Đã từ rất lâu tôi không viết gì. Không phải vì tôi không thích viết mà bởi lẽ tôi thấy chẳng có gì đáng viết, chẳng có gì đáng nói, chẳng có gì đáng trao đổi và mỗi một lần phát biểu một ý tưởng nào đó cũng là mỗi một lần hoài công phát biểu, cố gắng nói một cái gì đó không cùng, một cái gì vô hình, vô lý và vô ý niệm.
Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay đang làm gì? Hằng ngày họ đi học, đi làm kiếm tiền, thời gian rảnh thì lướt web nghe nhạc, xem phim, dùng facebook, zalo, café tán gẫu… Một số khác thì đi du lịch, du học – bỏ xứ Việt Nam này mà đi, theo đuổi nghệ thuật, theo đuổi đam mê… Họ sống trong một vòng luẩn quẩn, bế tắc, không có gì mới mẻ, không có gì sáng tạo. Họ đang sống mòn và đang ngủ say.
Một vài bạn trẻ không muốn chấp nhận một lối sống tù túng và họ tự huyễn hoặc mình. Họ phản ứng tiêu cực một cách bâng quơ, vô mục đích. Giới trẻ Việt Nam hiện nay như một con tàu không người lái. Họ chẳng biết thần tượng ai, bắt chước ai, học hỏi ai và định hướng cuộc đời mình về đâu.
Tài năng Việt Nam hiện hay đang có gì? Xem các chương trình “game show” thì thấy nở rộ nhiều tài năng, thần đồng nhưng hầu hết ở những lĩnh vực thiếu tính thực tế. Nhân tài đất Việt đã đi chệch đường rầy.
Hôm nay, tôi muốn làm sống lại một con người, một thần đồng, một thiên tài bị lãng quên: PHẠM CÔNG THIỆN – người đã ghé thăm Việt Nam năm 1941 và bỏ đất nước này ra đi vào năm 1970. Một ngôi sao vụt sáng trên bầu trời Việt.
Ông là một thần đồng ngôn ngữ học, văn thơ, dịch thuật, triết gia, tư tưởng Phật học… Tôi đánh giá ông là một thiên tài vì ông là thanh niên dám đảo lộn tư tưởng, đột phá tư duy, là người đã đánh thức, đã làm sống dậy cả một thế hệ thanh niên Việt Nam miền Nam thời bấy giờ. Ông đã thổi một luồn gió mới vào Việt Nam, là người đã làm cho những thiên tài, những tư tưởng gia vĩ đại nhất từ khắp nơi trên thế giới có mặt tại Việt Nam: Jiddu Krishnamurti, Martin Heidegger, Friedrich Nietzsche, Nikos Kazantzakis, Henrry Miller, Rimbau…rất nhiều và rất nhiều.
Nói về tài năng ngôn ngữ học, thời nay chẳng mấy ai có thể so bì được với Phạm Công Thiện. Thần đồng Đỗ Nhật Nam chẳng là gì, kể cả người được mệnh danh là thanh niên biết nhiều thứ tiếng nhất thế giới hiện nay là Timothy Doner cũng chẳng thế bì kịp. Ngay từ nhỏ, Phạm Công Thiện đã nổi tiếng là biết nhiều ngoại ngữ, mới 13-14 tuổi đã đọc thông viết thạo Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan… Ngoài ra, ông còn biết 2 thứ tiếng linh thiêng khác là Sanskrit (một cổ ngữ Ấn Độ) và Pali. Năm 16 tuổi, ông xuất bản cuốn từ điển Anh ngữ tinh anh. Sự thiên tài của ông là làm cho những ngôn ngữ ấy sống tại Việt Nam với những tác phẩm “kinh thiên động địa”, hoàn toàn khác xa với thứ thiên tài ngôn ngữ biểu diễn, nên lưu ý là ông tự học trong hoàn cảnh chiến tranh và công nghệ chưa phát triển.
Nói về văn thơ, ông phủ nhận ông là một nhà văn, nhà thơ nhưng phải nói rằng văn thơ của ông bay bổng, rất có chất lửa, truyền cảm hứng mạnh mẽ và tôi chưa thấy một nhà văn nào viết hay được như vậy. Năm hơn 18 tuổi, ông đã xuất bản một cuốn sách làm chấn động cả miền Nam thời đó: Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, chấn động theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Năm 25 tuổi, ông là giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả các phân khoa của Viện Đại học Vạn Hạnh. 27 tuổi, ông giữ chức trưởng phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện đại học. Tại đây, ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng. Ông cũng là giáo sư triết học Tây phương của Viện Ðại học Toulouse, Pháp; giáo sư ở “College of Buddhist Studies” tại Mỹ.
Về dịch thuật, tương tưởng và các sáng tác khác của ông tôi có ngôn từ nào để diễn tả, tư tưởng ông vượt xa thời đại và đứng trên mọi nguyên tắc. Nhưng ông cũng là một con người kỳ quặc, coi thường danh vọng, bằng cấp, bỏ học giữa chừng ở một đại học nổi tiếng tại Pháp, dám nói những giáo sư hàng đầu là chẳng biết gì và nói như một lũ vẹt. Tôi chỉ muốn làm sống lại tài năng chứ không phải là cái kỳ quặc, ngạo mạn tuổi trẻ của ông. Có một điều đặc biệt là ông luôn đề cao tiếng Việt, con người Việt và đất nước Việt. Hãy đọc một vài trích đoạn của ông.
”Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hegel hay Karl Marx, không cần phải đọc Khổng Tử và Lão Tử không cần phải đọc Upanishads và Bhagavad Gita, chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nói lại tiếng Việt Nam và bỗng nhiên nhìn thấy rằng tất cả đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sẵn trong vài ba tiếng Việt đơn sơ như CON và CÁI, như CHÁY, CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY và còn biết bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta đã bỏ quên một cách ngu xuẩn.” (trích Ý thức mới trong văn nghệ và triết học)
“Tôi thường mang tiếng là giỏi sinh ngữ, thực sự thì tôi khinh bỉ những kẻ nào biết nhiều thứ tiếng. Tôi vẫn nghĩ rằng chữ Việt là chữ khó đọc nhất, vì chữ Việt không có văn phạm và ngữ pháp, không có ngày nào tôi không dở Tự điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức và quyển Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị để học từng chữ A, từng chữ B, tôi chịu khó học lại từng dấu hỏi, dấu ngã để nhìn lại những nét mặt quen thuộc của bà con làng xóm mà từ bao nhiêu năm lang bạt kỳ hồ tôi đã bỏ quên một cách ngu dại. Đối với tôi, tiếng Việt còn giữ lại một niềm bí ẩn nào đó mà cả đời tôi cũng không thể nào khoét sâu vào được. Có lẽ khi sắp chết thì niềm bí ẩn kia sẽ hiện nguyên hình…” (trích Tôi là ai)
Tư tưởng siêu việt “Quán Thế Âm Bồ Tát là sự huyền bí của sự toàn diện và sự toàn diện của sự huyền bí của đời sống con người và của cái gì vượt lên trên con người và của cái gì vượt ra khỏi mặt đất và vượt ra khỏi không gian vô tận và thời gian vô tận và vượt ra ngoài cả tư tưởng vô tận của trí huệ tỉnh thức”
Một bài thơ của Phạm Công Thiện:
“Mười năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về ru giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng câyGió thổi đồi tây hay đồi đông
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
Trong mơ em vẫn còn bên cửa
Tôi đứng trên đồi mây trổ bôngGió thổi đồi thu qua đồi thông
Mưa hạ ly hương nước ngược dòng
Tôi đau trong tiếng gà xơ xác
Một sớm bông hồng nở cửa đông.”
(trích Ngày Sanh Của Rắn. Bài thơ đẹp rực rỡ như một buổi sáng mùa hè trên đồi thông Nha Trang)
Tôi không đủ thời gian và tâm tư để viết một tiểu luận hay một tiểu thuyết, tuyển tập về Phạm Công Thiện, và nếu có thì cũng chẳng mấy ai đọc vì đối tượng của tôi chủ yếu là thanh niên Việt Nam. Viết mấy dòng này tôi ngỡ đã quá dài với họ, tôi chỉ viết đôi dòng cho những ai có duyên đọc.
Phạm Công Thiện quả là một thiên tài hiếm có nhưng thế hệ của tôi và các thế hệ sau này chẳng mấy ai biết gì về ông. Tôi hi vọng sau bài viết này, có một vài người nào đó tò mò tìm hiểu Phạm Công Thiện là ai? Các tác phẩm của ông là gì? Và vì sao ông là một thiên tài như thế?
Tác giả: Nguyễn Hữu Lâm
Dung vay / Pham Cong Thien la mot Thien Tai cua Viet nam
Ơ!
Thiên tài có vi phạm nhân quyền không ta ?
Tôi nghe một vị cao niên thường nói: “Chỉ có Miền Nam Việt Nam mới dung chứa nổi những con người như Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn,…
Cảm ơn anh. Chúc anh thật nhiều sức khỏe.
Ong. Dung la mot Thien tai ! Toi rat ham mo ong !
Đã từng đọc quyển tôi là ai của Phạm công thiện , Hơi khó hiểu đối với mình
Em vừa thấy page có một page facebook tên Phạm Công Thiện, không biết còn hoạt động không…
Cám ơn tác giả rất nhiều, chắc chắn mình sẽ tìm hiểu kĩ về ông. Cám ơn tác giả
Đã từng nghe danh Phạm Công Thiện nhưng chưa bao giờ tìm hiểu kỹ về ông. Cảm ơn tác giả rất nhiều.
Tìm thấy pdf cuốn Ý thức mới của Phạm Công Thiện http://sachvui.com/sachvui-686868666888/ebooks/2015/pdf/Sachvui.Com-y-thuc-moi-trong-van-nghe-va-triet-hoc-pham-cong-thien.pdf
Bài giới thiệu hay. Sẽ tìm đọc sách của ông. Chưa biết quan điểm cua Pham Công Thiện về God là như thế nào.