28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Cuộc sống cứ đổi thay: Tại sao các câu truyện (chứ không phải khoa học) giải thích về thế giới

Photo: Bonnie Mably

 

Hôm nọ tôi đọc được bài viết này trên The Atlantic. Và tôi nhớ đến trong buổi học cuối cùng của lớp Vẽ Kể Chuyện, có một bạn đã hỏi chúng tôi về chuyện cậu có nên bỏ học đại học hay không. Tôi và But Chi đều khuyên cậu không nên bỏ, vì thời gian còn lại còn ngắn, vì đôi khi ta phải cho mình biết ta có thể kiên nhẫn đến đâu. Dẫu vậy, khi nghĩ lại về mọi việc, đôi khi chúng ta cũng phải liều để biết ta có thể làm được gì. Và đó chính là một phần lý do tôi quyết định dịch đoạn viết này của Jennifer Percy, một nữ tác giả trẻ, còn chưa ra cuốn tiểu thuyết đầu tay (dự định sẽ ra vào tháng Sáu). Tôi luôn thích những bài viết kể về cuộc đời chính mình của các tác giả, bởi vì đó là cách họ nói về tất cả chúng ta. Và tất nhiên, tôi muốn dịch bài này để chia sẻ với tất cả các bạn học viên của Vẽ Kể Chuyện, những người đã cùng chúng tôi tin “Thế giới được tạo ra từ những câu chuyện.”

 

Những bài học cha dạy tôi thời bé đều chỉ xoay quanh khoa học. Cha là một nhà vật lý học nghiệp dư và chỉ nhìn thế giới qua lăng kính ấy. Tôi nhớ cha nói rằng chúng ta đều được tạo thành từ bụi sao, rằng các nguyên tử trong cơ thể chúng ta đã khởi nguyên từ các vì sao hàng triệu năm trước. Hoặc, nếu chúng ta bước vào một lỗ đen, chúng ta sẽ biến thành một dòng hạt hạ nguyên tử như thế nào. Tôi nhớ cha đã bảo chuyện suy giảm áp suấttrong vũ trụ quan trọng, rằng mắt ta sẽ lòi ra khỏi tròng như ra sao.

Thế giới tự nhiên là một phần lớn lao trong tuổi thơ tôi. Chúng tôi sống ở vùng nông thôn Oregon, giữa những ngọn núi và sa mạc, dân cư không được lấy làm đông đúc. Chúng tôi hưởng cuối tuần giữa hoang dã. Đêm rất đen, và hàng đêm, chúng tôi ra ngoài, nhìn qua ống viễn vọng lên những vì sao. Nhưng với cha đó không phải là những vì sao. Cha gọi chúng là “những mặt trời đang tàn lụi.”

Nếu tôi làm cháy một cái bánh quy hình người trong lò, và khóc lóc với cha vì chuyện ấy, cha đáp, “Chà, một ngày nào đó mặt trời sẽ phá hủy trái đất. Và chúng ta sẽ như cái bánh quy hình người đó thôi.”

Suy luận khoa học đó làm tôi khiếp hãi – nhưng cha tìm thấy sự an ủi trong việc đi tới các vì sao. Cha trốn khỏi lãnh địa rối rắm là sự tồn tại của nhân loại, thứ cha gọi là “thực tế hỗn loạn” hoặc “rắc rối nhân sinh.” Khi bạn hình dung rằng chúng ta chỉ là một phần của tảng đá, những mối lo bé nhỏ trở nên chẳng đáng bận tâm. Cha đặt một tấm hình trên bàn làm việc, chụp từ kính viễn vọng Hubble, nhìn từ xa giống như hình dạng của các ngôi sao – nhưng nếu nhìn kỹ hơn, thì đó không phải là sao, đó là toàn bộ các dải ngân hà. Cha tôi thấy rằng, hãy hình dung trái đất tí hon giữa những dải ngân hà đó – đột nhiên, một ngày bất hạnh, công việc rắc rối, chúng biến mất.

Thế nhưng, tôi thấy sự bao la khủng khiếp đó của vũ trụ thật đáng sợ. Anh trai tôi và tôi, như nhiều đứa trẻ khác, định hình tính cách từ việc sục sạo các cuốn sách mình có ở nhà, và chúng tôi chỉ có hai loại sách: sách vật lý hoặc sách Stephen King. Cả hai đều đáng sợ. Vì thế chúng tôi phải chọn nỗi sợ nào làm mình thích hơn – nỗi kinh hoàng trước vũ trụ hay nỗi kinh hoàng trước gã hề sống trong máy khâu và toan giết bạn. Tôi nghĩ anh trai tôi đã chọn Stephen King và tôi chọn Stephen Hawking.

Tôi theo đuổi sự nghiệp khoa học, và thời học đại học, tôi đã học ngành vật lý. Tôi đã làm việc với những người đã làm ra Mars Rovers (cỗ máy chạy được trên bề mặt sao Hỏa) và hiểu được đặc tính của tinh thể và lái máy bay giảm trọng lực qua vịnh Mexico, tưởng tượng họ đang thực hiện cú nhảy không gian. Nhưng tôi chẳng hề vui.

Ngôn ngữ của khoa học không làm tôi thỏa mãn. “Điều khó hiểu nhất của vũ trụ là nó khó hiểu,” Einstein từng nói. Nhưng tôi không nghĩ mối quan hệ của loài người là hoàn toàn dễ hiểu. Chúng có thể được tách bạch ra từng khoảnh khắc ngắn ngủi tươi đẹp, nhưng rồi chúng có thể thay đổi. Không giống như thí nghiệm khoa học với các thông số đảm bảo, nghiêm khắc, cuộc sống của chúng ta là vô hạn và bất định. Và chẳng bao giờ có phần kết của câu truyện cả. Chúng ta cần nhiều hơn khoa học – chúng ta cần truyện kể để nắm bắt lấy sự phức tạp ấy, sự không thể hiểu nổi ấy.

Và đây chính là vấn đề cơ bản của việc viết ra các tác phẩm phi hư cấu. Mọi người hỏi, “Sao bạn có thể viết về tiểu sử của người khác? Làm thế nào bạn mô tả đầy đủ được?” Chà, thì bạn có làm thế đâu. Đó là kỹ năng. Có những khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng mảnh nhỏ, chúng kết tinh lại mọi thứ – nhưng chúng là một phần của một điều gì đó lớn hơn luôn thay đổi và biến động. Thậm chí nếu bạn viết một cuốn tự truyện, bạn chỉ có thể nắm bắt được một chút mẫu nghiệm của cái bản thể lớn hơn. Bạn sẽ không bao giờ thâu tóm hết toàn bộ cuộc đời trên trang sách, bởi vì cuộc sống cứ luôn thay đổi.

Dù sao đi nữa, tôi đã bắt đầu viết lách thay cho việc đi học theo yêu cầu. Tôi viết về nước Nga vì tôi đã trải qua mùa hè năm ấy ở trên Vòng Bắc Cực nghiên cứu cây cối, cá và trái thông và dân Nga đã không làm tốt việc giữ cho mọi thứ trên đó sống sót như thế nào. Nơi ấy thật phi thực. Không bao giờ tối. Vodka tràn trề. Tôi đem lòng yêu anh chàng người Mỹ kia và chúng tôi hẹn hò – dù hẹn hò ở đó tức là sao đi nữa – nhưng tôi không bao giờ có thể nói cho anh ấy biết tôi yêu anh ấy nhiều như thế nào. Tôi chỉ chết mòn đi trong tâm khảm. Vì thế tôi phải viết về anh ấy để làm cho anh ấy, có thể, làm cho anh ấy bớt quyền năng hơn và cũng để anh hiểu sự điên rồ mà tôi cảm thấy. Và tôi đã viết. Quả thực là tình yêu đã khiến tôi viết. Tôi bắt đầu đọc James Joyce, Virginia Woolf và C.S. Forester, và tôi thấy mình là con người hoàn toàn bình thường trong những cuốn sách ấy. Có một vị giáo sư, David Price, và ông ấy đã giảng thật hay về văn chương. Các nhân vật sinh động tới mức như họ đang dạo quanh phòng cùng chúng tôi. Ông giới thiệu cho chúng tôi một truyện ngắn tên là “The Ledge” của Lawrence Sargent Hall. Đó không phải là một tác phẩm nổi tiếng, dù nó có xuất hiện trong một số tuyển tập, cũng như trong Những truyện ngắn Mỹ hay nhất thế kỉ, do John Updike biên tập. Nó kể về một ông già đánh cá đã rời khỏi cái giường ấm áp của bà vợ để đi săn vịt biển với con trai. Ông đã hứa với con là sẽ đi săn. Cuối cùng, khi họ tới nhặt con vịt đã bị bắn chết trên cát, con thuyền đã bị cuốn trôi ra biển và họ mắc kẹt lại với nhau, nước dâng lên, và họ chờ chết.

Nói lại lần nữa, tôi lớn lên ở một vùng đất mà tự nhiên luôn chế ngự cuộc sống của mình, luôn thâm nhập vào cảm giác của tôi – dù về nghĩa đen là sự hoang dã, hay về nghĩa bóng qua những bài giảng khoa học của cha. Và truyện “The Ledge,” với dòng thủy triều chết chóc, xâm lấn dâng cao, đã tác động sâu sắc tới tôi. Nó giúp tôi định hình những câu hỏi quanh việc vũ trụ mênh mông và khủng khiếp tồn tại song song cùng thứ tình yêu thông thường hay các tình huống xảy ra mỗi ngày như thế nào. Câu chuyện để lại cho chúng ta hình ảnh của lão đánh cá bị bắt lấy một cách không thương tiếc giữa hai thế giới. Nó đúc nên một câu hỏi đã trở thành ám ảnh, theo tôi vào trong những gì tôi viết: chuyện gì sẽ xảy ra cho nhân vật của bạn khi tự nhiên và con người va đập vào nhau dữ dội. Trong đoạn viết tôi chọn ở đây, người cha đã nhấc bổng con trai ông lên vai. Biển đang dâng. Con chó đã chết. Con thuyền đã trôi. Khi nước dâng ngập ủng của ông, mọi thứ như đi đến tận cùng, và vùng nước ông thông thạo và tưởng đâu đã biết rõ và khống chế được, giờ đang trở nên kinh khủng. Đó là hình ảnh của lễ rửa tội, nhưng là rửa tội trước khi chết. Đây là điều sẽ xảy ra tiếp:

“Cậu con trai đã làm cho ông điều tuyệt vời nhất có thể làm trong lúc ấy. Cậu còn quá  nhỏ để hiểu trọn nỗi kinh hoàng, nhưng cậu cũng đủ lớn để biết có những điều vượt quá khả năng kiểm soát của bất cứ ai. Cậu đã làm điều cậu có thể, bằng việc tin tưởng hoàn toàn điều cha mình làm, và không thắc mắc gì thêm.

Người đánh cá, bị biển làm cho hoảng loạn tận tâm can, nhắm chặt mắt trước màn đêm vô tận.

“Chúng ta bơi chưa?” cậu bé hỏi.

Người đánh cá nói không nên lời. “Chưa đâu,” ông đáp. “Vẫn chưa đâu.”

Người đánh cá đã phạm phải sai lầm chết người, cậu con vẫn giữ lòng tin tưởng vào cha mình. Việc chọn giữ lấy hi vọng hão huyền ấy, điều mà chẳng ai thực sự tin tưởng cả – họ đều biết rằng họ không thoát nổi, thật đẹp đẽ. Chúng ta phải giữ lấy tình yêu ấy để giữ cho nhân loại còn sống sót đến ngày nay, thậm chí cả khi nước dâng lên ngập quá miệng ta, tràn vào phổi ta và đưa ta về phía cái chết.

Chúng tôi không bao giờ biết mình sẽ phản ứng ra sao trong những tình huống đặc biệt. Chúng ta có thể bước vào thế giới, đóng bất cứ vai diễn nào chúng ta chọn để đóng, nhưng có thể sẽ có một thời điểm mà việc đóng vai không thể tiếp tục nữa. Người đánh cá và cậu con trai đã đóng vai đến tận cuối. Nhưng độc giả biết chính xác chuyện gì đang xảy ra – và có thể thấy được dòng độc thoại nội tâm, những suy nghĩ và biểu hiện cơ thể cho thấy ông đã khiếp sợ, và ông đã thất bại. Họ không chỉ chết giữa biển – họ còn biến mất vào trong biển. Hall đã nói lên được một điều từ đó. Cái chết xảy ra bên ngoài sân khấu, và chúng chỉ thấy điều xảy ra sau đó – đó là một kỹ thuật mà Flannerry O’Connor cũng từng dùng trong các khoảnh khắc bạo lực kinh khiếp, bởi chuyện xảy ra trong tưởng tượng thường kinh hoàng hơn sự thực. Nhưng hình ảnh mà chúng ta có được, hình ảnh ở lại trong tôi mãi mãi, là con sao biển bám lấy ủng của người đánh cá. Thậm chí cả con sao biển vẹo vọ kia cũng chế ngự được con người đó. Thật là một khoảnh khắc đáng thương hại của loài người.

Nhưng đó không phải là dư âm của truyện. Mà phải là những lời của người đánh cá nói trước khi nước tràn vào phổi ông và giết chết ông. Con trai ông hỏi đã đến lúc bơi chưa. Và tất cả những gì người đánh cá đáp chỉ là, “Chưa đâu. Vẫn chưa đâu.” Tôi hình dung đó là điều tất cả chúng ta đều nghĩ khi phải đối mặt với sự hữu hạn của mình và tôi thích cách chúng ta có thể thấy rằng người đánh cá đã đính chính lại suy nghĩ của ông – làm nhẹ đi chữ “Chưa đâu” thành “Vẫn chưa đâu.” Chữ “vẫn” có ở đó vì chúng ta biết cái chết là không tránh khỏi nhưng ông vẫn van nài thêm một chút xíu thời gian để ở với con trai. Chúng ta nghe những lời này vang vọng trên phần giấy trắng. Hall đã để chúng trở thành bất tử theo một cách riêng.

Để tiếp tục câu chuyện, ngôn ngữ của vật lý không giúp tôi nối liền khoảng trống. Có một sự trống rỗng mà vật lý học không giúp tôi xóa tan đi được. Nhưng các câu truyện thì có. Trò chuyện với mọi người là chưa đủ, nhưng nếu tôi có thể bước vào một thế giới, và được giữ chặt ở đó trong vòng tay của nó, thì tôi có thể mời những người khác cùng bước vào trong thế giới ấy. Vậy là tôi đổi ngành học của mình từ Vật lý sang Anh ngữ. Tôi nghĩ mình thực sự đã khóc khi nộp đơn – thật đáng sợ khi phải từ bỏ mọi kế hoạch và bắt đầu một điều mới. Nhưng tôi đã đủ khả năng viết ra những điều thật quan trọng mà tôi chưa từng có thể nói ra trước đó. Và, tất nhiên, đó chính là công việc của văn chương. Trong truyện ngắn của Chekhov, “Nụ hôn”, có một khoảnh khắc đổ bóng lên tâm trí của nhân vật chính – khoảnh khắc của nụ hôn – nó diễn ra mà không cần tới bất cứ sức mạnh hay ý nghĩa đặc biệt gì anh từng nghĩ tới. Câu chuyện kết thúc ở đó. Tôi nhận ra mình thường cảm thấy như vậy: Khi tôi cố để giao tiếp với mọi người thì cây cầu không phải lúc nào cũng được nối. Viết lách là điều đầu tiên khiến tôi cảm thấy mình có thể tạo ra một mối liên hệ chuyển động cả về hai phía, một con đường hai chiều giữa tôi và toàn bộ phần còn lại của thế giới.

 

Phương Huyên

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

  1. Mỗi người tìm thấy cái tôi , hay cái thế giới quan của mình trong một lĩnh vực nào đó. Ở đây tác giả trong bài viết đã chọn là văn chương, tôi tôn trọng điều đó. Nhưng trên quan điểm của mình, tôi luôn chọn là khoa học, vì khoa học mở rộng thế giới quan của mình tới vô giới hạn( mặc dù văn chương hay một lĩnh vực nào khác cũng có thể đạt tới sự vô giới hạn trong lĩnh vực của mình, nhưng khoa học là sự thực tế, tôi đã mở rộng thế giới quan của mình bằng khoa học và tôi luôn tin tưởng điều đó ).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI