27 C
Nha Trang
Thứ hai, 25 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Mạnh dạn để viết

*Photo: by Triết Học Đường Phố

 

Triết gia Immanuel Kant nói: “Ngòi bút là thần linh của pháp quyền”, suy rộng ra ý nghĩa của câu nói đó, ta thấy ngòi bút còn là nơi thể hiện sức mạnh, phẩm chất, tinh thần và đức hạnh của người viết. Do lối viết của nhiều người khác nhau, nên nhiều khi chỉ cần nhìn vào cách viết của người nào đó ta cũng có thể suy đoán được kiến thức, tính tình, sự cẩn trọng hay khiêm tốn trong các câu chữ. Hay nói cách khác, ngòi bút chính là cái phản ánh của tác giả.

Theo một thống kê không chính thức, và tôi tin là nó chính xác, tính bình quân đầu người ở nước ta chỉ đọc vẻn vẹn một quyển sách/năm, một con số quá nhỏ so với các nước khu vực, chứ chưa dám so với các nước văn minh trên thế giới. Đó là về đọc sách, còn về viết sách thì sao? Chắc chắn đó sẽ là một con số nhỏ khủng khiếp mà nếu có điều tra thì ta còn phải giật mình hơn.

Ví dụ một quốc gia rất nhỏ bé nhưng thịnh vượng trên thế giới là Iceland, với dân số chỉ khoảng 300 nghìn người nhưng số lượng đầu sách xuất bản hàng năm rất lớn, tính trung bình cứ 10 người dân thì có một nhà văn. Ngược lại quá khứ, trong thời đại Khai sáng ở phương Tây, thời đại mà toàn bộ phương Tây chuyển mình, đại nhảy vọt so với phương Đông của ta, tính trung bình mỗi một xã nhỏ của Pháp đều có một nhà xuất bản, sách báo được xuất bản rất nhiều, rất nhiều cây viết đã truyền bá tư tưởng của mình ra ngoài thông qua những cuốn sách đó.

Ở nước ta ngày nay, số lượng nhà xuất bản có thể nói là rất ít, chỉ có vài nhà xuất bản lớn, nhưng sách của họ cũng chủ yếu là các sách nổi tiếng của nước ngoài được dịch theo nhu cầu của thị trường đọc, những tác giả mới thường tắt ngấm sau một vài sự hắt hủi của người đọc, và cứ thế người ta viết ngày càng ít hơn. Được sống trong một xã hội được coi là dân chủ và tự do, nơi có nhiều phương tiện hỗ trợ thuận lợi để viết, vậy mà có quá nhiều nguyên nhân khiến khiến ta không thể viết, không dám viết hay không biết cách viết.

Thêm nữa con người chạy theo giá trị vật chất quá nhiều, những quyển sách làm đẹp tâm hồn ít được ngó ngàng tới, những thứ được coi là nghệ thuật bị bỏ rơi, sách viết cẩu thả, nội dung hời hợt nhưng hợp thời lại là thứ được độc giả chú ý hơn cả. Giáo dục ngày càng ít đi những người bên xã hội, nhà văn hay những cây bút ít dần về số lượng và chất lượng.

Ta nhận thấy rằng bản thân chính chúng ta viết quá ít và quá sơ sài. Thư điện tử, chat, tin nhắn là những tiện ích trong cuộc sống hằng ngày, giúp đỡ ta nhiều nhưng những hậu quả nó gây ra cũng không nhỏ, nó vô tình khiến ta cẩu thả hơn, nhạt nhẽo hơn, những câu từ hay, bóng bẩy dường như biến mất, cái lối bình dân hóa xâm nhập vào hầu như tất cả mọi người, cái trừu tượng dần mất đi thay vào cái cụ thể. Những buổi nói chuyện dần trở nên ngắn ngủi và nhạt nhẽo dần, hay nói cách khác, chúng ta không biết nói chuyện mà chỉ thích tranh luận, không biết trình bày mà chỉ thích bình luận.

Những bức thư tay cũng biến mất. Chưa bao giờ tôi thấy tình yêu lại kém lãng mạn như bây giờ, những vần thơ hay, những lời có cánh trong những bức thư tay của chàng gửi nàng đã mất hẳn. Mọi người yêu thơ tình Xuân Diệu nhưng cư xử lại khác với thơ, nhiều người coi là sến, là trên mây.

Có lần một bạn sinh viên năm thứ ba học sư phạm hỏi tôi từ “huyễn hoặc” nghĩa là gì? Một bạn khác hỏi từ “vô minh”? Những cô giáo, thầy giáo tương lai mà hỏi những từ như vậy! Ôi, quả các bạn có không biết thật thì bao nhiêu công lao soạn từ điển của cha ông ta, bao nhiêu sách báo xuất bản đổ xuống sông xuống biển cả. Chỉ đọc còn không chịu đọc, thì viết thế nào được.

Những người được coi là thành phần trí thức nhất, các giáo sư tiến sĩ, không ít người lấy những luận văn của người khác trên mạng, sao chép phần lớn kiến thức và câu chữ rồi coi đó là của mình, bảo sao các bạn trẻ lại không làm vậy. Mọi thứ đã có sẵn, chỉ việc bê về, chỉnh sửa chút xíu cho phù hợp. Chính thói lười suy nghĩ dẫn đến việc lười viết, lười viết dẫn đến việc lấy toàn bộ của người khác làm thành của mình.

Thực ra viết sách không hề khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ, về cơ bản, quyển sách là tập hợp những ý tưởng rời rạc thành một mục đích chung của tác giả, những ghi chép nhỏ, những bài luận ngắn, hay những cảm xúc ngắn ngủi được ghi lại thành câu văn được xâu chuỗi lại thành một thể thống nhất. Nếu muốn bắt đầu, đầu tiên ta nên bắt đầu với việc viết những bài viết ngắn, hay những suy nghĩ từ trải nghiệm để tăng dần khả năng của mình lên dần, sau khi có những bước tiến rõ rệt, ta xác định mục đích rồi cũng có thể viết được quyển sách cho chính mình.

Điểm lợi đầu tiên của việc viết ra là tăng kỹ năng viết lách, một con người được đánh giá cao ở khả năng trau chuốt ngôn từ của mình. Khi được là đại diện, những ngôn từ của ta còn là bộ mặt của gia đình, đoàn thể hay của cả đất nước, dân tộc, khó mà để những câu văn cẩu thả có thể hiện diện trong đó.

Ngày nay, hùng biện là một phương tiện quan trọng để đạt được sự chấp thuận của người nghe, tuy nhiên để có thể hùng biện tốt, ngoài chất giọng, điệu bộ và cách truyền đạt, những lời lẽ trong bài hùng biện lại mới có tính chất quan trọng hơn cả. Một người muốn thuyết phục được những người khác cần thiết ở tất cả các yếu tố đó.

Thêm nữa, viết ra sẽ tăng khả năng ghi nhớ kiến thức. Trong những cuốn sách về tự học của học giả Nguyễn Hiến Lê, ông khuyên chúng ta nên viết (hoặc dịch) sách vì làm như thế sẽ ghi nhớ kiến thức lâu hơn, nếu chỉ đọc thôi kiến thức chúng ta sẽ nhanh chóng mất đi. Khi đọc một quyển sách hay nào đó, ta nên luôn có một quyển vở ghi chép những ý hay để sau này ta có thể xâu chuỗi lại dễ dàng hơn.

Quả thực, khi suy nghĩ về một chủ đề nào đó, trong đầu ta có thể hình dung hàng trăm ý nghĩ khác nhau, nhưng đến khi đặt bút xuống viết những suy nghĩ đó cho liền mạch thì ta mới thấy nó khó khăn đến nhường nào. Ông nói sẽ thật là sai lầm nếu chỉ đọc mà không viết, kiến thức sẽ nhanh chóng bị lãng quên, khi viết vào, kiến thức sẽ được ghi nhớ lâu hơn. Nhà triết học Schopenhauer cũng cho rằng con người đọc quá nhiều sẽ hạn chế khả năng suy nghĩ và sáng tạo. Có vẻ điều đó là chính xác.

Khi viết ra cũng giúp ta bớt đi những suy nghĩ vô ích. Ta thấy rằng khoảng 80% những suy nghĩ của chúng ta là thừa thãi và vô ích, nó thường có tính chất lan man, liên tục, đôi khi còn có tính siêu hình, và không có điểm dừng. Nó khác với những tưởng tượng mang tính sáng tạo và thiết thực. Nếu không có sự tập trung lại, ta dễ dàng bị những suy nghĩ đó cuốn theo.

Đúng là nên viết, nhưng vấn đề là viết như thế nào?

Thứ nhất chủ đề viết, ta định viết theo chủ đề nào? Chủ đề triết học thì khô khan, khó viết và cần nhiều kiến thức chiêm nghiệm, thường ở mức trừu tượng nên mức độ phổ biến không rộng khắp. Văn học cần sự trau chuốt câu chữ và tính sáng tạo trong đó. Cảm xúc, suy nghĩ cần sự thành thực và đồng cảm, còn những bài phân tích cần nhiều kiến thức sâu rộng. Việc chọn chủ đề viết là do bạn, ta thấy cái nào phù hợp nhất với mình thì ưu tiên chủ đề đó hơn.

Thứ hai là về câu chữ và lối hành văn, cũng tùy từng thể loại mà câu chữ và cách hành văn sẽ khác nhau. Chúng khác nhau theo vị trí địa lý Đông Tây, ở phương Đông, các câu từ thường tối nghĩa, ngắn gọn, đôi khi chỉ một câu một từ mà có nhiều cách hiểu khác nhau, lối viết này yêu cầu người đọc phải có kiến thức và tự luận ra là chính, cách viết phương Tây cũng đôi khi trừu tượng, nhưng khá rõ ràng và mạch lạc, các đoạn lý giải thường chi tiết, mang nhiều phong cách quý tộc.

Lối viết cũng phân ra theo từng thời đại lịch sử, ngày trước thường viết theo lối ước lệ tượng trưng, độc giả không phải là toàn thể, nhưng ngày nay ta thấy cách viết thường theo hình thức dân chủ, câu văn tương đối dễ hiểu, câu chữ đơn giản, trọng ví dụ. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ như những tác phẩm đạt giải Nobel, tác phẩm siêu hình,… Nhưng ta đang xét xu hướng chung, không bàn chi tiết ở đây.

Mục đích viết là dành cho những đối tượng nào, chỉ viết riêng cho mình ta đọc, cho một người khác đọc, cho đa số đọc hay cho tất cả mọi người đều đọc được. Một bài viết tốt không phải là bài được nhiều người thích đọc nhất, bài được nhiều người thích nhất là bài được nhiều người hiểu nhất, có thể đồng cảm nữa. Như ta đã nói ở trên, cách viết theo hình thức dân chủ thường đơn giản, dễ hiểu và thích đưa ra nhiều ví dụ, những thứ thấy ngay trước mắt làm độc giả tán thành hay phản đối luôn, lối viết này thường dùng để truyền bá tư tưởng ra đa số.

Thật vậy một bài tiểu luận hay sách viết về triết học mà tất cả mọi người đều có thể đọc hiểu được thì đó hẳn là một bài viết không tốt, một bài thơ mà diễn tả đúng cảm xúc tất cả thì chắc chắn không có. Bởi vậy, cứ viết và tự tìm độc giả của chính mình.

Sẽ thật nguy hiểm nếu không có sự phản biện, không một vấn đề nào được đưa ra mà không có sự phán xét của người khác. Một trong những mục đích của thời đại khai sáng là công khai hóa ý kiến của mình lên để cùng trao đổi và phản biện, tư tưởng sẽ chết rục nếu ta cứ giấu mãi trong đầu mà không công khai ra, bởi ý kiến số đông không phải là ý kiến tốt, nhưng một vài ý kiến được chọn lọc trong đó lại hữu ích cho ta.

Một nguyên nhân khiến mọi người không dám công khai ý kiến mình là sợ sai, và có thể bị người khác chửi là ngu, đó hẳn là sự nhút nhát của người viết và sự thái quá của người phản biện, mong mọi người có sự dũng cảm để dám nói và dám viết.

Khi một người nổi tiếng nói lên những triết lý đơn giản, ta coi đó là những câu nói hay và chính xác, nhưng khi một người thân của bạn hay một người bình thường nào đó nói ra câu có ý nghĩa tương tự như vậy, nhiều người lại coi đó là điều ai chẳng biết. Bài viết trên đây về cơ bản là những điều mọi người đều đã biết, tác giả chỉ dũng cảm công khai những ý kiến của mình lên đây để mọi người cùng phê phán, âu cũng là cách để trau dồi thêm khả năng viết và kiến thức của mình. Bài viết chỉ là những ý tổng hợp, không muốn kéo dài ra như một quyển sách mỏng, mong độc giả thông cảm vì những điều bất tiện.

 

 

Đời Thừa

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

17 BÌNH LUẬN

  1. Cá nhân tôi là một người không mạnh dạn khi viết, nhiều khi muốn đặt bút để viết về một vấn đề hay một đề tài nào đó thì trong đầu lại suất hiện nhiều lý do để cản trở. Nào là ngôn từ hcạn chế, sợ sai, sợ vì bị người khác đánh giá .v.v.v.ngay cả viết những dòng bình luận này củng đã thấy khó khăn rồi.
    Cảm ơn tác giả vì bài viết hay giúp tôi phần nào tự tin hơn khi viết.

    • Tôi nói “chưa hoàn hảo” là vì người ta vẫn chê tác giả viết “không trau chuốt”.
      Nhưng tôi thấy sự hoàn hảo cũng… không cần thiết lắm! Mọi vật đều có sự hoàn hảo của nó, có điều là con người không công nhận điều đó mà thôi. Tức là bài viết này có sự hoàn hảo, nhưng nhiều người lại thích sự hoàn hảo khác, và họ có lý của họ.

  2. Các bài viết của bạn này thường bố cục không rõ ràng, không có trọng tâm. Đành rằng mạnh dạn để viết, nhưng cũng nên trau chuốt, biết chỉnh sửa lại, như vậy mới có sự tiến bộ.

    • Đúng, mình cũng công nhận điều đó, bố cục thì rõ nhưng trọng tâm không nhiều, bài nào mình cũng muốn viết dài lắm, các suy nghĩ liền mạch nhau liên tiếp và nhiễm lối viết dài của các ông triết gia phương Tây, có nhiều bài viết nháp ra mấy trang, gạch xóa trau chuốt từng câu chữ nhưng cuối cùng lại thu gọn chỉ để lại những ý chính và gạch đầu dòng, bỏ hầu hết các ví dụ đi. Thật khó mà một bài mong muốn định hướng lại viết quá dài để có thể được đọc bởi độc giả, còn nếu viết theo trọng tâm thì chắc phải chia thành các phần nhỏ(Part 1,2,3…). Chấp nhận bị khiển trách nhưng âu cũng có cái lý của mình. Cảm ơn bạn.

  3. – Sau khi đọc xong bài viết này lần một – mình cảm thấy bài viết hay và nghĩ rằng tác giả có thể là một người rất thích sách và có một mục đích viết thật đẹp

    – Tiếp theo mình đọc những lời bình luận – mặc dù không “cùng đường” với tác giả nhưng không hẳn là không có ý đúng

    – Mình quyết định đọc lại một lần nữa xem sao (lần này đọc kỹ hơn một chút). – Mình nhận thấy rằng mình có thể “biện minh” cho một số nguyên nhân (mình cũng không bảo vệ những ý kiến trái lại). Mình không muốn phủ nhận những giá trị đẹp mà thực chất là mình không thể. Mình không muốn “biện minh” tại đây vì dài lắm. Sao bạn không thử nhìn sâu hơn vấn đề bạn nêu ra dưới một góc độ khác bạn. Mình nghĩ thường thì ta hay nhìn theo cái hướng mà ta muốn hướng.

  4. Tác giả bài viết yên tâm, đến khi nào người ta muốn viết điều gì đó mà không phải quan ngại rằng tác phẩm của họ bị đánh giá là “lệch lạc tư tưởng” “đụng chạm” hay gì gì đấy thì lúc đó sách bảo, ấn phẩm, hồi ký…với phần tác giả là người Việt sẽ đầy kệ các cửa hiệu sách thôi

    – Đồng ý là VN mình đọc sách ít quá: Theo bộ thông tin và truyền thông, Việt Nam có 55 nhà xuất bản (các công ty như Nhã Nam và Alphabook thì không phải là nhà xuất bản, họ chỉ là công ty sách) nếu chia bình quân đầu người dân số Việt Nam thì một nhà sách phải phục vụ khoảng 1.6 triệu dân, nhưng thực tế, một cuốn sách thuộc hàng best-seller tại Việt Nam thì một lần xuất bản (trong 1 năm) chỉ vào khoảng vài chục ngàn thì hết khả năng.

    – Không đồng ý với yếu tố chạy theo vật chất hay đỗ lỗi cho công nghệ và tiện nghị cuộc sống là mọi người cẩu trả trong nói, viết, trình bày vấn đề hay chỉ thích bình luận. Theo mình 2 yếu tố trên ít liên quan nhiều tới việt đọc sách hay viết sách. Vì đơn giản, xuất xứ của những cái như công nghệ thì nước Mỹ, họ vẫn có kho sách (online lẫn offline) hoạt động cực kỳ mạnh và sôi động đi kèm đó là hệ thống thư viện đồ sộ chứ không hời hợt như thư viện tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh (với phần lớn đất của thư viện dùng cho thuê mở quán ăn, cafe hay dùng để giữ xe)

    – Đồng ý là sợ sai khi viết: ngay từ khi đi học, trẻ con được dạy viết văn là viết sao cho đúng, mà người lớn (người thầy) không quan tâm cách tụi nhỏ trình bày vấn đề theo cách hiểu của nó và hướng dẫn nó. Và thay vào đó là họ dạy cho nó những ý chính khi trình bày nội dung và cứ vào đó mà viết đừng viết ra ngoài. Trong khi đó, khái niệm đúng sai không phải trọng tâm của việc dạy viết vì cái chính là xem người viết có trình bày được, có phân tích được hay không

    • Ve ca nhan thi minh chua bao gio cho rang My la nuoc co nen hoc thuat tot nhat tren the gioi, My con kem nhieu nuoc chau Au, chua the bang duoc. Nuoc minh danh gia cao nhat la Phap, sau do den Duc.
      Va trong bai viet cung khong co noi la cong nghe lam moi nguoi cau tha hon, chi noi chat, email, va tin nhan thoi. Internet vua co qua nhieu loi ich, nhung cung co nhieu dieu nguy hai.
      Sr vi ko co unikey.

  5. “Mạnh dạn để viết” – Những diễn giải của bạn chỉ 1 phần đi vào chủ đề đang muốn nói. Ở đây chúng ta không bàn đến sách xuất bản nhiều hay ít hay thư tay còn hay không còn, vì những điều này là sự tất yếu của xã hội song hành với sự phát triển của công nghệ. Những công cụ, thiết bị ra đời chỉ nhằm để hỗ trợ cuộc sống của chúng ta tốt hơn, và tôi thấy rằng mình vẫn có thể viết tốt hơn trên máy tính, ipad, note… và có thể kèm theo các hình ảnh minh họa, các dữ liệu đối chiếu được tìm kiếm ngay lúc đó, chứ không hẳn phải kè cuốn sổ theo bên mình, vì điều đó không phù hợp hoặc cơ bản là tôi không thích. Mạnh dạn để viết, với tôi đơn giản là bạn phải viết ra những mong muốn của bạn (khi bạn xác lập mục tiêu) hoặc đôi dòng nhật ký nếu bạn muốn lưu giữ điều gì hoặc vài chữ cho những điều bạn tâm đắc trong ngày. Viết, viết ít, viết vừa, viết nhiều…từ từ rồi sẽ thành thói quen. Viết không chỉ là nghệch ngoạt trên quyển sổ…

  6. “Theo một thống kê không chính thức..”
    – Thống kê nào cơ ? Thống kê tôi biết thì lượng đầu sách ở Việt Nam được làm mới rất nhanh, sách có lượng tiêu thụ lớn, hoàn toàn trái ngược với nhận định của tác giả.

    “Thêm nữa con người chạy theo giá trị vật chất quá nhiều…thứ được độc giả chú ý hơn cả”
    – Dựa vào nguồn nào tác giả có thể kết luận như thế ? Bằng những quan sát cá nhân?

    “Những bức thư tay cũng biến mất. Chưa bao giờ tôi thấy tình yêu lại kém lãng mạn như bây giờ, những vần thơ hay, những lời có cánh trong những bức thư tay của chàng gửi nàng đã mất hẳn”
    – Đây là hoài niệm cá nhân, nặng tính chủ quan.

    “Có lần một bạn sinh viên năm thứ ba học sư phạm hỏi tôi từ “huyễn hoặc” nghĩa là gì? Một bạn khác hỏi từ “vô minh”? ”

    – Không biết thì phải hỏi. Không hỏi thì không biết. Khi một người đến và tìm hiểu kiến thức đó phải là điều đáng hoan nghênh. Tại sao lại chỉ trích? Kiến thức rộng vô bờ bến, đến trạng nguyên mà chữ “chi” còn không biết đấy thôi.

    “Quả thực, khi suy nghĩ về một chủ đề nào đó…”
    – Kinh nghiệm cá nhân tôi thấy điều này đúng.

    “Những người được coi là thành phần trí thức nhất … không làm vậy”

    – Bởi vì người ta chỉ lôi cái xấu lên để nói. Và nói như thế này giống như vơ đũa cả nắm. Bản thân tác giả bài viết này còn chưa để được một cái nguồn nghiên cứu để chứng minh cho vài luận điểm của mình.

    “Khi viết ra cũng giúp ta bớt đi những suy nghĩ vô ích. Ta thấy rằng khoảng 80% những suy nghĩ”

    – Như trên, số 80% này là ước lệ tượng trưng hay là nghiên cứu thực?

    • Mình xin nhận xét về ý 1 và ý 2 của bạn.
      Thứ nhất , lượng sách tiêu thụ ở VN rất nhiều. Mình công nhận điều này đúng một phần. Tại sao? Hãy để ý các kệ sách của các hiệu sách lớn, những cuốn sách đặt ở vị trí trang trọng nhất thường là những cuốn sách ngoại văn, hoặc sách dịch. Lượng tác phẩm trong nước thực sự không nhiều, còn lượng tác giả trong nước thì quả thật là ít.
      Thứ 2 , về chất lượng sách. Mình cam đoan với bạn là cho mình quản lý một hiệu sách, mình sẽ đốt/vứt/bán hạ giá quá nửa số sách trong đó. Không khó để tìm được những cuốn sách có tựa đề mỹ miều, nhưng đọc được vài trang thì chỉ muốn gập sách lại.
      Riêng về chủ đề sách tham khảo các môn học, mình khẳng định chắc chắn rằng chất lượng chúng đang ngày càng đi xuống. Không thiếu những scandal về sách, không thiếu những tựa sách ‘nhảm’ mà mình nghi ngờ về trình độ sư phạm của người viết. Còn nếu bạn muốn sách có chất lượng, bạn chỉ có thể tìm ở tiệm sách cũ, hoặc là lên các diễn đàn mạng để xin các tài liệu member chia sẻ.
      Thêm nữa, đến cả những sách của NXBGD – có thể coi là NXB uy tín nhất trong lĩnh vực học thuật, cũng càng ngày càng nhạt. SGK của bạn năm nay tái bản đến lần thứ mấy? Vậy mà vẫn có lỗi sai :)))
      Thế nên mình chỉ dám nhận định rằng thị trường sách của VN rộng nhưng mà loãng toẹt.

    • Nên nhớ dân số nước ta là 90 triệu người, mỗi quyễn sách hay khi tái bản thường chỉ dám trong khoảng vài nghìn thôi, số lượng nhà xuất bản là bao nhiêu? Cái bạn nhìn thấy chỉ là số đông người mua sách ở các thành phố lớn thôi, về các vùng nông thôn xem có mấy cái thư viện, mấy hiệu sách?Chưa kể nhiều người mua về xong để đó. Nhiều người thành phố quanh tôi tôi biết chắc chắn rằng cả năm họ cũng chẳng bao giờ đọc xong 1 quyển sách, đáng buồn họ là người thân của tôi.
      Mọi người mua sách gì nhiều chỉ cần nhìn qua các thể loại sách bán ra trong hiệu sách là rõ nhất. Chính những người chủ hiệu sách là hiểu rõ hơn cả.
      Đây thực sự là một bài mang tính chủ quan của tác giả, sao lúc nào cũng phải lôi nghiên cứu ra để nói. Số 80% là do 1 thiền sư nổi tiểng Việt Nam nói ra. Dùng cái đầu mình để nghiên cứu thôi.

      NXBGD là NXB mang tính phổ thông hơn cả. Theo tôi, nếu ai có mong muốn tìm hiểu tri thức nhân loại thì nên tìm đến NXB Tri Thức(những cuốn sách tinh hoa, cũng chỉ là sách dịch là chính) hay Alpha Books gần đây cũng có nhiều sách dịch chất lượng.

    • Chỉ đọc dòng bình luận đầu tiên của bạn, mình đã biết ngay bạn rất lười đọc. Cái thống kê ấy hầu như mọi người ở THĐP đều biết, thậm chí bạn còn không biết là thống kê không chính thức ấy xuất phát từ một doanh nghiệp kinh doanh sách 🙂

      Tặng bạn một câu “chúng ta không biết nói chuyện mà chỉ thích tranh luận, không biết trình bày mà chỉ thích bình luận”. Tôi tôn trọng ý kiến cá nhân của bạn, cũng như tác giả bài viết. Nhưng tôi cũng thiết tha mong mỏi bạn hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi trình bày những ý kiến cá nhân ấy 🙂

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI