27 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đôi dòng trăn trở từ sự kiện đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần

 Featured Image: Wikipedia Commons

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần là một sự kiện lớn của đất nước và quốc tế. Truyền thông đã cập nhật liên tục sự kiện này. Tất cả đều nói lên tầm vóc vĩ đại của Đại tướng; sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn, sự tiếc thương vô hạn của nhân dân Việt Nam và nhân dân nhiều nước trên thế giới đối với Đại tướng.

Vô vàn những lời tụng ca Đại tướng của mọi tầng lớp nhân dân, mọi phương tiện truyền thông, viết thêm những lời tụng ca có lẽ không cần thiết nữa. Trong phút giây này, giây phút tưởng nhớ Đại tướng nào ta hãy cùng tĩnh lặng, nhìn nhận một chút vai trò của Tướng Giáp; trăn trở một chút về đời, về nhân tình thế thái – những điều mà Đại tướng lúc sinh thời luôn trăn trở – “Tôi sống ngày nào là vì nước non ngày đó.” (Tâm sự của Đại tướng trên Vietnamnet)

Thế là đất nước đã 68 năm ngày thành lập, 38 năm ngày thống nhất hoàn toàn. 68 năm, 38 năm là những con số khô khan nhưng cũng từ đó từ đó ta có nhiều dữ kiện so sánh. Israel lập quốc năm 1948, tức cách đây 65 năm; Hàn Quốc là năm 1945 và 68 năm; Singapore là năm 1965 và 48 năm. Với những nước này thì thời gian lập quốc và nhiều điều kiện so với Việt Nam chúng ta same same nhau. Tuy nhiên khi so sánh với những quốc gia nói trên, “Trước những câu-hỏi-thời-đại”: “Có một câu hỏi mà chúng ta cần phải xác định là nỗi-trăn-trở-đời-người. Ấy là: Tại sao có người thành công-kẻ thất bại? Tại sao có nước giàu – nước nghèo? Tại Sao Việt Nam Vẫn Mãi Nghèo? Làm thế nào để trở thành quốc gia vĩ đại, hùng cường, có tầm ảnh hưởng? Người Khác Làm Được Sao Ta Không Làm Được? Nước Khác Làm Được Sao Chúng Ta Không Làm Được?” (Quốc Gia Khởi Nghiệp, trang 7), “Thế giới không bận tâm đến một đất nước đang ở TK 19 ” (TS Alan Phan)… làm lòng ta trăn trở biết bao.

Ôi, Việt Nam yêu dấu của chúng ta, dù đã trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo từ Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn… nhưng “Họ để lại gì cho dân tộc ngoài nước Việt hiện tại, yếu kém về mọi mặt. Số phận đất nước cứ như thế mãi sao?” (1) Thậm chí bây giờ nhiều người còn nghi ngờ về cuộc chiến chống Mỹ. Nhiều người đặt câu hỏi: giá như cuộc chiến không xảy ra thì Miền Nam có thể đã phát triển như Hàn quốc bây giờ. “Có độc lập, tự do mà dân vẫn khổ thì độc lập để làm gì?” (Hồ Chủ Tịch). Đặt ra câu hỏi đó vì đời sống của đại đa số người dân Việt Nam hiện nay đều quá khổ. Nhưng có lẽ họ đã đặt đặt câu hỏi đó vì một lý do quan trọng hơn, đó là: quyền con người.

Thử hỏi hiện tại những quyền cơ bản nhất của con người: tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do biểu tình… ở Việt Nam có không? Câu hỏi là không! Trong Tháp nhu cầu con người Maslows thì đáy Tháp là những nhu cầu cơ bản nhất của con người: thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, tình dục, bài tiết, thở, nghỉ ngơi. Tuy nhiên theo dòng chảy của cuộc sống thì đáy Tháp chắc sẽ cần phải bổ sung thêm những nhu cầu về “quyền con người” kể trên bởi “… tự do, dân chủ đã trở thành quyền phát triển, quyền sống chứ không đơn thuần là quyền chính trị nữa” (Đối Thoại Tương Lai – Nguyễn Trần Bạt). Câu “Có độc lập, tự do mà dân vẫn khổ thì độc lập, tự do để làm gì?” trong thời đại này nên được thay bằng câu: “Có độc lập, tự do mà dân vẫn không có quyền con người thì độc lập, tự do để làm gì?”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong cuộc đời ba chìm bảy nổi của mình đã song hành với bao thăng trầm của đất nước từ khi lập quốc. Dù có lúc bị thất sủng nhưng lấy “chữ nhẫn” làm đầu ông đã luôn đứng vững trên mọi cương vị. Tài thao lược quân sự, lối sống giản dị, “nhẫn” trong cuộc đời chính trị của mình, là người văn võ song toàn nên với nhân dân Việt Nam ông gần như là một vị Thánh (ông được nhân dân yêu quý cũng chính một phần là do ĐCS VN có quá nhiều lãnh đạo của đảng, chính quyền quá tha hóa. Và trong giai đoạn xã hội bất ổn này, chúng ta đang bị “khủng hoảng lòng tin” nên người dân đã chọn ông là “Biểu tượng cuối cùng của niềm tin” để mà an ủi, mà tin tưởng, bấu víu yếu ớt vào đó để bước qua giai đoạn khủng khoảng này). Tuy nhiên, tiếc là “Tướng Giáp đã không sử dụng “vị trí vững như bàn thạch trong lịch sử Việt Nam” để làm nhiều hơn nữa nhằm thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam” (2).

Với ông “nhẫn” là chấp nhận mọi điều xảy ra với mình và đồng đội mà không có sự phản biện? Với ông, Hồ Chủ Tịch luôn là người toàn mỹ; chủ nghĩa Mác là Kim chỉ nam cho con đường đi lên của Việt Nam… mà không hề có sự phản biện (Với việc Sùng bái cá nhân, kiểu như Bắc Triều Tiên hiện nay, đã kéo lùi lịch sử Việt Nam hàng chục năm. Sự việc ấu trĩ này nhất định sẽ có lúc lịch sử phán xét).

Đây là những phẩm chất của một thiên tài mà chúng ta vẫn hằng ngưỡng mộ đó sao? Sao thiên tài như ông mà không nhận ra nền giáo dục không trung thực, lừa dối là nguyên nhân của mọi vấn đề (Cách đây vài năm ông có đưa ra đề án cải cách giáo dục nhưng rất chung chung, không có gì đột phá. Và đến giờ chúng ta chẳng ai nhớ đề án cải cách giáo dục đó cả, chẳng ai nhớ được vì không có ý tưởng gì mới). Sao ông không thay bức điện gửi ra mặt trận ngày 7-4-75 “Thần tốc, thần tốc hơn nữa…” bằng bức điện “Trung thực, trung thực hơn nữa. Sáng tạo, sáng tạo hơn nữa. Luôn hoài nghi và tranh cãi. Giáo dục Việt Nam hãy tiến liên” để gửi cho Nền GD nước nhà trong thời bình.

Với những chính sách sai lầm, một nền giáo dục yếu kém… đã đưa Việt Nam đến vị trí là một nước tụt hậu rất xa so với Thế giới, là một trong những nước kém phát triển nhất TG. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân: “Thể chế toàn trị của giới cầm quyền nhân danh Đảng Cộng sản Việt Nam – Đó là nguyên nhân gốc rễ khiến nước ta lâm vào khủng hoảng trên nhiều mặt: kinh tế suy giảm nặng và không ổn định, văn hóa giáo dục suy đồi, đạo đức băng hoại, môi sinh bị tàn phá, trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh thua kém nhiều nước trong khu vực, dân mất lòng tin đối với bộ máy cầm quyền; trong khi đó, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị thế lực bành trướng Trung Quốc gia tăng các hành động xâm phạm.” (Bauxitvn)… Người trần mắt thịt như chúng ta còn nhận ra những điều hiển nhiên này, tại sao ông là một thiên tài như vậy mà ông cũng không nhận ra?

Vậy phải chăng là do hạn chế tầm nhìn hay do “nhẫn”- chấp nhận mọi điều? Hay “Việt Nam là đất nước bị Trời đầy” (theo comment của một bài viết của một bạn đọc trên trang gocnhinalan) nên dù là thiên tài Việt Nam như Đại tướng thì tầm nhìn cũng chỉ có vậy? Nếu đúng như những điều trên thì đúng là “Việt Nam là đất nước bị Trời đầy” thật rồi. Bởi ở “vị trí vững như bàn thạch” của Đại tướng và là một người hết lòng vì nước như Đại tướng thì lời nói của ông có sức nặng ngàn cân, nhưng có thể ông đã không nhìn ra hoặc ông đã “nhẫn” – im lặng. Khi ông lên tiếng, vấn đề bauxit Tây nguyên chẳng hạn, thì lúc đó: “Tây nguyên coi như xong rồi.” (Nhà văn Nguyên Ngọc ) Ôi, Việt Nam của chúng ta thật là bất hạnh biết bao.

Vị thế của Đại tướng khác hoàn toàn vị thế của ông Trần Xuân Bách – cố UVBCT. Ông Bách có vị thế thấp hơn nhiều so với ông nhưng ông Bách vẫn lên tiếng cần đa nguyên, đa đảng. Dĩ nhiên ông Bách đã bị xử lý, và điều ông Bách nói vẫn chưa có mấy tác dụng nhưng nếu điều này được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người anh cả của QĐND Việt Nam lên tiếng thì nó sẽ có tác dụng biết bao và ông cũng sẽ không bị xử lý vì các thế lực Lê Duẩn, Lê Đức Thọ không đủ sức để đối lại lòng dân.

Một đồng đội khác của ông là Tướng Trần Độ, đã chấp nhận mọi điều bất hạnh, đã trả thẻ đảng viên, đã lên tiếng khi nhận ra sự thối nát của đảng CSVN. “Đảng CSVN hãy trở về đúng nghĩa là một tổ chức chính trị chứ không phải là một tổ chức cầm quyền ” (Trần Độ). Uy tín của Tướng Trần Độ cũng chưa đủ lớn nên lời nói của ông chưa có sức nặng ngàn cân, chưa có tầm ảnh hưởng nhiều, bản thân ông bị đánh tơi bời. Tuy nhiên, người quân tử phải có khí tiết như thế, như Tướng Độ mới đúng là “Điều gì có hại cho dân cho nước thì quyết không làm. Điều gì có lợi cho dân cho nước thì quyết làm”.

Những Trần Độ, Trần Xuân Bách… đã “dám” là Người Họa Sĩ Vô Danh vẽ lên “chiếc lá cuối cùng” mang lại hạnh phúc cho cuộc đời như Người họa sĩ vô danh trong truyện ngắn cùng tên của O.Henry. Bây giờ những người như Trần Xuân Bách, Trần Độ vẫn đang còn bị oan khuất nhưng rồi lịch sử sẽ gọi tên họ bởi “Lịch sử cần nhìn nhận một cách trung thực” (Bên Thắng Cuộc – Huy Đức). Mà không phải đợi xa xôi, ngay bây giờ, Tướng Trần Độ đã nhận được vô vàn sự kính trọng rồi: “Đọc Nhật ký Trần Độ tôi kính trọng ông hơn Tướng Giáp” (3).

Còn Tướng Giáp cũng như nhiều nhà lãnh đạo CSVN khác có lẽ cần xét lại. “Họ đã để lại gì cho Việt Nam….” Xét lại không phải là chúng ta sẽ làm những vụ án xét lại kinh hoàng như Khơrutsop đã làm với Xtalin mà xét lại vì yêu cầu khách quan vì “lịch sử cần phải được nhìn nhận một các trung thực”. Cách làm giống như Đặng Tiểu Bình đã làm với Mao Trạch Đông, không thần thành hóa Mao mà chỉ ra rằng: Mao có 7 được, 3 chưa được (Mưu Lược Đặng Tiểu Bình). Xét lại một cách trung thực và khách quan để ta rút ra những bài học quý báu đưa đất nước phát triển, tránh xa nguy cơ tụt hậu.

Theo cách nói trong tác phẩm Điếu Văn của Nam Cao thì: Hôm nay là đám tang Đại tướng mà tôi không có trong đoàn người đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng được, tôi không khóc nỉ non, nhưng giữa đêm khuya thanh vắng, tôi đang ngồi đây trước trang giấy, đang đứt từng khúc ruột, tiễn đưa Đại tướng – (dù với tôi ông chỉ là một Tướng về hưu nhưng vẫn là một “biểu tượng cuối cùng của niềm tin”) – qua những dòng này. Xin chào vĩnh biệt ông.

 

Pham AQ
(Hà Nội, đêm 13-10-2013)

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

153 BÌNH LUẬN

  1. Tôi nghĩ chưa chắc ông Lê Duẩn đã là một kẻ đáng bị ghét như các bạn ở đây nói. Vì theo tôi được biết, Mỹ và Trung Quốc lúc đó đã bắt tay nhau, họ quyết định sẽ chia cắt Việt Nam thành 2 bên giống như Nam – Bắc Hàn. Trung Quốc đã yêu cầu Bắc Việt Nam không tiến hành tấn công Nam Việt Nam. Nhưng chính Lê Duẩn đã quyết tâm phải thống nhất đất nước, không chịu sự sắp đặt của ngoại bang đến đất nước mình. Và chính Lê Duẩn đã nêu cao tinh thần cảnh giác với người “đồng chí” Trung Quốc này.

  2. Chết rồi, phản động rồi!…ở VN tôi thấy mọi người không nên quan tâm
    đến chính trị làm gì. Thứ nhất, kể cả bạn viết hay và tư duy đúng chăng
    nữa thì cũng không thay đổi được gì. Thứ hai, vấn đề chính trị là vấn đề
    đa chiều, bạn được hưởng nền giáo dục chính trị theo một chiều, lại
    không phải là sinh viên một trường chính trị nào đó- tức là bạn không có
    chuyên môn- các bạn chỉ viết để thỏa mãn cái “tức khí” của chính bản
    thân mình…Tôi nghĩ nên dừng lại và hướng xu hướng viết của các bạn
    theo một hướng khác, như vậy đỡ phí thời gian và đỡ mệt khối óc hơn.

  3. Bài này viết 13-10-2013, nghĩa là năm đại tướng mất. Quan điểm thế này:

    1. Phải biết kính trọng người đi trước dù cho là họ ở bên đâu chiến tuyến. Lỗi của các bác dân chủ là thích mang ai đó cứ theo cộng sản là mang ra dìm hàng. Dư luận viên thì mang đám bên kia ra dìm hàng. Nếu anh không kính trọng người đi trước, chả ai kính trọng anh.

    2. Moi chuyện từ vài chục năm trước ra rồi cãi nhau là một cái việc chẳng hay ho. Ngây thơ nhất là câu nói kiểu “tìm sự thật”. Chả có quái nào sự thật ở đây cả, tất cả đều được viết lại dưới 1 góc nhìn hay mục đích nào đó. Lịch sử là theo góc nhìn, chả có cái nào gọi là “Sự thật” theo khái niệm mọi thứ đang diễn ra ở đây cả. Hãy nhớ lại vụ wikileads đi, có ai tin được những thứ ta đang thấy là sự thật không? Ngay như wikipedia cũng đâu phải lúc nào cũng sự thật, đầy lỗi trên đó. Chúng ta chỉ biết những gì người ta nói ra, không bao giờ biết “sự thật” cả,

    3. Kiểu anh cứ thiên tài thì anh phải biết hết mọi thứ, vậy nên bảo Einstein qua viết văn hay mời Piccaso ra nói về triết học nhỉ? Lỗi nguỵ biện là các ông giỏi nên các ông phải đa năng phải biết hết, phải nhớ rằng những năm tháng sau này, tướng Giáp đã khá cao tuổi rồi, và theo bình thường ông chả việc gì phải quan tâm đến chính trị, 50 năm chính trị của ông đã quá đủ rồi!

    4. Chính trị vốn dĩ là quyền lực, anh giữ được quyền lực thì anh lên, không thì về. Nó giống kiểu câu chuyện CEO với chủ tịch hội đồng quản trị vậy, CEO đứng mũi chịu xào, quyền lực Chủ tịch nắm. Có rất nhiều người chỉ có tiếng mà không có miếng thôi, bởi vậy đừng nói theo kiểu tại sao ông không làm này làm nọ, họ chưa chắc đã là người nắm đằng chuôi 🙂

    5. Thừa nhận các bác dân chủ có rất nhiều lý thuyết hay, nhưng hãy nhìn lại các bạn đi, chính các bạn cũng phân hoá và chưa bao giờ đoàn kết lại, thằng nào tự sướng thằng nấy. Cộng sản hơn ở chỗ họ đã tự tạo được một tổ chức vận hành đất nước 90 triệu dân, nếu quay trở về quá khứ, cứ nghiêm túc nhìn nhận xem nền dân chủ của tổng thống Ngô Đình Diệm đã bất ổn thế nào 🙂 Muốn làm gì phải đoàn kết lại, cộng sản dạy thế đó 🙂

    6. Bạn có thể không kính trọng đại tướng, quan điểm của bạn, nhưng người khác kính trọng là quan điểm của họ. Tốt nhất thì đừng ăn nói theo kiểu “ông làm được gì…”. Tốt thôi vậy “bạn làm được gì ngoài ngày ngày chửi rủa trên mạng?”

    • Đoàn kết nội bộ chỉ là trò bịp,thực tế vẫn xâu xé nhau,nhưng cuối cùng Lê Duẩn thắng.
      Giống như Mao Trạch Đông và Stalin, Lê Duẩn là người khao khát quyền lực tuyệt đối. Thông qua việc cô lập được ông Hồ, ông Giáp và các đồng minh của họ trong đảng, ông Lê Duẩn đã thiết lập một bộ máy lãnh đạo ở Hà Nội phải tuyệt đối trung thành và phải quyết tâm hoàn tất các mục tiêu chiến tranh theo ý muốn của Lê Duẩn.

  4. THDP thật dũng cảm khi cho đăng bài viết này. Trong khi tất cả đang tung hô một huyền thoại thì THDP dám phản biện với số đông. Tôn chỉ của trí thức chân chính là sự trung thực, dù sự trung thực này có làm ai đau nhói khi biết được sự thật. Like cho bài viết 1 thì like cho THDP 1000!

        • Hiến pháp là một văn bản luật giữa các công dân một nước với chính quyền về cách vận hành chung của xã hội,hay còn gọi là một bản khế ước xã hội.
          Cho nên việc đưa bất kỳ đảng phái nào vào trong hiến pháp đều làm mất ý nghĩa của hiến pháp vì hiến pháp đã bao hàm tất cả mọi đảng phái,mọi tổ chức,mọi hội nhóm dân sự..trong đất nước đó chứ ko dành riêng cho một đảng nào.Tất cả mọi đảng đều phải tuân theo hiến pháp,chứ ko được nhét quyền lợi của mình vào hiến pháp.
          Chính đảng CS cũng thấy điều vô lý này,nên mới xảy ra chuyện tranh cãi về việc sửa hay ko sửa điều 4,nhưng cũng chỉ là hình thức cho đỡ phản cảm thôi,ko có gì thay đổi !

        • Tốt hay ko tốt là tùy vào chất lượng và kế hoạch phát triển của từng đảng.Giống như xài mạng di động vậy thôi,mạng nào khuyến mãi nhiều,phủ sóng mạnh và biết chăm sóc khách hàng thì nhiều người tin dùng,đảng nào sẽ lên thì tùy vào thị phần mà đảng đó chiếm được,có cập nhật 3G hay ko có 3G,..v.v..v

          • Đảng Cộng Sản Đông Dương k phải là Đảng tốt nhất thời kì 1945 nhưng lại là Đảng biết nắm thời cơ nhất và nắm quyền đến giờ. Nếu chẳng may Đảng người Hoa viết lại lịch sử như vậy một lần nữa thì nước ta sẽ lại trở thành nước GIao Chỉ trong 50 hoặc ít hơn

  5. giá như BÁC HỒ còn sống thì mình k có ĐCS thối nát thế này đâu…BÁC HỒ mới xứng đáng là thánh nhân thực sự..còn những ng khác thì k thể dùng từ ngữ đó…chỉ nên gọi là anh hùng bất khuất thôi….

  6. Đám tang của
    ông Võ Nguyên Giáp xếp hàng dài rồi ngất lên ngất xuống. Coi ông là Thánh nhân,
    người Trời…. Nhưng xin thưa vị tướng mà có nhân có đức thì không bao giờ cầm
    súng bắn vào đồng bào mình, bắn vào đồng bào mình chỉ là loài cầm thú. Cuộc chiến
    chống Mỹ nói riêng – mà không phải, cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn thì đúng
    hơn – vài triệu đồng bào cùng máu đỏ da vàng đã bị tướng Giáp, Lê Duẩn… giết hại.
    Thánh nhân là như vậy đó sao? Thật nực cười.

    • Rồi khi đội tuyển BĐ VN đá ở cái vùng trũng nhất của nền BĐ TG tất cả đều hô VN Vô địch. Rồi có cả Thủ tướng, PTT, BT…đến dự khán. Thật nực cười. Nếu mà có vô địch ở cái vùng trũng này cũng có gì là oai. Nói thật là tôi coi thường những người có tư tưởng nhỏ bé như vậy, kể cả TT đương nhiệm – có TT đương nhiệm có tư tưởng nhỏ bé như vậy nên VN chẳng thể khá lên được là hiển nhiên. Buồn quá.

  7. Thằng mỹ cầm vận đến 1994, thằng tàu cũng cấm vận ta đến 1990, rồi cả 2 thằng cùng chơi xấu ta trong vụ kho me đỏ, Mỹ viên trọ tiền bạc, tàu việc trọ vũ khí để chúng đánh ta. Ở tình thế bị tấn công 3 mặt như vậy thì dù là người Nhật cũng không phát triển nữa là Việt Nam. Tui like trang nghĩa là thích những bài viết của trang nhưng xin lổi, bài viết này quá ngu dốt.

      • Mình là một người cũng như bao người vn muốn đất nước phát triển nhưng bạn chúng ta phải nhìn lại lịch sử.Nhìn lại lịch sử để biết mình thật sự đã xuất phát từ đâu ,khi đó có những gì để không quá bất mãn , để vẫn còn tự tin công hiến cho cái đất nước này.Để thấy rằng chúng ta cũng đã cố gắng tới mức nào chứ ko phải là những kẻ ăn hại.Còn Israel thưa với bạn nó là một câu chuyện dài (ko có MỸ thì chắc chắn đã ko còn tồn tại Israel rồi) và bạn nên nhớ rằng thế giới này vốn không công bằng,để tồn tại chúng ta phải có lối chơi.Câu chuyện của một đất nước trong một thế giới nó không đơn giản như một con người với một cộng động bé nhỏ.Nó không phải là câu chuyện của công bằng nữa mà là câu chuyện của lợi ích.Và nó biến hóa qua từng thời kỳ,từng người lãnh đạo.

          • bạn nói nó lại thuộc một vấn đề khác không phải vấn đề của hiểu và tự tin về đất nước của mình.Nhiều người bây giờ cứ nhìn qua các nước hàn ,nhật, đài loan ,singapor rồi ước ao về nó,rồi thậm chí cả ước ao mình bay sang đó mà sống ở cái thiên đường đấy luôn.Nhưng đâu biết rằng nó được như ngày nay nó đã cũng trải qua thời kỳ nhếch nhác như mình, con người vô kỷ luật,ích kỷ , đủ các loại thói xấu.Cứ đọc tác phẩm (Người trung quốc xấu xí sẽ thấy bọn ĐÀI LOAN nó đã phải thay đổi như thế nào để có như ngày nay ). Chúng nó dám nhìn vào và cải thiện để có như ngày nay.Chúng có được như ngày nay là mồ hôi của chúng xây đắp mới có được còn mình tại sao không.Tại sao muốn hưởng thành quả của nó luôn,sao hèn nhát vậy.Xã hội là gì,chẳng xa xôi gì cả nó là chính chúng ta.chính bản thân mỗi người là xã hội.

          • Mình đâu có bất mãn gì đâu.Nhưng cái xã hội trong chính ta như bạn nói thì về lý thuyết là thế chứ thực tế chỉ có một mình.Nói chung cống hiến cho mình hay gia đình thì hợp lý hơn,còn cống hiến cho xã hội thì chẳng thay đổi được gì,trừ phi bạn ngồi ghế cao.
            Khổ một cái là những người ngồi ghế cao thì lại cống hiến cho bản thân và gia đình họ,tham nhũng là từ đây ra.
            Tất nhiên ko phải vơ đũa cả nắm,nhưng những người biết lo cho đất nước như Ng V Linh,Võ V Kiệt bây giờ sao hiếm quá,người có tâm thì ko đủ tầm 🙂

    • cấm gì đâu bạn ,mình tự đóng cửa đấy chứ …tq người ta cải cách từ khoảng những năm 70 ,nhưng ng ta cải cách to ,mạnh ..mình cũng cải cách nhưng là mãi tới 86 mới cải cách ,và tôi chỉ ước TT Võ Văn Kiệt lên nắm quyền sớm hơn thôi

      • TQ cải cách nhìn có vẻ không chệch ta là mấy nhưng bạn hãy xem khi cải cách họ có trong tay nhưng gì ,kỹ thuật đã như thế nào.Ý mình ở đây là mọi sự so sánh là khập khiễng cái quan trọng là chúng ta hiện tại.Qúa khứ đã qua đừng quá hoài niệm .Hãy cố gắng đừng để con cháu sau này chúng nhìn lại chúng ta chúng lại nói giá mà.

      • chiến tranh campuchia 1978, chiến tranh biên giới 1979 , rồi xung đột biên giới kéo dài tận đến 1990, hải chiến hoàng sa 1974, hải chiến trường sa 1988,nạn kiều 1979.do ai đó bạn.Xin lội bạn phát ngôn ra nhưng lời đó bạn ăn hại cũng không kém.ông làm được nhiều nhưng chỉ là chưa hoàn hảo mà thôi.Nên chấp nhận và đừng có tiêu cực quá

        • xin lỗi bạn chứ ông Lê Duẩn thì mình không có sự kính trọng nhé.Bạn biết giai đoạn sau 1957 không,Bác Hồ bị mất hết quyền lực vào tay ông này.Thành ra ông mới kết bè phái lộng quyền độcnhư vậy.Cái mầm mống của sự phân chia bè phái trong chính quyền có từ thời ông này mà ra đấy ạ.Rồi từ bè phái sinh ra lũng đoạn,sinh hư hỏng,phong bì,….. của hôm nay đấy.Mà lịch sử VN do sử gia trong nước viết thì mình chưa tin ngay được.
          Mà chung quy thì chế độ cộng sản sẽ sinh ra lạm quyền cả thôi,vì độc quyền mà.Có ai khi cầm quyền quá lâu mà trong lòng không gợn chút sóng chứ.

          • vấn đề ông LÊ DUẨN như thế nào mình không biết ,mình cũng chẳng tin sử gia trong nước ,mình cũng ko có cái nhìn trách cứ vào quá khứ ,chỉ nhìn vào quá khứ để thấy được những thiếu sót để tránh đi những sai lầm đáng tiếc trong tương lai.Chưa thể biết ông nào đúng ,ông nào sai, các ông thực chất đã làm được gì ,chỉ có những người cấp cao họ mới nắm rõ dc.Còn tham nhũng thì mình nghĩ nó xuất phát từ thời kỳ bao cấp .Còn bản chất tạo ra tham nhũng thì nó vô vàn từ chế độ,đạo đức con người,tư duy dân tộc,thậm chí là do cả nước ngoài (trung quốc là thể loại chuyên khởi sướng và cổ xúy cho tham nhũng ở các nước khác thông qua các dự án ).Mình cũng như bao người thôi cũng đều biết điều gì sẽ xảy ra nếu chỉ có sự độc quyền.Vậy phải làm sao ,trước mắt hãy cứ là một người tốt,làm giàu cho mình,kéo theo là vô hình làm giàu cho xã hội.

          • trước tiên phải upvote cho bạn.Mình thừa nhận sai ở một vài điểm,do giận quá mất khôn.
            bạn nói đúng,nhưng ý của mình là chia bè kết phái trong tổ chức dẫn đến lạm quyền và ty tỷ vấn đề khác chứ không riêng gì tham nhũng.Mình sai trong hành động bới móc quá khứ,dù trước đây(và cả sau này) mình luôn tư duy như bạn.Ý của mình đơn giản là:việc tiếm quyền,chia bè kết phái đều do ông này mà ra.Và nó duy trì,phát triển rồi làm mục rữâ cái xã hội này(tham nhũng là 1 hệ quả của việc chia bè kết phái).
            Mình không đồng ý với quan điểm khắc phục của bạn.Dưới đây là quan điểm của mình tự đúc kết:
            Theo mình thì đang có 2 trường phái cùng chung mục đích là thay đổi vì 1 xã hội tiến bộ và phát triển hơn.-Trường phái thứ nhất đề cao mục đích hoàn thiện dần cá nhân rồi nhân rộng ra toàn xã hội,thực hiên trong im lặng và mang tính chất ôn hòa.(Đề cao hành động cá nhân)
            -Trường phái thứ 2 mang tính dữ dội và ồn ã hơn(không biết dùng từ có đúng không),phương pháp đưa ra là chỉ ra thực trạng hiện nay của xã hội hi vọng nâng cao được tư duy và nhận thức của đa phần(toàn bộ) cá nhân trong xã hội rồi từ đó thay đổi xã hội.(Đề cao việc tuyên truyền)

            Bạn chờ đợi sự lan tỏa từ 1 cá nhân ra toàn xã hội ư?Mình không nghĩ rằng nó hiệu quả.Giống như việc bạn cứ cố gắng mò mẫm thắp que diêm trong bóng tối,rồi hi vọng mọi ng nhìn vào và làm giống bạn.

        • Thời kỳ Lê Duẩn ở VN cũng như thời kỳ Stalin ở Liên Xô.
          Đất nước chỉ dám ” cải cách ” sau khi Lê Duẩn chết và Nguyễn Văn Linh ngay sau đó lên nắm chức tổng bí thư.Tiếc là bác Linh cũng ko trụ lại nổi,rất nuối tiếc 🙁

  8. “…Hai bên đều hò hét, cả hai bên đều điên cuồng chém giết, – cả hai bên đều rú lên khoái trá khi máu đối phương phụt khỏi tim, óc đối phương vọt khỏi não, – cả hai bên đều quằn quại như sâu bọ dưới những làn đạn lửa, – phần sống sót lê khỏi chiến địa để làm mồi dự trữ cho các mặt trận tiếp theo, – phần đã chết tự hiến nốt hình hài cho các loài ác thú và dòi bọ.

    Cả hai bên đều yên trí là mình đã hy sinh xứng đáng cho lý tưởng. Than ôi, họ có chung một nòi giống, con của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Họ là những hữu thể được tái sinh trong cùng một bào thai – không xứ sở nào có được cái huyền thoại mê ly đến thế!”(chương 13). (Tiểu thuyết Vô Đề – Dương Thu Hương).

  9. có thể tác giả chưa nghe câu “Kẻ thù và đồng đội đã làm khổ đại tướng rất nhiều”
    vì sao mà cuối sự nghiệp Đại Tướng lại chuyển sang làm Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch.
    :v

  10. Nhiều người họ vẫn nghĩ rằng phải có ĐCS thì mới có VN và đánh đồng khái niệm đất nước vs đảng ;|
    Nhưng trên hết … là tấm gương bị xử lý của những người đi trước đã làm nhiều người lo sợ và cách họ chọn là ko quan tâm …
    ~Meow~

  11. Với cá nhân tôi,tôi chỉ kính trọng tướng Giáp vì đã lên tiếng vụ Boxit,dù có nói cũng chẳng được gì.Ngoài ra thì tôi ko cho rằng tướng Giáp tài giỏi,ông chỉ là người quyết định hành động theo tư vấn của Vi Quốc Thanh,báo quân đội nhân dân cũng đã từng có bài viết về vai trò lịch sử của Vi Quốc Thanh trong trận ĐBP.
    Ngoài ra,Hồ Chí Minh là người đầu tiên chủ trương đa nguyên đa đảng chứ ko phải ai khác cả,chỉ có điều ông ko thể quyết định được điều đó.ông HCM chỉ có vai trò lãnh tụ trong chống Pháp ,chứ giai đoạn sau thì chỉ là biểu tượng bù nhìn chứ đã mất hết thực quyền vào tay Đảng,mà cụ thể ở đây là nhóm Lê Duẩn,Lê Đức Thọ.

    Khách quan thì HCM cũng lắm công nhiều tội.Còn tướng Giáp thì thực ra cũng chỉ là chân tay của HCM,nếu ông HCM ko dùng lý tưởng cs để tập hợp thì tướng Giáp lấy đâu ra lính để đánh trận ĐBP.

        • rất vui vì bạn đã dẫn nguồn. Tuy nhiên mình xin được hỏi đôi điều:
          1/ Tôi có đọc link dẫn, và ngay từ đoạn đầu đã thấy : tác giả của bộ hồi ký là 3 người Trung Quốc! Và họ tung ra cuốn sách vào đúng 50 năm chiến thăng Điện Biên, vậy ở đây xuất hiện câu hỏi: liệu có phải họ tung sách ấy, với thông tin ấy ra, để lừa dối người đọc không? Hiện nay có rất nhiều các học giả từ Anh, Pháp, Mỹ, Nhật đều cho rằng chiến công DBP là của tướng Giáp, và họ có tư liệu rất phong phú. Nên nhớ, thời kỳ chống Pháp, thì các sự kiện chủ yếu được thu thập bởi các phóng viên người Pháp. Đừng quên rằng, hồi Bác Hồ còn hoạt động ở Paris, bên Pháp cử hẳn 1 người chỉ để theo dõi và ghi chép lại các hoạt đọng của Người. Hầu hết các tư liệu lịch sử đều được lấy từ Pháp về bạn ạ, chứ điều kiện thời đó, người mù chữ thì nhiều, lấy đâu ra người lo việc viết sử. Chỉ đến thời chống Mỹ, nước ta mới có nhiều các phóng viên và nhà báo thôi.
          2/ Cái này khó xảy ra, nhưng bạn có nghĩ rằng, thông tin đưa ra là do lỗi dịch thuật không? Bạn đã đọc bản gốc?
          3/ Tác giả là ai? Tại sao không phải là 1 người có tính khách quan hơn như 1 nhà báo, phóng viên chiến tranh mà là 1 người trong Đoàn cố vấn?
          Đọc bài báo đó, nhiều người sẽ lầm tưởng rằng “Cố vấn bên nó mà nói thì phải đúng chứ?” Sai hoàn toàn. Họ sẽ lợi dụng sự ám thị trong đầu người đọc, rằng họ là cố vấn nên biết mọi điều. Ai biết được điều đó? Nếu họ phịa chuyện thì sao? Có bằng chứng nào xác thực lời họ nói chưa?
          Với 3 câu hỏi trên đây, thiết nghĩ chúng ta vẫn nên đặt nghi vấn lại về tính xác thực của thông tin. Thời buổi công nghệ thông tin mà, thông tin ngược xuôi đủ chiều cả. Chúng ta phải tỉnh táo.

          • 1/ Trước hết thời buổi công nghệ thông tin hay lỗi dịch gì mình ko biết,chỉ biết đó là bài báo của báo quân đội nhân dân,báo này có quy trình kiểm duyệt khá kỹ lưỡng trước khi đăng nên tính xác thực là có thể tin cậy.Và vì sao báo QĐND lại đi lừa dối người đọc ?
            2/ Trận ĐBP ko hẳn là cuộc chiến tách rời mà cũng là sự đối đầu giữa khối tư bản và khối cộng sản thôi.Vai trò của TQ trong ĐBP khá lớn,chỉ đó điều họ ko ra mặt trực tiếp,mình cũng thấy là bình thường chứ ko có gì lạ cả.Binh chủng pháo binh VN cũng do khối XHCN,cụ thể là TQ viện trợ và huấn luyện,chứ vũ khí đâu ra mà đánh.
            Chúng ta góp con người,họ góp tài chính vũ khí và tham mưu,vậy mới thắng Pháp.Nhưng mình mất mát về mạng người,họ mất chút vũ khí mà tạo ảnh hưởng.
            Những năm sau này cũng vậy,miền Nam thì Mỹ tham mưu cố vấn còn miền Bắc thì Liên Xô-TQ tham mưu,cố vấn.Ai cũng biết chuyện này mà,vì sao lại phải ám thị làm gì ?
            3/ Chiến thắng ĐBP là của tướng Giáp là điều bình thường,vì tướng Giáp chỉ huy mà,còn tham mưu là Vi Quốc Thanh.Giống như người ta nói Lưu Bị đã thắng Tào Tháo ở Xích Bích chứ ko ai nói Khổng Minh đánh thắng Tào Tháo,Khổng Minh là quân sư thôi !
            4/ Mình vẫn đánh giá cao tướng Giáp với vai trò chỉ huy,nghĩa là tính linh hoạt tại mặt trận chứ ko cứng nhắc.Ba mình làm bên tham mưu,mình hiểu rõ vai trò và quyền lực của bộ Tham mưu đến mức độ nào.Nói chung TQ can thiệp vào nước ta rất nhiều,vừa giúp VN vừa đánh VN,cũng bình thường vì ở đời có ai cho ko nhau cái gì.Nhưng dạo này thì những thông tin loại này trở thành ” nhạy cảm “,nên xin phép ko bàn ở đây.

          • Thật xin thứ lỗi trước vì mình phải nói bạn trả lời như thế, thật vô trách nhiệm!
            1/ Bạn trả lời như thế, nghĩa là không phải do vô ý sơ sót, mà là cố tình không xác minh nguồn thông tin. Chẳng hạn, bạn nghe người ta đồn thổi rằng tôi giết người, vậy là bạn nghĩ tôi giết người luôn sao? Lỗi tư duy thứ 1 nhé. Thứ 2, bạn nên biết, thời kỳ vàng son của báo chí VN chỉ ở những năm 80, và 1 điều nữa, báo chí thì thuộc quyền kiểm soát của Bộ Thông tin và truyền thông. Đến thủ tướng, tổng bí thư còn lừa dân được, chả nhẽ 1 tờ báo lại không dám? Đối tượng mà họ lừa chính là những người không có chính kiến, không biết phán xét mà răm rắp tin lời vậy.

            2/ Bạn trước sau vẫn không thể dẫn ra 1 điều gì hơn ngoài vài ba nguồn trong nước. CỨ cho là TQ hỗ trợ và trang bị quân sự cho VN đi. Tôi hỏi bạn: Ví dụ bạn và tôi đánh nhau, bạn được 1 ông thầy thể hình huấn luyện cực tốt về thể hình thể lực, tay chân cứng cáp, nhưng vẫn không bằng tôi. Vậy mà bạn thắng tôi. Tôi thắng bằng thể lực à? Bạn phải nhờ cái đầu của bạn chứ!
            Nếu công lao của trận DBP thuộc về người TQ, thì còn lâu các nhà viết sử phương Tây chịu để cho chúng ta viết sử tào lao như vậy. 1 trận chiến mang tính chất quan trọng như thế, có ảnh hưởng không chỉ đến cục diện trong nước mà còn của quốc tế, mà người ta đổi trắng thay đen thế được sao? Bạn nghĩ các học giả, các sử gia nước ngoài dễ bị lừa thế à?

            Tham mưu, nhưng quyết định là ở ai? Có trong tay quyền quyết định mà đê tham mưu nó quay như con rối, thì còn là quyền quyết định không?
            Nghĩ sao khi tướng Giáp xuất thân là thầy giáo dạy Sử? Bạn nghĩ tướng Giáp không có tài, mà chỉ có tính linh hoạt?

            3/ Câu chuyện Lưu bị và Khổng Minh của bạn, tôi thấy giống với chuyện Bác Hồ và tướng Giáp hơn. Bác Hồ có tài nhìn người, tướng Giáp có tài cầm quân. Đánh trận công đầu về tướng. Cách nói Lưu Bị thắng Tào Tháo ở trận Xích Bích cũng là 1 lỗi ngụy biện. Ai cầm quân, ai điều binh khiển tướng?

            4/Cho dù bố bạn có làm bên tham mưu, thì bạn cũng không thể biết ảnh hưởng của vai trò tham mưu đến kết cục, nhất là ở các giai đoạn khác nhau.

            Tựu chung, thì bạn vẫn chưa đưa ra được 1 dẫn chứng nào thuyết phục cả. Những lời bạn nói, chỉ là ý nghĩ chủ quan của bạn, hoặc là bạn nghe được ở đâu đó rồi nói lại thôi.

          • Vì sao mình phải có trách nhiệm với bạn ?
            Hãy khoan đề cập tới nội dung bàn luận là gì ở đây,nhưng muốn người khác lắng nghe thì nên tôn trọng chứ đừng áp đặt,vạch lá tìm sâu để bắt lỗi,đó ko phải là cách trò chuyện lâu dài được !
            Mình cũng vừa xem mấy cmt mà bạn đối thoại với các member khác trên THDP này,rất là chán ngán.Mình ko muốn trò chuyện kiểu đó,chỉ phí thời gian thôi !
            Mình cũng nói thẳng,cách hành văn của bạn rất bất lịch sự,nên mình ko muốn trả lời nữa ! Chào !

          • À mình chưa nói tới trách nhiệm của bạn đối với mình. Rõ ràng rằng khi bạn viết, bạn phải biết mình viết cái gì.
            Khi bạn nói điều mà bạn không biết chắc, bạn đang vô trách nhiệm với bản thân. Giả dụ bạn mua 1 món hàng không rõ xuất xứ và sử dụng nó. Nếu nó là hàng chính hãng, thì ngon lành. Nhưng nếu là hàng fake, nhất là mấy thứ giày dép hay quần áo, thì bạn lại mang họa vào thân vì có thể trong sản phẩm đó có chất gây hại. Vậy là bạn vô trách nhiệm với bản thân rồi!
            Mình áp đặt chỗ nào? Yêu cầu 1 sự thực khách quan cũng là quá đáng? Bạn có biết cách làm việc và nghiên cứu khoa học không vậy? Bạn dễ dàng tin đến thế cơ à?
            Nếu bạn định nghĩa việc hỏi rõ ngọn nguồn là bất lịch sự, vậy chúng ta không có cùng thế giới quan. Mình cung xin chấm dứt.

          • Hỏi rõ ngọn nguồn ko phải là bất lịch sự.Nhưng người hay kết luận người khác là vô trách nhiệm thì thường là những người ở đỉnh cao của vô trách nhiệm.
            Nếu rỗi hơi thì bạn hãy viết một bài viết hướng dẫn mọi người sống trách nhiệm với bản thân như ý của bạn.
            Mình có thể cắt nghĩa,trả lời mọi câu hỏi và dẫn nguồn rõ ràng,nhưng cách viết của bạn làm cho mình thấy ko còn hứng thú gì,việc gì mình phải làm như vậy ?
            Thảo luận đi kèm với thiếu tôn trọng,đó là việc mà các dư luận viên thường làm.Cứ nuôi dưỡng tính khinh người và ưa dạy đời bên trong bạn,đó là việc của bạn.Mình ko rỗi hơi cho những việc vô nghĩa.Chào !

          • bạn hơi nhầm rồi. Tôi nói bạn vô trách nhiệm với bản thân, và hơn nữa là còn vô trách nhiệm với người đọc nữa. Bạn dẫn ra 1 thông tin mà chưa xác minh. Việc đó giống như tôi đang tiếp tay cho 1 sản phẩm không rõ nguồn gốc vậy. Nó có hại hay không, tùy thuộc vào tôi cả.

            Nếu người sử dụng sản phẩm đó có mệnh hệ gì, tôi sẽ phải chịu 1 phần trách nhiệm. Dẫn ra thông tin không được xác minh kỹ lưỡng, rất có thể bạn đã hướng người đọc đến 1 sự thật không đúng.

            Còn về việc sống có trách nhiệm về bản thân, chẳng đến lượt tôi mà trên THDP đã có khá nhiều người viết rồi.

            Thế nào là vô trách nhiệm? Vô trách nhiệm là, ta biết người khác nói sai, người khác nghe sai mà mình không lên tiếng, ta im lặng để cho cái sai trái tiếp tục càn rỡ. Khi bạn còn thiếu sót điều gì đó, tôi góp ý, và bạn gọi tôi là “đỉnh cao của vô trách nhiệm” ư? Vậy, ý bạn là tôi không có quyền phê bình gì cả à?

            Thực sự xin lỗi nếu có làm bạn mất hứng hay không, nhưng việc tôi kết luận bạn như thế, tôi không có ý rút lại đâu.

          • Nói thẳng với bạn đây,tôi ko muốn nói chuyện vì tôi thấy lời nói của bạn có nhiều nét giống một dư luận viên,nếu ko phải thì sorry bạn,nhưng nếu bạn đúng là vậy thì có nói hay dẫn nguồn thì cũng chẳng để làm gì,chỉ phí thời gian.
            Vài nét về một dư luận viên
            -Cái lưỡi ko xương,lúc nào cũng đem những từ như khách quan,trung thực,phải biết đúng sai,phải có trách nhiệm,không được phủ nhận hết công lao của Đảng,của Bác,mà dù có sai nhưng đã sửa sai hết rồi,cố gắng mà lọc cái tốt của Đảng,của Bác,..mà học hỏi.
            -Dẫn nguồn trong nước có cái xấu của Đ và các lãnh tụ thì nói là báo chí đã bị bộ Thông Tin kiểm soát,báo lề phải chỉ biết lừa dân.Nhưng dẫn nguồn báo trong nước tung hô thì nói là khách quan,đúng sự thật.
            -Dẫn nguồn ngoài nước có cái xấu thì nói là do thế lực nước ngoài chống phá,dễ tin nên bị lừa,…nhưng nếu nguồn có cái tốt thì nói là các học giả thế giới tư liêu phong phú,nghiên cứu khách quan.
            -Đảng có thể sai lầm chứ các lãnh tụ như Bác thì tuyệt đối ko sai lầm.và thường hay gọi ông HCM là ” Người “.
            -Thường hay tự thừa nhận nước mình được như bây giờ là do ơn Đảng,ơn Bác,nhờ có Đảng mới có ta,dù Đảng có sai lầm gì thì công lao Đảng còn lớn hơn,để đâu cho hết.
            -Cái xấu của các lãnh tụ là do khách quan,thời thế nhân dân không có dân trí,u mê,..còn cái tốt thì do vĩ đại,do thiên tài.
            -Nói chung,đầu óc của dư luận viên thường đã bị lập trình theo một hướng,nên có nói thì chỉ vô nghĩa ! Tất cả mọi vấn đề đều phải có chung kết quả thì nói làm gì.
            Nếu bạn ko phải một dư luận viên thì sorry bạn,nhưng mình cũng chẳng thiết nói chuyện nữa.Mình đi chơi đây !

          • Mình cũng cùng quan điểm,chỉ cần chúng ta đừng tin những gì mà các thủ tướng,chủ tịch,tổng bí thư,bộ thông tin và báo lề phải vẫn ra rả nói hàng ngày thì sẽ ko bị lừa thôi !

          • Đất nước ta đã lao vào những cuộc chiến vô nghĩa nên kết quả là chúng ta mới lên đây tranh luận một cách vô nghĩa.Sau khi đọc ctm của bạn và đọc bài ” Sống ảo ” thì mình quyết định sẽ ko làm những việc vô nghĩa lý nữa,mình sẽ xách balo đi chơi một thời gian !

        • Mình chẳng mấy khi cmt nhưng thấy các cmt của bạn thật sự rất ấu trí.Mình cũng đã đọc link hổi tưởng của các cố vấn quân sự trung quốc bạn đưa nhưng nhận ra một điều hồi ký đó rất chung chung phải nói là chẳng có một giá trị lịch sử nào cả.Ngoài ra bạn nói rằng tướng GIÁP hành động theo sự chỉ đạo của cố vấn người trung quốc thì xin thưa với bạn chiến thuật dải thảm người “đánh nhanh thắng nhanh ” của các cố vấn TQ được thay bằng cố chiến thuật ” đánh chắc tiến chắc ” của tướng GIÁP .Bạn nghĩ sao về điều này.Và bạn còn biết rằng bản chất tư duy của các chuyên gia quân sự TQ luôn là chiến tranh kiểu biển người từ cuộc nội chiến cho đến chiến tranh TRIỀU TIÊN.Còn nhiều bạn giờ cứ ca thán chế độ này chế độ kia ,bưng bít thông tin rồi này nọ nhưng các bạn có biết rằng TQ nó còn mị dân đến cỡ nào,hỏi thằng TQ nào cũng rất mơ hồ về chính trị,rồi ngăn cấm FB,GG,tự do thông tin kiểm duyệt nhưng kinh tế nó vẫn mạnh.Rồi đến các nền văn minh phương tây nó được bóp méo như thế nào ,để đến một đất nước văn mình hơn ta như UCRAINE vẫn chiến tranh như thường.Bạn hãy tùm hiểu rõ hơn kỹ hơn chứ đừng vội quy chụp.Thà không nói chứ đừng nói ra những điều ko xác thực.

          • Hi hi,tội nghiệp người ấy cứ lao tâm khổ trí mãi vì người khác ko hâm mộ thần tượng của người ấy.
            Thôi thì chịu khó nể thần tượng của người ấy một tí,để đỡ bị ” theo dõi “,hi hi
            Làm sao tốt cho cả hai ? kiểu này chắc phải nhờ vả tới Ưng Hoàng Phúc rồi 🙂

          • nhiều lúc mình ước được đi đến một chân trời mới mà ở đó ta không cần phải chọn lựa, ta chỉ cần sống như ta muốn. Còn khi sống trong sự chọn lựa thì chọn cái nào cũng đều tạo ra nỗi đau cả. trong cái thế giới bị phân 2 đó, hoặc ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn để nhận những kết quả không xứng đáng, hoặc ta phải xa đọa để có được sự bình yên. trong bất cứ cái nào cũng thế, từ tình yêu cho đến lý tưởng, quan hệ, công việc…Trong khi đời sống con người thì quá ngắn để bước lên những bậc cao hơn của hiểu biết, của giấc mơ. Tôi luôn sống trong sự giằn xé đó.
            nhớ lại bộ phim Noe, sao không có đại hồng thủy nhỉ? khi đó mình sẽ xin Noe cho lên thuyền của ông ta :), sau đó sống với thiên nhiên và muôn loài.

          • Mình nhớ hồi năm nhất,một người thầy của mình tính sơ sơ về đời người tạm cho là 80 năm thì mất 24 năm để ngủ,làm việc nhà mất 4 năm,ăn uống mất 5 năm,xem tivi mất 1 năm..Và sau đó thầy tính lại cho đám sinh viên xem là thật ra 5 năm Đại Học thì thời gian ngồi trong lớp nếu đi học đầy đủ thì chỉ mất đúng 1 năm.
            Tính ra đời người rất ít thời gian để sống thật sự,chưa kể còn bị nhồi lý tưởng và đủ mọi thứ vớ vẩn để sống giùm người khác 🙁

    • lan man:
      Giờ mới thấy từ trước đến nay chúng ta-những người thụ hưởng nền GD tại đất nước VN,đều đã bị lừa dối,dù ít dù nhiều.Riêng mình vài năm gần đây thì có suy nghĩ và cái nhìn đa chiều hơn nên cũng có phần đỡ mộng mị hơn,biết đặt sự kính trọng đúng người và đúng mức độ hơn.
      Đến bao giờ thì nền GD của chúng ta mới là 1 nền GD tự do và tôn trọng sự thật nhỉ???

      • Theo mình thì những cái gì thái quá,quá tốt hoặc quá xấu đều ko đúng sự thật.Ai cũng có cái tốt,cái xấu lẫn lộn với nhau,vì con người thì sống trên mặt đất,nằm ở giữa thiên đàng và địa ngục,hihi.
        Nền GD và truyền thông nói chung,là công cụ thôi.GD ko là công cụ nữa thì GD có cơ may phát triển.Có lẽ tương lai xa !

        • Thì cuộc đời vốn đều mang tính tương đối mà.Trong đúng có sai,trong sai vẫn có phần đúng.
          Mà đúng sai thì đều là do góc nhìn của mỗi ng,với ng có chính kiến.Còn 1 số khác không có chính kiến thì đúng sai đc quyết định bởi số đông và 1 số thứ khác(tạm thời chưa nhớ ra)

    • Chết rồi, phản động rồi!…ở VN tôi thấy mọi người không nên quan tâm
      đến chính trị làm gì. Thứ nhất, kể cả bạn viết hay và tư duy đúng chăng
      nữa thì cũng không thay đổi được gì. Thứ hai, vấn đề chính trị là vấn đề
      đa chiều, bạn được hưởng nền giáo dục chính trị theo một chiều, lại
      không phải là sinh viên một trường chính trị nào đó- tức là bạn không có
      chuyên môn- các bạn chỉ viết để thỏa mãn cái “tức khí” của chính bản
      thân mình…Tôi nghĩ nên dừng lại và hướng xu hướng viết của các bạn
      theo một hướng khác, như vậy đỡ phí thời gian và đỡ mệt khối óc hơn…

      • Hi hi,tại cái topic về chính trị nên mình mới nói chứ hơi đâu,ờ mà bạn cũng phản động rồi đấy,chứ ko thì sao lại đọc bài viết này,hehe.
        Bạn cũng ko nên đề cao mình quá vậy,có muốn thay đổi gì đâu,chém gió cho vui thôi,hi hi..

  12. Trước hết xin chân thành cảm ơn tác giả đã đầu tư bài viết này! Bài viết đã nói lên được những điều mà tôi (và có thể nhiều người nữa) vẫn mãi suy nghĩ và đi tìm cầu trả lời cho mình.
    Với tâm trạng này tôi đã viết truyện ngắn Một cuộc chiến, hi vọng bạn nào “lỡ” đọc truyện của tôi mà cho rằng tôi “bị bệnh hoang tưởng”, hay nói không hiểu tôi viết cái gì, thì hi vọng sau khi đọc bài viết này, các bạn sẽ hiểu thêm.
    Một lần nữa, cảm ơn tác giả! Thân ái.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI