27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Lan man một chút về sự cô độc

*Featured Image: Gentle Wolves

 

Tôi đang trong trạng thái vùng vằng giữa việc mua một cuốn sách mà tôi thầm để ý đã lâu nhưng không dám đọc. Tôi không dám đọc sách là vì bác sĩ bảo chỉ số paranoid của tôi rất cao, tuy bà ấy không nói gì về việc nên đọc hay không nên đọc nhưng tôi vẫn tự hiểu được nguyên nhân từ đâu và biết phải làm gì. Thật ra, rắc rối của tôi không phải bắt nguồn từ việc đọc sách mà là từ sự cô độc.

Tôi cũng bình thường thôi, không đẹp cũng không xấu, nói chung là nhìn rất bình thường đến mức có thể quên ngay lập tức từ cái nhìn đầu tiên. Tôi cũng có bạn thân, bạn học, bạn hàng xóm… nói chung là cuộc sống cũng rất là bình thường không có gì đặc biệt lạ để tôi phải xa lánh người khác. Và tôi thích đọc sách… Càng đọc sách tôi lại càng ít kết nối với người khác, như đã nói, tôi vẫn còn đầy đủ khả năng để giao tiếp nhưng bên trong tâm hồn, tôi không cảm nhận được sự đồng điệu từ đối phương. Thế là tôi lại càng đắm mình vào thế giới bên trong sách và cảm thấy nhân vật trong sách mới đúng là bạn của mình. Nói đến đây có bạn đọc nào bỏ chạy chưa? nghe cũng thấy kì kì rồi phải không? Tôi cũng đang tự cười chính mình đây.

Sau rất nhiều rắc rối, tôi nhận ra rằng cuộc đời tôi, chính tâm hồn tôi, bản ngã tôi, cảm xúc của tôi còn thú vị hơn sách nhiều. Cho nên tôi quyết định chia tay tạm thời với sách để kết nối với chính mình, lắng nghe chính mình, kết nối với cuộc đời, lắng nghe cuộc đời. Tôi khám phá ra nhiều điều bất ngờ từ ngày đó. Tôi khám phá ra rằng tôi cũng có một phần tăm tối không dám để cho người khác biết, tôi cũng có một phần đẹp đẽ vô cùng mà tôi cũng không muốn khoe khoang gì lắm, tôi cũng biết yêu, tôi cũng biết ăn năn khi lầm lỗi, tôi tránh xa những người bạn không tốt và biết tự tha thứ cho chính mình.

Tôi bắt đầu biết cách đương đầu với sự sợ hãi, biết mình đang đứng ở đâu trong cuộc đời của ai kia, biết mình có gì, muốn gì, có thể làm được gì và biết yêu thương bản thân…  Tôi không còn sợ cô độc nữa, cũng không thích thú gì với nó nữa. Khi tôi ở một mình, tôi tự làm cho mình vui, khi tôi ở với bạn bè, tôi tìm cách làm cho họ vui và vui cùng với họ. Tôi quan tâm đến họ và tôi biết họ cũng quan tâm đến mình, thế là đủ. Tôi không cô độc, dù cho là họ chắc chắn không hiểu nhiều về tôi lắm vì chính tôi cũng chưa chắc đã hiểu hết về bản thân mình.

Vừa rồi vì lang man trên internet tìm thông tin về cuốn Khởi Sinh Của Cô Độc (Paul Auster) tôi vô tình đọc được bài viết của ai đó về sự cô độc của ảnh. Ảnh bảo rằng ảnh “thích thú với sự cô độc”, tôi chỉ bị ấn tượng bởi sáu chữ đó thôi và vì vậy tôi cũng chỉ nhớ có bấy nhiêu đó thôi. Tôi hơi bị “kị” mấy bạn có suy nghĩ như vậy vì tôi đã từng sống như vậy, điều đó hoàn toàn không tốt cho sức khỏe tâm thần của một người.

Tôi, hiện tại, rất muốn ra ngoài, bơi, đi dạo, tám chuyện với bạn thân, cười thật nhiều và làm việc thật nhiều đến khi được nằm lên giường là ngủ ngay lập tức. Thời gian này, tôi thấy cuộc sống của tôi có chất lượng hơn việc khép lòng mình, cắm cúi đọc sách và chiêm nghiệm thật nhiều xem sách nói gì, mình hiểu đến đâu rồi đem điều đó ra để đánh giá người khác…

Thật sự thì con người chúng ta là những cá thể riêng biệt nên việc cô đơn là chuyện bình thường nhất trên thế gian, chúng ta đến chỉ có một mình và ra đi cũng chỉ có một mình, chúng ta đau một mình, chúng ta vấp ngã và cũng đừng dậy có một mình… Chính vì vậy mà việc chúng ta chia sẻ cùng nhau mới là điều mà chúng ta cần hướng đến chứ. Nghệ thuật không phải là vì điều đó hay sao? Người ta viết sách kể chuyện để làm gì?

Người ta bộc lộ bản thân qua nghệ thuật, theo cách riêng của mỗi người, cho dù là theo cách gì đi nữa thì cuối cùng cũng là muốn chia sẻ và được chia sẻ. Có thể sự im lặng khiến bạn trông có vẻ rất thông minh nhưng nếu điều đó làm bạn cảm thấy cô độc thì đừng làm như vậy nữa. Nếu các vĩ nhân phần lớn đều ít nói và làm nhiều khiến cho bạn thích thú muốn trở nên giống họ, nhưng điều đó làm cho bạn cảm thấy cô độc thì hãy dừng lại. Đừng tự cô lập chính mình vì chắc chắn sẽ có người lắng nghe bạn, hiểu bạn nếu bạn dám đập bỏ bức tường bao quanh mình để biến nó thành một cây cầu.

Nếu như bạn vẫn chưa tìm được người đó thì hãy trở thành một người như thế. Bạn biết luật hấp dẫn chứ? Bạn là kiểu người như thế nào, bạn sẽ thu hút kiểu người như thế ấy. Đơn giản thế thôi. Hãy bắt đầu từ chính mình. Hãy mở lòng…

“It’s okay to feel lonely” 

Bạn không cô độc nếu bạn biết làm bạn với chính mình. Còn nếu bạn cảm thấy cô độc thì điều đó không hề ổn tí nào.

 

Quyên Quyên

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. Cảm giác cô độc cũng là thời điểm tốt để tự tìm hiểu về bản thân mình. Dĩ nhiên là như thế mãi cũng chả hay ho gì 😀
    Thực sự là rất tuyệt khi đọc đc 1 bài viết nói đúng những gì đang xảy ra vs mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI