28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đất nước thời bình — Văn hóa thời loạn

Featured image: Idyllimonkeys

Văn hóa là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá sự tiến bộ, phát triển một xã hội, một dân tộc. Thế nhưng không khó để nhận ra những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc đang dần bị mai một, xuống cấp. Tất cả như đập vào mắt chúng ta hàng ngày, mọi lúc mọi nơi, nếu chúng ta thấy điều đó ở ngoài đường, chúng ta cũng có thể thấy điều đó ở cơ quan, ở quán ăn, nơi vui chơi, trong nhà trường, và ở ngay tại gia đình… Vậy, đâu là nguyên nhân của sự xuống cấp này?

Về bản chất, văn hóa được lưu giữ, phát triển thông qua giáo dục. Và khi giáo dục không làm tốt được chức năng của mình thì văn hóa lập tức gánh hậu quả. Chúng ta sở hữu một nền giáo dục có quá nhiều vấn đề để nói.

Giáo dục hình thành bởi sự kết hợp giữa giáo dục tại gia đình và giáo dục trong nhà trường. Tại gia đình, nơi để những bậc làm cha làm mẹ là tấm gương mẫu mực cho con cái, dành thời gian quan tâm dạy dỗ con cái một cách có khoa học, có nền tảng. Tuy nhiên, những gia đình làm được như thế lại không nhiều, mà rất nhiều bậc cha mẹ coi đó là trách nhiệm của nhà trường, của xã hội; tệ hơn một số còn là “tấm gương”: nói tục, đổ lỗi, ích kỷ, cờ bạc, thuốc lá… và vô số tệ nạn xã hội khác cho con cái. Có lẽ chính họ cũng không ý thức được rằng chính những thói quen chết người ấy đang vô tình “hủy hoại” tâm hồn những đứa trẻ vốn chỉ như tờ giấy trắng. Nhìn vào những đứa trẻ hư hỏng, phạm tội, mà hầu hết chúng sinh ra trong những gia đình không hạnh phúc, thiếu thốn tình cảm từ gia đình… thì đủ thấy được gia đình quan trọng đến như thế nào tới sự phát triển nhân cách, lối sống của mỗi con người.

Song cùng với gia đình thì nhà trường cũng nắm một vai trò quan trọng trong việc định hướng, xây dựng nhân cách, hiểu biết và rèn giũa năng lực cho mỗi cá nhân. Tuy nhiên điều đáng nói là nền giáo dục của chúng ta đang phát triển một cách lệch lạc, lệch lạc từ thái độ đến phương pháp dạy. Tại bất cứ đất nước phát triển nào trên thế giới, nền giáo dục của họ đều phát triển dựa trên những tôn chỉ, triết lý riêng. Nếu giáo dục Mỹ dựa trên những triết lý thuyết phục, rõ ràng bao gồm: Thuyết bản chất (Essentialism), thuyết tiến bộ (Progressivism), thuyết trường tồn (Perennialism), thuyết cải tạo xã hội (Social reconstructionism) và thuyết hiện sinh (Existentialism)… đã xây dựng nên cường quốc phát triển bậc nhất trên thế giới, thì tại Singapore với triết lý “Trường tư duy, quốc gia học tập” và phương châm “dạy ít, học nhiều” thành công của họ không chỉ được khẳng định bằng nền giáo dục với chất lượng hàng đầu châu Á mà còn bằng một đất nước luôn nổi tiếng với sự văn minh, hiện đại..

Vậy, câu hỏi đặt ra là triết lý giáo dục Việt Nam là gì? Đặt câu hỏi này cho những người làm giáo dục nước nhà (ý tôi nói là những người làm công tác quản lý, định hướng giáo dục) liệu có bao nhiêu người trả lời được? Lại thử đặt câu hỏi tương tự dạng như “mục đích của việc học là gì?” cho giáo viên, học sinh thì chắc chắn không bất ngờ gì khi câu trả lời nhận được chỉ là sự ngỡ ngàng rồi im lặng từ cả người dạy và người học. Tại sao? Bởi triết lý giáo dục Việt Nam (nếu có) thì là “Tiên học lễ, hậu học văn”, hay “Học đi đôi với hành” chẳng hạn? Nhưng nếu chúng ta coi đó là những triết lý giáo dục thì cũng chỉ là sự giáo điều, sáo rỗng. Triết lý giáo dục? Hoặc không có hoặc có như không thì tựu chung lại cũng là không có.

Cũng vì thế chúng ta có mô hình giáo dục chẳng giống ai. Chúng ta tập trung nhân lực, cơ sở, những gì tốt nhất để đi xây cái “nóc nhà” giáo dục là Đại Học, trong khi việc này chẳng mang nhiều ý nghĩa khi mà trước đó “cái móng” lại chỉ được xây qua loa cho xong chuyện. Chúng ta xây những trường mầm non lớn, đầy đủ tiện nghi, từ nhà ăn đến sân chơi, nhưng lại chỉ sử dụng chỉ để… “trông trẻ”! Khi chính những giáo viên mầm non ấy cũng luôn “ý thức rõ ràng” rằng mình làm nghề “trông trẻ” thì liệu họ có thể dạy trẻ ý thức, trí tuệ, phát triển khả năng và quan trọng hơn là nhân cách? Câu trả lời như thế nào thì ai cũng rõ.

Đó là chưa kể sự sáo rỗng, lệch lạc ấy tiếp tục có đất diễn ở tiểu học, trung học và cả đại học. Hãy nhìn cái cách mà những học sinh cấp 2, cấp 3 ứng xử với bố mẹ, thầy cô, và người xung quanh. Hãy nhìn cách chúng ứng xử nơi công cộng, hãy nghe chúng nói tục, chửi bậy ngoài đường, trên facebook… Rồi nhìn tới những xóm trọ sinh viên xem họ sinh hoạt như thế nào? Hãy nhìn họ dùng thời gian bốn, năm trời sinh viên để chơi game, để tiêu tiền, để hưởng thụ như thế nào?

Trong khi chúng ta đang quanh quẩn với những vấn đề của giáo dục, chúng ta cải cách giáo dục, chúng ta đi tìm triết lý giáo dục… thì vấn đề của văn hóa Việt Nam đã vượt ra khỏi biên giới, “vươn ra tầm quốc tế” bằng một cách mà không ai muốn…

Đắng lòng khi người Việt ta đi đâu cũng bị săm soi, kỳ thị, chúng ta trở nên nổi bật một cách “đau đớn”. Người nước ngoài kỳ thị người Việt ta kỳ thị đủ thứ: từ trộm cắp vặt, ăn uống lãng phí trong tiệc buffet, đến trốn vé tàu, đánh nhau, vứt rác bừa bãi… thật xấu hổ! Phải chẳng khi đất nước đã thời bình thì văn hóa lại bắt đầu thời loạn?

 

Lê Thành Đạt

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

35 BÌNH LUẬN

  1. Lâu ngày vào mới thấy nhiều bạn quan tâm và nhận xét góp ý mà mình chưa có thời gian trả lời. Trước tiên mình chân thành cảm ơn tất cả những nhận xét góp ý của các bạn. Nhân đây mình cũng chỉ xin làm rõ một vấn đề sau đây: nhiều bạn sử dụng từ “sao chép”, điều này mình ko đồng ý. Một bài viết có phần NỘI DUNG và HÌNH THỨC,các bạn khách quan đánh giá giúp mình:
    1. Hình thức giống phần triết lý giáo dục (khoảng 10% bài viết)
    2. Nội dung truyền tải: mình đi sâu vào phân tích nguyên nhân sự xuống cấp của nền văn hóa và câu trả lời là sự lệch lạc trong quan điểm giáo dục từ gia đình, xã hội, đến nhà trường VN ><Trong khi bài viết của aNam thì tập trung vào đi tìm triết lý giáo dục).
    Đây là bài viết đầu tiên của mình vì thế còn nhiều thiếu sót dù bị "ném đá" khá nhiều nhưng vẫn mong nhận đc thêm sự góp ý của các bạn để bài viết sau của mình hoàn thiện hơn. Thân ái.

  2. Mình đọc xong thì có thấy có 1 số nhẩm lẫn về từ ngữ: triết lý giáo dục sẽ khác với khẩu hiệu giáo dục, khác với chủ để giáo dục, có lẽ bạn tác giả nên xem lại. Còn về những “học thuyết định hướng giáo dục”, thì Việt Nam cũng có đấy ạ! Tuy ko rõ ràng và phân tích cách khoa học. Ví dụ: thuyết trường tồn: môn vật lý: dạy những nguyên tắc vật lý đã được chứng minh và áp dụng rộng rãi trong đời sống…. đôi lời chân thành

  3. 1. Văn hóa có một ý nghĩa khác thiêng liêng, nó cũng cần được tác ra để phân biệt với giáo dục
    2. So với các dân tộc tiến bộ khác dân tộc mình có nền văn hóa yếu, dựng nên cả một nền văn hóa mới không phải là chuyện gì đó dễ dàng. Văn hóa không phải là thứ có thể khác nhau ở thời bình hay thời chiến, mà nó là thứ đi theo suốt đời của 1 dân tộc

    • Bạn hình như chưa đọc hoặc có thể chưa hiểu hết ý của mình rồi,
      1.”giáo dục con người” ko chỉ đơn thuần là giáo dục trong trường học, mà nó bao gồm cả giáo dục gia đình, giáo dục xã hội…tất cả điều đó ảnh hưởng sâu sắc tới việc duy trì và phát triển của một nền văn hóa.
      2. “Thời bình hay thời chiến” là cách vì von giữa văn hóa phát triển và văn hóa bị lệch lạc, hay có thể nói “loạn văn hóa”.

  4. Tiêu đề là nói văn hóa nhưng sao nội dung lại là giáo dục nhỉ ?
    Có vẻ như tác giả đã đặt sai tên bài biết rồi,
    hay do mình không nhỉ dụng ý nhỉ 🙁

      • Xin lỗi, những gì bạn viết đều không có gì mới, cái mới chính là tinh thần chung cho 1 bài báo khoa học. Những gì bạn viết, nếu không lầm, mình đã đọc trên vnexpress (nếu cần mình sẽ trích dẫn). Và cuối cùng là giống như nhiều tác giả khác, kể cả nhà báo này kia ở đất nước chúng ta, thường chỉ nêu ra hiện tượng.
        Thân

          • Bạn có vẻ là người vui tính ha. Mình đồng ý với bạn về mặt dữ kiện của nền giáo dục Mỹ, ngoài ra nội dung hướng về cái gì? Khía cạnh phân tích cũng giống nhau ư? Mình ko phải là người có trí tượng phong phú đến như vậy. Những ý tưởng đóng góp xây dựng bao giờ cũng tốt hơn bạn ạ.

          • Đoạn “triết lý giáo dục Mỹ”…. và “Tiên học lễ, hậu học văn”,…không sai một chữ, bạn nên nói mình trích dẫn bài viết của tác giả Lương Hoài Nam, mọi người sẽ tôn trọng bạn hơn. Đằng này người comment “Khoai Lang” nói đúng bạn lại không chịu thừa nhận, làm người không nên vậy bạn ah.. lời khuyên chân thành

          • Theo mình bạn nên đọc sách nhiều hơn nữa, mới có khả năng viết bài kiểu này, bởi vì viết bài rất khó. Không dễ như những phóng viên lá cải viết lăng nhăng trên mạng. Bạn thấy những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, dù nhiều người học không cao nhưng họ nói và viết đều rất hay, mới và đặc sắc. Vì họ có 1 tri thức kiện toàn nhờ đọc nhiều sách và kiến thức thực tế.
            Xin lỗi, dạo này mình thấy nhiều bạn viết về văn hóa VN, và những vấn đề như giáo dục, theo mình đó là những đề tài khó. Bạn không thử bắt đầu bằng những chủ đề dễ dàng hơn xem sao bằng những bài luận ngắn.
            Thân.

          • Rõ ràng bài viết sao chép từ bài viết của tác giả Lương Hoài Nam, nhưng vẫn không chịu thừa nhận. Làm tác giả một bài viết cần phải có phong cách riêng chứ, sao sao chép, rồi nói bài viết của mình.

  5. Đôi khi đạo Khổng (VN vốn phụ thuộc) không phải là hay lắm nhưng nó duy trì được trật tự xã hội, làm cho con người tự xấu hổ với chính bản thân mình mà không dám làm điều gì không tốt. Khi đất nước trở lên giàu có hơn thì chúng ta lại thèm có cuộc sống nghèo của hơn 20 năm về trước, cuộc sống giữa con người với con người thật sự là Người

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI