27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Cổng trường đại học, có nên bước vào?

Featured Image: Explore Lia

 

Vì lý do quá đau lòng do việc bị cắt gọt, mình đăng lại tại đây là nguyên văn bài “Trường đại học có phải giấc mơ duy nhất?” đăng trên Tuần Việt Nam.

Đột nhiên một ngày, tôi nhận ra rằng những người bạn thành đạt nhất xung quanh mình đều thuộc hai loại: Du học hoặc bỏ học (đại học).

Điển hình nhất là cô bạn Huyền Chip, trong lúc bạn bè chúng tôi miệt mài trên giảng đường sau kỳ thi đại học, cô ấy chu du khắp thế giới. Đến lúc thiên hạ tốt nghiệp đi làm, cô ấy lại xách ba lô lên và đi học Standford. Cá nhân tôi cũng từ bỏ việc có được một tấm bằng đại học sau 5 năm ngồi trên ghế giảng đường để theo đuổi công việc trong các dự án phát triển và trở thành một cây bút tự do, dù rằng quyết định này khiến nhiều người xung quanh tôi thất vọng.

Cách đây 2 năm, tôi và Huyền Chip tình cờ cùng tham gia một sự kiện có tên “20, bỗng nhiên tôi muốn bỏ học”, chẳng mấy ai ngờ 2 năm sau, cô ấy lại đi học còn tôi thì bỏ học

Gào, người cũng đã bỏ dở việc học để rồi bất chấp mọi tai tiếng thì cũng không thể phủ nhận một sự thật là chị là một tác giả sách thành công. Đối với chị, tấm bằng đại học có lẽ chỉ có tác dụng đơn giản là khiến một vài người khỏi vội vã coi thường năng lực của chị. Hà Thủy Nguyên, một cây viết tài năng với cuốn sách đầu tay năm 16 tuổi cũng rời bỏ khoa Văn trường Đại học KHXH&NV sau vài năm theo học.

Đại học không phải là mơ

Không phải tự dưng mà có nhiều người chủ động từ bỏ việc học đại học, bất chấp những rào cản và bất tiện trong một xã hội còn chuộng bằng cấp.

Đầu tiên, phải thừa nhận rằng chất lượng đào tạo đại học Việt Nam nằm ở vị trí cực thấp trên bảng xếp hạng khu vực. Mãi đến năm 2014 mới có trường là ĐH Bách Khoa Hà Nội và hai trường ĐH Quốc gia nằm trong bảng xếp hạng của châu Á (bảng Quacquarelli Symond), và vị trí cao nhất thuộc về trường ĐH QG Hà Nội cũng mới chỉ nằm ở nhóm 161-170 . Tỷ lệ giảng viên/sinh viên thấp, thiếu vắng các nghiên cứu khoa học, sinh viên ra trường khó tìm được việc làm đúng chuyên ngành là tình trạng chung của các trường. Đại học tại Việt Nam rõ ràng không phải là môi trường lý tưởng cho việc nghiên cứu và sáng tạo mà thay vào đó là một nơi đầy tù túng, định kiến và cả những tiêu cực nơi giảng đường.

Không chỉ biểu hiện trên bảng xếp hạng, thực tế thì tấm bằng đại học đang ngày càng ít trọng lượng hơn trong hồ sơ xin việc của các ứng viên. Xã hội chúng ta đang đối mặt với việc lạm phát cử nhân, thậm chí là bắt đầu tiếp cận tới việc lạm phát cả thạc sĩ. Cách đây vài ngày, bộ LĐTB&XH mới công bố số liệu rằng Việt Nam đang có hơn 162 000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, chiếm gần 1/5 số người thất nghiệp trên cả nước.

Học hành vất vả, cạnh tranh gay gắt mới đỗ được vào một trường đại học để rồi sau 4,5 năm ăn học tốn kém lại phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, làm việc trái ngành, năng lực không đảm bảo nói lên một điều: Đại học không phải là mơ.

Hướng nghiệp: Thầy bói xem voi

Kết quả đáng buồn như trên không chỉ đến từ sự yếu kém trong công tác tổ chức đào tạo của các trường mà còn đến từ chính tư duy, định kiến của xã hội về việc học đại học. Chính lối suy nghĩ “đỗ đại học là vinh quang” “học đại học để đối đời” đã đẩy bao gia đình nông thôn nghèo khó vào cảnh bán trâu, bán lợn, vay nợ cho con đi học để rồi lại chẳng biết vay tiếp ở đâu cho đủ tiền xin việc khi con tốt nghiệp. Trong khi nhiều cử nhân ra trường mãi mà chẳng có việc làm phải giấu bằng đi học nghề, bạn bè của họ lại đã có công việc ổn định dù chỉ học trung cấp hay kinh doanh nhỏ.

Điều đáng nói ở đây là việc cả các sĩ tử lẫn cha mẹ của họ đều đang ảo tưởng quá nhiều vào tấm bằng đại học, trầm trọng thành một căn bệnh của xã hội. Tất cả đứa trẻ Việt Nam đều được nuôi lớn và trao cho niềm tin rằng chúng cần học thật giỏi để đỗ đại học, áp lực và nỗi sợ trượt đại học lớn đến mức đẩy nhiều thiếu niên vào hố sâu tuyệt vọng, thậm chí là cả tự sát.

Công tác hướng nghiệp tại Việt Nam hiện nay không phải là yếu, mà là gần như không có. Hệ thống giáo dục ở các nước phát triển Tây phương không chỉ chú trọng đến tư duy phản biện, khả năng tự lập mà còn đề cao sự tự do trải nghiệm của các cá nhân. Dù vậy, hàng năm vẫn có vô số thiếu niên lựa chọn bỏ ra một, thậm chí vài năm để trải nghiệm và tìm kiếm con đường của mình.

Mỗi kỳ tốt nghiệp, thay vì gửi tới xã hội những con người nhiệt huyết, ước mơ, hệ thống giáo dục của chúng ta lại trả lại toàn những con người mờ mịt về tương lai, chất đầy hai vai gánh nặng thi cử, chọn trường theo điểm số và những lời khuyên truyền miệng. Để rồi 4,5 năm sau, họ ra ra đời khi đã mài mòn hết ngây thơ, nhiệt huyết bằng những comment đả kích trên facebook, bằng những lời dụ dỗ bán hàng đa cấp hay các khóa học làm giàu.

Hãy dũng cảm… không thi đại học

Đừng coi đại học như một con đường để rồi đặt ra câu chuyện là đi đường này hay đi đường kia. Hãy đặt các ngôi trường đại học trở về đúng bản chất của nó: Một ngôi trường. Người ta đến trường để đi học, mà học thì là một công việc suốt đời. Điều đó có nghĩa là bạn có thể chọn học ở đại học hoặc không, và bạn cũng có thể quyết định học ở đó lúc này hay lúc khác.

Theo tôi, câu hỏi quan trọng nhất lúc này không phải là học ở trường đại học nào, có nên học đại học không, mà là: “Học để làm gì?” Thật buồn thay cho những người học chỉ vì cha mẹ họ muốn thế, học vì xã hội cần bằng đại học hay học chỉ để có một công việc nuôi sống bản thân. Thực tế cho thấy những người làm việc không có đam mê thường chẳng thể tiến xa trong xã hội.

Bỏ ra một năm để trải nghiệm, quyết định học nghề, tự học hay khởi nghiệp sớm đều không phải là những quyết định dễ dàng, càng khó hơn khi bạn không thực sự hiểu về sức mạnh và ước muốn của bản thân. Đại học vẫn luôn là một lựa chọn dễ dàng khi bạn có đủ khả năng đỗ và trả tiền học phí, không ai sẽ dèm pha bạn vì đã học đại học, nhưng để có thể làm khác, cần cả sự hiểu biết và sự dũng cảm. Xin trích câu nói của Ts Giáp Văn Dương – người sáng lập của Giapschool thay lời kết:

“Hãy sống.
Hãy sáng tạo.
Hãy bay bổng.
Hãy tò mò khám phá.
Hãy cất bước dấn thân.
Hãy tin vào bản thân mình.
Hãy vun đắp những khát vọng lớn. ”

 

Hoàng Đức Minh
7/7/2014

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

22 BÌNH LUẬN

  1. Tội nghiệp các bạn trẻ,cứ loay hoay mãi.

    Người thành công nhờ bỏ Đại Học rất nhiều !

    Người thành công nhờ học Đại Học rất nhiều !

    Người thất bại vì bỏ Đại Học rất nhiều !

    Người thất bại vì học Đại Học rất nhiều !

    Không quan trọng việc bỏ hay học mà quan trọng là thành công hay thất bại !

  2. Theo mình nghĩ tìm việc làm hay không quan trọng ở chỗ học gì ở ĐH, rất nhiều sinh viên không có định hướng được tương lai và còn “bỡ ngỡ” với cách học khác cách học chăm bẵm ở cấp 3, và họ chỉ tìm cách nhồi nhét để qua các kì thi, cho rằng mình vừa thành “người lớn” mà tự cho quyền chơi bời không thèm trau dồi kỹ năng sống cần thiết, chuyên môn và cả thể lực. Những con người THIẾU SỨC SỐNG như thế thì có hay không học ĐH VN cũng thế thôi. Đừng nhìn vào những con số thất nghiệp mà đổ lỗi hoàn toàn cho ngành GD mà hãy thử bước vào giảng đường ĐH 1 lần, quan sát các sinh viên học tập để thấy những con số ấy không phải tự nhiên mà cao thế.

  3. trang mình theo mình thấy thì mọi ng đang có tư duy “bỏ học”,giáo dục là thứ j đó xa hoa phù phiếm,….. nhưng thật chất, cơ bản ra thì thành công hay thất bại đều nằm ở tư duy của ng học, nếu cho mình nói thì cái sai sót lớn nhất của GD Việt Nam là chưa phân loại những loại học sinh thích hợp vs ngành nào, và giáo đục VN mình chú trọng quá vào việc dạy…dạng như dạy cho hết…cho hết năm học! nhưng trên thực tế,có nhiều GV biết cách tiếp động lực,tạo hứng thú cho học sinh,để cho mấy đứa biết mấy đứa thích j,mấy đứa muốn đi đâu,……
    nếu các bạn nói ko nên học đại học?? mình nghĩ những ngành kinh tế mới vậy thôi, còn những ngành năng khiếu,những ngành như hóa học,vật lý,dù bạn có đam mê nhưng k học đại học,k tiếp cận dc với công nghệ thì dù bạn có giỏi cách mấy bạn cũng chỉ có thể dừng chân tại đó.
    vế thứ 3 mình bàn tới là việc “môi trường”, nếu bạn đam mê mà bạn k học DH thì…sẽ rất khó khăn cho bạn tìm dc 1 ng bạn để cùng tiến,nhưng theo mình thì ở bậc nào cũng thế, tư duy tự học của học sinh,SV VN mình cực kì kém,dẫn tới cả về ý thức,con người,….
    nên qua vài viết này,mình nghĩ đó là 1 góc nhỏ,gần như xã hội nào cũng có 1,2 nhân vật đủ “mạnh mẽ” và “may mắn” thôi bạn

  4. Học là không giới hạn về không gian và thời gian.
    Trong cuộc sống của con người từ khi sinh ra cho đến lớn lên đều phải học. Vấn đề là phương pháp học và phương pháp dạy. Học có thể từ sách vở, bạn bè, người thân, từ trường học, từ cuộc sống,…Ngay từ nhỏ khi chưa tiếp cận với trường học thì nơi ta học đầu tiên là từ cha mẹ, người thân trong gia đình. Khi lớn lên cuộc sống cần có nhiều kiến thức thì cần học tiểu học, trung học rồi đại học. Trường học là nơi chuẩn để ta có những kiến thức cần thiết để hoàn thiện bản thân, ngoài học từ trường học bạn phải học thêm nữa từ những nguồn khác. Bạn có thể không học ở trường học về kinh doanh nhưng bạn có thể kinh doanh khi gia đình đã có cơ sở kinh doanh và cha mẹ bạn truyền lại bạn kiến thức kinh doanh. Nhưng nếu bạn muốn làm một bác sĩ thì bạn không thể ngồi ở nhà nhờ cha mẹ dạy bạn làm bác sĩ như thế nào. Khi đó bạn phải đi học từ những trường đại học chuyên về ngành y. Bạn có thể trở thành nhà văn khi bạn không học vì đó là những năng khiếu của bạn. Khi bạn chưa có con đường nào tốt hơn hoặc cần một kiến thức mà những nơi khác không thể cung cấp cho bạn thì bạn cần phải học đại học. Có thể đại học ở Việt Nam chưa hoàn thiện nhưng nó cũng chí ít cho bạn được một tầm nhìn về kiến thức để bạn tự phát triển hoàn thiện bản thân. Bởi vậy không thể nào nói không cần học đại học. Tùy ở nhu cầu bạn muốn hiểu biết gì, muốn làm gì. Những người nghèo sẽ không khá hơn được khi họ chỉ biết làm và làm, mà cách làm của họ chưa đem lại họ thu nhập cao hơn thì con đường đi học để cải thiện cuộc sống là một cách. Và thực tế thì nhiều người ở Việt Nam cũng thoát nghèo từ chuyện học. Họ học và họ hoàn thiện bản thân để làm việc tốt hơn và có thu nhập cao hơn chi cho cuộc sống. Đó là cách của họ. Đối với chúng ta không nên khuyên mọi người nên học hay không học mà khuyên mọi người nên hoàn thiện bản thân mình, có kiến thức, có kỹ năng sống. Bản thân chúng ta khi có hiểu biết thì có thể trao dồi lại cho những người sau có hiểu biết mà sống. Xã hội phát triển là xã hội mà nơi đó con người không ngừng học tập, nghiên cứu, trao đổi, truyền đạt lại cho thế hệ sau.Đó chính là cuộc sống của chúng ta, tương lai của chúng ta.

  5. Quan trọng không phải là học đại học hay không mà là xác định bản thân muốn gì và cần phải làm gì. Đại học là nơi bạn được học những thứ bạn cần một cách có hệ
    thống nhất (tất nhiên bạn phải chọn đúng trường, và học đúng phương pháp)

  6. Hồi mình học phổ thông, có lần trong một bài viết tập làm văn với đề bài đại khái liên quan đến việc Học đại học. Có một bạn trong lớp viết là “Học đại học không phải là con đường duy nhất nhưng là con đường TỐT NHẤT để thành công”. Cả lớp k ai thắc mắc hay phản biện gì mà kể cả cô giáo cũng HOÀN TOÀN đồng ý với ý kiến đó 🙂

  7. Cảm ơn chia sẻ của bạn. Bài viết cũng cho thấy một góc nhìn mở trong lối tư duy của giới trẻ hiện nay: không thi ĐH. Trước hết, tôi đồng ý với bạn rằng giáo dục ĐH tại VN hiện nay còn nhiều bất cập, nhiều điểm chưa phù hợp với sự phát triển nhanh của thế giới, ĐH không còn là con đường duy nhất để cứ đến tuổi là phải vào nữa.

    Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm bạn đưa ra là: dũng cảm không thi ĐH. Tôi nghĩ không thi ĐH là một lựa chọn của từng cá nhân, với người này là phù hợp còn người khác thì không. Nói gì thì nói lối tư duy ĐH cũng dạy cho sinh viên cách ứng dụng và trưởng thành hơn, mặt bằng chung của giáo dục ĐH tại VN cũng khác nhau đấy chứ, bạn chọn trường nào, học ra sao từ ĐH? Nếu một bạn sinh viên vẫn học ĐH tại VN nhưng tự mình biết cách hoàn thiện bản thân, củng cố kiến thức và dần tìm ra điểm mạnh, khẳng định chính bản thân mình. Tôi nghĩ vẫn ổn, có lẽ điều này vẫn hơn khi bạn thực sự chưa biết làm gì để khẳng định chính mình. Những cái tên và bằng chứng bạn đưa ra rằng họ không học ĐH hoặc bỏ không tấm bằng của mình, phải chăng chỉ là số ít khi họ đã tìm ra con đường của mình để phát triển mà không cần sử dụng một giấy thông mình mang tên bằng cấp? Họ dám làm và dám chấp nhận kết quả, điều này tôi hoàn toàn đồng ý sự dũng cảm đó.

    Bạn có nhắc đến từ “đam mê”, có cảm giác tôi nghĩ từ này đang bị lạm dụng khi bản thân giới trẻ chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa của nó – một từ trừu tượng. Đừng vội đặt tên cho bất kỳ những gì mình thích là đam mê, bạn có đủ mạnh để sống chết vì nó? Tôi nghĩ không phải ai cũng có đủ khả năng đó. Vậy trước hết, ở số đông, khi chưa biết mình thích gì, muốn gì thì tốt hơn hết hãy cứ làm tốt những gì là trước mắt, ở hiện tại.

    Tôi ủng hộ quan điểm khám phá chính mình, tìm hiểu bản thân, sống với những gì mình thích khi còn trẻ, nhưng hãy sáng suốt, nghe theo tiếng gọi từ bên trong, xin lời khuyên từ những “người thầy”. Thay vì nói rằng không học ĐH, tôi nghĩ sao không có một lời khuyên mở rộng hơn: Sao bạn không học thêm những gì ĐH không dạy bạn? Học từ cuộc sống và rồi hãy hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành động của mình!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI