27 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Khi Lỗi Lầm Thuộc Về Những Vì Sao – John Green

Featured Image: Bìa sách “Khi Lỗi Lầm Thuộc Về Những Vì Sao” bản tiếng Anh

 

“Đôi khi bạn đọc được một cuốn sách và nó truyền cho bạn một thứ đức tin cuồng loạn, và bạn dần tin rằng thế giới đang bị chia cắt này sẽ chẳng thể nào hàn gắn lại được khi và chỉ khi toàn bộ nhân loại đọc được cuốn sách đó.”

Tôi có cảm giác là cuốn sách đó là của tôi, được viết ra để dành cho tôi. Cũng thật lạ, khi nó chẳng phải là cuốn sách viết bởi một cây đại thụ của nền văn học thế giới, hay được xếp vào giá dành cho những cuốn sách kinh điển, cũng chẳng phải cuốn sách được viết với một ngôn ngữ văn chương trác tuyệt nhất, nhưng, bạn biết đấy, có ai yêu mà biết được chính xác vì sao yêu, bằng một cách bí mật nào đó, cuốn sách nó chạm được vào tôi, trả lời cho những gì nhức nhối nhất trong tôi và dần dần biến thành một phần của tôi tự lúc nào. Hạnh phúc có được sẻ chia thì mới trở nên trọn vẹn và tròn đầy, tôi băn khoăn không biết làm thế nào cái thế giới bị chia cắt này có thể đọc được cuốn sách của tôi đây?

Tôi thích cái cảm giác được đắm mình sâu vào một cuốn sách, khóc cười cùng nhân vật, được trải nghiệm một thực tại khác, một không gian và thời gian khác. Nhưng tôi yêu cái cảm giác thấy chính mình lấp ló trong những trang sách, thấy thực tại của mình trong thế giới tưởng tượng của một nhà văn xa xôi phía bên kia bán cầu, cảm nhận tác giá đang đối thoại với mình, trả lời cho những gì mình đang tìm kiếm. Điều tuyệt vời của việc đọc không phải là việc khám phá ra những điều mới lạ, mà là bắt gặp chính mình, chính những suy tư và tình cảm của mình trong những câu chữ uyển chuyển giàu chất thơ, cảm giác thăng hoa giống như gặp tri kỉ của đời minh nhưng dưới hình hài của những trang sách thơm mùi giấy mới. Điều đó chính là phép màu của văn học, người ta đọc để thấy mình chẳng còn cô đơn. Tôi cũng không ngờ một cuốn sách “best seller” “Khi lỗi lầm thuộc về những vì sao” có thể làm điều đó với tôi (quả là từ trước đến nay tôi chẳng phải là fan của những best sellers cho lắm)

“Mọi lẽ nghi vấn đều khiến chúng ta trở về với câu hỏi liệu cuộc sống của con người có ý nghĩa gì và phải chăng tất cả đều mang một ý nghĩa nào đó.” Có lẽ không có ai mà chưa từng vật lộn trước những câu hỏi truy vấn về “ý nghĩa”. Liệu mọi thứ có “ý nghĩa” gì đó không khi cái hồi kết dường như là được viết trước cho tất cả mọi người, sự hiện sinh của mỗi cá nhân và cả nhân loại chỉ như ánh chớp ngắn ngủi giữa đêm trường thời gian vô tận, khi vĩnh hằng vốn là một khái niệm không chính xác, khi sự lãng quên là không thể tránh khỏi. “Sẽ có một lúc nào đó sẽ chẳng ai còn sống sót để nhớ về bất cứ người nào đã từng tồn tại hay nhớ xem loài người đã làm được những gì… Tất cả những gì chúng ta đã từng làm nên, gây dựng, viết ra, suy tưởng, khám phá sẽ bị lãng quên và tất cả mọi thứ rồi sẽ thành con số không tròn trĩnh.”

Nếu như bạn vẫn đang mắc kẹt câu hỏi mang tính chất hiện sinh đó thì tôi cũng mạo muội “trả lời” rằng: vốn làm gì có thứ “ý nghĩa” nào nằm ngoài đời sống của con người, “ý nghĩa” của đời sống là chính nó, là chính sự sống, là sống trọn vẹn và tròn đầy trong những khoảnh khắc hữu hạn mà bạn có. Những người độ tuổi 20, sức xuân đang phơi phới như bạn và tôi có thể nghĩ đời sống như vậy có vẻ đơn giản, nhạt nhẽo và chẳng có “ý nghĩa” gì cả, cũng khó trách được khi mà những điều giá trị nhất, cốt lõi nhất thường được nghiệm ra khi bạn buộc phải đứng trước những lằn ranh giữa sự sống và cái chết, nơi bạn có thể nhìn ra những điều mà bạn sẽ chẳng bao giờ chú ý đến khi lúc nào cũng “an toàn”, khi mà những chòm sao chiếu mệnh đầy lỗi lầm buộc bạn phải, giống như Hazel và Augustus, bị ung thư và sắp chết.

Hazel là một cô bé xinh đẹp, thích đọc sách, đọc thơ, mơ mộng và thích xem những show truyền hình siêu nhảm, còn Augustus thì hài hước, giỏi thế thao, thích chơi game và bị ám ảnh bởi những trò ẩn dụ thú vị. Những con người ở độ tuổi 17 ngọt ngào có thể có cuộc sống bình thường nếu như những căn bệnh ung thư không tước khỏi họ khỏi cái điều căn bản và giản dị đó. Có những nỗi đau mà tưởng chừng như chạm đến giới hạn của những nỗi đau, cả về thể xác lẫn tinh thần “phần lớn cuộc đời tôi dành để cố gắng không bật khóc trước những người tôi yêu thương.” Nhưng thiết nghĩ rằng buồn đau đâu thể làm thay đổi con người ta, nó chỉ làm bộc lộ con người ta mà thôi, khi phải đấu tranh những buồn đau để sống, họ càng khát sống hơn và sống cũng nhiều hơn. “Tôi cố gắng tự an ủi mình rằng, mọi thứ còn có thể tệ hơn, rằng thế giới này không phải là một nhà máy sản xuất điều ước, rằng tôi đang sống với căn bệnh ung thư chứ chưa chết bởi nó, rằng tôi không được cho phép nó giết chết mình trước khi nó có thể giết chết mình.”

Hazel Grace, cô gái ấy, luôn tìm cách làm đầy cuộc sống ngắn ngủi của mình, trong những phút yếu lòng trong sợ hãi và âu lo cô tự dặn mình “ những suy nghĩ như vậy sẽ làm phí phạm những khoảnh khắc của cái cuộc sống vốn được tạo nên bởi những khoảnh khắc hữu hạn như vậy.” Cô gái của tôi luôn đong đếm cuộc sống của mình bằng những khoảnh khắc hữu hạn và trân trọng, dè sẻn chúng như vậy trong khi chúng ta như những kẻ nhà giàu ngu ngốc và hợm hĩnh luôn sống mà không ý thức về điều đó và ba hoa về sự có “ý nghĩa” của nó.

Cách sống trọn vẹn nhất chẳng phải là sống  yêu hay sao? Cuốn sách trước hết viết về một câu chuyện tình, một thứ tình yêu đẹp đẽ và không tì vết kiểu như … tình yêu thật sự. “Tớ yêu cậu, dù biết rằng tình yêu chỉ như tiếng hét vào giữa khoảng không, biết rằng sự lãng quên là không thể nào tránh khỏi, biết rằng số phận bi thương của chúng ta đã được an bài, biết rằng sẽ có một ngày mọi nỗ lực của con người đều trở thành cát bụi, biết rằng cuối cùng mặt trời cũng sẽ nuốt chửng cái hành tinh mà hai chúng ta có, và sau tất cả những thứ đó anh vẫn yêu em.”

Chúng ta sống trong nỗi sợ cái chết và sự lãng quên, và, tình yêu là cái nỗ lực đẹp đẽ nhất chống lại cái chết và sự lãng quên đó. Hầu như tất cả loài người tham lam chúng ta đều mong muốn được nhớ tới một cách vẻ vang, ghi lại dấu ấn của mình như một nỗ lực đáng thương để “chiến thắng” cái chết. Hazel và Augustus chẳng để gì nhiều nhặn cho đời, nhưng có hề gì đâu khi “dấu ấn con người để lại thường là những vết sẹo” mà thôi, và bản thân yêu thương đã rất đầy đủ rồi. Họ đã có những phút giây ngắn ngủi nhưng vẫn là vĩnh viễn và vô tận mà họ không sẵn sàng đánh đổi bất cứ thứ gì cho những phút giây đó- nơi có sự hiện diện của một thứ còn bí hiểm hơn cả cái chết, cái đó gọi là Tình Yêu.

Tôi rất đồng ý với Hazel: “Có hai loại người trưởng thành. Loại người thứ nhất như Peter Van Houten, họ là những sinh vật khốn khổ luôn tìm sục sạo mọi nơi trên trái đất để tìm thứ gì đó để gây tổn thương. Và có những người giống như cha mẹ tôi, luôn đi loanh quanh như zoombi và làm nhiều thứ linh tinh cốt để được đi loanh quanh.” Cả tôi và Hazel đều không muốn sống một những cuộc sống như vậy. Xung quanh ta thiếu gì những người sống máy móc, quẩn quanh trong những khuôn thước may sẵn, những đám đông ồn ào mà thiếu sức sống, những con người tất tả chạy ngược xuôi với đầy rẫy lo toan cốt để cuối ngày dành buổi tối trước cái TV hay những thú vui nhạt nhẽo và giả tạo khác.

Tôi cũng chẳng tin vào những kẻ tuy tìm được lối ra khỏi đám đông kia nhưng lại rơi vào cái bẫy trong trò chơi của chính họ, luôn thích gặm nhấm nỗi buồn và sự cô đơn, luôn muốn lánh xa tất cả và kêu gào là họ đang sống là ‘chính mình’ và gọi phần còn lại của thế giới là điên cuồng, là thối nát. Chĩa mũi nhọn vào cuộc đời thì chính họ mới là người bị tổn thương. Cái nỗ lực thoát khỏi đời sống “mờ mờ nhân ảnh” khiến họ ôm khư khư cái tôi đầy sầu não của mình mà không biết rằng ‘cái tôi’ chính là trò ảo tưởng lớn nhất của loài người. Không, nếu trưởng thành mà là như vậy, tôi thà khước từ sự trưởng thành của mình còn hơn.

Tôi tin rằng nếu ai cũng ý thức thật sự được sự hiện sinh bản thân nó là quý giá vô ngần, rằng cuộc sống chỉ là tập hợp hữu hạn những khoảnh khắc, rằng yêu thương (theo nghĩa rộng) mới chính là triết lí sống tối cao nhất mà nhờ đó ta có thể biến những hữu hạn của ta thành mãi mãi, mọi thứ đã có thể rất rất khác.

Tôi thật sự thích cái cách tác giả nói về thật nhiều thứ trong giới hạn một cuốn sách nhỏ xinh ấy, thông qua một câu chuyện tình tưởng như là sến sẩm, trẻ con, qua chủ đề về nạn nhân ung thư tưởng chừng xưa như trái đất, viết bằng ngôn ngữ teen giản dị và hài hước mà vẫn giàu chất thơ. Cuộc sống thì nhiều điều bất ngờ và cuốn sách là một trong những điều đó.

 

 

Nancy


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. Nhận xét của BGK (còn cập nhật)

    Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo: Cách viết của bạn vững vàng và triết lý, nêu rất tốt cảm nhận riêng về tác phẩm, bài viết không có lỗi chính tả hay ngữ pháp. Tuy nhiên mình lại cảm nhận cách dùng những trích dẫn cũng như cả bài viết đang bổ trợ cho suy nghĩ, cách nhìn của bạn về cuộc sống, về con người mà đúng ra nên là điều ngược lại. Bạn có dùng khá nhiều trích dẫn nhưng lại xen lẫn chúng với những dòng cảm nhận riêng nên có phần hơi rối rắm. Bài viết của bạn giới thiệu được đôi nét về tác phẩm và những giá trị của nó, tuy nhiên mình chưa thấy được khía cạnh “viết bằng ngôn ngữ teen giản dị và hài hước mà vẫn giàu chất thơ”. Bài này nếu là một bài cảm nhận thì tốt hơn là một bài giới thiệu sách. Chấm điểm: 68/100

    *Ngoài lề: khi chưa nhìn tên tác giả mình cứ tưởng người viết bài này là nam 😀

    Nguyễn Hoàng Huy: Câu đầu tiên nằm trong ngoặc kép mà không biết là có nguồn gốc từ đâu, không biết có phải là trích dẫn từ sách này hay không? Đọc xuống dưới cũng thấy một vài câu như vậy. Nhiều từ bạn bỏ trong ngoặc kép hoặc in nghiêng mình nghĩ không cần thiết; không cần phải tỏ vẻ nghiêm trọng hay nhấn mạnh như vậy, cứ phớt tỉnh như không có gì để cho người đọc tự cảm nhận nhiều khi hay hơn, cộng thêm những chi tiết tinh tế như vậy thì không nên lạm dụng. Nhìn chung thì mình thấy bạn viết cũng khá. Bạn có kể qua nội dung câu chuyện, nhưng chưa thấy bạn miêu tả được hết cái hay trong văn của John Green. Mình đã và đang dịch cuốn Đi Tìm Alaska của anh John nên thấy rằng đây là một thiếu sót khá lớn. Nhiều câu dư thừa chữ “cái”, một điểm tinh tế cần chú ý trong văn viết. Chấm điểm 70/100

    Đoàn Minh Hằng: Đọc bài viết mình thấy rất thú vị và đồng cảm với suy nghĩ của bạn. Có một số đoạn viết rất được và sâu sắc. Có những điều mình đã trải nghiệm, suy ngẫm về nó một cách tổng quát nhưng chưa có dịp diễn tả bằng lời, thì chính việc đọc một cuốn sách kiểu giống như mình gặp một người tri kỷ, sẽ khiến cho người ta đặt bút viết ra được những câu văn hết sức cô động, mang tính triết lý như vậy. Cũng chưa hẳn những người khác khi đọc cuốn sách của bạn giới thiệu có những cảm nhận chung giống bạn. Mình tin chắc chắn rằng bản thân trong tâm trí bạn đã có sẵn những suy nghĩ về một số vấn đề như vậy rồi. Mình viết như vậy vì mình chưa đọc cuốn sách, và cũng có ý định muốn đọc cuốn này, nhưng đoạn cuối bạn viết “thông qua một câu chuyện tình tưởng như là sến sẩm, trẻ con, qua chủ đề về nạn nhân ung thư tưởng chừng xưa như trái đất, viết bằng ngôn ngữ teen giản dị và hài hước mà vẫn giàu chất thơ.” đã làm giảm đi rất nhiều giá trị của một bài viết giới thiệu sách. Bản thân mình lại ngại đọc vì nó sến sẩm, trẻ con, teen chẳng hạn. Chấm điểm: 80/100

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI