổi lấy tự do rẻ hơn mà thôi. Tôi rất nể những thanh niên kêu gào tự do nhân quyền trong khi họ không hiểu thế qué nào là tự do và bản chất thực sự mình đang làm cái gì, đánh đổi lấy cái gì.

  2. Khái niệm tự do của tôi khác với tác giả.

    Con người – với món quà tư duy mà Thượng Đế ban tặng – có lẽ là loài vật duy nhất có thể nhận thức được thời gian. Nhưng khi họ bắt đầu chia nhỏ thời gian của mình ra thành giờ/phút/giây, và tự gò ép mình trong khuôn khổ đó, ấy là khi họ đã đánh mất tự do của chính mình.

    Vậy nên, để trả lời cho tựa đề bài viết này, tôi sẽ nói rằng không ai trong chúng ta thật sự tự do cả. Tôi thấy mình tự do khi dứt hết đoạn nghiệp duyên với cõi trần, bạn thấy tự do khi được hít thở bầu không khí dân chủ bình đẳng, và chắc chắn trong những khóc khuất đâu đó sẽ có những người thấy tự do khi được thoải mái làm điều xấu xa mà không bị trừng phạt. Xét cho cùng thì ai đúng ai sai? Hay vốn bản chất của cuộc sống này là sự đấu tranh liên tục, có áp bức để nhận ra tự do, và đôi lúc tự do đạt tới mức cần phải được kìm hãm?

    Tôi không phủ nhận ý định tốt của tác giả, nên chỉ muốn kết luận: cái chúng ta cần nhất chính là sự tự do trong tư duy. Có được tư duy không bị ràng buộc bởi lễ nghi, thói quen, quyền lực, chỉ thuần túy là sự minh triết về xã hội Việt Nam nói riêng và loài người nói chung sẽ đem lại hạnh phúc cho bạn, cho tôi và tất cả mọi người.

  3. cái gì cũng có nguyên nhan của nó bạn ak. Mỗi nươc mỗi hoàn cảnh khác nhau và chúng ta cũng thế một đất nươc không được tự do ngôn luận như nước một cái mà được gọi là luật bất thành văn nó dần quen với chúng ta rồi cho nên rất dễ để hiểu. Không Những những cái trong bí mật chính trị của ông này bà nọ không được xét mà ngay cả những người bình thường như mình cũng theo một khuôn khổ của xã hội mình nó cũng đang dần ăn sâu vào trong mỗi người rồi chứ đâu phải là ngày một ngày đôi đâu bạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI