28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đường Về Nô Lệ – Friedrich A. von Hayek (giới thiệu)

Tác phẩm Đường Về Nô Lệ của F.A. Hayek đến với độc giả trong nước từ năm 2008. Đây là một trong những tác phẩm kinh tế chính trị vĩ đại nhất của thế kỷ XX.

*  *  *

Việt Nam đã từ bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp được hơn hai thập kỷ. So sánh những kết quả đạt được giữa hai thời kỳ trước và sau đổi mới ta có thể khẳng định quyết định chuyển sang cơ chế thị trường của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Đời sống vật chất và tinh thần của từng người dân không ngừng được cải thiện. Những vật dụng được xem là xa xỉ thời kế hoạch hóa như xe máy, tivi, dầu gội đầu v.v… thì nay đã trở thành những vật dụng tối thiểu trong mỗi gia đình; trước kia người dân Việt Nam chỉ có thể biết được tin tức thế giới qua hệ thống loa truyền thanh, thì ngày nay họ có thể tìm hiểu mọi thứ qua internet, truyền hình cáp, và thậm chí có thể đi hàng nghìn cây số đến tận nơi để quan sát. Tuy thế, những di chứng mà cơ chế này gây ra cho xã hội vẫn còn đó và đang gây nhức nhối cho xã hội.

Đây không phải là nhận định được nói ra bởi những người dân thường hay các học giả; trên thực tế nó thường xuyên được những vị lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước nhắc đến (1). Nhưng cụ thể cơ chế kế hoạch hóa trước kia đã gây ra những căn bệnh xã hội gì cho hiện nay? Làm thế nào để khắc phục được chúng? Đấy quả thực là những câu hỏi hóc búa cho bất kỳ ai có trách nhiệm với xã hội. Cuốn sách Đường Về Nô Lệ của F. A. Hayek, một trong những kinh tế gia và tư tưởng gia xuất sắc nhất của thế kỷ XX, có thể được xem như là cuốn “cẩm nang” hàng đầu để giải quyết những vấn nạn này cho xã hội Việt Nam hôm nay.

Những khó khăn mà người Việt Nam chúng ta đã trải nghiệm trong thời kỳ kế hoạch hóa đã được Hayek nhìn thấy trước từ cách đây hơn 60 năm khi ông cảnh báo những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra cho nước Anh nếu đất nước này áp dụng cơ chế hoạch định tập trung (2) sau thế chiến II. Khi phương tiện sản xuất bị quốc hữu hóa, cơ chế giá cả bị xóa bỏ, và mọi thứ đều phải tuân theo những kế hoạch cứng nhắc do trung ương áp đặt xuống thì động lực sáng tạo của các cá nhân sẽ bị mai một, trí tuệ cá nhân sẽ không được khai thác, chi phí cho hệ thống quan liêu cồng kềnh ngày một phình to, nguồn lực sẽ bị phân bổ vào những lĩnh vực không hiệu quả, và hậu quả tất yếu là nền kinh tế của quốc gia sẽ bị suy yếu, đời sống của dân chúng bị sút kém, và bất mãn trong xã hội ngày càng gia tăng. Những gì nền kinh tế Việt Nam phải trải qua trong giai đoạn áp dụng cơ chế kế hoạch hóa tập trung trước đổi mới, chẳng hạn khan hiếm lương thực thực phẩm – điều khó có thể tượng tượng được ở một đất nước được xem như là vựa lúa của thế giới, có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho những tiên đoán của Hayek trên khía cạnh này.

Nhưng kinh tế không phải là lĩnh vực duy nhất mà cơ chế kế hoạch hóa tập trung gây ra hệ quả xấu. Thực ra trong cuốn Đường Về Nô Lệ Hayek chỉ điểm qua các tác động thuần túy kinh tế của cơ chế này. Ông chỉ ra rằng trong cuộc sống không thể tách rời “động cơ kinh tế” ra khỏi các mục tiêu khác mà con người muốn hướng tới vì một khi chúng ta không có cơ hội đạt được mục tiêu kinh tế thì khó có thể đạt được các mục tiêu khác. Khi cơ chế kế hoạch hóa tập trung ngăn cản các cá nhân quyền tự tìm kiếm thu nhập và sử dụng tài sản của mình cho những mục đích riêng tư tất dẫn đến những tác động tiêu cực về mặt đạo đức, thái độ, lối sống và cách ứng xử của con người, mặc dù sự thay đổi này diễn ra từ từ và gần như không thể nhận ra được.

Kế hoạch hóa tập trung khiến cho người ta chỉ biết phục tùng, mất khả năng tư duy độc lập và phản biện, và có xu hướng thích sử dụng ngôn từ sáo rỗng dập khuôn; khiến cho người ta sợ chịu trách nhiệm cá nhân, kích thích lối sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác; khiến cho người ta mất động lực vươn lên và thay vào đó là tư duy bình quân chủ nghĩa; khiến cho người ta mất đi cảm giác phân biệt thiện – ác trong hành động và thay vào đó là các biện minh nhân danh cộng đồng hay sứ mệnh cao cả; kích thích người ta chạy theo lối sống xin xỏ, chạy chọt để hưởng đặc quyền đặc lợi, và quyền ban ơn huệ cho người khác, v.v…

Có lẽ đa phần người Việt Nam đều nhận ra được những thái độ và lối sống như thế của chính họ trong thời gian trước đây và ở một mức độ nào đó, trong hiện tại. Nhiều người lờ mờ cảm thấy rằng đó là do cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, nhưng cụ thể cơ chế đó tác động như thế nào theo những kênh dẫn nào thì ít người có thể hiểu được tường tận. Khi đọc tác phẩm này, chúng ta sẽ hiểu được tại sao chúng ta lại có thái độ và hành vi như vậy. Nó giúp chúng ta giải tỏa được rằng đấy không phải là do “bản tính xấu xí của người Việt Nam” như nhiều người đổ tại, mà là do những nguyên nhân sâu xa khác. Nó cho chúng ta niềm tin rằng chúng ta có thể khắc phục được những thói hư tật xấu đó nếu như chúng ta có thể rời xa hẳn được cơ chế kế hoạch hóa tập trung.

Nếu cuốn sách chỉ dừng lại ở việc phê phán những hậu quả tai hại của hệ thống kế hoạch hóa tập trung, những kết cục trái ngược hẳn với những mong muốn tốt đẹp ban đầu của những người thực tâm cổ vũ nó, thì chắc hẳn cuốn sách đã không thể nào có được tầm ảnh hưởng vượt thời gian và không gian đến như vậy; nó cũng khó thể trở thành cuốn sách gối đầu giường của những nhà cải cách kinh tế khắp nơi trên thế giới, từ Anh, Mỹ, cho tới Đức và Nhật, từ các nước chuyển đổi ở Đông Âu cho tới các nước Châu Mỹ La tinh và các nước châu Á. Giá trị của cuốn sách thực chất lại nằm ở chỗ, thông qua phê phán nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bằng cách so sánh các nguyên lý của nó với các nguyên lý của nền kinh tế thị trường, Hayek đã gián tiếp làm nổi bật được thị trường là gì, đâu là những thứ thị trường có thể mang đến cho con người, và làm thế nào để con người có thể khai thác được thị trường một cách có hiệu quả. Ông đã giúp chúng ta hiểu được rằng thị trường, hay môi trường để mọi người trao đổi hàng hóa, không phải là chân không là bất biến, mà là một tập các định chế xã hội do con người hình thành và tích lũy từ bao đời.

Nội dung của nó là các quy tắc, luật lệ, tập tục, hay chuẩn mực hình thức giúp con người xác định quyền sở hữu, trao đổi quyền sở hữu, và bảo vệ quyền sở hữu. Trên nền tảng những quy tắc này, con người được tự do sáng tạo, tự do theo đuổi mưu cầu hạnh phúc riêng của mình; nhờ đó con người có cơ hội mở rộng khả năng lựa chọn trong việc định đoạt số phận của mình, có cơ hội khai thác được tốt nhất những của cải vật chất cũng như tri thức riêng biệt của mình, và quan trọng hơn cả, khuyến khích người ta dám dấn thân khám phá ra những chân trời tri thức mới. Và một khi chúng ta hiểu được rằng nội dung của thị trường là một tập hợp các quy tắc hình thức ràng buộc hành vi của mỗi con người, thì chúng ta, những người thực tâm muốn đóng góp cho sự phát triển của xã hội, sẽ xác định được mục tiêu hành động là khám phá và chia sẻ các quy tắc mà chúng ta tin rằng chúng hiệu quả hơn những quy tắc hiện hành.

Bằng việc đối sánh giữa kế hoạch hóa tập trung và thị trường, Hayek cũng đã giúp chúng ta hiểu đúng khái niệm kế hoạch, giúp chúng ta tránh được bối rối khi nói đến hoạch định hay kế hoạch hóa. Kế hoạch hóa đúng ra cần phải được hiểu là cách thức mà các chủ thể dùng để giải quyết các vấn đề mà họ phải đương đầu một cách hợp lý nhất, bằng năng lực viễn kiến mà họ có thể kiểm soát được. Theo nghĩa đó các cá nhân sẽ phải tự lo liệu hay hoạch định cho cuộc sống của chính mình, và chính phủ chỉ nên giới hạn công việc hoạch định của mình vào việc “thiết lập một hệ thống pháp chế duy lý, có tính ổn định lâu dài, rồi để cho những người tham gia tự hoạt động theo các kế hoạch của riêng mình” (tr. 106). Kế hoạch hóa như thế là kế hoạch hỗ trợ thị trường, khuyến khích sự cạnh tranh. Nghĩa là, như Hayek tổng kết: “Có thể kết hợp giữa kế hoạch hóa và cạnh tranh để lập kế hoạch hỗ trợ cạnh tranh chứ không phải lập kế hoạch để chống cạnh tranh” (tr. 115).

Như vậy, khi nhấn mạnh đến thị trường Hayek không có ý cho rằng cứ để kệ thị trường muốn ra sao thì ra. Hayek luôn nhấn mạnh đến khả năng của con người trong việc thay đổi các quy tắc, chuẩn mực chung trong xã hội. Theo ý đó Hayek hoàn toàn không phải là người bảo thủ – điều mà chính ông đã khẳng định trong phần cuối của một kiệt tác khác, cuốn Hiến Pháp Tự Do (Constitution of Liberty). Khi ông viết tựa cho cuốn Đường Về Nô Lệ ông đề tặng cuốn sách cho “tất cả những người xã hội chủ nghĩa” với ý nghĩa hoàn toàn chân thành. Ông chia sẻ về mục tiêu của những người xã hội chủ nghĩa. Nhưng cái mà ông không đồng tình với họ là phương pháp mà họ chọn để đạt tới mục tiêu đó, tức việc áp dụng mô hình kế hoạch hóa tập trung. Ông chỉ ra rằng có một con đường khác để những người có tâm với xã hội có thể can thiệp vào đời sống xã hội, làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn, phồn thịnh hơn.

Đấy là con đường hình thành những quy tắc hình thức và lối sống mới, kích thích mọi người làm chủ bản thân mình, không xâm phạm sở hữu của người khác, và có ý thức hợp tác cao trong công việc. Nhưng những quy tắc này phải được đưa vào cuộc sống thông qua các quá trình tự thử nghiệm, đàm phán và thuyết phục lẫn nhau, thay vì giao cho một nhóm nhỏ nào đó áp đặt lên toàn thể xã hội. Những người tham gia vào việc giới thiệu các quy tắc mới cũng phải chấp nhận một sự thật rằng các quy tắc cụ thể mà họ giới thiệu cũng chỉ là những tuỳ chọn thêm vào cho xã hội chứ không phải là những quy tắc tối ưu mà xã hội bắt buộc phải theo. Quá trình lựa chọn các quy tắc phù hợp cho xã hội là một quá trình chọn lọc từ những tuỳ chọn do những người thực tâm đề xướng. Ta không thể thấy được kết quả tốt đẹp của nó trong ngày một ngày hai, nhưng đấy lại là con đường duy nhất để “cải tạo xã hội” theo hướng ngày càng tốt đẹp hơn trong hòa bình.

Cuốn sách của Hayek gửi đến cho chúng ta một thông điệp rõ ràng rằng những hậu quả mà kế hoạch hóa tập trung gây ra cho xã hội đều có thể được khắc phục bằng cách áp dụng các nguyên lý thị trường. Những điều mà chúng ta không bằng lòng về đời sống đạo đức của người Việt Nam ngày hôm nay không phải là do cơ chế thị trường, không phải là bản tính của người Việt Nam, mà đa phần là di chứng của thời kỳ kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, của những quá khứ nơi chủ nghĩa tập thể ngự trị. Nhưng chúng ta có thể tác động vào việc hoàn thiện các quy tắc hình thức kiến tạo nên trật tự thị trường để dần khắc phục chúng. Thật may mắn là chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều từ những quốc gia đi trước.

Những quy tắc thương mại và ứng xử mà chúng ta cam kết khi nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) chẳng phải là một kho tàng vô giá để chúng ta tự hoàn thiện mình hay sao? Có lẽ nhắc lại cũng không thừa, ngay cả khi dân tộc ta có thể rút ngắn được thời gian trong việc hoàn thiện các quy tắc hành xử của chính mình thì chúng ta vẫn phải hiểu rằng đây là một quá trình lâu dài, cần phải nỗ lực liên tục và bền bỉ. Đối với những người cấp tiến, nếu vượt qua được rào cản thuật ngữ (3), thì tác phẩm Đường Về Nô Lệ chính là một hành trang không thể thiếu vì nó không những đã nói ra được hầu như tất cả những điều tồi tệ nhất chúng ta đã phải trải qua, chứng kiến, hay cảm nhận nhưng không hiểu được nguyên nhân từ đâu, mà còn chỉ cho chúng ta biết chúng ta nên làm gì để vượt qua chúng. Có lẽ đấy là ý nghĩa thực tiễn quan trọng nhất mà cuốn sách này mang lại cho chúng ta trên con đường xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tự do và phồn thịnh.

 

Chú thích:

(1) Chẳng hạn, trong buổi làm việc với bộ Khoa học và công nghệ hôm 27/06/2008, Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nông Đức Mạnh có nhắc đến một di chứng có hại của cơ chế kế hoạch hóa tập trung đối với nền khoa học của nước nhà như sau: “Chủ nghĩa bình quân và tư duy hành chính kéo dài nhiều năm đã là một trong những nguyên nhân làm giảm sút sức sáng tạo và nhiệt huyết của các nhà khoa học.” Trước đó ngày 22/01/ 2008, trong buổi phát biểu bế mạc hội nghị toàn thể lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, ông cũng đã nói đến việc Việt Nam đã chuyển đổi thành công “thể chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp trước đây sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thông qua các biện pháp như thay đổi hình thức sở hữu, hình thành các loại thị trường, xác lập tự do bình đẳng trong kinh doanh, áp dụng luật pháp để vận hành nền kinh tế v..v..

(2) Trong nguyên tác, Hayek sử dụng khái niệm “chủ nghĩa xã hội” với nghĩa xác định, để chỉ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp (tr. 20) được một số người cấp tiến lúc bấy giờ lựa chọn như là phương tiện để đạt được những mục đích cao đẹp của mình về tự do, bình đẳng, dân chủ và thịnh vượng (xem các trang 97-100). Ông đã nhấn mạnh trong lời tựa cho lần tái bán năm 1976: “Khi tôi viết cuốn sách này thì chủ nghĩa xã hội chỉ có nghĩa là quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất và kế hoạch hóa tập trung” (tr. 20). Chính vì lẽ đó, để tránh những hiểu lầm không đáng có với quan niệm chủ nghĩa xã hội theo nghĩa mục tiêu cao đẹp mong muốn đạt được đang thịnh hành ở Việt Nam hiện nay như “chủ nghĩa xã hội là dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, tôi sử dụng thẳng thuật ngữ “cơ chế kế hoạch hóa tập trung” để nói về phương thức tổ chức kinh tế – xã hội mà Hayek muốn phê phán.

(3) Về vấn đề khác biệt nguôn ngữ nhưng lại chia sẻ cùng nội dung tri thức khi tiếp cận các tác phẩm của Hayek tôi đã đề cập đến trong lời giới thiệu cuốn F.A. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp, của Ebeinstein, do Nguyễn Anh Hùng dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính và giới thiệu, NXB Tri Thức, 2007.

 

(Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính và giới thiệu)

Via Thị Trường Tự Do

Edit: Triết Học Đường Phố

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

9 BÌNH LUẬN

  1. Các nhà kinh tế chính trị học thì không nói làm gì, nhưng hỏi thật tác giả nhé sinh viên có cần thiết đọc quyển này không?
    Thực sự thì mình rất thích đọc sách, nhưng không biết nên đọc quyển gì vì sách rất nhiều loại nên mình chủ yếu đọc mấy quyển mà được mọi người giới thiệu (như mấy quyển mà mọi người giới thiệu trong các bài dự thi tháng Tám này). và một điều nữa là khi được giới thiệu thì mình thường hay đi thư viện đọc một lượt thấy cần thiết mua thì mình mới mua về.
    thực sự rất mong được tác giả và mọi người chia sẻ nhiều quyển sách hay và ý nghĩa. mình cảm ơn mọi người. :))

  2. cảm ơn vì bài viết ạ, có lẽ trong thời kì này, con người cần nhận thức rõ hơn những thứ đang diễn ra và tìm kiếm tự do cá nhân để xây dựng xã hội tốt đẹp, quyển sách này sẽ mang đến những ý tưởng hay.^^mong là mình sẽ được đọc nó trong ngày gần nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI