28 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Còn đâu nữa những “con đường vắng, rì rào cơn mưa nhỏ”?

Featured Image: Kei Densetsu

 

Đường Hà Nội xưa thanh tĩnh và mộng mơ. Đường Hà Nội nay bốn bề hối hả, nhộn nhịp xô bồ.

Những ký ức về đường phố Hà Nội xưa có lẽ chỉ còn trong những lời thơ, câu hát:

“Em ơi , Hà Nội phố
Ta còn em
Mùi hoàng lan
Ta còn em
Mùi hoa sữa
Con đường vắng,
Rì rào cơn mưa nhỏ…”

Hà Nội nay còn bao hoa sữa với hoàng lan? Hà Nội nay có còn không những con đường vắng lặng, yên bình, nơi khiến người ta chỉ cần “thả hồn” vào đó bỗng hóa thành thi sĩ. Còn đâu nữa những hàng cây, những hè phố đỏ au màu gạch, nghe đâu đó loẹt quẹt tiếng bước chân người đi hòa cùng tiếng chim ca…Còn đâu ngõ vắng năm nào, bóng nàng thiếu nữ áo dài trong trắng làm ai mê mẩn…Đâu những buổi tan trường hò hẹn…

Những người yêu Hà Nội sáng trong, thuần khiết không biết mấy lần phải giật mình bởi sự đổi thay nhanh chóng nơi chốn đế đô. Mấy chục năm trời, đời sống vật chất tuy có cao hơn, song những giá trị tinh thần đậm nét nhất thì mãi không quay về nơi đây nữa.

Giao thông Hà Nội xưa với xích lô, xe đạp, một vài chiếc xe cúp, chưa khi nào “nghẽn mạch” như ngày nay. Đường Hà Nội gần trăm năm vẫn sạch như thể bụi trần không vướng víu. Hơn Singapore nhiều. Người điều khiển giao thông khi ấy là những chiến sĩ công an thân thiện, hết lòng vì nhân dân.

Ngay cả khi phải chống chọi với bom đạn Mỹ, việc lưu thông hàng hóa vẫn được đảm bảo. Mà cái điều đặc biệt là ngày ấy người ta thích đi tàu hỏa, đi đò. Tính cố kết cộng đồng rất cao. Một phần bởi phương tiện cá nhân chưa phát triển, nhưng đồng thời, nhân dân cũng đón nhận các phương tiện giao thông công cộng ấy với một niềm ham thích. Không phải ngẫu nhiên mà ga Hà Nội trở thành biểu tượng, đi vào trong từng câu hát, câu thơ, từng bộ phim thời chiến. Ngoài ý nghĩa “nhân chứng sống” cho các “cuộc chia ly màu đỏ”, sân ga ấy còn chứng minh cho sự phát triển của giao thông đường sắt lúc bấy giờ.

Nay thì sao?

Nghĩ mà buồn khi người nước ngoài đến Việt Nam mãi lắc đầu nguây nguẩy về đường sá nước ta, về ý thức đi đường của công dân ta. Không rõ bởi nguyên cớ nào mà tâm tính người Việt lại đổi thay nhanh như thế. Xưa kia dân ta thế đâu? Hệ thống quản lý giao thông của ta thế đâu? Ấy vậy mà…

Đường có tắc thì có phân làn nữa, phân làn mãi cũng đến thế thôi, có mở rộng thêm vài chục mét thì đến giờ cao điểm vẫn ùn ùn. Những điều cốt lõi nhất ta không lưu tâm đến. Sao nhập ô tô con, xe máy “bãi rác” của Nhật, của Thái, của Tàu nhiều như vậy? Sao ở nội đô lại nhiều điểm bán xe như thế? Người Nhật có còn thiết tha đi xe máy nữa đâu. Các hãng xe trong nước không bán được sản phẩm của mình, họ phải xuất ra nước ngoài. Như vậy là ta mua hàng “tồn kho” của họ, ta lạc hậu hơn nhiều so với tư duy người ta. Chậm tiến về công nghệ không phải điều gì ghê gớm, nhưng chậm tiến về tư duy là một điều nguy hiểm. Cứ giữ mãi nếp suy nghĩ đó, khi nào mới “nước mạnh, dân giàu”?

Có cần thiết người dân nội thành phải đi học, đi làm với phong thái vội vã kia không? Đường đến trường, đến công sở không xa, sao không chịu khó dậy sớm một chút, về nhà muộn một chút? Sao không chịu nhường đường cho nhau, ai cũng muốn vượt lên? Sao cứ thích liều lĩnh vượt đèn đỏ để rồi mất oan vài trăm nghìn thay vì chờ đợi có mấy giây? Có lẽ kinh tế thị trường làm cho người ta sống gấp hơn, vội vã hơn, muốn giành giật lợi ích nhanh hơn. Nhưng một nền kinh tế vội vã chưa khi nào là nền kinh tế vững bền. Lịch sử đã trải qua nhiều bài học rất đắng lòng về phát triển. Thiết nghĩ, điều quan trọng là khi bắt đầu làm việc, chúng ta làm ra sao, năng suất lao động thế nào, chứ đi đến công sở chậm một vài bước chân đâu phải vấn đề gì quá lớn?

Một tệ nạn nữa, là nhậu nhẹt quá nhiều. Giờ tan sở, rất nhiều người không về nhà ngay mà toàn tụ tập ở những quán xá, những địa điểm ăn chơi. Hà Nội chưa khi nào mọc lên nhiều nhà hàng, vũ trường, quán bia, quán karaoke đến thế. Điều đó tưởng chừng như không ảnh hưởng đến trật tự giao thông, nhưng nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy đó là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc. Bởi những nơi ấy là chốn tập trung đông người, nên dòng người cùng đổ về một hướng chắc chắn sẽ chật chội, và điều không may phải đến, như một lẽ tự nhiên.

Chuyện điều tiết giao thông còn bất cập lắm. Tôi đi trên đường, nhiều khi đông quá, chả nhìn thấy ông CSGT đâu, chả biết chỉ dẫn thế nào. Sao không xây bốt CSGT cao hơn mặt đường cho mọi người cùng nhìn thấy?

Nhiều khi đi đường mà nhớ lại chuyện xưa bố kể, tôi ngậm ngùi. Khi nào mới trở lại ngày xưa, một Hà Nội mộng mơ, với những “con đường vắng, rì rào cơn mưa nhỏ”? Thèm lắm!

 

Duy Hùng

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

14 BÌNH LUẬN

  1. – Phân bố kinh tế không đồng đều, dân số tập trung nhiều ở các thành phố lớn. Những người ở ngoại thành muốn làm việc ở thành phố đều phải tìm cách thuê, mua nhà để sống tại thành phố đó luôn. Giải pháp: cần vốn để xây dựng hệ thống đường sắt kết nối các thành phố lớn với các tỉnh ngoại thành. Khi vấn đề đi lại tiện lợi, dân số và kinh tế sẽ không còn tập trung quá nhiều tại một điểm. Mật độ xe trên đường cũng có thể được giảm bớt. (Phương tiện công cộng như xe buýt cũng tốt nhưng chỉ hiệu quả cao đối với các tuyến đường ngắn, vẫn dễ gây ách tắc giao thông)

  2. giao thông đang là lĩnh vực có quá nhiều giá trị ảo, nó chỉ thay đổi về chất khi người ta dần quay về với những giá trị thực. đâu là truyền thống? vấn đề còn rất nan giải hiện nay.

  3. Phần nhiều họ đi thẳng một đường, không ngoái lại, không quay sang mà chỉ cắm đầu cắm cổ đi.
    Phần nhiều lo bị tụt lại, nên cứ phải cố mà lách thêm 1 phân.
    Phần nhiều sợ thua thiệt bản thân, sợ người ta hơn mình, nên phải cố mà du người này, đẩy kẻ kia.
    Phần nhiều người ta không “sống”, họ chỉ “tồn tại” thôi.

  4. Đúng là bây giờ người Hà Nội sống vội quá. Việc ắc tách giao thông theo mình thì chủ yếu do không chịu nhường nhau, ai cũng muốn mình hơn, mình lợi, bất cẩn trở thành tham lam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI