28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Nói về “Suối Nguồn” của Ayn Rand và Chủ nghĩa vị nhân sinh

“Nếu bạn nghĩ bạn đang xây nhà cho người nghèo, bạn sẽ xây lên toàn ổ chuột.” – khuyết danh

Từng có một dạng xã hội mà mọi cá nhân trong xã hội ấy đều đi theo chủ nghĩa vị nhân sinh. Họ đi theo một cách triệt để và mù quáng. Họ sống và ham muốn những giá trị mà họ biết những người khác trân trọng. Họ làm những việc mà những người khác kêu họ làm. Họ sung sướng theo cách mà người khác sung sướng. Họ vui vẻ trong niềm vui mà người khác bảo là đáng vui mừng.

“Anh sẽ hiểu ý nghĩa tác phẩm này nếu anh đủ đức hạnh để hiểu nó.” Và thế là mọi người ai cũng cố tỏ ra là mình cảm được tác phẩm. Có dạng còn thay thế đức hạnh đó bằng một đức hạnh khiêm tốn phô trương:

  • “Tôi không hoàn toàn hiểu được vở kịch đó muốn nói gì, nhưng tôi cảm được sự thiêng liêng từ nó.”
  • “Tôi dám chắc là anh ấy sẽ nổi tiếng với tài năng đó, tác phẩm đó của anh ấy quá xuất sắc còn tầm cảm nhận của tôi thì hạn chế, nhưng tôi vẫn dám chắc điều đó.”

Dù các tác phẩm ấy có thể toàn là rác rưởi, và được lên sân khấu, viết thành sách, hay dựng lên bởi các thế lực phía sau. Họ sẽ không dám làm nếu người hàng xóm của họ chưa làm, không dám lên tiếng nếu người hàng xóm của anh ta im lặng, và người này sống theo đạo đức và hành vi của người kia, người kia sống theo đạo đức và hành vi của người kia nữa, cứ như thế.

Chủ nghĩa vị nhân sinh dạy cho họ các giá trị về niềm tin vào làm việc tập thể, rằng mỗi người đều tài giỏi về một mặt và sự kết hợp lại là sự hoàn thiện lẫn nhau cho con người về mọi mặt. Con người luôn đầy khiếm khuyết và dã tâm, cần làm việc với tập thể để có sự điều độ, tránh sự độc đoán “anh không nghĩ cho tôi là tôi cũng có ý kiến riêng của tôi đấy chứ.” “Anh đừng nghĩ mình quá tài giỏi mà không chấp nhận ý kiến người khác chứ.”

Và chủ nghĩa vị nhân sinh dạy họ rằng các giá trị từ xa xưa là các khuôn mẫu không thể phá vỡ, là tiêu chuẩn mà anh chỉ cần thêm vài nét của riêng anh là anh đã có một kiệt tác của riêng anh. “Anh là ai mà mong muốn sự thay đổi trên những tín điều mà xã hội ai cũng coi là tiêu chuẩn chân thiện mỹ”, dạy cho họ cách sở hữu những giá trị siêu việt chỉ bằng vài ngón nghề sao chép và chế biến.

Và cuối cùng, chủ nghĩa vị nhân sinh chủ yếu dạy họ sống vì người khác, vì luôn khẳng định con người luôn là những cá thể mang đầy vấn đề, mang đầy khuyết điểm, đến cả những cá thể bất hạnh, khuyết tật về thể chất hoặc tâm hồn, tìm đến những cá thể đó mà ban phát sự giúp đỡ, an hưởng và khoái lạc trên sự ban phát đó, họ tự cho mình quyền giúp đỡ không điều kiện đối với những cá thể mà họ cho là yếu kém hơn, cảm nhận hạnh phúc như kẻ bề trên, dạy họ sống hi sinh bản thân vì những giá trị mà họ được dạy là sự cứu rỗi cho tâm hồn họ bằng việc luôn tìm đến những cá nhân bất hạnh, không hề xuất phát tự ý chí tự thân mà xuất phát từ cám dỗ của một thứ “thuốc phiện” được rao giảng “hãy sống vì người khác”.

Và rồi khi cả xã hội nhuần nhuyễn thứ thuốc phiện đó, điều gì sẽ xảy ra? Mọi thứ đều tốt đẹp hơn? Con người có tình yêu bao la quên mình? Mọi người hòa đồng tương ái?

Đó chỉ là vẻ ngoài đẹp đẽ của cái xã hội bong bóng rỗng toác từ giá trị sống đến vật chất sống. Ở đó tất cả các loại văn chương hổ lốn vô nghĩa đều được đưa ngang tầm với những kiệt tác thật sự, các vở kịch sáo rỗng sao chép đều được tán thưởng nhiệt liệt không thua gì các vở kịch bị nó sao chép, các công trình kiến trúc nhạt nhẽo nhàm chán luôn được ca ngợi là “thật phá cách trong tinh thần thống nhất”.

Và mọi sự xuất sắc siêu việt đều bị chỉnh sửa sao cho hợp với phong cách số đông, tất cả chúng bị ném đá nếu chúng được làm ra dưới tên của một người, nhưng lại được coi là kỳ quan nếu được làm ra dưới tên một hội đồng, mà hội đồng thì luôn đảm bảo nó được làm nên bởi nhiều ý tưởng, các ý tưởng chắp ráp làm nên một quái thai. Tất cả thuộc tính đặc sắc của mỗi cá nhân đều bị nhào nặn và cho sáp nhập chung với tập thể xã hội, học lấy tâm lý bầy đàn, học lấy các giá trị chung mà chủ yếu là chủ nghĩa vị nhân sinh rao giảng, loại bỏ cái tôi, loại bỏ cái vị kỷ. Họ chết khi 25 và được chôn ở tuổi 75. Ở đó các sự siêu việt thiêng liêng kỳ vĩ không bị báng bổ bởi việc đập phá hay dẹp bỏ, mà bị báng bổ bởi việc đưa các thứ rác rưởi, trống rỗng, sao chép lên ngang bằng các đỉnh cao, một xã hội rồi không có đỉnh cao trong bất cứ hệ giá trị nào.

Ở xã hội đó, con người được mặc định là sinh vật yếu kém, khiếm khuyết, chỉ có sự liên kết cùng nhau mới có thể tạo nên một giá trị nào, họ cam nhận ý chí sống bám vào đám đông coi như một đức hạnh, cam nhận ý thức sao chép ăn cắp cái không do họ làm ra như một nghĩa vụ xã hội giao cho. Nó giả dối làm sao trong việc vinh danh quần chúng lên án các sự khác biệt, giả dối làm sao trong việc mang vào mình những chức danh đã bị làm rỗng hay dị dạng, giả dối làm sao khi vinh danh đức hi sinh, vị nhân sinh để tìm lấy đức hạnh tâm hồn do số đông định nghĩa. Hãy làm mọi việc vì nhu cầu tự thân.

Xem thêm

25 danh ngôn Ayn Rand – một trong những triết gia hàng đầu của chủ nghĩa tự do

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI