28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Người đua diều – Khaled Hosseini – Có một Afghanistan rất khác, một Afghanistan đẹp đẽ và đầy nhân văn mà bạn sẽ phải ngỡ ngàng

Featured Image: Trịnh Thanh Tùng

 

Tôi còn nhớ, đấy là một buổi chiều muộn đầu tháng 5, tôi ngồi trong nhà chờ của ga đợi chuyến tàu cuối ngày để trở về nhà, tôi đã lặng người khi nhìn màn hình ti vi đưa bản tin về trận lở đất kinh hoàng ở Afganistan, 2500 người chết và mất tích, chôn vùi trong đống đổ nát. Đôi chiếc máy xúc, dăm ba cái xẻng, vài căn lều dựng tạm, một người đàn ông afganistan được phỏng vấn trên một đống đổ nát mà theo như ông nói: “mẹ, chị gái, vợ và các con tôi còn nằm dưới kia”. Giọng nói có vẻ rất khẩn thiết nhưng rõ ràng là ông ấy không khóc. Đôi mắt dáo dác, tôi cố nhìn quanh kiếm tìm một sự đồng cảm nhưng dường như không mấy ai quan tâm, nhiều người dồn mắt vào những chiếc điện thoại, một vài ánh mắt nhìn ti vi với con mắt thờ ơ. Thực sự tôi đã giật mình, không phải chỉ bởi sự vô cảm của người khác mà còn bởi chỉ cách đấy có một tuần, tất cả những ánh mắt ấy còn đổ dồn và màn hình ti vi dõi theo tin tức vụ chìm phà sewol.

Cầm chiếc điện thoại, tôi gõ vội một cái note: “Thân phận con người sao lại khác nhau đến vậy? Không… Có một afghanistan rất khác, không phải như mọi người nghĩ…, không phải chỉ là chết chóc, cuồng tín và khủng bố, và những con người nằm dưới đống đất kia mới thật đáng thương!”. Suốt buổi hôm ấy, ngồi trên tàu, nhìn ra màn đêm dày đặc, những hình ảnh trong cuốn tiểu thuyết của Khaled Hosseini cứ hiện lên rõ nét như thể tôi vừa mới gập cuốn sách lại. Câu nói của Hassan “Vì cậu cả ngàn lần” vang trong đầu ngỡ như chính tôi là Amir, nhân vật chính của cuốn truyện đang hổi tưởng lại tuổi thơ của mình.

Tôi tìm đến “Người đua diều” trong một cái gọi là cơ duyên có tính logic. Đó là vào buổi tối, tôi không nhớ lắm, có lẽ là khoảng 3-4 năm về trước, tôi bật HBO và tình cờ xem một bộ phim đang chiếu dở. Bộ phim thực sự quá đỗi cuốn hút và xúc động và đến khi kết thúc tôi đã phải ngỡ ngàng tự hỏi: “ Tại sao lại có một bộ phim hay đến vậy mà tôi lại chưa từng nghe tới, nó đáng ra phải được trao giải Oscar chứ nhỉ?”. Âm hưởng của bộ phim thức sự cứ âm ỉ và ám ảnh tôi, rồi có một thứ logic trong đầu mách bảo: “ Một bộ phim hay như thế chắc chắn phải được chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết có thể còn hay hơn thế, giống như một bài hát hay thường lấy chất liệu từ một tứ thơ đẹp”. Và thế là tôi bật máy tính và vào google search: “The kite runner”. Đúng như những gì tôi nghĩ, một tiểu thuyết được đánh giá là lay động lòng người của một nhà văn Mỹ gốc Afghanistan. Ngay ngày hôm sau, tôi đã có được cuốn sách trong tay. Nếu là một cuốn sách hay, có thể bạn sẽ đọc ngấu nghiến nó rồi đọc đi đọc lại nhiều lần, nhưng ngay lần đầu đọc “Người đua diều” tôi đã luôn phải ngừng lại để suy ngẫm, tôi luôn có cảm giác mình bỏ sót, đánh rơi những ý nghĩa sâu xa đằng sau từng chi tiết của câu chuyện.

Thế gian này luôn thật giộng lớn, và trong lúc tôi hay bạn đang ngồi ngắm sao trên bầu trời yên bình thì rất có thể cũng ở một khoảng trời nào đó là đạn pháo chói sáng, là tiếng súng inh tai. Afganistan không xa, và truyền thông là những thứ quái quỉ, nó nhòi nhét vào đầu chúng ta bất cứ thứ gì nó muốn? nó luôn đánh lạc hướng chúng ta, khủng bố? Taliban? Thánh chiến? không sai nhưng đó không phải là tất cả. Chúng ta thường lơ đãng với những thứ quá đỗi quen thuộc, chết chóc sẽ là bình thường nếu nó diễn ra hàng ngày. Ngay lúc tôi ngồi viết những dòng này, đã có hàng ngàn người và trong đó là hàng trăm trẻ em chết dười làn đạn pháo sau những cuộc không kích của Israel vào dải gaza nhưng có thể nhiều người không biết, nhiều người còn đang quá tập trung vào những tấn thảm kịch máy bay rơi với hàng trăm nạn nhân đủ mọi quốc tịch.

Tôi đã phải thốt lên rằng thân phận con người sao mà khác nhau đến vậy nhưng mà mạng người thì đâu có khác nhau? Và cái buổi chiều muộn ở nhà chờ ga tàu hôm đấy chỉ có mình tôi thực sự xót thương cho những con người ấy, cho đất nước ấy, vì tôi biết có một afghanistan rất khác, một afghan đẹp đẽ và đầy nhân văn mà tôi đã thực sự rơi lệ sau mỗi trang sách của Khaled Hosseini. Một đất nước mà con người thật mạnh mẽ và dữ dội nhưng cũng thật yếu đuối khi tự đặt mình “trong lòng bàn tay của thượng đế”. Một thứ giáo lý mê muội hay thứ kiêu hãnh mù quáng về chủng tộc, gốc gác khiến những người đàn ông anh em chĩa súng vào nhau còn những người phụ nữ mãi phải giấu mình sau chiếc burqa. Một đất nước mà con người luôn phải đối diện với nỗi đau, mất mát thường trực, mọi thứ đã thành chai sạn và những người cha thì luôn phải dạy những đứa con mình trước những mất mát rằng: “ Đó là ý của thượng đế, ngài luôn có một lý do”. Với tôi đất nước ấy thật đáng thương và những thân phận nhỏ bé vùi dưới đống đất kia mới thật xót xa và đau đớn.

“Người đua diều” có thể đưa bạn đến một đất nước Afghanistan rất khác-afghan của những năm 70 đầy mầu sắc với những giá trị văn hóa lâu đời, nó cũng có thể giải đáp cho bạn một phần những câu hỏi về thế giới hồi giáo, về xung đột sắc tộc, các chi nhánh tôn giáo, một chủ đề mà nhiều người trong chúng ta đã quan tâm sau sự kiện 11-9. Nhưng tôi có thể nói cho bạn rằng những thông điệp mà “ Người đua diều” truyền tải còn hơn thế rất nhiều, bạn sẽ thấy những điều ở ngay quanh chúng ta, hay sâu tận trong tâm can mỗi con người. Đó là tình bạn, tình cha con, tình yêu, tình yêu quê hương, niềm tin tôn giáo đan xen với chúng là kiêu hãnh, danh dự, lỗi lầm, chuộc tội hay tha thứ … Thật khó có thể hình dung được sức mạnh truyền tải của câu chuyện.

Bằng lối văn giản dị nhưng tinh tế, Khaled Hosseini đã dẫn giắt một cách đầy lôi cuốn người đọc trên hành trình của Amir từ lúc là một cậu bé đến lúc trưởng thành trở thành một nhà văn trẻ và hành trình tìm về quá khứ chuộc lại lỗi lầm cũng như giải thoát cho những day dứt đã đeo đẳng Amir suốt những năm tháng anh lớn lên trốn chạy theo cha khỏi afghanistan rồi trở thành một công dân Mỹ. Cốt truyện, tình huống li kì, pha trộn màu sắc văn hóa, tôn giáo và có phảng phất các yêu tố chính trị có tính thời sự đã đủ khiến “ Người đua diều” trở thành tác phẩm đầy hấp dẫn. Nhưng điều mà tôi thích nhất ở “Người đua diều” lại chính ở từng chi tiết tinh tế và thấm đẫm tính nhân văn. Tôi đã học được rất nhiều từ những chi tiết đó, tôi thích tất cả các nhân vật trong truyện, và tôi nhớ từng câu nói, hành động của họ.

“có duy nhất một tội, một tội thôi, đấy là tội ăn cắp, mọi tội khác đều là biến thái của tội ăn cắp, con có hiểu không?”, “ Khi con giết một người con ăn cắp một cuộc đời, con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con có hiểu không”, “ Bố muốn nói tất cả bọn họ, đái vào râu tất cả cái lũ khỉ lên mực đạo đức ấy. Họ chẳng làm được trò gì ngoài việc lần tràng hạt và đọc một cuốn sách viết theo một lối mà chính họ cũng không hiểu, cầu thượng đế phù hộ cho chúng ta để đừng bao giờ Afghanistan rơi vào tay họ”.

Đấy là cái cách Baba của Amir dạy đứa con của mình về tội lỗi và về những giáo sĩ đạo hồi ở nhà trường. Tôi đã thực sự bàng hoàng khi đọc những dòng ấy, rõ ràng có một afghan rất khác, afghan của những con người đầy tiến bộ, hiện đại nhưng cũng rất nhân văn như Baba hay Rahim Khan, bạn của ông. Rồi cái cách Baba đứng phắt dậy gạt đôi tay Amir đang níu kéo ông, để bênh vực cho người phụ nữ trước nòng súng của tên lính Nga khi chiếc xe trên đường trốn chạy khỏi afghan gặp trạm gác lính Nga đã thực sự làm tôi sững sờ và xúc động. Cũng trên hành trình ấy, khi đứng giữa biên giới, bên kia là Pakistan, người đàn ông afghan lặng lẽ: “dốc hết thuốc ở hộp ra, và bốc một vốc tay bụi đất ở giữa con đường không rải nhựa. Ông hôn bụi đất, đổ vào trong hộp, đút hộp vào túi ngực ở gần tim ông”

Có lẽ ông đã có một dự cảm rằng sẽ mãi mãi không được trở về mảnh đất quê hương nữa và quả thật nhiều năm sau, trên đất Mỹ, trước khi nhắm mắt, người đàn ông đó lại lặng lẽ lôi hộp đất ấy ra hôn lần cuối. Câu chuyện trở lên cao trào vào cái buổi Amir đưa đứa con trai của người anh em cùng cha khác mẹ – Hassan mà anh vừa lôi khỏi tay Taliban vào bệnh viện cấp cứu. Vào cái lúc Amir lao ra ngoài hành lang hỏi người y tá đâu là hướng Tây, rồi anh vứt cái tấm khăn làm thảm quỳ xuống đất, nước mắt đầm đìa tấm khăn, cúi lạy về phía Tây, lảm nhảm cầu nguyện, tôi tin rằng nếu bạn đọc đến đó bạn sẽ cảm nhận thấy rõ cái ranh giới mong manh giữa niềm tin con người và niềm tin tôn giáo. Đấy là đỉnh điểm của sự cứu rỗi, mong muốn chuộc tội, của sự day dứt đến giằng xé, bởi “máu mủ là thứ quyền uy tối thượng”.

“Bây giờ, tôi mới thấy Baba nhầm, có một Thượng đế, luôn luôn có một Thượng đế. Tôi thấy Người ở đây, trong những con mắt của mọi người nơi dãy hành lang tuyệt vọng này. Đây là ngôi nhà thực sự của Thượng đế, đây là nơi những ai để lạc mất Thượng đế sẽ tìm thấy Người, không phải toà masjid trắng với những ngọn đèn lấp lánh như kim cương và những tháp gọi cầu kinh cao vời vợi. Có một Thượng đế ở đây, ở đây phải có, và bây giờ tôi sẽ nguyện cầu, tôi phản bội, đã dối trá, và đắc tội mà không bị trừng phạt, chỉ quay lại với Người vào giờ khắc cần thiết lúc này của tôi. Tôi cầu xin Người hãy nhân từ, khoan dung và độ lượng như cuốn kinh của Người đã dạy về Người như vậy”

Tôi tin đấy là những dòng viết nhân văn nhất. Đánh giấu sự trưởng thành thực sự của Amir vào cuối truyện là khi anh nhìn thẳng vào mắt tướng quân sahib (bố vợ anh) để nói: “Tướng quân Sahib, bố thấy đấy, bố con ngủ với vợ người ở của ông ấy. Bà này đẻ cho bố con một đứa con trai tên là Hassan. Hassan bây giờ đã chết. Thằng bé đang ngủ trên ghế dài là con của Hassan. Nó là cháu của con”. Không hiểu sao chi tiết này luôn dạy cho tôi rằng cái cách mà một thằng đàn ông cần phải sống, đó là cái sự ngay thẳng, thẳng thắn đối diện với cả những tội lỗi, sai lầm đáng xấu hổ của bản thân. Tôi cho rằng đấy là lúc Amir đã thực sự tìm lại được con người tốt đẹp trong mình, anh đã thực sự được thanh thản, thanh thản để có thể tha thứ, tha thứ cho cha anh và cho cả chính anh, và bởi vì: “luôn có một con đường để tốt lành trở lại”

Đó chỉ là vài chi tiết trong rất nhiều chi tiết mà khiến “Người đua diều” thực sự đã ám ảnh tôi và nó khiến tôi nghĩ khó có thể đọc một cuốn tiểu thuyết tiếp theo, tôi sợ rằng các cuốn truyện tiếp theo sẽ chỉ là cái sự nhàn nhạt. Một tác phẩm quá đẹp đẽ, đẹp ngày cả chính cái tựa để của tác phẩm, hình ảnh chiêc diều tượng trưng cho tuổi thơ, cho hòa bình, tự do, cho ước mơ, khát vọng, có ở đâu nó cũng như vậy thôi. Chiếc diều của tuổi thơ và tình bạn giữa Amir và Hassan bay trên bầu trời Kabul và đến cuối truyện nó lại bay trên bầu trời nước Mỹ trong tay của Sohrab con trai Hassan, phải chăng là sự kết nối cho nhiều thứ…

Tôi không biết chắc rằng cuốn sách này sẽ đem tới được gì cho các bạn, tôi chỉ muốn chia sẻ. Những giá trị nhân văn của cuốn sách tôi nghĩ rằng khó có thể đong đếm và ước lượng. Tôi thầm cảm ơn Khaled về những trang viết xúc động mà ông đem đến không chỉ ở “Người đua diều” mà ở cả những “Ngàn mặt trời rực rỡ” hay “And the mountains echoed” sau này, bởi văn chương theo tôi nghĩ như nhiều thứ nghệ thuật khác mục đích và tác dụng sau cùng cũng là hướng con người tới cái “Chân – thiện – mỹ”.

Trịnh Thanh Tùng


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét của ban giám khảo

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

18 BÌNH LUẬN

  1. Mình có thể cảm nhận được tình cảm của bạn và dường như bạn hơi sa đà vào tình cảm của bản thân mà quên đi những chi tiết đắt giá trong truyện thì phải, và dường như đã làm cho những chi tiết nội dung của truyện còn khá mờ nhạt trong bài viết

  2. Mình cũng đã xem “The Kite Runner”, cảm ơn vì bài cảm nhận rất sâu sắc của Bạn :). Nếu có một điều có thể chia sẻ thêm về bài viết thì mình hy vọng Bạn giữ được thêm chút ít sự tỉnh táo trong phần đầu cho đến cuối bài viết, mình chỉ tin là như thế sẽ khiến người đọc ám ảnh hơn … :).

  3. Bình luận của BGK (còn cập nhật)

    Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo: Bài viết của bạn đạt mọi yêu cầu của tôi, trừ việc còn khá nhiều lỗi chính tả. Mở bài ấn tượng và dẫn dắt, chuyển ý hợp lý. Bài viết mang nhiều cảm xúc và suy ngẫm của riêng bạn và cũng truyền cảm xúc đó đến độc giả rất tốt. Tóm lược nội dung tác phẩm tốt, có sức hút cao đối với người chưa đọc. Trích dẫn đúng chỗ và đầy đủ làm tăng thêm cái hay của bài giới thiệu này. Trừ bạn 5 điểm cho phần lỗi chính tả, cảm giác giống như đang ăn ngon mà cắn phải hạt sạn vậy. Chấm điểm: 90/100

    Nguyễn Hoàng Huy: Mình cảm nhận được tâm huyết của bạn trong bài viết này, và mình cũng đánh giá nó khá cao như anh Bảo, nhưng tất nhiên là mình sẽ không cho điểm cao như thế. Bài viết này có thể nói là bài viết “lăng xê” một tác phẩm lên tầng mây cao nhất trong những bài viết đã đăng. Lần đầu mình đọc phát hiện ra một lỗi chính tả, lần đọc thứ hai thì phát hiện ra thêm. Nghe có vẻ giống như vạch lá tìm sâu nhỉ :)) Giống như nhiều bạn nam khác, dường như bạn thiếu tính tỉ mỉ. Dù có thiếu tỉ mỉ như thế nào thì cũng nên viết hoa những cái tên cần viết hoa nhé. Đọc kĩ thì thấy bạn viết khá hùng hổ. Mình đếm được những 10 lần bạn nhấn mạnh chữ “thực sự” trong bài. Có lẽ đó cũng là lý do khiến mình có cảm nhận rằng bài viết có vẻ rất tâm huyết. Chấm điểm: 70/100

    Đoàn Minh Hằng: Mình đã đọc bài của bạn rất nhiều lần bởi bạn đang giới thiệu về một cuốn sách hay, có nằm trong danh sách mình sẽ đọc. Mình cũng được biết về cuốn sách này trong lần chấm thi khác viết về sách và có biết đến bộ phim. Bạn có đầu tư ý tưởng cho bài viết giới thiệu sách. Mở đầu của bạn giống như bạn bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết hoặc truyện ngắn. Cách bạn liên tưởng đến cuộc sống hiện tại và so sánh với sách, với phim cũng thể hiện bạn có sự sáng tạo và kiến thức tổng hợp. Tuy nhiên, bạn trình bày các vấn đề hơi rối, nói qua nói lại về chiến tranh ở cuộc sống thực tại rất nhiều và hơi dài, khiến cho mình cũng hơi sốt ruột không biết bạn muốn nói về sách hay bạn muốn viết truyện ngắn. Phần nói về sách, nếu như bạn biết ngắn ra thành từng ý chính và không lan man mình sẽ bắt được mạch hơn. Thực sự khi đang viết những dòng này mình cũng không hình dung được tóm lại trong cuốn sách có những gì.Những thứ đọng lại là cảm xúc của bạn và cách bạn kể chuyện về buổi chiều mưa…không phải là nội dung giới thiệu về một cuốn sách. Mặc dù mình bị tắc ở bài của bạn và đọc rất nhiều lần để đặt bút nhận xét, chấm điểm và chuyển sang bài chấm khác. Tựa bài viết bạn đặt hơi dài. (Chấm điểm 78/100)

    • Nhận xét của bgk rất xác đáng, theo tiêu chí giới thiệu một cuốn sách tâm đắc nhất nên bài viết của mình còn quá mang nặng tình cảm, vội vàng và thiếu trau chuốt trong câu từ. Nếu còn có dịp gửi bài tới THĐP sẽ hết sức rút kinh nghiệm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI