27 C
Nha Trang
Thứ hai, 25 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thôi đừng làm chủ

Featured Image: Pixabay

 

Nếu bạn có đọc qua bộ sách Dạy Con Làm Giàu của Robert Kiyosaki hẳn bạn sẽ không còn lạ gì lý thuyết về Kim Tứ Đồ với 4 nhóm người trong xã hội: Người làm công, người làm tư, người chủ và những nhà đầu tư. Hầu hết chúng ta đều đang ở nhóm người thứ nhất, một phần nhỏ nhóm thứ hai và luôn mong muốn được bước vào hai nhóm còn lại, nhóm những ông chủ và những nhà đầu tư.

Trên vị thế một người chia sẻ cảm nhận từ những gì đã trải qua trên thực tế. Tôi thành thật khuyên mọi người không nên làm chủ, không nên bước vào thế giới của những người làm chủ, bởi vì các lý do sau đây:

Vì đó không phải việc dễ dàng, việc bước từ tâm thế một người đi làm thuê chuyển sang làm một người chủ là một việc vô cùng khó khăn. Khó đến độ mà nếu hỏi bất kỳ ai xung quanh ta thường dễ dàng nhận được câu trả lời họ muốn làm chủ nhưng thực tế, họ vẫn đang đi làm thuê. Rất rất nhiều người muốn làm chủ nhưng vẫn đi làm thuê, bởi vì họ sợ những khó khăn mà người chủ có thể gặp.

Khó khăn lớn nhất người ta cần vượt qua nếu muốn làm chủ, đó là nỗi sợ bị thất bại. Mọi người cần phải biết rằng thất bại là một việc rất bình thường, vô cùng bình thường trên con đường tìm kiếm thành công. Đến người lỗi lạc và siêu phàm như Thomas A. Edison còn mất hàng trăm ngàn lần thất bại trước khi phát minh ra bóng đèn dây tóc hoàn chỉnh cơ mà, thì việc bạn thất bại một vài lần có gì là ghê gớm? Khi được phỏng vấn cảm nghĩ khi bị thất bại cả ngàn lần, Thomas A. Edison đã trả lời: “Tôi không cho là mình đã thất bại hàng ngàn lần, tôi cho là để phát minh ra bóng đèn dây tóc thì cần phải tiến hành hàng ngàn bước khác nhau.”

Thật là một câu trả lời tuyệt vời. Bạn cũng thế, nếu như có thể xem những thất bại là bước bắt buộc để đến thành công, thì bạn còn quá sợ hãi nó không? Nỗi sợ hãi khiến chúng ta mất đi phần lớn cơ hội trong đời và làm thui chột đi phần lớn tiềm năng bên trong mỗi người. Căn nguyên nỗi sợ thất bại một phần do nền giáo dục phạt lỗi sai của chúng ta. Chúng ta căm ghét lỗi sai, cho nó là điều tệ hại, chúng ta bị phạt khi xảy ra lỗi, chúng ta tìm mọi cách để tránh lỗi sai. Chính vì vậy ta không biết được tầm quan trọng của nó, không thể học từ nó và nhất là ta trở nên những con người yếu kém, thụ động, nhút nhát, hay sợ hãi và luôn sợ hãi.

Thêm một lý do khiến tôi khuyên bạn không nên làm ông chủ, vì đi kèm với tất cả các loại chủ trên đời, đó chính là trách nhiệm. Khi làm chủ bạn phải chịu trách nhiệm với rất nhiều thứ, như là trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với tương lai và cuộc đời của mình, của những người quanh mình, trách nhiệm với các nhân viên, trách nhiệm với xã hội và trách nhiệm với đất nước và thậm trí trách nhiệm với trái đất nữa (trách nhiệm về bảo vệ môi trường).

Phần lớn chúng ta không thích trách nhiệm, ai cũng sợ trách nhiệm mà quên mất rằng trách nhiệm chính là điều kiện tiên quyết nếu bạn muốn thành công. Trách nhiệm tỷ lệ thuận với thành công, chưa có một ai thành công mà không phải đi kèm các trách nhiệm. Trách nhiệm càng lớn chứng tỏ bạn càng được tin tưởng, càng được kỳ vọng và càng có khả năng lên cao, lên cao nữa. Lý do thế giới có ít ông chủ hơn người làm công vì người ta không sẵn sàng cho các trách nhiệm khi làm chủ.

Người ta thích bị động, thích được người khác lo cho mình hơn là tự mình lo cho chính mình. Người ta thích được các thế lực, các tổ chức bên ngoài bảo vệ hơn là chính mình bảo vệ mình. Người ta thích nhận tiền hơn là đem chia tiền cho người khác. Người ta thích được yếu đuối, thích được nhỏ bé, thích được chăm lo, vì cảm giác an toàn. Ai cũng mong cũng muốn được an toàn. Điều này không bao giờ là cảm giác hoàn toàn đối với người chủ, nên mọi người thường không sẵn sàng để làm chủ.

Mà khi không sẵn sàng, chẳng ai nên thử hay cố làm chủ làm gì. Nhưng đó chưa phải là vấn đề. Có một lý do lớn nhất mà tôi muốn nói với bạn hôm nay khi khuyên đừng cố thử bước sang góc tứ đồ của những ông chủ, đó là:

Vì có thể bạn sẽ không bao giờ muốn làm một nhân viên nữa

Đúng vậy, theo tôi đây chính là lý do, là điều kiện và cũng là phần thưởng lớn nhất để bạn suy xét trước khi quyết định có nên làm chủ hay không.

Làm chủ là một việc khó khăn, nhưng đi kèm với nó, là những phần thưởng tuyệt vời khác bạn sẽ không bao giờ có được nếu cứ mãi miết làm một nhân viên mẫn cán.

Khi làm chủ, bạn học được rất nhiều điều hay. Học là việc cả đời, điều này không ai có thể chối cãi, nhưng chỉ khi bước ra tự làm mọi chuyện bạn mới cảm nhận được chính xác cảm giác của một “học sinh” thực thụ. Bạn tiếp thu được những điều mới một cách tự nhiên, sinh động và hữu ích. Bạn sẽ yêu thích việc học những điều mới, những lĩnh vực mới mẻ, cảm giác như khám phá một thế giới khác hoàn toàn thế giới bạn đang sống, chỉ tưởng tượng thôi đã đủ tò mò và hấp dẫn rồi.

Đó chính là thế giới thực, bản chất của cuộc sống thực, phải thực hành, phải trải nghiệm bạn mới có thể ngấm, những bài học mới chính thức trở thành kinh nghiệm của mình. Càng học nhiều bạn sẽ càng giỏi, giỏi không chỉ cho công việc hiện tại, mà cho cả tương lai. Tất cả những lý thuyết bạn từng nghe từng học sẽ trở nên vô dụng và sáo rỗng, lúc này chỉ có thực tế và hành động cụ thể mới có thể giúp bạn. Hãy chuẩn bị cho điều đó, cho một thế giới thực hấp dẫn vô cùng.

Khi làm chủ, bạn dễ dàng quen nhiều bạn bè mới. Bởi vì, ai cũng thích làm bạn với những người chủ cả. Và nhất là, còn gì tuyệt hơn khi được ở trong nhóm “những người chủ” với nhau. Chủ to chủ nhỏ, cứ không làm việc cho ai và có người làm việc cho mình đều có thể được quy là chủ. Việc ở trong một nhóm với những người giỏi giang nhất định sẽ là một nền móng vững chắc cho bạn trên con đường phát triển tương lai. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” – việc học hỏi từ những người bạn giỏi khác là một điều tuyệt vời.

Có thể mới đầu bạn nghĩ  mình giỏi nhưng sau đó, khi càng gặp nhiều người bạn mới, quen nhiều những ông chủ khác bạn sẽ lại càng thấy mình thật quá đỗi bình thường và nhỏ bé. Có thể nhìn những gì bạn đang làm, đang có, nhiều người sẽ ngưỡng mộ, sẽ cho là bạn thật cừ, thật giỏi. Nhưng cứ bước vào thế giới những người chủ đi bạn sẽ thấy, những người đó, có người hơn, có người bằng thậm chí có người thua bạn rất nhiều tuổi nhưng họ đã tiến rất xa rất xa rồi. Họ mới thực sự là những người giỏi. So với họ, bạn chẳng là cái đinh gỉ gì mặc cho bạn vẫn nghe những người xung quanh khen mình mỗi ngày.

Tin tôi đi, thế giới này, không, to quá, chỉ trong Việt Nam hay trong tỉnh/thành phố nơi bạn sống, nhất định có rất rất nhiều người tài giỏi cực kì mà bạn không hề biết. Họ thường ở đủ mọi lĩnh vực khác nhau: sản xuất, dịch vụ, kinh doanh… Hãy bước một chân vào thế giới của những ông chủ đi, rồi bạn sẽ dễ dàng được quen với họ, làm việc cùng họ, được nghe họ chia sẻ và rồi thì, thế giới đó sẽ mở ra, thế giới mà một khi bạn bước vào, bạn sẽ không bao giờ muốn trở ra nữa. Không bao giờ.

Một trong những điều tuyệt vời nhất khi làm chủ là gì bạn biết không? Là những cơ hội bạn khó gặp nếu bạn đi làm công. Tại sao? Khi làm chủ bạn sẽ có nhiều cơ hội, nhiều dịp để trò chuyện với mọi người, như tôi đã nói, phần lớn chúng ta đều thích được làm bạn với những người làm chủ. Khi bạn làm chủ cũng vậy, nhiều người sẽ thích nói chuyện với bạn, họ không chỉ thích nói, họ thường dễ dàng chia sẻ với bạn những ý tưởng kinh doanh của họ, những ước mơ, mục tiêu, ý định của họ.

Thường khi ta nhút nhát ta sẽ tìm đến những người can đảm để xin lời khuyên. Khi phần lớn mọi người có một ý tưởng nhưng chưa dám bắt tay vào thực hiện thì họ sẽ đi tìm kiếm sự ủng hộ để được tiếp thêm động lực và niềm tin. Tìm ở đâu? Thông thường chính là ở nơi những người đã thực hiện, đã can đảm tự kinh doanh và có sự nghiệp riêng dù lớn hay nhỏ. Nên khi bạn đã làm chủ, bạn sẽ được nghe rất nhiều những kế hoạch, ý tưởng hết sức hay ho, và nhất là những lời đề nghị hợp tác nữa. Mọi thứ đều trải ra trước mắt, cơ hội cứ tới nhiều đến không ngờ. Rõ ràng khi được tiếp xúc với nhiều ý tưởng, nhiều người cùng chí hướng thì cơ hội phát triển của bạn cũng mở rộng ra rất nhiều đúng không?

Thêm một điều tuyệt vời nữa khi bạn làm chủ một công việc kinh doanh nho nhỏ. Đó là cơ hội phát triển. Có một cuốn sách về chủ đề làm giàu khá hay, trong đó trình bày một công thức làm giàu đơn giản, tất nhiên, làm gì có công thức làm giàu nào đơn giản cho tất cả mọi người. Nhưng đối với riêng tôi, tôi tin vào công thức này, đó đơn giản là “hãy tạo ra một công việc kinh doanh sinh được lợi nhuận, và sau đó nhân nó lên”. Mọi người cứ cho rằng có gì bí mật trong công thức này. Không, nó rất đơn giản và dễ hiểu, nó chính là con đường thành công của các tập đoàn lớn, các chuỗi cửa hàng.

Họ thường bắt đầu từ một cửa hàng/doanh nghiệp nhỏ lẻ, sau khi nó chứng tỏ được giá trị và có thể sinh lợi, họ nhân nó lên thành chuỗi, thành hệ thống… Và họ giàu to. Bất cứ ai có một  chuỗi gì đó cũng thường dễ giàu. Theo tôi, đây là công thức làm giàu đơn giản mọi người đều có thể thực hiện. Không có gì mờ ảo, không lừa đảo, không lý thuyết, nó rất thực, ai cũng có thể làm được, đúng vậy, ai cũng có thể, tôi tin chắc điều đó, một xe nước mía, một tủ bánh mì, một gánh xôi, một quầy cafe dạo, bất cứ thứ gì có thể sinh lợi và có thể nhân lên thì đều có thể biến bạn thành những ông chủ lớn sau này. Đừng e ngại bất cứ ý tưởng gì, đừng xấu hổ bất cứ một công việc nào, hãy mạnh dạn lên, bạn hoàn toàn có thể trở thành những ông chủ lớn từ những thứ rất nhỏ bé như thế, rất nhiều người đã làm được điều đó rồi. Hãy tin tưởng điều đó.

Một thực tế là, khi bạn mở được một cái gì đó, mọi người thường nghĩ rằng ờ bạn giỏi. Nhưng khi bạn mở được cái gì đó thứ hai, thứ ba thì khác hẳn. Mọi người không nghĩ là bạn giỏi nữa, họ tin chắc bạn là một người giỏi giang. Có một bí mật nhỏ mọi người không biết mà chỉ những người đã bắt tay vào làm mới biết. Đó là giả sử như khi mở công việc kinh doanh đầu tiên độ khó là 10, thì những công việc thứ 2, thứ 3… khi bạn đã quen tay, đã hiểu biết nhiều, đã rành rọt thì độ khó sẽ giảm dần, chỉ còn 7, còn 5 và thậm chí sau này chỉ còn 3 phần hay chỉ một phần khó khăn nữa mà thôi. Chính tôi đã kiểm chứng điều này. Khi mở shop thời trang đầu tiên tôi gặp rất nhiều khó khăn, mất rất nhiều tiền ngu và bị lừa đảo cũng kha khá thứ. Nhưng khi shop đầu tiên ổn định, tôi mở shop thứ hai, thứ ba rất dễ dàng.

Đó là khi ta nắm được nhu cầu của khách, nắm được nguồn hàng, biết cách thương lượng hợp đồng, biết mọi việc cần thiết để mở ra một shop mới. Mọi thứ trở nên đơn giản lạ thường với những cửa hàng tiếp theo. Đây là một điều tuyệt vời mà người chưa bao giờ làm sẽ không thể hiểu được. Cái khó nhất, chính là bước khởi đầu, bước đầu tiên, cửa hàng đầu tiên. Chỉ cần bạn vượt qua được nó thì mọi việc sau đó bạn không còn phải lo lắng quá nhiều nữa.

Khi những cửa hàng thời trang bắt đầu ổn định, tôi chuyển hướng sang mở quán cafe. Và một lần nữa, tôi trở thành một học sinh kém mắc biết bao nhiêu lỗi lầm. Rồi sau đó thì sao? Giờ đây tôi đã có kha khá kinh nghiệm mở quán trong tay sau những rắc rối của quán đầu tiên và việc mở quán cafe từ giờ trở đi sẽ chẳng có gì là khó khăn với tôi nữa. Đó chính là một kiểu phần thưởng đặc biệt khi bạn bước chân vào làm chủ. Bạn học được rất nhiều điều và những điều đó thật sự là những điều hữu ích cho việc phát triển sự nghiệp của bạn.

Một ví dụ về việc làm quen được những người bạn giỏi giang. Ở một cái phố núi nhỏ, khi tôi mở được một vài công việc kinh doanh và duy trì nó, tôi sẽ được mọi người cho là giỏi, được khen và thỉnh thoảng tôi cũng có lúc nghĩ mình ừ cũng giỏi. Nhưng rồi khi tôi quen được những người bạn khác. Một người bằng tuổi tôi, ở Hà Nội, cũng kinh doanh thời trang như tôi, nhưng một tháng cậu ấy kiếm được bằng tôi kiếm cả năm, cậu ấy còn tự mua được ô-tô riêng từ rất lâu rồi.

Tôi thấy mình thật thua kém. Rồi một ngày khác, tôi quen được một người anh, hơn tôi năm tuổi, anh ấy cũng đã gầy dựng được một sự nghiệp vững chắc, có những tài sản riêng, những miếng đất, việc kinh doanh cho thuê tại một thành phố du lịch tuyệt đẹp. Tôi ước ao vài năm nữa mình cũng được như anh ấy, tôi sẽ cố gắng. Mới đây tôi gặp được một người khác, anh ấy hơn tôi chỉ một tuổi thôi nhưng bạn biết không, chuỗi cửa hàng của anh ấy đã lên tới con số 6 tại một thành phố du lịch, bao gồm quán cafe, bar, pub, dịch vụ motel… Và vẫn không ngừng mở rộng.

Trời ơi, họ giỏi quá đi. Nhìn lại bản thân mới thấy thật sự mình chỉ là một cái đinh, một cái đinh gỉ của xã hội này, mình phải tiến lên, mình phải không ngừng phấn đấu, mình phải làm được như họ và hơn họ. Thế là tôi quyết tâm học hỏi từ họ, phát triển bản thân và nhất là cực kỳ xấu hổ khi nghe bất cứ ai khen mình giỏi. Tôi không khiêm tốn, tôi không giả bộ nhưng là tôi thấy xấu hổ thật sự với cái tính từ thần thánh đó.

Sau cùng, theo tôi một lý do khiến việc làm chủ trở nên hấp dẫn vô cùng, đó là cảm giác bản thân có giá trị. Khi bạn làm chủ tức là tự bạn phải tạo ra được một giá trị nào đó cho xã hội, sản xuất, kinh doanh hay ít nhất là giải quyết được việc làm cho một vài người, bạn sẽ cảm nhận bản thân mình là người giá trị, gấp vạn lần cảm giác của một nhân viên. Chính điều đó khiến bạn không ngừng làm cho bản thân mình giá trị hơn, đóng góp nhiều hơn cho đời, cho người.

Khi tôi nói tới từ “làm chủ” xin đừng quá quan trọng hóa nó kiểu như một ông chủ bụng phệ đeo cravat. Không, làm chủ ở đây, chỉ đơn giản là từ bỏ con đường làm công ăn lương để bắt đầu một thứ gì đó của riêng mình. Một thứ mà mình gắn bó, đam mê, muốn cống hiến, muốn thử sức, khao khát thành công. Một anh kỹ sư về mở trại nuôi heo, trồng rau, nuôi nấm, thả gà cũng là một dạng tư tưởng làm chủ. Nếu công việc phát triển anh ta có thể xuất khẩu heo gà rau củ đi nước ngoài hoặc mở xưởng sản xuất tại gia.

Chủ quá đi rồi. Một bạn trẻ từ bỏ công việc văn phòng nhàn hạ để mở một thương hiệu bánh mì xe đẩy ngoài đường, là một kiểu làm chủ. Rất có thể sau này cả thế giới sẽ phải biết đến thương hiệu “bánh mì xe đẩy” Việt Nam, hay “mì gói ăn liền tại chỗ” cũng có thể là một ý tưởng để bắt đầu làm chủ… Chúng ta có thể bắt đầu nghĩ đến việc làm chủ từ bất cứ ý tưởng nào, công việc nào, miễn là nó mang lại giá trị, không cho ông chủ nào hết, nhưng cho chính bản thân ta, cho xã hội và những người khác.

Làm chủ trước tiên là làm chủ bản thân, làm chủ thời gian của chính mình, hoạt động, việc làm của chính mình. Tự mình tạo ra giá trị cho bản thân không cần qua sự thừa nhận của một ông chủ khác nào hết. Còn nếu có bạn hỏi: “Nếu ai cũng làm chủ thì ai làm nhân viên, Việt Nam quá chật chội vì thầy nhiều hơn thợ rồi.” Thì ôi không, bạn hiểu sai ý tôi rồi, những người chủ mà bạn vừa nhắc, là những “ông chủ làm thuê”, đó không phải kiểu làm chủ tôi khuyến khích. Kiểu chủ tôi đang cố khuyên mọi người bước vào, là một kiểu chủ tự do hơn, hào hứng hơn và giá trị hơn rất nhiều.

Kiểu chủ mà mọi người bắt tay vào lao động sản xuất những mặt hàng, dịch vụ cụ thể của riêng mình. Kiểu chủ mà người ta đặt đam mê, đặt niềm khao khát cống hiến cho xã hội, khao khát tạo ra thứ gì đó của riêng mình, chai tương ớt của riêng mình, túi trà lọc của riêng mình, cửa hàng của riêng mình… Vâng, là của riêng mình, nhưng lại có ích cho xã hội, đó mới là thứ tôi muốn nói.

Thật ra cái tiêu đề trên chỉ là một dạng khiêu khích, tiêu đề tôi thật sự muốn đặt là:

ĐỪNG CHẦN CHỪ NỮA, HÃY BẮT ĐẦU NGHĨ ĐẾN VIỆC LÀM CHỦ NGAY HÔM NAY…

 

Phi Tuyết

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

48 BÌNH LUẬN

  1. Đồng cảm nhất việc là ta khám phá ra một chân trời mới, toàn những người giỏi, dám chịu trách nhiệm về toàn bộ cuộc đời mình, khai phá hết tiềm năng đang tiềm ẩn của bản thân, đòi hỏi nhiều hơn việc đem lại giá trị cho bản thân và xã hội. Sống một cuộc đời thấy mình cần phải liên tục học hỏi để phát triển!

  2. bài viết rất hay, mình chỉ bổ sung thêm một điều đó là nó không phải dành cho số đông dù bất chấp những ích lợi của việc làm chủ, lý do thì tác giả cũng đã phân tích rồi.
    “Theo báo cáo, số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn
    lớn. 9 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp thành lập mới là 52.525, số
    doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt
    động là 18.873. Bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và
    lớn mặc dù đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua, nhưng đến nay vẫn phải
    ngừng hoạt động, giải thể, phá sản” (danviet.vn)

    Ngày nay có sự việc đáng quan tâm hơn cả : sinh viên thất nghiệp
    nếu tác giả với sự hiểu biết, từng trải nhiều có thể viết bài để góp phần giải quyết vấn nạn đó ko?

    chuyện khởi nghiệp dù lớn, dù nhỏ đều là sự rủi ro, vấn đề là nếu rủi ro đó khi trở thành tổn thất riêng của mỗi người thì sẽ có người chịu đựng được ( tiền bạc, mặc cảm thất bại) để tiếp tục vươn lên, nhưng có người sẽ ngã quỵ và kéo theo cả gia đình anh ( cô) ta.
    có một câu chuyện khá bi thương mình đọc trong cuốn viết về Jack Ma của công ty nổi tiếng Alibaba : có một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp do quỹ Alibaba lập ra, một chàng thanh niên tài năng tham dự và anh ấy vào khá sâu vòng trong, anh được chính Jack Ma khen ngợi, từ cảm hứng và khao khát đó, anh ta đã khởi nghiệp rồi sau đó thất bại liên tiếp 3 lần trong 5 năm và rồi cuối cùng tự kết thúc cuộc sống của mình.
    đáng ra anh ta vẫn có thể trở thành một nhân viên tài năng và hạnh phúc, hoặc nếu không lúc này thì lúc khác anh ta sẽ khởi nghiệp, biết đâu 10 năm nữa mới là thời điểm thích hợp để thành công?

    ai học kinh tế học đều biết tới chi phí cơ hội : khi bạn khởi nghiệp là bạn chắc chắn đã mất đi nhiều thứ và nhiều thứ nữa; còn cái lợi thu về thì cũng chưa biết có được không? khởi nghiệp là một quá trình kéo dài cả đời chứ không chỉ kiếm lợi nhuận kế toán hay khoản lời trong 1-2 năm rồi phá sản.
    khởi nghiệp cũng liên quan chặt chẽ đến văn hóa khởi nghiệp của quốc gia, cộng đồng, so với Mỹ, Israel..thì Đức, Nhật có văn hóa khởi nghiệp bảo thủ hơn
    nhiều, nhưng chẳng ai nói kinh tế 2 nước này có quy mô và sự cạnh tranh thua kém.
    vì nếu 1000 dn mới thành lập chỉ phá sản 50%, rồi phát triển bền vững..còn hơn là 10.000 dn đăng kí rồi sau chưa 1 năm 95% ra đi và sau đó lại ra đi, chúng ta cần chất lượng khởi nghiệp hơn số lượng.

    nếu ai đó muốn khởi nghiệp họ sẽ không cần nghe về ích lợi của việc này vì trong thâm tâm, họ quan niệm theo kiểu ” tôi sẵn sàng cày cuốc 80h/ tuần để không phải đi làm công 40h/ tuần như các bạn”
    họ chỉ quan tâm đến phương pháp và cách hạn chế rủi ro gặp phải hơn là nghĩ phần thưởng, ích lợi vât chất hay tinh thần từ việc khởi nghiệp.
    có lẽ điều họ mong muốn là xã hội này đứng đánh giá hèn kém về giá trị thất bại; ngân hàng và nhà nước đừng cho họ vào “sổ đen” nếu họ từng bị phá sản.


    • – xin cảm ơn bạn về cm quý giá cũng như những số liệu rõ ràng
      – có một chút vấn đề như thế này ạ
      mình khuyên mọi người khởi nghiệp, đúng, nhưng chưa đúng lắm, đó là mình khuyên mọi người nên bắt tay dô làm chủ, chủ một cái gì đó riêng, một cái quán xá nhỏ, cửa hàng nhỏ trước, hay tự sản xuất một sản phẩm từ nông sản, làm nông nghiệp theo cách hiện đại cũng là một hướng hay, nói chung là lời khuyên của mình tương đồng với lời khuyên của dượng Tony Buổi Sáng ấy, dượng ấy khuyến khích mọi người sản xuất, sản xuất, sản xuất
      còn mình thì muốn khuyên mọi người có thể sản xuất hay đơn giản hơn là mở những cửa hàng nhỏ và duy trì cho nó sinh lợi, tất nhiên nó có thể thất bại nhưng đừng lấy đó làm lý do chùn bước.
      Những thứ này người ta làm rất nhiều nhưng k mấy khi đi đnăg kí thành lập doanh nghiệp hay gì nên mình nghĩ nó không nằm trong con số thống kê trên, tuy nhiên việc thất bại là có thể xảy ra chứ không phải không có
      Nhưng theo mình, thà đau vì thất bại còn hơn cái đau khổ của việc tiếc nuối và hối tiếc
      Còn làm sao để không thất bại lại là chuyện khác nữa, nó tùy nhiều vấn đề lắm, may mắn, kế hoạch, cơ duyên, khả năng nắm bắt, ứng biến… mình k đủ giỏi để khuyên ai những thứ này
      Nhưng bài viết của mình chỉ là một cú hích cho nhiều, rất nhiều người luôn ấp ủ một kế hoạch trong lòng nhưng vì nhiều lý do mà cứ chần chừ mãi, cứ k chịu bắt tay dô thực hiện
      Đúng là rất nhiều người sẵn sàng làm 80 tiếng thay vì 40 tiếng làm thuê
      nhưng vấn đề ở chỗ rất ít người có can đảm thực hiện cái bước đầu tiên, cái bước chuyển mình qua góc tứ đồ khác đó bạn ạ!
      ^^
      Bạn là một người hiểu biết, mình nghĩ thế từ những thông tin số liệu bạn đưa ra nhưng mình e hình như bạn đọc nhiều tài liệu về thất bại mất r, bạn hãy dẫn chứng cho mình những số liệu, câu chuyện thành công có đc k? nhiều người sẽ từ đó mà có thêm can đảm đó!

      • Phi tuyết! Em độc cuốn 11 dạy con làm giàu chưa? Nếu chưa đọc thì hãy đọc và có thêm nhiều cách để giúp nhiều người chuyển tư cung làm tư(chủ nhỏ) sang cung C (chủ lớn). Mà theo những cách của ông robert kiosaki thì mọi người đều có thể làm đc.

    • Mình có vài lời góp ý
      1/ Không phải ai cũng có xu hướng khởi nghiệp,nếu bạn có máu kinh doanh thì hãy làm,ko thì thôi,mà khi máu kinh doanh thì trước hết phải chịu được thất bại,có khả năng gánh rủi ro vì kinh doanh là tìm cơ hội trong rủi ro.
      2/ Chi phí cơ hội thật ra là chi phí tính trên giấy chứ nó ko có thật,cũng ko lấy gì chắc chắn về nó,mà làm cái gì cũng có nó,tức là chọn điều này thì phải bỏ đi một vài cái khác,dù bạn có làm gì đi nữa.
      3/ Phá sản hay giải thể ko có gì ghê gớm như bạn nghĩ đâu.Mình có ông chú,mới giải thể năm ngoái,giờ đang trên Đà Lạt nghỉ dưỡng,doanh nghiệp phá sản thật nhưng chủ doanh nghiệp vẫn sống khỏe chứ có chết đâu.Sang năm chắc chú mình lại thành lập một doanh nghiệp khác,chuyện bình thường lắm.Còn thống kê chỉ là thống kê chứ ko nói lên gì nhiều.

      • đồng ý vs a Duy Lập quá
        đôi khi chuyện giải thể – phá sản chỉ là cái vòng đời của DN tới đó là hoàn thành nhiệm vụ chứ k có nghĩa là làm ăn thất bại ạ
        nên chả nên tin tưởng vào mấy con số thống kê kiểu VN lắm

        • Theo a,số liệu này cũng đúng nhưng là số liệu vĩ mô cho cơ quan quản lý nhà nước dùng ra quyết định như tăng giảm thuế,ưu đãi lãi suất,..chứ với người làm kinh doanh nhỏ lẻ thì ko dùng làm gì,mình cần hiểu khách hàng,giá cả,cách giao hàng…hơn là mấy số đó,hi hi !

    • Tất cả các cong số thống kê đều không mang lại giá trị gì cả, nếu ta quyết tâm và tính tóan kỹ lưỡng thì chính là lúc nhiều người thất bại đó chính là cơ hội của mình. Là chủ một doanh nghiệp siêu nhỏ tôi ủng hộ tất cả các bạn làm chủ (dù chỉ làm chủ chính mình) khi bạn mở ra thì cơ hội sẽ tìm đến (đôi lúc bạn sẽ nản và không thể chờ đợi nên hãy kiên nhẫn). Làm thuê thì luôn ổn định nhưng những người chủ (thậm chí nhỏ) như chúng tôi thu nhập 1 năm có thể bằng 10 năm thậm chí 100 năm các bạn “cày sâu, quốc bẫm” ở vị trí nhân viên. Khi tôi mở công ty được vài năm một người chú của tôi hỏi rằng thể hàng năm cháu có thể tính được mình có bao nhiêu dự án và thu được bao nhiêu không?. Một câu hỏi thật “Việt Nam” nếu ai cũng tính được thì liêu có ai đi làm thuê không nhỉ?. Người VN chúng ta chết vì được mọi người nhồi vào đầu bởi từ “ổn định” một từ mà tôi ghét nhất vì nó làm thui chột mọi cảm hứng và đam mê kiếm tiền, một từ làm cho việc chạy vào công chức với số tiền 200-300 triệu, một số tiền thừa để chúng ta khởi nghiệp. Khi khởi nghiệp năm 2006 trong sổ tiết kiệm của tôi chỉ có 26tr và một số vốn vay mượn, giờ sau gần 10 năm tôi đã có gần như tất cả những thứ mà một người khá của xã hội mong muốn như nhà đẹp, xe đẹp. Chúc các bạn dũng cảm vượt qua chính mình (khó nhất) và kiên định với con đường mình đã chọn. “Rủi ro càng lớn thì lựi nhuận càng cao” nhớ lấy câu này. Thân.

  3. Bài viết của Phi Tuyết thoạt đầu cứ tưởng chị định viết một bài dài để thuyết phục mọi người đừng nghĩ đến việc làm chủ, làm em thấy có hơi thất vọng. Thế mà đọc đoạn sau mới biết chị viết bài này để khuyến khích, kêu gọi những người trẻ hãy tự gây dựng sự nghiệp bằng đôi tay của mình. Càng lúc thấy cách viết của chị Phi Tuyết càng nguy hiểm : )) .
    Rất hâm mộ chị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI