27 C
Nha Trang
Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

4 việc tưởng dễ mà khó (Phần 2): CHƠI

Chơi – tưởng là một việc dễ dàng, nhưng trong thời đại bận rộn soán ngôi hoàng đế này thì nó dường như là một điều bất khả. Người ta dùng từ “bận” để định nghĩa một phần mức độ thành công trong cuộc sống của họ, trong năng suất hành động của họ. Bận rộn là một cách để khẳng định giá trị, khẳng định danh tính. Tức là nếu không bận làm gì đó thì một người sẽ tự thấy mình là một kẻ bỏ đi, là một cái xác ươn thối.

“Ê mày, qua đây đi dạo ngắm cảnh không?”

“Thôi, tao bận lắm.”

“Ê mày, nhìn mấy ngôi sao xinh chưa kìa!”

“Thôi, tao không có thời gian đâu.”

“Ê mày, cười lên một cái coi.”

“Thôi, tao đang ngập mặt trong một đống việc rồi.”

Tất nhiên, điều chúng ta cần nhận diện ở đây: “Bận” không có nghĩa là sự “tập trung” mà là một sự “ngục tù của tập trung”, một sự cưỡng bách tập trung. Và “chơi” là chìa khóa duy nhất giải phóng kẻ nằm sau tấm song sắt ấy.

Một người bận rộn với nhiều tác vụ không có nghĩa họ không có khả năng chơi. Nhưng một người không có khả năng chơi thì chắc chắn “bận” ngồi tù ở một việc nào đó. Một ngày lao động 8 tiếng mà mang tư tưởng “phải lết xác đến cơ quan”, “cố gồng cho hết buổi sáng”, hay “chẳng có rảnh đâu mà nghịch ngợm linh tinh” thì tôi nghĩ người đó đang rơi vào vùng đe dọa thật rồi. Họ nên bỏ quách cái việc ấy đi thì hơn.

Sự bận rộn nào khiến cho người ta không thở được nổi, không thư giãn để ngắm cảnh, chơi đùa được nổi, thì sự bận đó là một thứ rác rưởi. Còn người nào không thể tiếp cận công việc một cách thư thái hay độc lập được thì người đó chỉ trở thành nô lệ cho hoàn cảnh. Và mọi hân hoan, phúc lành của cuộc sống bị vụt qua hết thảy khi họ lao đi vun vút trên một con ngựa điên cuồng.

Bây giờ nếu muốn xem rằng một người có khả năng “chơi” hay không thì ta chỉ cần đặt họ vào hai tình huống đối nghịch:

1. Cực kỳ nhiều việc (cường độ lao động lớn)

Một người không có tinh thần thư giãn, vui đùa bên trong mình thì không thể chịu đựng nổi áp lực của một công việc nặng đô. Cách họ tiếp cận nó sẽ là khiếp đảm, choáng váng, căng thẳng và dẫn đến hành động gồng gánh, càng về sau càng dễ lao lực, vụn vỡ. Bên trong họ không có những “khoảng nghỉ” là sự vui đùa (một cây đũa phép biến những áp lực thành sợi lông hồng), nên cái gì nặng sẽ càng ngày càng nặng hơn.

Còn với người biết “chơi” trong khi làm, tức là tìm thấy được những khe hở của sự bận bịu, họ sẽ đi ra được khỏi những luật lệ của công việc đó. Áp lực mà nó gây ra bây giờ sẽ trở thành một sự kích thích thú vị. Và niềm vui chinh phục được những tác vụ lớn sẽ được phân bố đều trong cả một quá trình làm việc, người đó không phải đợi đến khi “Ơn trời, mọi thứ đã qua!” thì mới cảm thấy vui.

2. Chẳng có công ăn việc làm gì cả

Theo tôi, đây là một cách cực kỳ khắc nghiệt để rèn luyện khả năng “chơi” của một người, để đánh giá thái độ của họ khi đứng trước áp lực dư luận và thời gian. Các bạn thử nghĩ mà xem, ta chơi gì thì dăm bảy ngày là chán, phải quay lại làm việc. Mà cũng nhờ trước đó có sự lao động mệt mỏi thì việc chơi ấy mới có ý nghĩa, có giá trị.

Còn bây giờ không làm gì cả, nhiều hơn 10 ngày, nhiều hơn 1 tháng xem ta có chịu được không? Lúc đó một người sẽ phải đối mặt với sự hủy hoại ý tưởng về giá trị của con người. Giá trị ấy có thật sự được quyết định bởi công việc anh ta làm?

Bây giờ tôi đưa bạn ra hoang đảo, hay lên núi và cấm bạn lao động tay chân, nói chung là không cho làm gì cả, chỉ chơi thôi. Bạn có dám chắc là mình sẽ làm được không?

Có thể bây giờ bạn bảo chơi dễ ẹc, nhưng cái “chơi” đó nó có sự tương quan với “làm” trước đó. Còn bây giờ sự “làm” bị tiêu diệt, bạn sẽ chơi kiểu gì đây? Bạn sẽ có thể bị rơi vào trạng thái “nhàn cư vi bất thiện.” Sự dư dả về thời gian làm nổi lên trong người ta những tầng nội tâm mà bình thường không được chú ý, từ rác rưởi cho đến trong lành.

Cái chơi trong trường hợp 2 này tôi đang muốn nói đến sự thiền định – không làm gì cả. Nó là một điều kiện khắc nghiệt, có tác dụng làm sạch tâm hồn. Ai chơi được trong hoàn cảnh này mới thực sự là người hùng mạnh.

📌 Sức mạnh của việc không làm gì


Einstein có câu:

“Creativity is intelligence having fun.” (Tạm dịch: Sáng tạo là sự thông minh vui đùa.)

Tức là, nếu không có “having fun” thì cũng chẳng có sáng tạo, dù người đó có thông minh cỡ nào. Và tôi đồng tình rất cao với điều này. Những truyện ngắn, những bài thơ, những ý tưởng khoa học đều đến với tôi trong lúc tôi đang chơi đùa, hoặc trong lúc tôi sắp rơi vào giấc ngủ (việc này cũng có thể coi là tách biệt với sự bận rộn náo động.)

Những người làm nghệ thuật hay những người có thiên hướng nghệ thuật muốn tạo ra một sản phẩm gì đó độc đáo, mới lạ, nhưng hướng đi của họ là một sự gồng ép, nên họ đã giết chết nghệ thuật trong khi “làm” nghệ thuật.

Với tôi, nghệ thuật như những cánh chim trời, chỉ đáp đậu trên mảnh đất yên lành khi một người không-làm-gì-cả, tức là họ đang trong trạng thái thảnh thơi, chơi đùa. Đây chính là cái mẹo khiến cho một người làm ít nhưng năng suất và chất lượng sản phẩm lại cao hơn một người làm nhiều. Vấn đề không phải nằm ở loại công việc họ đối diện, vấn đề nằm ở trạng thái nội tâm hiện tại của người đó. Đây mới là thứ được biểu lộ ra thế giới bên ngoài.

Nếu một người căng thẳng, áp lực, sản phẩm của họ sẽ méo mó. Nếu họ thư giãn, vui vẻ, sản phẩm của họ sẽ căng tròn, mịn màng. Cái thư thái ấy là mảnh đất cho niềm vui và những ý tưởng mới nở rộ.

Woody Guthrie (ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ nổi tiếng với nhiều ca khúc về chính trị), đã từng nói:

“Take it easy, but take it.”

Tôi cho rằng, câu nói này có thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh. (Terence McKenna thì dùng để ám chỉ việc một người nên tiếp cận/sử dụng psychedelics như thế nào.) Và “Take it easy” kia tương đương với “Having fun” của Einstein và “Why so serious?” của Joker. Đó là những điều khẳng định vị trí và sức mạnh cho một người khi họ đứng giữa lòng thế giới náo động.

Làm không khó, chơi mới khó. Tất nhiên, “chơi” này không có nghĩa là ăn chơi trác táng, thác loạn, đàn điếm đêm ngày, sớm khuya đều thấy say sưa bắt gà ở trên nóc nhà. “Chơi” ở đây là một sự thảnh thơi của tâm trí, tách biệt khỏi những lực đẩy của tác vụ, tự do khỏi quán tính phản ứng/hành động.

Nếu bạn muốn cảm được tinh thần “chơi” ấy thì tôi gợi ý bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến. Khi nhìn lại mình “chơi” mà không thấy THẢNH THƠI như thế này, có lẽ bạn đã nhầm lẫn gì đó rồi.

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tý
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng, trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh minh họa: pikabum

📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1- 7

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI