27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Nếu muốn tìm kiếm đam mê, việc đầu tiên phải làm là thức dậy

Featured Image: Rob Swatski

 

“Với tôi, hành trình tìm ra đam mê là một cuộc chiến. Nó vẫn chưa hề kết thúc. Nhưng tôi tin, trong 4 năm đó, mình chưa lãng phí phút giây nào trong đời.” (Chia sẻ của tác giả câu chuyện – Trần Thị Trà My, Marketing Executive, AYP).

Chương 1: Ngủ đông

Say sóng công việc “thời thượng”

Thời đại học, bạn bè kháo nhau “phải làm trong những công ty xịn, bự, gắn “mác” quốc tế, nhận lương tháng tính bằng đô thì mới gọi là thành đạt”. Tôi cũng “say sóng” theo trào lưu, tăm tia những công ty đa quốc gia từ năm 2. Đến đầu năm 4, khi chưa tốt nghiệp, tôi may mắn nhận công việc toàn thời gian tại một ngân hàng quốc tế – nơi làm việc “thời thượng” được nhiều sinh viên mơ ước. 21 tuổi, tôi đắm mình trong niềm tự hào mãnh liệt tại môi trường quốc tế tuyệt vời. Tôi lao vào làm việc hăng say, hòa nhập vào nhịp điệu chuyên nghiệp, lặn ngụp trong khối lượng công việc khổng lồ.

Nhưng sau 1 năm đi sớm về muộn, tôi phát hiện ra người hạnh phúc nhất khi tôi làm tại đây chính là… ba mẹ và anh trai tôi. Vốn theo nghề Y, họ luôn muốn tôi – một đứa con gái ương bướng, có một công việc “ổn định” “lương hấp dẫn”, thêm chút “sang chảnh” của ngân hàng là quá hoàn hảo.

Một buổi sáng, tôi cảm thấy mệt mỏi, không thể dậy được dù báo thức reo inh ỏi. Lăn qua lăn lại trong chăn, tôi hỏi mình: “Tại sao tôi lại ở đây? Tôi thích niềm vui, mê sự sáng tạo, năng động, vậy mà công việc này cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày, với quá nhiều hệ thống cùng hàng tá quy trình thủ tục. Nếu có thay đổi, thì là tôi “được” phân chia lại danh mục khách hàng và… thêm khách hàng, thêm công việc tương tự.” Đây đúng là công việc nhà nhà thèm muốn, người người khát khao. Nhưng đây KHÔNG PHẢI là công việc tôi mơ ước. Tôi đâm chán nản và đã SẴN SÀNG BỎ CUỘC.

Sống theo lời người khác

Tôi đến gặp sếp để trình bày ý định nghỉ việc. Tôi cảm thấy mơ hồ, mông lung. Tôi biết mình không hợp với ngân hàng. Nhưng tôi hoàn toàn không biết mình công việc tương lai của mình là gì. Nếu nghỉ việc, có phải tôi đã mất cơ hội phát triển khổng lồ trong môi trường tuyệt vời này không?

Tôi bị ba mẹ và anh trai mắng vì cái tội “ngu, sướng mà không biết hưởng”, công việc tốt thế mà đòi bỏ. Bạn bè thì khuyên chung chung “thích thì làm, chán thì bỏ, còn trẻ, cứ nhảy việc, tìm được nơi mình thích thì tự nhiên sẽ gắn bó thôi”. Tôi vô tình tự dìm mình vào mớ bùi nhùi ý kiến của người khác. Tôi mệt mỏi với từng cuộc gọi của gia đìnhnói “không được nghỉ việc”. Tôi hoang mang với lời khuyên “phóng khoáng” của bạn bè. Biết đâu tôi chưa hiểu đủ sâu công việc ngân hàng…

Thôi thì, tôi ở lại, thử thách thêm 1 năm để tìm câu trả lời đúng cho mình.

Đến tận cùng giấc ngủ

Tiếp tục làm tại ngân hàng, tôi lao vào công việc còn quyết liệt hơn, thay vì tiếp tục thói quen nằm lỳ mỗi sáng, chửi bới tại sao mình phải đi làm và giải quyết hàng tá công việc mới được nhân bản vô tính từ việc cũ của ngày hôm qua. Khả năng và tốc độ xử lý công việc của tôi bây giờ tăng tốccao vọt, cho tôi của ngày xưa “hít khói”. Ngày cuối năm, từ một đứa chán việc, tôi trở thành nhân viên được đánh giá cao của team, được sự công nhận của Trưởng phòng.

Nhưng trong suốt 2 năm gồng mình lên hoàn thành trách nhiệm, tôi đã hiểu. Với tính chất ngành ngân hàng, với những mối quan hệ tôi đã có, tôi biết rằng, từ bản chất, tôi không hợp với ngân hàng.

Tôi nghĩ rằng bến đỗ của tôi thuộc về con thuyền marketing.

Chương 2: Thức dậy

Từ lúc đó, tôi nghiến ngấu thông tin về marketing, hỏi han bạn bè trong ngành, cực kỳ phấn khích vì nghĩ rằng: “Con đường cách mạng là đây!”

Tôi đến gặp sếp và chia sẻ ý định nghỉ việc để chuyển sang marketing. Với tất cả sự ngạc nhiên, sếp không bất ngờ, không băn khoăn mà chắc như đinh đóng cột: “Anh cũng nghĩ em hợp với các ngành năng động như marketing, event… Em cứ thử sức. Anh hoàn toàn ủng hộ.” Còn “sếp lớn” – Một người mà tôi rất trân trọng và kính nể, trong ngày cuối cùng tôi làm việc đã nói: “Em còn trẻ, cứ ra đi, trải nghiệm. Nhưng hãy nhớ, ngân hàng vẫn welcome em trở lại!” Tôi bồi hồi xúc động vì sự thẳng thắn, tình cảm mà họ dành cho mình. Tôi đã lo sợ mình bị liệt vào “danh sách đen” vì cái tội được đào tạo đủ lông đủ cánh rồi bay nhảy. Nhưng ngược lại, tôi nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ các sếp vì các anh chị cũng hiểu được tính cách và nguyện vọng của tôi.

Từ giấc ngủ đông 2 năm để sống theo công việc thời thượng, sống theo lời khuyên của người khác, tôi đã bắt đầu thức dậy. Để đi theo ý muốn của tôi, sống thực cuộc đời của chính tôi.

Tình cảm rạn nứt

Trái ngược với hai sếp, gia đình tôi phản đối gay gắt. Họ dùng đủ mọi biện pháp để ngăn ngừa “hành vi” (mà họ nghĩ là) sai trái của tôi. Ba mẹ ban đầu nói nhẹ nhàng, trìu mến: “Con ơi làm ngân hàng ngồi máy lạnh cho sướng, lương lại cao.” Rồi đến cứng rắn, đe dọa, dùng từ ngữ “mạnh”: “Mày không có đi đâu hết, ở đó mà làm việc, không thì về quê phụ bán với mẹ, không thì ba phóng xe máy lên Sài Gòn ngay bây giờ.” (ba mà phóng xe thì là cỡ 100km/giờ)

Ở bậc “cao cấp” hơn, anh trai tôi lắng nghe – chia sẻ đầy cảm thông, rồi bẻ suy nghĩ của tôi theo cách lập luận “tri thức” của anh: “Marketing cũng tốt, giúp em năng động, sáng tạo hơn, nhưng bị cái là nó không ổn định, em là con gái nữa, sau này có chồng rồi sao quán xuyến nổi? Công việc ngân hàng thích hợp với con gái hơn. Chưa kể công ty bé xíu đó chẳng biết ngày mai sống chết ra sao!”

Vốn cứng đầu, tôi đáp lại tấm “chân tình” của cả nhà là thái độ: “Con biết rồi, khổ lắm, ba mẹ nói mãi…” (tôi giấu đi phần còn lại của câu nói, đó là: “con không bao giờ nghe đâu”) “Cứ cho là con vẫn làm ở ngân hàng, khi nào có việc mới con báo, ba mẹ đừng hỏi nhiều” “Thôi em không muốn nói chuyện với anh nữa.”

Và suốt mấy tháng trời, tôi không thèm nghe điện thoại, trả lời tin nhắn của ba mẹ, hoặc nói chuyện nhát gừng hòng lảng tránh. Bắt đầu đi làm marketing tại công ty mới, tôi bắt đầu chuỗi ngày rời văn phòng lúc 9h, la cà quán xá đến 12 giờ mới vác xác về nhà, vì giờ đó anh trai đã đi ngủ. Khi không chạm mặt nhau, chúng tôi sẽ không phải đôi co.

Một tình yêu quan trọng trong cuộc đời tôi – gia đình – đã có phần rạn nứt.

Công việc vỡ vụn

Qua công ty mới, tôi chìm trong cô đơn vì công việc mới gặp nhiều khó khăn nhưng không được gia đình chia sẻ. Dân tay ngang, không chút kiến thức về marketing, ít kinh nghiệm quản lý đội nhóm như tôi lại được giao trọng trách khá cao. Không ai cầm tay chỉ việc tôi như ngày còn ở ngân hàng. Tôi vừa phải tự bơi, vừa gào thét nhờ các đàn anh giúp đỡ. Tôi đã nếm trải những thất bại đắng nghét mà tôi chưa bao giờ tưởng tượng được.

Tôi chịu trách nhiệm tổ chức những buổi hội thảo cho công ty với chỉ tiêu khoảng 80-100 sinh viên tham dự cho mỗi buổi. Và kỷ lục của tôi là một buổi có… 13 bạn đến tham dự, chưa kể nhiều lần không thể chạm được con số 80, nói gì đến 100. Phòng kinh doanh thì chửi bới vì marketing làm việc không hiệu quả để ảnh hưởng đến họ. Có lần trưởng phòng đã khóc thét trong cuộc họp công ty, làm tôi hoảng hốt khóc theo. 3, 4 tháng làm việc mà tôi có cảm giác tôi đã dành 2 năm để chạy những dự án liên tục của công ty. Vừa hao hơi, vừa tốn sức, vừa mang lại kết quả tệ hại. Đến mức tôi phải tự hỏi mình: “Tôi có hợp với nghề này hay không?”

Khó khăn sẽ giết tôi?

Từ những sai lầm trong công việc đó, tôi ý thức được một việc mà giúp tôi thay đổi rất nhiều về sau: Trước đây, công việc tôi làm, nêu sai sót thì tôi là người chịu trách nhiệm duy nhất, ít ảnh hưởng đến đồng nghiệp. Nhưng giờ đây, kết quả của tôi có ảnh hưởng rất lớn đến những người đồng đội còn lại. Việc này buộc tôi càng phải trách nhiệm hơn và làm việc quyết liệt hơn. Khó khăn có thể đến, nhưng sẽ không giết chết được tôi.

Khi kết quả công việc không tốt, tôi tự nhủ mình chưa đủ kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cho dù khó khăn có sắt đá cỡ nào, tôi vẫn kiên trì đập nát nó để đeo đuổi con đường mình đang đi. Vì tôi tin phải đi đủ sâu, đủ lâu tôi mới có thể khẳng định đây có phải là đam mê của mình hay không.

Có thể mọi người sẽ chửi tôi ngu ngốc, dốt nát, thiếu lý tưởng vì đi làm hơn 4 năm mà vẫn chưa biết mình đam mê điều gì. Nhưng đó là cuộc sống thật của tôi, không phóng đại, không tô vẽ.

Hành trình tìm kiếm đam mê của tôi không phải con đường trải hoa hồng. Mà đó là chuỗi ngày vật lộn với khó khăn. Có lúc, chuyện công việc làm tôi bật khóc. Có lúc, chuyện gia đình làm tôi muốn nghẹt thở. Nhưng tôi vẫn bảo mình phải đứng lên, để mạnh mẽ hơn, giỏi hơn ngày hôm qua. Công việc sẽ suôn sẻ nếu tôi đủ giỏi để đạt được mục tiêu. Gia đình sẽ ủng hộ nếu tôi đủ giỏi, đủ bản lĩnh và kiên nhẫn để chia sẻ chi tiết về công việc và định hướng tương lai. Cho dù hành trình của tôi vẫn chưa chạm đích – tôi vẫn chưa định hình rõ ràng đam mê của mình là gì, nhưng tôi tự tin, sau 4 năm chiến đấu không ngừng nghỉ, tôi đang đi đúng hướng.

Nỗ lực

Người ta nói hay nói: “Cần 99% nỗ lực và 1% may mắn để thành công.” Tôi nghĩ rằng mình hay gặp “xui”, nên tôi quyết định xăm vào tay hình cỏ ba lá – tượng trưng cho sự may mắn. Và tôi tự nhủ: “1% may mắn tôi đã nắm trong tay, nên nếu kết quả tồi tệ, là do tôi nỗ lực chưa đủ 99% còn lại.”

Tôi mong rằng những bạn trẻ kiên nhẫn đọc đến cuối cùng những chia sẻ này của tôi, đừng bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh như tôi ngày xưa, mà hãy nỗ lực đi lên bằng hết toàn vẹn sức lực của mình. Tôi nghĩ rằng, cho dù năm 1 hay năm 4, các bạn vẫn còn thời gian. Hoạt động nhiều lên. Khám phá nhiều lên. Nếu bạn nghĩ mình thích một ngành nào đó, hãy đâm đầu làm quyết liệt vào. Đừng chỉ thử 1, 2 lần rồi nản, đổ lỗi vì “xui”, vì “khó”, vì “mình năng động, muốn bay nhảy”, vì “không phải đam mê”. Đam mê không có tội, đừng lấy nó làm cái cớ để bao biện cho việc mình không đủ quyết tâm để vượt qua khó khăn.

Chương 3: Bạn có muốn gõ cửa đam mê?

  • Nếu bạn là một sinh viên có cuộc sống làng nhàng, “tạm tạm” “thoải mái” trong suốt 1, 2, 3, 4 năm đại học.
  • Nếu bạn là một sinh viên đang đi xin việc, tối tối về nhà bạn nằm vật ra nền gạch than thở: “Đi đâu cũng đòi kinh nghiệm. Mới ra trường lấy đâu kinh nghiệm?”
  • Nếu bạn là một nhân viên chán ghét công việc. Bạn thấy mệt mỏi và không muốn dậy đi làm vào mỗi sáng.
  • Nếu bạn đang tìm kiếm một “cú nổ Big Bang” trong cuộc sống của mình. Tại nơi đó, bạn vui vẻ, làm việc hăng say và đạt được thành công.
  • Nếu bạn muốn gõ được cửa đam mê và trở nên hạnh phúc.

…thì việc phải làm đầu tiên là THỨC DẬY. Bạn đã thức dậy chưa, hay vẫn đang chìm sâu trong giấc ngủ đông?

 

Đỗ Thanh Lam

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

46 BÌNH LUẬN

  1. hơi tiếc vì vẫn chưa hiểu cái kết tác giả muốn gửi gắm là gì cả, “thức dậy” ở đây là gì , là khuyên mọi người thức dậy sớm đừng ngủ nướng hay là đánh thức niềm đam mê của mình… 🙁

  2. Chào chị, em hiện giờ vẫn đang trên con đường khám phá bản thân. Một trong những điều quan trọng đó là tìm đúng đam mê của mình.
    Kễ về khoảng thời gian Trung học, sáng học trưa về nhà đến tối, sáng mai lại đi học. Em không có nhiều cơ hội đi ra ngoài trải nghiệm, tìm kiếm sở thích và đam mê (bởi vì em không tìm được điều đó trong trường lớp hay ở nhà), đến khi chọn trường Đại học em cũng không biết mình nên chọn ngành gì của trường nào thì thích hợp!
    Và cuối cùng, rồi quyết định thi vào Khoa Điện Tử Viễn Thông-Đại học Khoa Học Tự Nhiên ĐHQG TP.HCM (em hiện là sinh viên năm 2). Bây giờ mỗi khi lên giảng đường cảm thấy chán nản, làm bài tâp chỉ cố gắng gòng mình lên chiến đấu cho qua , những việc đó bất đầu từ học kì thứ 2 rồi. May mắn thay, trước khi lên Đại học em tự nhủ mình phải mạnh dạng, năng động hơn nữa – chính điều này đã thay đổi suy nghĩ của em, chính điều này đã giúp em dám thử thách bản thân những việc mà trước đó em nghĩ mình không hề có khả năng, và có lẽ em phải cảm ơn nó khi em thành công trong tương lai.
    Đến cuối học kì thứ 3, trải qua nhiều thách thức đã giúp em lớn hơn, em biết mình thích gì, đam mê gì, và có đủ cam đảm để bỏ học theo đuổi ước mơ đó hay không. Thật ra vẫn đang trên đường chính minh tất cả, em không dám chắc đó thật sự là đam mê của mình, và tất nhiên bây giờ em cũng không đủ can đảm để quyết định một điều ảnh hưởng đến tương lai. Có lẽ một khoản thời gian ngắn nữa em sẽ tỉnh giấc ngủ đông chị ạ. Sẽ sớm thôi.
    À, em cảm ơn chị rất nhiều vì bài viết, chúc chị sức khoẻ và thành công trong cuộc sống. 🙂
    Thân!

  3. cảm ơn bài chia sẻ ý nghĩa, bản thân đang loay hoay đứng giữa 2 lựa chọn 1 là làm giáo viên việc nhà nước và 1 là làm bên phi chính phủ, cũng suy nghĩ trăn trở nhiều bên 9, bên 10 và nhiều yếu tố xung quanh … cũng đang hỏi và tìm cho mình ĐAM MÊ thật sự? giờ bắt đầu định hình rõ hơn rồi, chân thành cảm ơn!

  4. cuộc đời là một cuộc hành trình đi tìm đam mê của mình, có thể con đường mình đi sẽ k tìm ra lỗi thoát hay bị cuộc sống quấn lấy và đến cuối đời mới biết đc điều mình muốn.tôi cũng đã đi làm và thật sự đang tìm đam mê của mình.bài viết tiếp thêm lửa cho tôi rất nhiều …thank.

  5. nhìn thấy chị em cũng thấy được một phần bản thân mình… e chỉ mới là sinh viên năm nhất mới toanh…nhưng e lại cảm thấy mình đang lãng phí thời gian trôi qua và định hướng ko rõ ràng. Em có một đứa bạn nó thích kiến trúc mặc dù ko đậu Đh Kiến trúc nhưng lại đậu Văn Lang..còn e cũng đậu vào 1 trường top nhưng bản thân e lại cảm thấy hâm mộ nó..thật tình vậy vì ít ra bản thân nó có đam mê nó xác định được nó thích gì, sẽ làm gì, cố gắng đạt được mục tiêu của mình…y như nó đi trên con đường có duy nhất một bóng đèn và việc nó cần làm là đi theo ngọn đèn đó..còn e có quá nhiều lựa chọn nên thành ra ko có lựa chọn nào cả..e thi vào trường mà e nghĩ là tốt nhất đối với e..môi trường năng động nhất và e sẽ học hỏi được nhiều nhất. Nhưng e lại mông lung khi ko biết bản thân mình thích cái gì hay phải làm gì để có thể tìm ra đam mê ấy. Em chỉ biết trao dồi ngoại ngữ, học những gì mình có thể để tìm cách đi du học, đi đến những chân trời mới nhưng để làm gì e cũng ko biết.. chỉ biết đó là ước mơ mông lung của e mà thôi. Em biết mình còn trẻ thời gian còn dài (như chị trên phải đi làm mới tìm ra đam mê) nhưng đối với e, bản thân e khao khát được cháy hết mình với đam mê dù cho có khó khăn vất vả phải tranh đấu nhưng ít ra e còn có cái để mà tiến tới. Mong những ai có lời khuyên hãy gửi đến e.

    • hiện tại em cũng là sinh viên năm nhất giống chị lúc viết comment. em cũng trải qua nhiều thời gian mông lung và không có 1 định hướng thật rõ ràng, em vẫn đang trên con đường tìm kiếm và biến ước mơ của mình thành sự thực. em nghĩ là ai cũng cần phải hiểu rõ mình muốn gì, mới có động lực để biến nó trở thành sự thực… du học cũng là 1 ước mơ của bao nhiêu người, đi đến chân trời mới, mở mang tầm mắt, nhưng chắc chắn phải là ngành học mà chị yêu thích, chị mới có thể hạnh phúc thực sự được ạ 🙂 chúc chị sớm tìm được lý tưởng sống

  6. 2 năm ra trường chuyên ngành ngân hàng của KTQD nhưng tôi không cảm thấy ngân hàng hợp với tôi. Tôi vẫn đang chông chênh với đời. Đâu là đam mê và tôi phải làm gì để nuôi đam mê ấy đây 🙁

  7. Cám ơn chia sẽ của tác giả bài viết này nhé! Quan điểm rất rõ ràng và thẳng thắn.
    Hiện tại tôi cảm thấy mình hạnh phúc vì đã và đang đi trên con đường mà mình đã chọn, không hối tiếc!

  8. mình đã từng như thế này và hiện giờ mình đang đi theo con đường mà mình cảm thấy mình đam mê nhất. mình đã từng bỏ công việc với một mức lương khá so với 1 sinh viên mới ra trường để đi du lịch bụi trong sự phản đối gay gắt của gia đình và khi đi như vậy mình mới phát hiện ra rằng, đam mê thực sự của mình là gì. heo mình quan trọng là bạn có dám phá bỏ cái bức tường đó không mà thôi ? tMình đang theo đuổi công việc này, hiện tại nó đang rất khó khăn nhưng mình luôn tin vào bản thân mình rằng, mình sẽ thành công

  9. Cám ơn chia sẻ của chị rất nhiều, chị cho em hỏi với người mới bắt đầu tiếp cận và trải nghiệm với công việc marketing thì nên bắt đầu từ đâu, có sách báo nào hữu dụng trong vấn đề này không ạ. Em thấy có rất nhiều sách viết về marketing nên chưa biết bắt đầu từ đâu. Chúc chị luôn khỏe mạnh.

    • Hi em, sách báo về Marketing thì hàng hà sa số, trùng trùng lớp lớp luôn, vì kiến thức Marketing cũng là đại dương mênh mông… Nhưng nếu chia sẻ thì có trang Brands Vietnam – trang này khá hay và chia sẻ nhiều kiến thức Marketing cũng như các bài viết là các chiến dịch Marketing thực tế của các thương hiệu lớn. Chị thì ít kinh nghiệm Marketing, nhưng bạn của chị là Brand Manager của 1 nhãn hàng lớn ở Unilever cũng chia sẻ là muốn giỏi Marketing thì phải làm thực tế thôi, ko phải chỉ cần “biết” lý thuyết suông là sẽ giỏi đâu.

      • vâng. em cám ơn chị về thông tin bổ ích trên. Em nhận thấy em giỏi lý thuyết hơn là thực hành nên đọc nhiều tài liệu khiến em tự tin hơn trước khi va chạm với thực tế. Có phải là rụt rè quá không, chị nghị gì khi một người có cái tôi lớn lại tham gia vào tiếp thị, có khó khăn gì không ạ.

        • Nói nghe hơi lý thuyết nhưng cái gì cũng có 2 mặt e ơi. Điểm tốt của 1 người có được cái tôi là họ sẽ dám thể hiện quan điểm cá nhân, bảo vệ cho những gì mình tin là đúng – và điều này rất cần trong khi ra quyết định : )

  10. Mình nhìn thấy một phần của mình trong bài viết này, mình cũng từng như bạn. Ngủ đông và cố gắng thức dậy. Cũng đôi lần thấy mệt mỏi vì không thấy con đường mà minh sinh ra để chọn. Cũng day dứt với tuổi trẻ đang trôi dần qua kẽ tay. Cũng dấn thân để thử thách tiếp…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI