Featured image: Dream on
1. Truyện cổ Andersen – Nhà trẻ
Đây là bộ sách đầu tiên tôi đọc, hay đúng hơn là mẹ đọc cho tôi. Đến giờ tôi vẫn tin đây là nơi đã bắt đầy tất cả, những lời của Andersen là hạt giống nguyên thuỷ của hết thảy những dòng văn tôi viết sau này. Dẫu rằng tôi đã sa theo hướng triết lý, gọt giũa câu chữ, nhưng viên pha lê màu xanh lục trong vắt lấp lánh đó vẫn là hạt nhân. Và tôi không muốn mất nó.
2. Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống (Flotsam – Erich Maria Remarque) – Lớp 7
Tôi không nghĩ đây là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, bằng chứng là Google và Wikipedia không cung cấp nhiều thông tin lắm. Thế nhưng một quyển khác nổi tiếng hơn của Erich, Lời bộc bạch của một thị dân, tôi lại không ưu ái bằng quyển này.
Bản du ca cuối cùng bỏng rát như ngọn lửa Thế chiến, hoang dại như đốm lửa du mục, và đẹp như một khúc ca hồn nhiên phóng khoáng. Đến giờ tôi vẫn nhìn thấy mình nơi Kern, Steiner và Ruth – những con người đang trẻ, bị trục xuất khỏi nơi chôn nhau cắt rốn bởi sự tàn nhẫn của đồng loại, lang thang không nơi thừa nhận, không có quê hương để quay về, không có mục tiêu để đi tới. Họ cứ tiếp tục trôi dạt và lẩn trốn.
Và cách mà họ duy trì hy vọng không còn là điều gì đó lãng mạn. Nó đã trở thành vấn đề sống còn. Trong hoàn cảnh đó, nếu không hy vọng thì chỉ có tự vẫn.
3. Mùi hương (Perfume – Patrick Suskind) – Năm 1
Mùi hương, nó là một tuyệt tác. Tôi không biết diễn tả về nó như thế nào cho chính xác. Tôi đọc nó liên tục trong hai ngày, gác hết cả bài vở sang một bên.
Mùi hương không có tính thiện và tính ác, không có protagonist lẫn antagonist. Mùi hương chỉ có hương, thứ hương thơm mãnh liệt, nồng nàn nhắc cho chúng ta ở một thế giới nào đó vẫn tồn tại chuyện đẹp – không đẹp, chứ không có ranh giới thiện – ác. Và đôi khi ta ngờ rằng thế giới đó cũng không xa đây lắm đâu. Nhắm mắt lại và chìm sâu vào những góc tối khuất nhất trong tâm hồn mình, ta sẽ thấy ở đó một lọ nước hoa lặng lẽ toả sáng, ánh trong như ngọc. Và ta sẽ bất chấp mọi thứ để hé mở nắp lọ, kể cả khi ta biết mở lọ nước hoa ra sẽ như mở chiếc hộp Pandora của cõi hồn mình. Có những lúc ta không còn định nghĩa giữa thiện và ác, chỉ còn cái đẹp và một tình yêu thuần khiết.
4. Suối nguồn (The Fountainhead – Ayn Rand)
Viết đến đây lại bị crash mà không kịp copy. Cảm phiền tôi chỉ để lại vài câu chính, không rườm lời:
– Tôi mất một năm để đọc hết Suối nguồn
– Tôi đã khóc vài lần, có lần vì sự tương cảm thuần khiết của Mallory và Roark, và của những người cực đoan như họ – thứ mà tôi sẽ không bao giờ có được, lần khác vì Roark nói những điều tôi nghĩ, và cách anh nói nghe như thể đang chửi vào mặt một đứa sống mòn như tôi.
– Trong phạm vi tôi quen, người nghĩ mình giống Roark thì nhiều. Người giống Roark – tuyệt không có ai.
– Khi gấp quyển sách lại, tôi nhận ra là mình đã rất yêu quý nhưng không hề đồng ý với anh.
5. Giết con chim nhại (To Kill a Mocking Bird – Harper Lee)
Vì nó là một tuyệt phẩm tràn đầy sự điềm nhiên. vì tôi thấy mình giống Jean Louis “Scout” Finch. Lẽ ra tôi còn có thể giống hơn nữa, và đáng ra tôi nên như thế.
Thích nhất “Bắt trẻ đồng xanh”. Vừa đọc vừa cười khanh khách!!!
Ngày xưa mình đọc Suối nguồn mất gần 1 tháng. Mình cứ nghĩ mình là người đọc chậm nhất rồi chứ hihihi. Thực ra thì vừa đọc vừa suy ngẫm đến 1 năm thì thật ngưỡng mộ bạn 😀
Mình đã đọc Suối nguồn, và đọc nhiều lời bình luận về tác phẩm kinh điển này. Nhưng nhận xét của bạn về cuốn sách thì thực sự rất ấn tượng. Ngắn gọn, rõ ràng, đầy đủ và rất đặc sắc.
Mình thích cuốn truyện cổ andexen, và mới mua luôn, mà cũng vừa tịch thu vì tội đọc trong giờ học 🙂
“Mùi hương” quả thật là câu chuyện rất lạ. Trước và sau nó, chưa có quyển sách nào mang đến cho tôi hương vị ngọt ngào kỳ hoặc và lôi cuốn theo kiểu chết người như vậy. Khi đang đọc chỉ muốn nó kết thúc nhanh nhanh đi, vì cảm giác đồng loã tội lỗi khi hả hê hân hoan sau những phi vụ giết người vừa kinh khủng vừa đẹp hút hồn. Vậy mà khi đọc xong chỉ muốn nó đừng bao giờ dừng lại. Nó cho tôi một định nghĩa thế nào là đam mê, và sự hy sinh cho đam mê đó là gì. Một quyển sách khác biệt với tất cả.
“Suối nguồn” cũng là một tác phẩm khó dứt ra sau khi cầm nó trong tay. Tôi cũng mất cả năm để nuốt hết và để quên hết. Nhân vật quá đắt, quá cá biệt, quá mạnh mẽ, nên quá đẹp và cuốn hút. Chữ cuốn hút không nói hết được cái ám ảnh mà tôi bị nó quấn chặt. Tôi hôm nay và tôi hôm qua cách nhau bởi “Suối nguồn”. Tôi không phải là Roark, càng không bao giờ được như anh, tôi cũng không đồng ý cách sống ráo riết cực đoan của anh, nhưng không phủ nhận tôi đang học cách sống ấy mỗi ngày. Trong vô thức, tôi đã thay đổi, theo một hướng mới, y như đang ngồi trong phòng tối thì bỗng một cánh cửa mở ra, và tôi chỉ có cách duy nhất là đứng lên và tiến về phía ấy.
Mình đọc Suối Nguồn, sau đó là Bắt trẻ đồng xanh, cuối cùng là Rừng nauy, thì nhận ra rằng những quyển này đều có những điểm tương đồng với nhau về việc đặt vấn đề, có điều cách giải quyết thì khác nhau. Không biết còn quyển nào thuộc dạng vậy không nhỉ?
5 cuốn sách có ảnh hưởng tới tui nhất:
1. Tôn tử binh pháp (Art of War) ( cuốn này thì khỏi nói rồi!)
2. Quân Vương (the Prince) (Làm chính trị mà ko coi cuốn này thì ko hiểu chính trị là gì!)
3. Thánh nhân cười (cuốn này của cụ Thu giang Nguyễn Duy Cần, đọc rất thú vị!!)
4. Trang tử – Nam hoa kinh ( ai thích chuyện ngụ ngôn thì đọc cuốn này!)
5. Chiến Quốc Sách ( sách này là của Tung Hoành gia – một trong bách gia chư tử. Muốn học biện luận, hùng biện thì phải đọc cuốn này!)
1. Mình rất thích phần bạn viết về truyện cổ Andersen. Ngắn gọn nhưng sâu sắc.
2. Từ bé đến lớn, chưa một quyển sách nào khiến mình bị “choáng váng” như Suối Nguồn. Mình đọc và cảm thấy bị đau đầu kinh khủng, mình phải nghỉ giữa chừng. Chưa có cuốn sách nào mà mình đọc bị ngắt quãng như thế. Mình mới đọc xong lần 1 và vẫn chưa thực sự hiểu được Gail Wynand. Đọc tác phẩm này, thấy thật phục Nữ tác giả Ayn Rand. Cuốn này phải nghiền lâu mới hiểu hết được.
Mình cũng đồng ý với bạn “Người nghĩ mình giống Roark thì nhiều, người giống Roark-tuyệt nhiên không có ai.”
2. Mình thích những câu bạn viết. Ngắn gọn, dứt khoát và trọn vẹn.
Mình đọc “Suối Nguồn” trong 2 tuần.
Có vẻ rất nhiều người đọc cổ tích thần thoại đầu tiên giống mình. Hồi lớp 2-3 đọc nghìn lẻ 1 đêm, rồi grim, an-dec-xen…
😀 Bây giờ chỉ còn giữ lại đc quyển an-dec-xen. Ngày bé cứ ôm quyển truyện dày cả trăm trang ngấu nghiến như chết đói, nhờ thế bây giờ đọc sách chữ không bị choáng như nhiều người.
Truyện cổ tích là một lối tiếp cận rất phù hợp trẻ nhỏ, để tương lai đọc những sách có trọng lượng “nặng” hơn.
Mới đọc Mùi hương. Chưa dám sờ đến Suối Nguồn vì trông ngoại hình nó thật khủng khiếp 🙂